- Xuất bản: 05/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 05/10/2023
Bệnh đau mắt đỏ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả - Ảnh: BookingCare
Bệnh đau mắt đỏ hiện tại đang có xu hướng lây lan và bùng phát mạnh nhất là tại một số tỉnh thành lớn như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... Đặc biệt, năm 2023 số ca đau mắt đỏ tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2022 và đáng báo động hơn hết là số ca biến chứng viêm giác mạc, loét giác mạc, suy giảm thị lực, bội nhiễm đặc biệt tăng cao.
Đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng xảy ra khi kết mạc, lớp màng mỏng trong suốt che phủ toàn bộ bề mặt nhãn cầu và mặt trong mi mắt bị viêm đỏ. Viêm khiến các mạch máu nhỏ (mao mạch) trong kết mạc trở nên nổi rõ bất thường.
Đau mắt đỏ xảy ra ở mọi đối tượng gồm trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh này xảy ra quanh năm, rất dễ lây và lan rộng thành dịch nhất là vào khoảng thời gian giao mùa hè sang mùa thu.
Sự xuất hiện của sắc tố hồng hoặc đỏ ở tròng trắng mắt, một trong những triệu chứng đau mắt đỏ đặc trưng. Tình trạng này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần gây đau và khó chịu cho người bệnh.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Nếu không được điều trị và xử lý đúng cách có thể để lại di chứng nguy hiểm: Viêm giác mạc, loét giác mạc, suy giảm thị lực, bội nhiễm….
Dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ
Người bệnh đau mắt đỏ thường có biểu hiện rất điển hình như: đỏ mắt, ngứa mắt, mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt, cảm giác cộm mắt, mi mắt đau nhức, sưng nề. Một số người bệnh còn có triệu chứng đau họng, ho, nổi hạch sau tai, mệt mỏi, sốt nhẹ…
Thông thường, bệnh nhân sẽ bị đau một bên mắt trước. Sau đó, mắt còn lại cũng có nguy cơ cao xuất hiện các triệu chứng tương tự trong vài ngày tiếp theo.
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây truyền qua dịch tiết của mắt người bệnh hoặc dịch tiết từ đường hô hấp nhiễm vào mắt người lành.
Khi người bệnh đưa tay chạm mắt bị bệnh thì yếu tố gây bệnh sẽ nhiễm vào tay và lây cho người khác qua các vật dụng dùng chung (điều khiển từ xa, tay nắm cửa, khăn và chậu rửa mặt,…).
Virus gây đau mắt đỏ có trong dịch tiết đường hô hấp. Khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi, nước bọt có chứa virus sẽ bắn ra ngoài và nhiễm vào mắt người khác, đây là con đường lây lan chính trong cộng đồng.
Nguyên nhân bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ thường đến từ 3 nguyên nhân chính:
Do virus gây bệnh: đau mắt đỏ chủ yếu do virus adenovirus, ít phổ biến hơn là do virus herpes simplex hoặc virus zoster. Với biểu hiện đỏ ngứa mắt, chảy dịch mắt loãng, trong.
Do vi khuẩn: thường do vi khuẩn lậu cầu, vi khuẩn bạch hầu, liên cầu,... Vi khuẩn làm mắt tăng tiết dịch, dịch mắt này thường đặc, có màu vàng hoặc hơi xanh, đục và dính.
Do dị ứng với phấn hoa, lông động vật, khói thuốc lá, khói bụi,… bệnh thường xuất hiện ở cả hai mắt, ngứa nhiều hơn và mắt có thể sưng tấy.
Bệnh đau mắt đỏ thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… Thời điểm này, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.
Chẩn đoán đau mắt đỏ
Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ đều có thể chẩn đoán thông qua các dấu hiệu lâm sàng mà không cần thiết đến xét nghiệm.
Tuy nhiên, khi gặp triệu chứng, bệnh nhân vẫn nên đến các cơ sở nhãn khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị đúng vì có nhiều bệnh mắt nguy hiểm cũng có triệu chứng tương tự như viêm kết mạc cấp do virus như bệnh viêm loét giác mạc, glocom, viêm màng bồ đào,…
Phương pháp điều trị đau mắt đỏ
Khi bạn đi khám đau mắt đỏ, tùy vào từng tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê toa chỉ định thuốc khác nhau cho từng trường hợp bệnh cụ thể.
Đau mắt đỏ do virus: bệnh dễ lây lan, không cần dùng kháng sinh nhưng cần tuân thủ lời dặn của bác sĩ. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus acyclovir để điều trị các dạng viêm kết mạc nghiêm trọng hơn.
Đau mắt đỏ do vi khuẩn: thuốc uống, thuốc nhỏ và dùng thuốc mỡ theo chỉ định của bác sĩ. Bởi người bệnh thường xuất hiện triệu chứng đau mắt, đỏ mắt với nhiều mủ dính trong mắt, màu vàng xanh, kéo dài cả ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây ra ít hoặc không tiết dịch.
Đau mắt do dị ứng: sử dụng thuốc kháng histamin (gồm thuốc uống hoặc thuốc nhỏ) có thể giúp giảm đau mắt đỏ do nguyên nhân này nhưng sẽ khiến mắt bị khô.
Biểu hiện mắt đỏ và đau, ngứa do dị ứng có thể được khắc phục bằng cách nhỏ nước mắt nhân tạo, dùng thuốc dị ứng kê toa, đồng thời hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.
Điều trị đau mắt đỏ tại nhà
Bệnh nhân khi điều trị đau mắt đỏ tại nhà cần lưu ý một số lời khuyên dưới đây:
Rửa mắt, giữ vệ sinh mắt sạch sẽ. Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (Natri clorid 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt.
Lau rửa ghèn, rửa mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng bông, lau xong vứt bỏ ngay, tránh bệnh lây lan.
Không tra thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn vào mắt lành.
Chườm lạnh bằng cách đắp một chiếc khăn ướt, mát lên mắt trong các trường hợp mắt phù nề sưng tấy đỏ.
Những người bị viêm kết mạc đang hoạt động có thể sử dụng kính bảo hộ tối màu để giúp giảm chứng sợ ánh sáng và ngăn ngừa việc chạm vào mắt thường xuyên.
Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ có chứa corticoid hay những thuốc chưa rõ thành phần vào mắt. Điều này không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/ nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng
Sống chung với bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan và có thể diễn biến thành dịch, vậy nên để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, bạn đọc nên:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.
Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
Như vậy trên đây là những thông tin về triệu chứng, nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị đau mắt đỏ hiệu quả. Hy vọng bài viết đã mang lại những thông tin hữu ích và thiết thực đối với bạn đọc.