Bệnh chàm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị? Các loại chàm thường gặp
Bệnh chàm
Bệnh chàm gây ngứa ngáy và mất thẩm mỹ - Ảnh: BookingCare

Bệnh chàm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị? Các loại chàm thường gặp

Tác giả: - Xuất bản: 06/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Bệnh chàm là bệnh ngoài da thường gặp. Bệnh có nhiều dạng với những triệu chứng khác nhau. Vì vậy, việc điều trị bệnh chàm cần dựa vào dấu hiệu, nguyên nhân để có cách điều trị phù hợp.

Bệnh chàm không chỉ khiến làn da trở nên xấu xí, thô ráp mà còn khiến bệnh nhân khó chịu vì những cơn ngứa ngáy, đau rát. Chính vì vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh chàm là mối quan tâm của rất nhiều người.

Bệnh chàm là gì?

Chàm (eczema) là một trong những bệnh da liễu thường gặp. Bệnh có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ, tuy nhiên trẻ em lại là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, vì vậy cha mẹ cần hết sức chú ý.

Chàm là tình trạng viêm da thường gặp bởi nhiều nguyên nhân. Khu vực da mắc bệnh sẽ nổi những mụn nước mẩn đỏ khiến cơ thể bị ngứa. Bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em thường không thể kiềm chế được mà gãi vào những mụn nước này sẽ khiến da bị tổn thương trọng hơn.

Mọi dạng chàm đều là viêm da, nhưng không phải viêm da đều là chàm, chàm là một bệnh da không lây truyền, ngứa, viêm. Nó có thể là cấp, bán hay mạn tính.

Triệu chứng chung của bệnh chàm

Chàm có nhiều dạng khác nhau nhưng nhìn chung, chàm có các dấu hiệu dễ nhận biết như:

  • Những dát đỏ trên da hình tròn hoặc bầu dục kích thước khác nhau , trên đó có thể nổi các mụn nước , chảy dịch nhiều
  • Mụn nước vỡ ra , đóng vảy và bắt đầu bong da , làn da khô 
  • Triệu chứng cơ năng ngứa nhiều, người bệnh có thể gãi nhiều có thể tạo thành các vết xước, chảy máu

Nguyên nhân chính của bệnh chàm

Nguyên nhân của chàm hiện nay chưa được xác định rõ ràng nhưng có thể do một số lí do sau đây:

  • Yếu tố di truyền
  • Do cơ địa dị ứng: Người mắc các bệnh hen, viêm mũi dị ứng có nguy cơ cao mắc chàm
  • Dị ứng với các chất kích thích: Nước rửa chén, bột giặt, cao su, kim loại (Viêm da tiếp xúc
  • Thay đổi thời tiết
  • Stress, căng thẳng, mệt mỏi
  • Các tác nhân dị ứng từ môi trường như côn trùng, phấn hoa, không khí ô nhiễm
Bệnh chàm
Bệnh chàm có yếu tố di truyền - Ảnh: Pixabay

Triệu chứng của các loại bệnh chàm thường gặp

Bệnh chàm có rất nhiều dạng. Bệnh nhân nên tìm hiểu mình đang mắc bệnh nào để có phương pháp điều trị.

Chàm đồng tiền: 

Nguyên nhân gây bệnh hiện còn chưa rõ ràng. Một số yếu tố khởi phát bệnh là tổn thương tại chỗ như vết xước, vết mổ cũ, vết côn trùng cắn hoặc bỏng nhiệt. 

Viêm da tiếp xúc có thể biểu hiện lâm sàng như chàm đồng xu.

Các bệnh lý da khác như viêm da cơ địa, chốc, nhiễm trùng vết thương…:

Triệu chứng: Rát đỏ hình tròn hoặc hình bầu dục , trên có nhiều mụn nước tập trung thành đám, ngứa nhiều, tùy từng giai đoạn, với cấp tính mụn nước chảy dịch nhiều, với mạn tính tổn thương đóng vảy, bong da.

Chàm bàn tay

Tổn thương cơ bản của chàm bàn tay có thể thay đổi theo thời gian, khởi đầu là dát đỏ, phù nề và mụn nước, sau tiến triển thành dày sừng, nứt kẽ và các thay đổi mạn tính khác. Các hình thái chàm bàn tay hay gặp:

  • Viêm da tiếp xúc kích ứng
    • Nguyên nhân: thường do tiếp xúc với các chất acid và bazo chất tẩy rửa như xà phòng, dầu gội,...
    • Cơ năng: bỏng rát, đau nhức, ngứa. 
    • Giai đoạn đầu: ban đỏ, phù nề, ri dịch, mụn nước, tập trung ở vị trí tiếp xúc với tác nhân. 
    • Giai đoạn sau: trợt da, bong vảy, một số trường hợp nặng có thể hoại tử thượng bì (bỏng hóa chất). 
    • Giai đoạn mạn tính: ban đỏ, dày sừng, lichen hóa, nứt da và bong vảy. 
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng 
    • Cơ năng: ngứa (chủ yếu)
    • Vị trí tiếp xúc với dị nguyên, một số trường hợp tổn thương lan rộng ra vị trí xung quanh.
    • Cấp tính: ban đỏ, mụn nước, rỉ dịch, phù nề. 
    • Mạn tính: lichen, mảng bong vảy (thường có thể khó phân biệt với viêm da tiếp xúc kích ứng mạn).
    • Hay gặp nhất ở Việt Nam đó là viêm da tiếp xúc do xi măng, trong đó chất gây dị ứng hay gặp là chrom.
  • Chàm bàn tay cơ địa 
    • Xuất hiện ở những bệnh nhân có tiền sử hoặc hiện tại được chẩn đoán viêm da cơ địa.
    • Cấp tính: ngứa nhiều, sẩn, ban đỏ, mụn nước trên dát đỏ, ri dịch huyết thanh.
    • Bán cấp: ban đỏ, trợt da, sẩn bong vảy. Mạn tính: mảng dày da, lichen hóa, nốt, sẩn ngứa.

Cần loại trừ tác nhân gây viêm da tiếp xúc kích ứng trước. Với các bệnh chàm xuất hiện do dị ứng, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm dị ứng để tìm ra dị nguyên gây kích ứng hoặc tác nhân gây bệnh.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh chàm

Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh chàm bằng cách xem xét làn da và tìm hiểu thông tin bệnh sử.

Các triệu chứng của bệnh chàm có thể giống và khác nhau tùy loại chàm và cơ địa của từng người. Do đó các bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm và để xác nhận chẩn đoán và loại trừ các bệnh có biểu hiện tương tự.

Với các bệnh chàm xuất hiện do dị ứng, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm dị ứng để tìm ra dị nguyên gây kích ứng hoặc tác nhân gây bệnh.

Phương pháp điều trị bệnh chàm

Chàm là bệnh ngoài da không quá nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân nhưng khiến bệnh nhân ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ vậy, chàm khiến làn da bệnh nhân xấu xí, khiến bệnh nhân mất tự tin.

Vì vậy, việc điều trị cần thực hiện sớm để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Biện pháp điều trị bệnh chàm:

  • Sử dụng thuốc bôi ngoài da phù hợp với từng giai đoạn: Hồ nước, dung dịch Jarish, thuốc tím, thuốc mỡ, thuốc corticoid,...
  • Liệu pháp ánh sáng (Liệu pháp quang học): Sử dụng thiết bị kỹ thuật y học chiếu ánh sáng đặc biệt lên vùng da chàm. Mỗi bệnh nhân có thể được chỉ định chiếu loại tia sáng khác nhau.
  • Điều chỉnh tâm lý, kiểm soát stress, căng thẳng
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ dầu mỡ, đồ mặn, bổ sung đồ ăn giàu chất dinh dưỡng,...

Khi mắc bệnh chàm, bệnh nhân nên thăm khám với các bác sĩ Da liễu để được chẩn đoán phân biệt với các bệnh ngoài da khác cũng như các bệnh chàm với nhau để có phương pháp điều trị phù hợp.

Nếu bệnh chàm đã chuyển nặng và lan rộng, bệnh nhân nên sắp xếp thời gian đến thăm khám trực tiếp tại bệnh viện, phòng khám uy tín để được chẩn đoán và điều trị.

Cách phòng tránh và sống chung với bệnh chàm hiệu quả

Bệnh chàm có thể gặp ở bất cứ độ tuổi, giới tính nào, vì vậy nên việc phòng bệnh là hết sức quan trọng.

  • Bệnh nhân có người thân trong gia đình  bị bệnh chàm cần chú ý: các thực phẩm dễ gây dị ứng, chế độ ăn uống thiếu hợp lý gây nhiệt cơ thể, không nên lựa chọn những nghề nghiệp dễ mắc bệnh như làm nguyên liệu cao su, sơn xe…
  • Uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày, đây là biện pháp rất đơn giản, dễ thực hiện mà rất hiệu quả. Nước sẽ giúp bạn thanh lọc cơ thể, bài trừ độc tố.
  • Có chế độ ăn uống hợp lý: các thực phẩm có tính mát (rau má, bí đao, bí đỏ, đậu xanh), trái cây và rau củ tươi và hạn chế những thức ăn có tính nóng, nhiệt dễ gây bệnh.
  • Cần cẩn thận trước những thực phẩm lạ, dễ gây dị ứng.
  • Thường xuyên sử dụng các thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc gan, giải độc cơ thể hiệu quả.
  • Giữ vệ sinh da sạch sẽ, thông thoáng.
  • Khi có dấu hiệu bị bệnh, cần liên hệ ngay bác sĩ chuyên khoa Da liễu. Bệnh được thăm khám và điều trị sớm giúp cho việc điều trị mang lại hiệu quả cao và bớt tốn kém hơn.

Như vậy, trên đây là những thông tin về triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa bệnh chàm. Hy vọng bài viết của BookingCare sẽ mang lại thông tin hữu ích cho bạn đọc. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết