Tai biến mạch máu não: Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và cách phòng ngừa
Tai biến mạch máu não: Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và cách phòng ngừa
Tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não: Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và cách phòng ngừa - Ảnh: BookingCare

Tai biến mạch máu não: Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và cách phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 21/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 16/10/2023
Bài viết cung cấp các thông tin về dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán để phòng ngừa và điều trị tai biến mạch máu não.

Tai biến mạch máu não là căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư, đứng hàng đầu về nguyên nhân gây tàn tật trên thế giới. 

Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột qụy) là các thiếu sót thần kinh với các triệu chứng khu trú hơn là lan toả, xảy ra đột ngột, do mạch máu não bị vỡ hoặc tắc mà không do chấn thương sọ não.

Tai biến mạch máu não có 2 loại: 

  • Nhồi máu não (thiếu máu cục bộ não): xảy ra khi mạch máu bị nghẽn hoặc lấp.
  • Xuất huyết não (chảy máu não): Khi máu thoát ra khỏi mạch vỡ vào nhu mô não gọi là xuất huyết trong não, vào khoang dưới nhện gọi là xuất huyết khoang dưới nhện; còn phối hợp hai loại trên gọi là xuất huyết não - màng não. 

Dấu hiệu tai biến mạch máu não

Các dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch máu não:

  • Đột ngột bị tê hoặc yếu mặt, cánh tay hoặc chân, thường ở một bên cơ thể.
  • Đột ngột nói chuyện bị đớt hoặc không nói được, hoặc mất khả năng thông hiểu lời nói, người bệnh trở nên không hiểu tiếng mẹ đẻ. Trong trường hợp này người bệnh thường nói nhiều, với nội dung không phù hợp, không rõ nghĩa, không liên quan,…
  • Mất thị giác ở một bên hoặc cả hai bên mắt, nhìn đôi.
  • Đột ngột khó đi lại, chóng mặt, mất thăng bằng.
  • Đau đầu dữ dội đột ngột mà không rõ nguyên nhân.
  • Co giật.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Rối loạn ý thức và hôn mê.

Một cách dễ để nhớ các dấu hiệu đột quỵ là quy tắc F.A.S.T

  • F (Face: mặt): gương mặt tự nhiên bị méo, nụ cười bị méo một bên, nhân trung bị lệch.
  • A (Arms: tay): một cánh tay có thấp hơn hoặc rơi xuống khi cố gắng giơ cả 2 tay lên hoặc cầm đồ không chắc.
  • S (Speech: nói): có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản? Có nói lắp hoặc nói kỳ lạ, khó hiểu.
  • T (Time: thời gian): nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng này, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115.

Các phương pháp điều trị tai biến mạch máu não hiệu quả nhất chỉ khả dụng nếu người bệnh được nhận biết và chẩn đoán trong vòng 3 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Do vậy, nhận thấy những dấu hiệu bệnh nhân bị đột quỵ thì thời gian là vô cùng quan trọng để cấp cứu, đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nên gọi người trợ giúp, gọi ngay xe cấp cứu chuyển đến cơ sở y tế gần nhất nếu tình trạng bệnh nhân hôn mê. 

Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não do nhồi máu hoặc do xuất huyết não có thể xảy ra vì nhiều lý do. 

Tai biến mạch máu não do nhồi máu não thường xảy ra do cục máu đông, mạch máu bị nghẽn hoặc lấp. Những điều này có thể xảy ra vì:

  • Xơ vữa động mạch gây hẹp động mạch não và có thể gây lấp mạch từ mảng xơ vữa của các động mạch lớn 
  • Một số bệnh tim có thể tạo huyết khối trong buồng tim, mảnh huyết khối có thể trôi theo dòng máu làm tắc động mạch não gây đột quỵ. Trong nhóm nguyên nhân này, rung nhĩ chiếm tới 50% các trường hợp.
  • Dị tật tim (khiếm khuyết thông liên nhĩ hoặc thông liên thất).
  • Bệnh huyết học: tăng hồng cầu, tăng tiểu cầu, xuất huyết giảm tiểu cầu kèm huyết khối,…

Tai biến mạch máu não do xuất huyết não có thể xảy ra vì nhiều lý do như:

  • Huyết áp cao không phát hiện hoặc chưa được kiểm soát tốt.
  • Vỡ dị dạng mạch máu não.
  • U não xuất huyết.
  • Rối loạn đông máu và dùng thuốc kháng đông.
  • Viêm mạch.

Chẩn đoán tai biến mạch máu não

Chẩn đoán tai biến mạch máu não bằng cách kết hợp khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm khác. 

Trong quá trình thăm khám thần kinh, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số y lệnh nhất định hoặc trả lời các câu hỏi để tìm kiếm các dấu hiệu nhận biết cho thấy có vấn đề về cách hoạt động của não bộ hay không.

Các chỉ định cận lâm sàng dùng để chẩn đoán tai biến mạch máu não bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) sọ não.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não.
  • Chụp mạch máu kỹ thuật số xoá nền (DSA) não.
  • Siêu âm Doppler vùng cổ và Doppler xuyên sọ.
  • Khảo sát tim: ghi điện tim và siêu âm tim.
  • Xét nghiệm máu (tìm dấu hiệu nhiễm trùng, kiểm tra chức năng đông máu, lượng đường trong máu, chức năng thận và gan,...).
Chụp MRI sọ não
Chụp cộng hưởng từ giúp phát hiện các tổn thương và bất thường trong não - Ảnh: umcclinic.com.vn

Điều trị tai biến mạch máu não

Điều trị tai biến mạch máu não phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại tai biến mạch máu não mà người bệnh mắc phải.

Đối với nhồi máu não, ưu tiên hàng đầu là khôi phục tưới máu đến các vùng não bị ảnh hưởng. Nếu điều này xảy ra đủ nhanh, đôi khi có thể ngăn ngừa được tổn thương vĩnh viễn hoặc ít nhất là hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp cấp cứu và điều trị đột quỵ đã được chứng minh và mang lại hiệu quả thực tế cho người bệnh đột quỵ bao gồm: chăm sóc điều trị trong đơn vị đột quỵ, dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và can thiệp lấy huyết khối cơ học cho người bệnh đột quỵ thiếu máu não cấp.

Đối với xuất huyết não, việc điều trị phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của chảy máu. Kiểm soát huyết áp thường là ưu tiên hàng đầu vì điều này sẽ làm giảm nguy cơ chảy máu tiếp diễn hoặc tái chảy máu. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh các rối loạn đông máu nếu có. Phẫu thuật giải áp, lấy máu tụ đối với xuất huyết bán cầu đại não được xem xét ở các bệnh nhân trẻ, có khối máu tụ nằm nông ở chất trắng, kích thước đủ lớn và đang diễn tiến xấu gây hiệu ứng choán chỗ và thoát vị não. Không chỉ định phẫu thuật ở các bệnh nhân xuất huyết nhỏ hoặc xuất huyết quá lớn.

Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não cũng là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi. Một số hình thức giúp phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não như: Phục hồi ngôn ngữ, vật lí trị liệu, liệu pháp nhận thức,...

Bệnh nhân tập vật lí trị liệu sau tai biến mạch máu não
Bệnh nhân tập vật lý trị liệu sau tai biến mạch máu não - Ảnh: dotquy.kcb.vn

Phòng ngừa tai biến mạch máu não

Phòng ngừa tai biến mạch máu não không có nghĩa là có thể ngăn ngừa hoàn toàn nhưng nó có thể làm giảm tỉ lệ mắc phải.

Phòng ngừa tai biến mạch máu não bằng cách:

  • Cải thiện lối sống: chế độ ăn uống lành mạnh và thêm tập thể dục vào thói quen hàng ngày, đảm bảo ngủ đủ giấc.
  • Hạn chế hoặc không sử dụng hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích khác.
  • Kiểm soát các bệnh lý như béo phì, nhịp tim bất thường, ngưng thở khi ngủ, huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu cao.
  • Khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là những vấn đề gây ra tai biến mạch máu não.
  • Các loại thuốc dùng sau cơn đột quỵ có thể ngăn ngừa đột quỵ tái phát. Vì vậy cần tuân thủ uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.  
Thực phẩm gốc thực vật giúp giảm nguy cơ tai biến mạch máu não - Ảnh: dotquy.kcb.vn
Thực phẩm gốc thực vật giúp giảm nguy tai biến mạch máu não - Ảnh: quỵdotquy.kcb.vn

Trên đây là những thông tin cần biết về các dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa tai biến mạch máu não. Việc điều trị tai biến mạch máu não kịp thời không chỉ giúp cứu sống người bệnh, mà còn hạn chế được các biến chứng nguy hiểm để lại sau tai biến.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết