Không ít các bậc phụ huynh hiện nay hiểu lầm về vai trò cũng như cách tăng đề kháng cho bé. Điều này dẫn đến những sai lầm không đáng có trong cách chăm sóc và nuôi dưỡng con, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ.
Vậy có thể tăng đề kháng cho bé bằng những cách nào? Cùng BookingCare tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Sức đề kháng (hệ miễn dịch) đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ cơ thể khỏi các tác động tiêu cực từ môi trường, bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm,...
Từ 0 đến 3 tuổi, hệ miễn dịch của trẻ còn khá non nớt do chưa phát triển hoàn thiện, vì thế trẻ dễ bị ảnh hưởng nếu không được chăm sóc đúng cách.
Đề kháng tự nhiên của trẻ được hình thành khi trẻ còn là bào thai thông qua cơ chế truyền thụ động từ mẹ sang con (qua nhau thai). Sau này, khi chào đời, đề kháng tự nhiên được duy trì thông qua nguồn sữa mẹ.
Để đáp ứng tốt quá trình lớn lên của trẻ, tăng sức đề kháng là điều cần thiết hơn cả, giúp ổn định sức khoẻ và cân bằng tốc độ phát triển của con so với các bạn đồng trang lứa.
Ba mẹ có thể tham khảo một số cách tăng đề kháng cho bé hiệu quả như: cho da tiếp da với mẹ, cho trẻ bú sữa mẹ, khuyến khích con vui chơi ngoài trời, dinh dưỡng cân đối,...
Da kề da (ôm trẻ sơ sinh không mặc quần áo trên ngực hoặc trên bụng trần của người mẹ sau khi sinh) là một trong những cách tăng đề kháng cho bé hiệu quả cũng như mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ sau này.
Theo đó, trong quá trình da kề da, bé có thể được tiếp xúc với những lợi khuẩn từ mẹ, nhờ vậy giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Đây là “nền móng” quan trọng cho sự phát triển bình thường, toàn diện của trẻ sau này.
Trong sữa mẹ chứa kháng thể IgG và IgM cùng nhiều dưỡng chất dinh dưỡng khác (protein, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất,...) giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ và chống lại bệnh tật hiệu quả. Vì vậy, việc cho trẻ bú đủ sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời là cần thiết, góp phần tăng cường và bảo vệ sức đề kháng tốt.
Bao bọc quá mức và ít cho trẻ tiếp xúc với môi trường xung quanh là một trong những sai lầm điển hình của các bậc phụ huynh hiện nay, vô tình làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển cũng như làm suy yếu hệ miễn dịch.
Để con lớn lên khỏe mạnh, ba mẹ cần khuyến khích bé khám phá môi trường xung quanh, cho con chơi ngoài trời nhiều hơn. Vì khi ấy, bé có thể tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn, tạo điều kiện cho hệ miễn dịch tập luyện và hoàn thiện.
Trong suốt quá trình con nô đùa, vui chơi ngoài trời, ba mẹ cũng cần giám sát chặt chẽ để không xảy ra bất kỳ sự cố nguy hiểm nào. Theo dõi, quan sát sẽ giúp ba mẹ phần nào hiểu được thói quen cũng như sở thích của con để từ đó dễ dàng gắn kết tình yêu thương cũng như thấu hiểu con khi con khôn lớn.
Lưu ý, phụ huynh nên rửa tay sạch sẽ cho con sau khi chơi, trước và sau ăn để tránh vi khuẩn, virus có thể xâm nhập và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý với đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất gồm tinh bột, chất béo, đạm, vitamin và khoáng chất sẽ giúp hệ miễn dịch của bé hoạt động tốt hơn.
Trong khi chế biến, ba mẹ cũng cần tăng cường bổ sung vitamin C vào thực đơn ăn hàng ngày cho trẻ. Vì đây là loại vitamin rất cần thiết cho quá trình bảo vệ cơ thể (ngăn ngừa sự xâm nhập của virus và nâng cao khả năng diệt khuẩn của các tế bào). Vitamin C có nhiều trong cam, ổi, bưởi, chuối,...
Ngủ đủ giấc không chỉ giúp hồi phục sức khoẻ sau ngày dài hoạt động, mà còn hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả. Theo đó, khi ngủ ngon giấc sẽ thúc đẩy tế bào lympho T hoạt động, góp phần cải thiện chất lượng sức đề kháng và giúp trẻ khỏe mạnh, năng động hơn.
Tuỳ từng độ tuổi, ba mẹ nên cho con ngủ đủ từ 9 - 12 tiếng mỗi ngày.
Trên đây là chi tiết các cách tăng đề kháng cho bé mà ba mẹ nên tham khảo. Hy vọng sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu đúng, đủ về vai trò hệ miễn dịch cũng như xây dựng được kế hoạch chăm sóc trẻ hợp lý, khoa học.