Bệnh cường giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Bệnh cường giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Bệnh cường giáp
Những thông tin cần viết về bệnh cường giáp - Ảnh: BookingCare

Bệnh cường giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 19/02/2024 | Cập nhật lần cuối: 21/04/2024
Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng sản xuất các hormone tuyến giáp từ đó gây tăng nồng độ hormone trong máu. Sự tăng sản xuất hormone tuyến giáp gây ảnh hưởng đến nhiều chức năng cơ thể và nếu không kiểm soát được có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nguy hiểm.

Bệnh cường giáp là rối loạn tuyến giáp phổ biến, tình trạng này xảy ra khi tuyến giáp gia tăng sản xuất hormone, có thể dẫn đến nhiều triệu chứng không mong muốn và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày. 

Cùng BookingCare tìm hiểu về những triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và chế độ dinh dưỡng qua bài viết dưới đây

Bệnh cường giáp là gì? 

Bệnh cường giáp (hyperthyroidism) hay còn được biết đến là bệnh tăng hoạt động của tuyến giáp, là tình trạng mà tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp tố. Tuyến giáp là một cơ quan nằm ở phía trước của cổ, trên khí quản và dưới thanh quản, có trách nhiệm sản xuất các hormone giáp tố (thyroid hormones), bao gồm thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh năng lượng cơ thể, ảnh hưởng sự phát triển và hoạt động của các tế bào.

Triệu chứng bệnh cường giáp

Cường giáp làm tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Điều đó có thể gây ra nhiều triệu chứng của cường giáp như sau:

  • Giảm cân nhanh nhưng gia tăng các cơn đói
  • Nhịp tim nhanh, không đều
  • Căng thẳng, lo lắng, bồn chồn, khó ngủ
  • Mệt mỏi,  yếu cơ, run ở đầu ngón tay
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt ở nữ
  • Tăng nhạy cảm với nhiệt, đổ mồ hôi.
  • Tóc mỏng, dễ gãy.

Nguyên nhân dẫn tới cường giáp

Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp đưa quá nhiều hormone tuyến giáp vào máu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:

  • Bệnh Basedow (Graves): Là tình trạng rối loạn tự miễn mà hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tuyến giáp, khiến tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây cường giáp.
  • Ung thư tuyến giáp.
  • Bướu tuyến giáp đơn nhân hoặc đa nhân có cường giáp.
  • Viêm tuyến giáp: viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến giáp sau sinh.
  • Bổ sung iod quá liều.
  • Do dùng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp.

Đối tượng nào có nguy cơ mắc cường giáp

  • Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cường giáp cao hơn nam giới. Đặc biệt, phụ nữ ở các giai đoạn tiền mãn kinh và sau mãn kinh thường có nguy cơ tăng.
  • Bệnh cường giáp có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhưng nguy cơ tăng lên theo tuổi. Người trưởng thành và người già thường có khả năng mắc bệnh cao hơn.
  • Gia đình có người mắc bệnh cường giáp, nguy cơ mắc bệnh của người khác trong gia đình cũng tăng lên do yếu tố di truyền.
  • Phụ nữ mang thai và sau khi sinh nở có nguy cơ cao hơn mắc bệnh cường giáp. Một số phụ nữ trải qua cường giáp do thay đổi hormone trong thai kỳ.
  • Những người có tiền sử về các rối loạn tự miễn (ví dụ: viêm tuyến giáp Hashimoto) có nguy cơ cao mắc cường giáp.

Thăm khám, chẩn đoán bệnh cường như thế nào?

Cường giáp được chẩn đoán dựa trên bệnh sử, thăm khám thực thể và các xét nghiệm:

  • Bệnh sử và thăm khám thực thể: run nhẹ ở đầu ngón tay, mạch nhanh, không đều, mệt mỏi, yếu cơ, móng giòn, tóc dễ gãy, rụng.
  • Xét nghiệm: 
    • Xét nghiệm nồng độ hormone TSH, T3, FT3, T4, FT4 trong máu.
  • Xét nghiệm hấp thu iod phóng xạ.
  • Xét nghiệm định lượng nồng độ các tự kháng thể tuyến giáp.
  • Một số xét nghiệm máu khác: CBC, cholesterol, glucose, calci…
  • Siêu âm tuyến giáp.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
Xét nghiệm nồng độ hormone trong máu để chẩn đoán cường giáp
Xét nghiệm nồng độ hormone trong máu để chẩn đoán cường giáp - Ảnh: BookingCare

Điều trị bệnh cường giáp

Cách tiếp cận điều trị bệnh cường giáp phụ thuộc vào độ tuổi, thể trạng và nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh:

  • Điều trị nội khoa: các thuốc chống lại tổng hợp hormone tuyến giáp (thuốc kháng giáp, iod và các chế phẩm chứa iod), thuốc ức chế beta giao cảm, thuốc kháng giáp tổng hợp với thyroxin, corticoid, thuốc an thần, vitamin và khoáng chất…
  • Điều trị bằng iod phóng xạ: là phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả với bệnh
  • Phẫu thuật cắt tuyến giáp: là phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp 

Biến chứng cường giáp

Bệnh cường giáp có thể dẫn đến một số biến chứng của cường giáp như sau:

  • Tim loạn nhịp, rung nhĩ, có thể dẫn đến đột quỵ, suy tim và các vấn đề tim mạch khác.
  • Bệnh mắt Basedow (nhìn đôi, nhạy cảm với ánh sáng, đau mắt), một số trường hợp có thể dẫn đến mất thị lực.
  • Loãng xương
  • Các vấn đề về khả năng sinh sản ở phụ nữ
  • Các biến chứng thai kỳ như  sinh non, sinh con nhẹ cân, tăng huyết áp thai kỳ, sảy thai.

Chăm sóc người bệnh cường giáp

Chăm sóc người mắc bệnh cường giáp đòi hỏi sự chú ý đặc biệt đến cả các khía cạnh y tế và sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là một số lưu ý trong chăm sóc người bệnh cường giáp:

  • Người mắc cường giáp cần thường xuyên kiểm tra mức hormone giáp để đảm bảo rằng mức hormone duy trì ổn định và không gây biến chứng.
  • Nếu được kê đơn thuốc, người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng. 
  • Sự nhạy cảm của da có thể tăng, vì vậy việc bảo vệ da khỏi tác động của tia UV bằng cách sử dụng kem chống nắng là quan trọng.
  • Phụ nữ mang thai cần kiểm tra thai nghén định kỳ và thảo luận với bác sĩ về cách quản lý cường giáp trong thời kỳ mang thai.

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh cường giáp nên được xây dựng sao cho đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cụ thể và hỗ trợ quá trình điều trị. 

  • Rau củ và trái cây giàu chất chống oxy hóa như quả mâm xôi, dâu, lựu, cà chua, và rau củ màu xanh.
  • Thực phẩm chứa chất xơ giúp duy trì sự cân bằng hệ thống tiêu hóa và hỗ trợ quá trình đào thải hormone giáp tố dư thừa. Rau củ xanh, hạt ngũ cốc nguyên hạt, và quả mâm xôi là những nguồn chất xơ tốt.
  • Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin D và acid béo omega 3
  • Bổ sung đạm đặc biệt là đạm động vật
  • Bổ sung các loại thực giàu kẽm như bí ngô, hạt hướng dương, quả bơ, hạt óc chó, hạnh nhân,...

Ngoài ra một số thực phẩm và thói quen ăn uống mà người mắc bệnh cường giáp nên hạn chế hoặc tránh:

  •  Một số loại thực phẩm có chứa iod cao như hải sản (các loại cá, tôm, sò điệp), tảo biển 
  • Caffein và thực phẩm chứa caffein như cà phê, trà, chocolate có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và giảm chất lượng giấc ngủ. Hạn chế hoặc tránh những thức ăn và đồ uống này, đặc biệt là vào buổi tối.
  • Thực phẩm có thể kích ứng dạ dày như thực phẩm chua cay, thực phẩm chứa cay, tỏi, hành tây, có thể tăng nguy cơ viêm nhiễm và rối loạn tiêu hóa.
  • Thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường cao có thể ảnh hưởng đến cân nặng và tình trạng sức khỏe tổng thể.
  • Rượu và thuốc lá có thể tác động tiêu cực đến tình trạng sức khỏe của người mắc bệnh cường giáp.

Nếu bạn hiện đang gặp vấn đề như giảm cân không rõ nguyên nhân, nhịp tim tăng cao, hoặc các dấu hiệu khác của cường giáp, việc đến thăm bác sĩ chuyên khoa nội tiết là quan trọng. Sau khi nhận được chẩn đoán về cường giáp, việc duy trì các cuộc kiểm tra định kỳ là quan trọng để theo dõi tình hình và đánh giá tác động của điều trị. Hãy lưu ý rằng việc kiểm soát lượng iod trong chế độ ăn là quan trọng và bạn nên thảo luận thêm với bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp cho tình trạng cường giáp của bạn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết