Một nghiên cứu tổng hợp vào năm 2019 đã chỉ ra rằng trung bình người bệnh suy tim có thể sống được 5 năm kể từ khi được chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, con số này không áp dụng cho tất cả người bệnh bởi rất nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến tuổi thọ của người bệnh. Ngoài ra, các biện pháp điều trị tích cực và thực hiện lối sống lành mạnh đều có tác dụng trong việc kéo dài tuổi thọ của người bệnh.
Bệnh suy tim sống được bao lâu?
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn một nửa số người bệnh suy tim sẽ sống được khoảng 5 năm sau khi được chẩn đoán và khoảng 35% sẽ kéo dài được tuổi thọ lên tới 10 năm.
Cụ thể, một phân tích tổng hợp được tiến hành vào năm 2019 đã ước tính tuổi thọ của những người mắc bệnh suy tim kể từ khi họ được chẩn đoán bệnh:
- 1 năm: 87%
- 2 năm: 73%
- 5 năm: 57%
- 10 năm: 35%
Trong phân tích này cũng cho biết tỉ lệ của người bệnh lúc được chẩn đoán ảnh hưởng một phần đến tuổi thọ của họ. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với những người dưới 65 tuổi là khoảng 79%, trong khi tỷ lệ này là khoảng 50% đối với những người từ 75 tuổi trở lên.
Ngoài ra, sự hiện diện của các bệnh lý tiềm ẩn đi kèm cũng làm giảm tuổi thọ của những người mắc bệnh suy tim. Nghiên cứu từ năm 2021 cho thấy bệnh tiểu đường chiếm 28% số người bệnh suy tim tử vong; theo đó, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) chiếm 16% số ca tử vong.
Tuy nhiên, người bệnh suy tim cũng không cần quá lo lắng bởi hiện nay, y học đã phát triển để hỗ trợ người bệnh suy tim có thể kéo dài tuổi thọ thông qua thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật.
Biện pháp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh suy tim
Các thay đổi lối sống là biện pháp hiệu quả nhất để làm chậm sự tiến triển của tình trạng bệnh và tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh suy tim. Các thay đổi đó bao gồm:
Chế độ ăn hợp lý kết hợp tập thể dục
Bác sĩ khuyến nghị rằng những người mắc bệnh suy tim nên loại bỏ lượng muối hoặc natri dư thừa trong chế độ ăn uống. Bởi chế độ ăn uống thừa natri sẽ khiến cơ thể giữ nước, tăng mức độ phù ở các cơ quan.
Không chỉ thế, cũng cần hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, thức ăn chứa nhiều đường gây nguy hại cho sức khỏe tim mạch.
Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn ở những người mắc bệnh suy tim. Các hình thức tập luyện như bơi lội, đạp xe hoặc chạy bộ giúp tăng nhịp tim cũng như nhịp thở để rèn luyện sức khỏe tim mạch.
Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp với thể trạng của từng người.
Hạn chế trữ chất lỏng trong cơ thể
Những người bị suy tim có xu hướng bị trữ dịch trong các cơ quan trong cơ thể. Để giảm thiểu điều này, các bác sĩ đôi khi khuyến nghị hạn chế lượng chất lỏng hàng ngày của một người trong giới hạn an toàn.
Ngoài ra, nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc lợi tiểu, việc tiêu thụ quá nhiều chất lỏng có thể làm mất tác dụng của thuốc lợi tiểu.
Theo dõi cân nặng thường xuyên và giảm cân nếu cần thiết
Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh suy tim. Nghiên cứu cho thấy rằng giảm cân có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh suy tim.
Tuy nhiên, không phải lúc nào bác sĩ cũng khuyên người bệnh suy tim nên giảm cân. Trong một số trường hợp, giảm cân nhanh chóng có thể là dấu hiệu sớm của các tình trạng khác, chẳng hạn như chứng suy nhược.
Các bác sĩ thường yêu cầu người bệnh theo dõi cân nặng hàng ngày để kiểm tra xem có tăng cân đột ngột hoặc nhanh chóng hay không, đây có thể là dấu hiệu của việc trữ nước trong cơ thể.
Tổng kết lại, mỗi bệnh nhân mắc suy tim sẽ phát triển bệnh theo nhiều cách khác nhau, rất khó để nói được chính xác tuổi thọ của người bệnh suy tim. Những người bệnh được chẩn đoán bệnh sớm hơn sẽ có triển vọng hơn những người được chẩn đoán muộn hơn. Ngoài ra, thay đổi lối sống tích cực kết hợp với việc sử dụng thuốc cũng góp phần cải thiện đời sống của người bệnh.