Bệnh cường giáp có nguy hiểm không?
Bệnh cường giáp có nguy hiểm không?
Nguy hiểm của bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp nguy hiểm như thế nào? - Ảnh: BookingCare

Bệnh cường giáp có nguy hiểm không?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 19/02/2024 | Cập nhật lần cuối: 21/04/2024
Cường giáp là tăng sản xuất hormone tuyến giáp. Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và tăng trưởng của cơ thể. Vậy bệnh cường giáp nguy hiểm như nào?

Bệnh cường giáp không chỉ là một tình trạng rối loạn nội tiết thông thường mà còn đi kèm với nhiều biến chứng cho người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh cường giáp đặc biệt là những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Bệnh cường giáp là gì?

Bệnh cường giáp là một tập hợp các rối loạn xuất phát từ sự tăng tiết của hormone tuyến giáp, bao gồm triiodothyronine (T3) và thyroxin (T4). Điều này dẫn đến những biến đổi trong hệ thống tim mạch và tăng chuyển hóa cơ thể. Các triệu chứng thường xuất hiện rõ ràng, như nhịp tim nhanh và giảm cân đột ngột, đánh dấu sự tác động của sự cường giáp đối với cơ thể.

Các triệu chứng cường giáp biểu hiện như thế nào?

Triệu chứng của bệnh cường giáp bao gồm những biểu hiện như sau:

  • Mệt mỏi, giảm khả năng vận động, giảm khả năng gắng sức
  • Người bệnh thường sụt cân mặc dù chế độ ăn bình thường hoặc nhiều hơn
  • Tim đập nhanh, khó thở, tức ngực
  • Thân nhiệt của người bệnh cao hơn so với người bình thường vậy nên nhạy cảm hơn với thời tiết, ra nhiều mồ hôi kể ngay khi không hoạt động gì
  • Khó ngủ, giấc ngủ ngắn không sâu, dễ cáu giận, lo lắng
  • Run tay đặc biệt ở các đầu ngón tay
  • Bướu cổ do phình to tuyến giáp

Bệnh cường giáp có nguy hiểm không? 

Nếu bệnh không được phát hiện điều trị đúng và kịp thời có thể gây nên nhiều chứng nguy hiểm bao gồm:

 Biến chứng mắt do Basedow

  • Thường xuất hiện trong vòng 6 tháng sau khi bị Basedow, rất hiếm gặp bệnh mắt sau khi đã điều trị.
  • Người bệnh có nguy cơ cao mắc phải : tuổi cao, người hút thuốc lá, tự kháng thể TSHR-Ab cao,…
  • Các biểu hiện chính người bệnh có thể gặp phải như: 
  • Giác mạc khô, ngứa, chói mắt, chảy nước mắt và nhìn mờ
  • Phần mềm quanh hốc mắt bị viêm và phù gây căng tức mắt đỏ kết mạc và phù nề mi. 
  • Các cơ quan quanh nhãn cầu như đau khi cử động mắt, hạn chế vận động nhãn cầu và nhìn đôi

Biến chứng tim mạch

  • Loạn nhịp tim: Là biến chứng tim mạch phổ biến nhất của cường giáp

Thường là loạn nhịp nhĩ (phổ biến nhất là rung nhĩ), rối loạn chức năng nút xoang và ngoại tâm thu trên thất

Tỷ lệ có rối loạn nhịp tăng theo tuổi, người có bệnh tim từ trước cũng có nguy cơ cao hơn ở các bệnh nhân bướu đa nhân độc

  • Suy tim xung huyết: Các nguyên nhân gây suy tim tăng cung lượng ở bệnh nhân cường giáp là do nhịp tim nhanh thường xuyên, tăng tiền gánh.

Nguy cơ bị suy tim tăng lên ở những bệnh nhân trên 60 tuổi, đặc biệt những người bị cường giáp kéo dài, cường giáp được phát hiện muộn và những người có bệnh tim từ trước. 

  • Bệnh cơ tim: Bệnh cơ tim liên quan đến tần số tim nhanh: Cường giáp có thể là nguyên nhân gây bệnh cơ tim do tần số tim nhanh. Bệnh cơ tim do nhịp nhanh có thể gây suy tim.

Loãng xương

  • Cường giáp sẽ làm tăng tốc độ chuyển đổi xương, giảm mật độ xương, loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương. 
  • Bệnh lý xương do cường giáp sẽ nặng hơn ở người cường giáp nặng, kéo dài và có kèm theo các yếu tố nguy cơ khác của loãng xương như mãn kinh sớm, gầy.
  • Giảm mật độ xương: Mất xương là một đặc điểm luôn có ở những bệnh nhân cường giáp rõ. Trong hầu hết các nghiên cứu thấy mật độ xương giảm từ 10 - 20%.
  • Nguy cơ gãy xương: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh cường giáp rõ (tăng T3, T4 và giảm TSH) là một yếu tố nguy cơ của gãy xương. 

Bệnh cường giáp vô cùng nguy hiểm nếu không phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời.  Không thể coi thường những tác động tiêu cực của bệnh hưởng tới sức khỏe, từ hệ tim mạch đến tâm lý và sinh hoạt hàng ngày.  Cần hiểu rõ về bệnh, nhận thức về nguy cơ biến chứng của bệnh từ đó có những phương pháp quản lý và điều trị bệnh phù hợp từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết