Cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em, gây ra bởi virus influenza. Đối với trẻ nhỏ, việc nhận biết và hiểu rõ về những triệu chứng của bệnh có thể giúp cha mẹ phát hiện bệnh sớm và lên kế hoạch chăm sóc phù hợp.
Triệu chứng bệnh cúm ở trẻ em
Sốt cao
Một trong những triệu chứng đầu tiên của cúm ở trẻ em là sốt cao theo cơn. Nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột và thường kéo dài vài ngày. Sốt cao là triệu chứng thông thường khi trẻ mắc cúm.
Trẻ sẽ hạ sốt và cảm thấy dễ chịu hơn khi được dùng thuốc hạ sốt. Nếu trẻ vẫn còn sốt cao sau khi dùng thuốc và lau mát, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.
Nhức mỏi cơ thể
Trẻ em chắc chắn sẽ cảm thấy đau nhức cơ thể khi bị cúm, nhưng có thể trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc mô tả chính xác triệu chứng để cha mẹ nhận biết. Trẻ có thể than "mệt mỏi" hoặc "đau khắp người".
Ho
Ho là một triệu chứng khá phổ biến của bệnh cúm ở cả người lớn và trẻ em, và có thể thay đổi từ ho khan sang ho đờm. Nếu nhận thấy trẻ khò khè, thở mệt, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay.
Nghẹt mũi
Nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp khi mắc cúm. Nếu trẻ bị nghẹt mũi nhiều do cúm, trẻ có thể có nguy cơ mắc viêm tai hoặc viêm xoang do chất dịch không thoát ra ngoài được.
Có thể cho trẻ uống nhiều nước, hướng dẫn trẻ xì mũi, rửa mũi với nước muối sinh lý để chất nhầy dễ dàng thoát ra ngoài.
Đau đầu
Đây cũng là một triệu chứng thường gặp khi mắc cúm, tuy nhiên khó nhận biết và trẻ cũng khó mô tả với người lớn về triệu chứng này.
Đau họng
Mặc dù các bệnh viêm họng do vi khuẩn cũng có thể gây đau họng cho trẻ, nhưng tình trạng đau họng đi kèm với bệnh cúm thường không trầm trọng đến mức gây khó nuốt.
Nôn ói và tiêu chảy
Nôn ói và tiêu chảy cũng là hai triệu chứng đặc trưng có thể xuất hiện ở trẻ em khi bị cúm bên cạnh các triệu chứng khác.
Đau tai
Chất nhầy tích tụ trong các xoang có thể gây áp lực và làm trẻ bị đau tai khi bị cúm ngay cả khi trẻ không bị viêm tai. Nếu cơn đau kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, trẻ có thể đã mắc phải biến chứng viêm tai giữa.
Mất cảm giác ngon miệng
Trẻ có thể biểu hiện chán ăn, bú kém hoặc bỏ bú, trông mệt mỏi hơn bình thường và ăn không ngon miệng trước khi biểu hiện bất kỳ triệu chứng cúm nào khác. Nếu phụ huynh nhận thấy trẻ giảm thèm ăn và không hoạt động như bình thường, cần theo dõi thêm các triệu chứng khác để biết rằng liệu trẻ có bị cúm hay không và đưa trẻ đi khám khi bệnh không cải thiện.
Việc nhận diện sớm và có biện pháp chăm sóc y tế kịp thời sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh cúm, hỗ trợ quá trình phục hồi và ngăn ngừa nguy cơ mắc phải biến chứng nghiêm trọng. Nếu nghi ngờ trẻ mắc cúm, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có kế hoạch điều trị và chăm sóc trẻ tốt nhất.