Trẻ chậm nói được hiểu là trẻ không đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ theo độ tuổi thông thường - khi tới 2 tuổi vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc chưa nói được từ ghép. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác như do thính lực, bại não hay chậm phát triển trí tuệ,... Cha mẹ có thể tìm hiểu một số nguyên nhân dưới đây.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ chậm nói
Nghe kém, điếc
Trẻ không nghe tốt sẽ gặp khó khăn trong việc hình thành từ ngữ, phát triển từ ngữ dẫn đến nói không tốt. Cha mẹ có thể quan sát một số dấu hiệu nghe kém hoặc các vấn đề về thính lực ở trẻ như:
- Trẻ không nhận ra một người hoặc đồ vật khi bạn gọi tên nhưng lại nhận ra nếu sử dụng cử chỉ.
- Trẻ không giật mình khi nghe những âm thanh lớn.
- Trẻ thường lúng túng/không định hướng được nguồn âm thanh
- ...
Chậm nói do tật dính thắng lưỡi
Dính thắng lưỡi là dị tật bẩm sinh, khiến trẻ nuốt khó, gặp khó khăn khi phát âm, nói ngọng. Nếu trẻ được phát hiện tình trạng dính thắng lưỡi khiến nói ngọng, chậm nói, sau khi cắt thắng lưỡi, việc nói ngọng hay chậm nói sẽ được cải thiện.
Tự kỷ
Chậm nói là một dấu hiệu điển hình ở trẻ tự kỷ. Nếu cha mẹ quan sát thấy các biểu hiện bất thường khác ở trẻ nên đưa trẻ thăm khám sớm xem có mối liên hệ tình trạng chậm nói với hội chứng rối loạn phổ tự kỷ hay không.
"Tự kỷ là các rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng bởi sự tương tác và giao tiếp xã hội kém, các hành vi lặp đi lặp lại và rập khuôn, và sự phát triển trí tuệ không đều đôi khi có khuyết tật về trí tuệ."
Thiểu năng trí tuệ
Trẻ thiểu năng trí tuệ thường gặp hạn chế trong việc nắm bắt và sử dụng ngôn ngữ, bao gồm cả việc hiểu và diễn đạt ý nghĩ. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc nhận biết âm thanh, từ vựng, cú pháp và cấu trúc ngôn ngữ. Khả năng nói do vậy có thể bị chậm do thiểu năng trí tuệ.
Các vấn đề về thần kinh
Một số bệnh lý về thần kinh có thể là nguyên nhân khiến trẻ chậm nói. Bởi chậm nói thường xảy ra khi có những bất thường trong cấu trúc của não bộ, vùng kiểm soát ngôn ngữ diễn đạt. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra âm thanh vì không thể phối hợp cử động của môi, lưỡi và hàm. Các vấn đề về thần kinh bao gồm:
- Bại não
- Loạn dưỡng cơ
- Chấn thương sọ não
Môi trường sống thiếu sự tương tác
Môi trường đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp. Trẻ bị bỏ bê, chơi một mình, xem điện thoại, ipad quá nhiều, bố mẹ ít nói chuyện với con, không có sự tương tác, khiến cho trẻ chỉ nhận thông tin một chiều,... trong một thời gian dài có thể khiến trẻ chậm nói.
Bên cạnh đó, nếu trẻ lớn lên trong gia đình song ngữ cũng có thể bị ảnh hưởng. Não của trẻ phải làm việc nhiều hơn để diễn giải và sử dụng cùng lúc 2 ngôn ngữ. Vì vậy, trẻ có thể mất nhiều thời gian hơn để bắt đầu sử dụng một hoặc cả hai ngôn ngữ đang học.
Trẻ chậm nói có thể do yếu tố môi trường, nhưng cần loại trừ các bệnh lý thực thể. Cha mẹ nếu quan sát thấy các dấu hiệu trẻ chậm nói nên thăm khám sớm, tránh tư tưởng chờ đợi rồi con sẽ biết nói có thể bỏ qua giai đoạn vàng.