Cách trị bệnh đau mắt đỏ
Cách trị bệnh đau mắt đỏ
Cách trị bệnh đau mắt đỏ - Ảnh: BookingCare

Cách trị bệnh đau mắt đỏ

Tác giả: - Xuất bản: 05/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 11/12/2023
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, hóa chất bắn vào mắt, dị vật trong mắt, dùng kính áp tròng… với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia sau một hoặc vài ngày.

Xem ngay phần nội dung dưới đây để biết cách trị bệnh đau mắt đỏ hiệu quả.

Cách trị bệnh đau mắt đỏ hiệu quả

Đau mắt đỏ có thể điều trị hiệu quả bằng cách vệ sinh mắt thường xuyên và uống đúng, đủ thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tùy các loại đau mắt đỏ khác nhau sẽ có những cách điều trị khác nhau.

Lưu ý, bệnh nhân nên thăm khám với bác sĩ để được tư vấn chi tiết về việc sử dụng thuốc. Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ có chứa corticoid hay những thuốc chưa rõ thành phần vào mắt. 

Trị đau mắt đỏ do virus

Hầu hết các trường hợp viêm kết mạc do virus đều không quá nguy hiểm. Nhiễm trùng thường sẽ hết sau 7 đến 14 ngày mà không cần điều trị và không có bất kỳ hậu quả kéo dài nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh viêm kết mạc do virus có thể mất từ ​​2 đến 3 tuần hoặc hơn mới khỏi.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt, kháng sinh, kháng viêm để điều trị. Đối với các dạng đau mắt đỏ nghiêm trọng hơn, ví dụ, đau mắt đỏ do virus herpes simplex hoặc virus varicella-zoster gây ra thì càng cần chú ý hơn.

Trị đau mắt đỏ do vi khuẩn

Đau mắt đỏ do vi khuẩn nhẹ có thể thuyên giảm mà không cần điều trị bằng kháng sinh và không gây ra bất kỳ biến chứng nào. Tình trạng đau mắt đỏ có thể cải thiện sau 2 đến 5 ngày mà không cần điều trị nhưng có thể mất 2 tuần mới khỏi hoàn toàn.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh, thường dùng tại chỗ dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ để điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn. Thuốc kháng sinh có thể giúp rút ngắn thời gian nhiễm trùng, giảm các biến chứng và giảm sự lây lan sang người khác. 

Trị đau mắt đỏ do dị ứng

Đau mắt đỏ do chất gây dị ứng (chẳng hạn như phấn hoa hoặc lông động vật) thường được cải thiện bằng cách loại bỏ chất gây dị ứng khỏi môi trường của người bệnh. 

Thuốc dị ứng và một số thuốc nhỏ mắt (thuốc kháng histamin và thuốc co mạch) có thể được bác sĩ kê để giúp giảm đau mắt đỏ do dị ứng. 

Cách vệ sinh mắt đúng cách khi bị đau mắt đỏ

80% bệnh nhân đau mắt đỏ thường bắt nguồn do nhiễm virus. Đối với đa trường hợp này, vào buổi sáng ngủ dậy, nhiều người ko mở được mắt vì ghèn dính chặt. Lúc này, vệ sinh mắt đúng cách sẽ giúp loại bỏ ghèn và không làm mắt bị nhiễm khuẩn.

Đây là bước quan trọng nhất trong chăm sóc mắt đau mắt đỏ, giảm tiết ghèn,  dính mắt do ghèn.

Hãy vệ sinh mắt theo hướng dẫn dưới đây:

  • Rửa trôi bằng nước muối sinh lý giúp đẩy bớt lượng virus ra ngoài, làm sạch gỉ mắt thì nhỏ thuốc sẽ nhanh khỏi hơn.
  • Hãy nhỏ nước muối sinh lý vào bông gạc tiệt trùng, rồi nhỏ nước muối vào mắt, dùng bông gạc ẩm lấy hết gỉ mắt. Sau đó lại tiếp tục nhỏ nhiều giọt nước muối.
  • Khi rửa mắt hãy nghiêng đầu qua một bên, dùng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ liên tục 10-15 giọt, chớp mắt để nước trôi ra ngoài theo đuôi mắt và làm như thế với bên mắt còn lại.

Chú ý, nguyên tắc là rửa bên mắt lành hoặc bị đau nhẹ trước, mắt nặng sau. Khi rửa, cần dùng gạc (giấy sạch) hứng nước dưới đuôi mắt, không để nước từ mắt chảy ra dính xuống giường, đệm sẽ dễ lây bệnh cho người khác.

Nếu rửa mắt đúng cách, thường sau ngày thứ 3-4 ngày, mắt sẽ không còn tiết gỉ, đỡ chói nhưng vẫn đỏ, chảy nước mắt.

Lưu ý, khi nhỏ thuốc không chạm đầu lọ thuốc vào mắt. Mỗi người bệnh dùng lọ riêng, không sử dụng chung.

Như vậy, cách trị bệnh đau mắt đỏ không khó, có thể điều trị hiệu quả tại nhà. Bệnh nhân đau mắt đỏ nên nghỉ làm, nghỉ học, hạn chế lướt máy tính, điện thoại, tivi... để tránh lây nhiễm, giúp mắt được nghỉ ngơi và nhanh chóng hồi phục hơn.

Nếu không được điều trị và xử lý đúng cách có thể để lại di chứng nguy hiểm: Viêm giác mạc, loét giác mạc, suy giảm thị lực, bội nhiễm…. Vì vậy bệnh nhân cần được đến cơ sở y tế thăm khám sớm tránh những biến chứng không mong muốn.

Cách phòng ngừa đau mắt đỏ: 

  • Hạn chế dùng tay chạm vào mắt
  • Rửa tay thường xuyên 
  • Sử dụng khăn sạch và không dùng chung khăn
  • Thay vỏ gối, vệ sinh kĩ phòng ngủ và môi trường sinh hoạt xung quanh
  • Không dùng mỹ phẩm mắt cũ, không dùng chung mỹ phẩm
  • Tăng cường chế độ ăn khoa học: nhiều rau xanh, trái cây, thịt cá, cân bằng dinh dưỡng để tăng sức đề kháng….
Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết