Bác sĩ giải đáp: Tiểu đường giai đoạn cuối sống được bao lâu?

Tác giả: - Xuất bản: 25/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Bác sĩ giải đáp: Tiểu đường giai đoạn cuối sống được bao lâu - Ảnh: BookingCare
Bác sĩ giải đáp: Tiểu đường giai đoạn cuối sống được bao lâu - Ảnh: BookingCare
Tiểu đường giai đoạn cuối có chữa được không là câu hỏi của nhiều người bệnh tiểu đường thắc mắc khi tình trạng bệnh trở nặng. Cùng tìm hiểu lời giải đáp của bác sĩ về vấn đề này trong bài viết dưới đây của BookingCare.

Bệnh lý tiểu đường khi được phát hiện ở mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có các phương pháp điều trị tương ứng khác nhau. Kể cả khi bệnh lý đã tiến triển đến giai đoạn cuối, thì việc kiên trì tuân thủ các phương pháp điều trị từ các bác sĩ chuyên khoa nội tiết là cực kỳ quan trọng để cải thiện được tình trạng bệnh lý.

Tiểu đường giai đoạn cuối sống được bao lâu?

Tiểu đường giai đoạn cuối là giai đoạn mà bệnh tiểu đường đã tiến triển nặng, thậm chí, còn xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng bao gồm: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, nhiễm trùng và đoạn chi, mù lòa…

Theo Thống kê của Hiệp hội Đái tháo  đường Anh Quốc ( năm 2010) , tuổi thọ của người bệnh Đái tháo đường típ 2 giảm đi 10 năm so với người không bị đái tháo đường , còn người bị đái tháo đường típ 1 có tuổi thọ giảm đi đến 20 năm so với người không bị đái tháo đường.

Bệnh lý tiểu đường giai đoạn cuối thì gần như không có khả năng chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể điều trị nhằm mục tiêu kiểm soát đường huyết mục tiêu tối ưu nhất và cố gắng, ngăn ngừa các biến chứng nặng có thể xảy ra. 

Việc tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của các bác sĩ Nội tiết, thực hiện chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và sử dụng đúng loại thuốc được chỉ định giúp kiểm soát mức đường huyết, ngăn ngừa biến chứng và hạn chế tác động của bệnh. Rất nhiều người bệnh tiểu đường đã đạt được sự phục hồi đáng kể thông qua các biện pháp này.

Không những thế, giờ đây đã có nhiều biện pháp phẫu thuật can thiệp để cải thiện chức năng tuyến tụy ở người bệnh tiểu đường như cấy ghép tụy hay liệu pháp tế bào gốc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các biện pháp này khá phức tạp, yêu cầu nhiều điều kiện đi kèm như nguồn tạng, độ phù hợp của tạng với cơ thể, tay nghề bác sĩ, chi phí... người bệnh chỉ nên thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ.

Cách chăm sóc cải thiện sức khỏe ở người bệnh tiểu đường giai đoạn cuối

Việc chăm sóc, điều trị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối sẽ rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì của cả bản thân người bệnh, cả người thân trong gia đình và cả các bác sĩ điều trị. 

Sau đây là một số yếu tố cốt lõi trong việc điều trị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối:

  • Theo dõi đường huyết thường xuyên: Tiểu đường giai đoạn cuối cũng là thời điểm mà đường huyết tăng giảm thất thường nhất. Do đó, việc kiểm tra đường huyết là cần thiết để phát hiện sớm những đợt tăng hay giảm đường huyết bất thường và có phương án xử lý, ở giai đoạn này người bệnh có thể được bác sĩ tư vấn sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục để theo dõi tốt nhất mức độ dao động của đường huyết và có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh thuốc.
  • Chế độ ăn khoa học, hợp lý: Những ưu tiên hàng đầu để xây dựng một chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường là: chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, chia nhỏ bữa ăn, ưu tiên đồ ăn dễ tiêu, rau củ giàu chất xơ, thực phẩm chứa nhiều chất béo tốt và protein nạc
  • Tập luyện thể dục: Tập thể dục có thể cải thiện khả năng tiêu thụ glucose của cơ thể, giúp kiểm soát đường huyết. Với người bệnh tiểu đường, cần thảo luận với bác sĩ để tìm hiểu về hình thức và mức độ tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe và thể trạng từng cá thể bệnh riêng biệt
  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ: Việc dùng thuốc khi điều trị bệnh tiểu đường giai đoạn cuối thường phải kết hợp rất nhiều thuốc không chỉ là các loại thuốc giảm đường huyết mà còn cần sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp, giảm mỡ máu, lợi tiểu, chống trầm cảm,... Do đó, người bệnh cần phải cực kỳ thận trọng khi sử dụng thuốc và phải đảm bảo đúng liều lượng và cách dùng theo chỉ định từ bác sĩ
  • Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Suy nghĩ tiêu cực, tâm lý lo lắng, căng thẳng là không thể tránh khỏi khi người bệnh đang mắc tiểu đường giai đoạn cuối. Tuy nhiên, chính những căng thẳng ấy ảnh hưởng đến đường huyết và khiến chúng biến động khôn lường và khó kiểm soát . Để cải thiện tâm lý cho người bệnh tiểu đường giai đoạn cuối, gia đình nên thường xuyên trò chuyện, động viên tinh thần, khuyến khích họ tham gia các hoạt động nhẹ nhàng trong giới hạn bác sĩ cho phép

Khi bệnh tiểu đường tiến triển đến giai đoạn cuối, người bệnh có lẽ không khỏi lo lắng và luôn thắc mắc liệu “tiểu đường giai đoạn cuối có chữa khỏi không?”, “mắc tiểu đường giai đoạn cuối thì sống được bao nhiêu năm nữa?”... Tuy nhiên, người bệnh không nên lo lắng mà cần tập trung vào việc kiểm soát đường huyết để cải thiện tình trạng, ngăn ngừa bệnh lý ngày một tiến triển nặng hơn. 

Các giai đoạn của tiểu đường có thể ngắn dài khác nhau, điều này phụ thuộc vào sự tuân trị và lối sống của từng người bệnh và tiểu đường giai đoạn cuối sống được bao lâu còn tùy thuộc vào hiệu quả điều trị của mỗi người bệnh. Tuy nhiên nếu kiểm soát tốt mức đường trong máu và đề phòng biến chứng hiệu quả thì bệnh nhân có thể trì hoãn, thậm chí là đảo ngược diễn tiến của bệnh tiểu đường.