Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn thường ảnh hưởng đến niêm mạc của mũi và hầu họng. Bệnh bạch hầu thường bắt đầu với các triệu chứng giống như cảm lạnh, chẳng hạn như sốt, đau họng, nuốt đau, ho. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Theo dõi bài viết này, để cùng tìm hiểu về cách lây của bệnh bạch hầu và cách phòng tránh bệnh hiệu quả.
Bệnh bạch hầu lây qua đường nào?
Nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh.
- Bệnh bạch hầu chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi.
- Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh.
- Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da, niêm mạc tổn thương do bạch hầu.
Cách phòng tránh bệnh bạch hầu
- Người bệnh nghi bị bệnh bạch hầu cần phải được vào viện để cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị.
- Tẩy uế và sát khuẩn đồ dùng, vật dụng của người mắc bệnh bạch hầu.
- Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân phải được xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày.
- Tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh bạch hầu.
Vắc-xin bạch hầu thường được kết hợp với vắc-xin uốn ván và ho gà. Vắc-xin ba trong một được gọi là vắc-xin bạch hầu, uốn ván và ho gà. Phiên bản mới nhất của loại vắc xin này là vắc xin DTaP dành cho trẻ em và vắc xin Tdap dành cho thanh thiếu niên và người lớn.
Hiện nay, tại Việt Nam, có các loại vắc-xin sau có chứa thành phần bạch hầu:
- DPT: (DTwP) với 3 thành phần: bạch hầu, uốn ván và ho gà toàn tế bào.
- ComBeFive và SII: với 5 thành phần: bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, viêm gan siêu vi B và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.
- Adacel và Boostrix: (DTaP) với 3 thành phần: bạch hầu, uốn ván và ho gà vô bào.
- Td: với 2 thành phần bạch hầu và uốn ván.
- Tetraxim: với 4 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào và bại liệt.
- Pentaxim: với 5 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, bại liệt và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.
- Infanrixhexa và Hexaxim: với 6 thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà vô bào, bại liệt, viêm gan siêu vi B và viêm phổi/viêm màng não/các bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib) gây ra.
Vắc-xin DPT, ComBeFive và SII được chính phủ chi ngân sách để tiêm chủng miễn phí cho các trẻ em trong độ tuổi quy định theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Các vắc-xin còn lại phải trả phí để tiêm chủng. Infanrix Hexa, Hexaxim và Pentaxim là những vắc xin có thể lựa chọn để tiêm chủng các mũi cơ bản theo lịch Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Lịch tiêm chủng bắt buộc cho vắc-xin phòng bệnh bạch hầu bao gồm 3 liều cách nhau ít nhất 1 tháng, bắt đầu từ khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, và 1 liều tiêm nhắc lúc trẻ 18 tháng tuổi. Vắc-xin bạch hầu còn được khuyến cáo tiêm nhắc vào các độ tuổi từ 4 – 7 tuổi, từ 12-15 tuổi, sau đó mỗi 10 năm bằng các vắc xin DTaP, Td, Tdap.
Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong. Tiêm chủng vắc-xin bạch hầu là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh. Ngoài ra, bạn đọc cũng nên thực hiện các biện pháp phòng tránh khác để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ mắc bệnh.