Bệnh động mạch vành

Để hoạt động được bình thường, cơ tim cần được cung cấp năng lượng và oxy bởi các động mạch vành. Bệnh động mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh động mạch này bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn.
BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.

Bệnh động mạch vành là gì?

Vai trò của quả tim

Quả tim là một khối cơ rỗng có vai trò giống như một máy bơm hoạt động liên tục, bơm đẩy khoảng 8.550 lít máu mỗi ngày vào hệ tuần hoàn, cung cấp cho toàn bộ cơ thể. Quả tim bao gồm 2 phần có chức năng khác nhau.

Tim phải nhận máu tĩnh mạch (máu đen) đến từ các bộ phận của cơ thể, và bơm chúng lên phổi. Tại đây máu tĩnh mạch được làm giàu oxy và trở thành máu đỏ

Tim trái nhận máu từ các tĩnh mạch phổi (máu đỏ) và bơm chúng lên động mạch chủ để đưa đến các cơ quan qua hệ động mạch ngoại biên.

Mỗi phần có buồng nhận máu, được gọi là Tâm nhĩ và buồng bơm máu, được gọi là tâm thất. Các tâm thất có thành cơ dày (cơ tim) co bóp đều đặn (tần số khoảng 60-70 lần/phút khi nghỉ ngơi) để bơm máu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, làm cho dòng máu chảy trong các động mạch theo nhịp đập của tim.

Các Tâm nhĩ được ngăn cách với các Tâm thất bởi các van tim ( van ba lá ở bên phải và van hai lá ở bên trái). Các van tim này chỉ cho máu chảy một chiều: khi Tâm thất co bóp để tống máu vào trong động mạch, thì các van này đóng lại, để ngăn cản dòng máu phụt ngược lên Tâm nhĩ. Có các van tim tại các cửa ra của Tâm thất (van Động mạch phổi tại cửa ra của Tâm thất phải và van Động mạch chủ tại cửa ra của Tâm thất trái, các van này ngăn cản dòng máu chảy ngược về Tâm thất trong thời kỳ Tâm trương.

Để cơ tim hoạt động được, cũng như các cơ quan khác trong cơ thể, cơ tim cần được cung cấp đủ máu giàu ooxxy. Máu được cung cấp cho cơ tim qua hệ thống động mạch vành. Các nhánh động mạch vành xuất phát từ gốc động mạch chủ. Hệ động mạch vành gồm có động mạch vành trái và động mạch vành phải. Các động mạch này chia ra các nhánh nhỏ hơn tới nuôi từng vùng cơ tim.

Điều gì xảy ra khi bạn bị bệnh động mạch vành?

Để hoạt động được bình thường, cơ tim cần được cung cấp năng lượng và oxy bởi các động mạch vành. Bệnh động mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh động mạch này bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn (thường là do các mảng xơ vữa). Thông thường cơn đau thắt ngực có thể xảy ra khi động mạch vành bị hẹp trên 50% khẩu kính của lòng mạch.

Động mạch vành tim

Khi hoạt động thể lực, cơ thể cần nhiều oxy hơn nên cơ tim phải làm việc nhiều hơn như: tăng co bóp, tăng tần số tim, huyết áp tăng…do đó nhu cầu ôxy của cơ tim cũng tăng lên. Nếu một nhánh động mạch vành bị hẹp, sự cung cấp máu cho vùng cơ tim tương ứng trở nên không đầy đủ. Cơ tim bị thiếu máu và thiếu oxy gây cơn đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực này thường xảy ra khi bệnh nhân gắng sức và giảm đi khi bệnh nhân được nghỉ ngơi, nên người ta gọi là cơn đau thắt ngực ổn định.

Nếu các mảng xơ vữa trong động mạch vành bị nứt, vỡ ra thì cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện cả khi nghỉ ngơi, nên người ta gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định.

Bệnh động mạch vành không nhất thiết phải xảy ra một cách từ từ. Nếu mảng xơ vữa bị nứt, vỡ ra có thể gây tắc mạch đột ngột hay tạo thành cục huyết khối gây tắc mạch, làm động mạch bị tắc hoàn toàn. Trong cả hai trường hợp này, các tế bào cơ tim bị thiếu oxy đột ngột, bị cạn kiệt nguồn dự trữ năng lượng và bị chết giống như các cây bị khô kiệt nước, nên người ta gọi là nhồi máu cơ tim. Hậu quả của nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào độ rộng của vùng nhồi máu. Vùng cơ tim bị chết càng rộng thì chức năng tim càng suy giảm nặng. Đây là nguyên nhân thường gặp của suy tim.

Các dấu hiệu của bệnh động mạch vành

Cơn đau thắt ngực là một trong các dấu hiệu hay gặp nhất của bệnh động mạch vành. Đau ở vùng giữa ngực, sau xương ức hay vùng trước tim. Đau có thể lan lên cổ, ra hàm, ra cánh tay, thường gặp nhất là lan ra bên trái, đôi khi đau ở vùng thượng vị. Cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè ép. Đôi khi chỉ là cảm giác khó chịu trong ngực. Có trường hợp đau lan ra sau lưng, ra vùng cột sống làm người bệnh tưởng lầm là đau do thoái hóa cột sống thắt lưng.

Cơn đau thắt ngực ổn định

Cơn đau thắt ngực ổn định, còn được gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính hay đau ngực khi gắng sức, là điển hình nhất. Đau thắt ngực được gọi là “ổn định”, vì cơn đau xuất hiện lặp đi lặp lại với cùng một mức độ gắng sức, ít nhất là trong cùng một hoàn cảnh.

Với cùng một cường độ gắng sức bình thường sẽ không gây đau ngực nhưng nếu trong điều kiện bị lạnh hay xúc động mạnh có thể gây ra cơn đau.

Bạn có thể gắng sức với mức độ trung  bình, nhưng khi gắng sức đạt đến một mức độ nhất định, bạn sẽ cảm thấy đau, và bạn có thể biết trước điều đó sẽ xảy ra. Trong điều kiện thời tiết lạnh, đi ngược gió, hay ở vùng núi cao có không khí loãng, bạn có thể bị đau ngực ở mức độ gắng sức thấp hơn bình thường. Đau thắt ngực ổn định thường hết từ 1-5 phút sau khi ngừng gắng sức. Đau thắt ngực có thể thầm lặng (không đau hoặc đau ngực không điển hình) gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Chỉ các bác sĩ của bạn mới có thể chẩn đoán được sau khi làm một số thăm dò cần thiết.

Hội chứng động mạch vành cấp

Nếu cơn đau thắt ngực xuất hiện khi gắng sức nhẹ, ha khi bạn đang nghỉ ngơi, thì nhiều khả năng bạn đã bị Hội chứng động mạch vành cấp. Hội chứng này bao gồm một số thể sau.

Cơn đau thắt ngực không ổn định

Cơn đau thắt ngực kéo dài hơn bình thường hoặc xuất hiện khi nghỉ ngơi. Bạn có thể chưa bao giờ bị đau thắt ngực khi gắng sức trước đó. Cơn đau thắt ngực không ổn định có thể tự hết, nhưng nguy cơ chủ yếu là có thể dẫn đến Nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim

Do tắc hoàn toàn một nhánh động mạch vành, gây hoại tử một vùng cơ tim. Nhồi máu cơ tim biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực xuất hiện khi nghỉ ngơi, cơn đau kéo dài hơn và mức độ đau thường dữ dội hơn. Cơn đau này khác với cơn trước, thường kèm theo cảm giác lo lắng, khó thở, vã mồ hôi. Bạn có thể chưa bào giờ bị đau ngực trước đó. Hậu quả của Nhồi máu cơ tim nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nếu không được điều trị sớm, bạn có nguy cơ bị mất một phần cơ tim của mình. Đôi khi bạn có thể bị nhồi máu cơ tim mà không có biểu hiện đau ngực. Các bác sĩ có thể phát hiện ra bạn bị Nhồi máu cơ tim bởi tình cờ làm điện tâm đồ. Những người bị đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc lớn tuổi thường không rõ cơn đau ngực hay đau ngực không điển hình khi bị Nhồi máu cơ tim, người ta gọi là “Nhồi máu cơ tim thầm lặng”. Chỉ có điện tâm đồ và xét nghiệm máu là có thể nhanh chóng phân biệt được hai thể trên của Hội chứng động mạch vành cấp. Do vậy, bạn nên làm các thăm dò trên càng sớm càng tốt.

Suy tim

Suy tim là một biểu hiện muộn của bệnh động mạch vành. Suy tim có thể xuất hiện sau khi bị Nhồi máu cơ tim nặng, nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác làm cơ tim yếu dần đi.

Bệnh động mạch vành cũng có thể không hề có biểu hiện gì, chỉ khi thăm khám, đặc biệt là làm điện tâm đồ mới có thể phát hiện ra cơ tim bị thiếu máu. Đó chính là thiếu máu cơ tim thầm lặng.

Nguyên nhân gây bệnh động mạch vành

Bệnh tim mạch thường do nhiều nguyên nhân phối hợp gây nên. Các yếu tố nguy cơ phối hợp với nhau để tạo ra các mảng xơ vữa. Có 4 loại chất béo chủ yếu tồn tại trong máu: LDL-Cholesterol (thành phần có hại), HDL-Cholesterol (thành phần có lợi), Cholesterol toàn phần và Triglycerides. Khi các chỉ số đó ở mức độ không bình thường, bác sĩ sẽ điều chỉnh chế độ ăn, chế độ thuốc của bạn để đưa các chỉ số trên về trong giới hạn bình thường.

Mảng xơ vữa chủ yếu là do các chất mỡ lắng đọng trên thành mạch máu. Nó có cấu tạo bởi một nhân lipid và một vỏ xơ. Mảng xơ vữa làm giảm khẩu kính lòng mạch và dần dần gây tắc mạch.

Tuy nhiên, mảng xơ vữa có thể không phát triển từ từ, mà nó có thể bị nứt, vỡ ra đột ngột. Khi mảng xơ vữa bị vỡ ra, quá trình hình thành cục huyết khối được khởi động. Quá trình này được bắt đầu với các tế bào máu đặc hiệu, gọi là tiểu cầu, tập trung tại vị trí mảng xơ vữa bị nứt.

Các tiểu cầu và các thành phần ở trong nhân lipid của mảng xơ vữa có thể bị trôi đi theo dòng máu và làm tắc các nhánh động mạch có đường kính nhỏ hơn. Hiện tượng này được gọi là thuyên tắc mạch. Cục máu đông có thể được hình thành ngay trên mảng xơ vữa bị nứt ra đó và gây tắc đột ngột động mạch vành. Hiện tượng này được gọi là huyết tắc.

Các mảng xơ vữa khi bị nứt, vỡ gây ra hầu hết các biến chứng tim mạch: tắc nhánh động mạch tại nơi có mảng xơ vữa, hay tắc nhánh động mạch ở phía hạ lưu. Hiện tượng nứt, vỡ này của mãng xơ vữa có thể xuất hiện ở động mạch vành (gây hội chứng động mạch vành cấp), ở động mạch não (gây tai biến mạch máu não), hay các mạch máu ở chi (gây thiếu máu ở chi cấp). 

Mảng xơ vữa gây tắc hẹp lòng mạch vành

Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành

Có một số yếu tố nguy cơ bạn có thể thay đổi được và một số khác bạn không thể thay đổi được.

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được

Tuổi: tuổi càng cao càng có nhiều nguy cơ bị bệnh động mạch vành

Giới: Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành cao hơn nữ. Nữ giới có nguy cơ bị bệnh động mạch vành cao hơn sau khi mãn kinh

Tiền sử gia đình: Nếu bố mẹ, ông bà hay anh chị của bạn bị các tai biến tim mạch khi còn tương đối trẻ tuổi (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 65 tuổi), thì bạn có nguy cơ bị bệnh động mạch vành cao hơn.

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị bệnh, không chỉ các bệnh tim mạch, mà còn các bệnh khác như ung thư phổi, ung thư vòm họng…Hút thuốc lá làm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành tăng lên gấp 2 lần. Khi ngừng hút thuốc nguy cơ này sẽ giảm dần.

Lối sống ít vận động: những người không tập thể dục thường xuyên sẽ có tuổi thọ thấp hơn những người có tập thường xuyên.

Tăng huyết áp

Đái tháo đường

Thừa cân, béo phì

Rối loạn lipid máu: ở người trưởng thành, nếu nồng độ cholesterol tăng cao quá 10% giá trị bình thường, nguy cơ bị các biến chứng tim mạch sẽ tăng thêm 30%. Điều quan trọng hơn là phải phân tích các thành phần khác nhau của cholesterol ở trong máu: LDL-C; HLD-C…

Uống quá nhiều rượu, bia

Bị căng thẳng kéo dài

Làm thế nào để phát hiện bệnh động mạch vành

Để xác định xem dấu hiệu đau ngực của bạn có phải là do bệnh động mạch vành hay không, bác sĩ của bạn có thể phải tiến hành một số thăm dò cơ bản.

Điện tâm đồ

Nếu bạn không bị nhồi máu có tim trước đó, điện tâm đồ ghi ở ngoài cơn đau thường là bình thường. Chỉ khi điện tâm đồ được ghi ở trong cơn đau thì mới có các biểu hiện bất thường cho thấy có biểu hiện của thiếu máu cơ tim và vị trí vùng cơ tim bị thiếu máu. Điện tâm đồ có thể cho thấy sẹo của vùng cơ tim bị nhồi máu trước đó. 

Siêu âm –Doppler tim

Siêu âm cho thấy các buồng tim, thành tim, các van tim và chức năng của chúng trong chu chuyển tim. Có thể thấy sẹo của vùng nhồi máu: vùng cơ tim mất hoặc giảm khả năng co bóp. Tuy nhiên, siêu âm tim không cho thấy hình ảnh trực tiếp của động mạch vành.

Nghiệm pháp gắng sức

Là nghiệm pháp mà điện tâm đồ được ghi trong khi bạn gắng sức (bằng thảm chạy hay xe đạp lực kế). Mức độ gắng sức được tăng lên từ từ đến khi tần số tim của bạn đạt đến tần số tim tối đa theo lý thuyết (tần số tim tối đa theo lý thuyết =220 – tuổi của bạn), hay đến khi xuất hiện đau ngực, hoặc có biểu hiện bất thường trên điện tâm đồ. Nghiệm pháp gắng sức đôi khi không thực được ở những người quá lớn tuổi hay người tàn tật. 

Siêu âm tim gắng sức

Siêu âm gắng sức bao gồm phân tích sự đáp ứng của thất trái trong điều kiện phải làm việc nhiều hơn. Để làm được điều đó, một loại thuốc đặc biệt được tiêm hoặc truyền qua đường tĩnh mạch để làm tăng tần số tim. Nếu động mạch vành bình thường, sự co bóp của tâm thất trở nên mạnh hơn và đồng đều. Nếu động mạch vành bị hẹp, sự co bóp của vùng cơ tim tương ứng đó sẽ giảm đi. Một vùng cơ tim bị giảm hoặc mất vận động, nếu khôi phục được khả năng co bóp bình thường với một liều thuốc nhất định sẽ chứng tỏ “khả năng sống” của vùng cơ tim đó.

Ghi điện tâm đồ 24 giờ (Holter điện tâm đồ)

Một máy ghi điện tâm đồ nhỏ được gắn trên người bạn. Bạn có thể đi lại và làm việc bình thường. Máy sẽ tự động ghi lại mọi hoạt động của bạn liên tục trong 24 giờ. Bác sĩ sẽ phân tích hình ảnh điện tâm đồ được ghi lại trên máy xem bạn có bị rối loạn nhịp tim hay bị bệnh động mạch vành hay không. 

Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành (Multislices CT scanner)

Máy chụp cắt lớp có tốc độ rất nhanh cho phép chụp được hình ảnh động mạch vành của bạn. Máy sẽ tự động dựng lại hình ảnh hệ động mạch vành theo không gian 3 chiều. Bác sĩ sẽ phân tích các hình ảnh chụp cắt lớp hệ động mạch vành xem có bị vôi hóa, bị hẹp, tắc hay không.

Xạ hình cơ tim

Để khẳng định chẩn đoán, bác sĩ phải tiêm vào tĩnh mạch một chất đồng vị phóng xạ có khả năng tự gắn vào cơ tim khỏe mạnh ở giai đoạn cuối của trắc nghiệm gắng sức. Sau đó, bệnh nhân được đặt dưới một máy đo hoạt tính phóng xạ và hình ảnh của cơ tim sẽ được ghi lại, đó là xạ hình cơ tim. Hình thứ hai được ghi sau đó vài giờ, trong khi nghỉ ngơi.

Vùng cơ tim thiếu oxy do nhánh động mạch vành tương ứng bị hẹp hay tắc sẽ không được gắn các chất động vị phóng xạ và tạo ra một “khuyết xạ” trên hình ảnh xạ hình cơ tim ngay sau khi gắng sức. Trên hình ảnh chụp khi nghỉ ngơi, hình “khuyết xạ” sẽ hiện diện nếu như bạn bị nhồi máu cơ tim. 

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ tim là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng trong đánh giá bệnh mạch vành, là tiêu chuẩn vàng trong đánh giá chức năng tim. Chụp cộng hưởng từ với chất đối từ rất có giá trị trong đánh giá mức độ tưới máu của hệ thống động mạch vành sau nhồi máu cơ tim. Tín hiệu ở vùng cơ tim có mạch máu bị tắc sẽ giảm hơn so với vùng cơ tim bình thường. Việc đánh giá các thay đổi này sẽ giúp phát hiện vùng cơ tim bị nhồi máu, vùng cơ tim còn sống hay đã chết, và đánh giá diện tích vùng cơ tim đó. 

Chụp động mạch vành

Chụp động mạch vành sẽ giúp chẩn đoán xác định bệnh động mạch vành, đánh giá chính xác mức độ tổ thương của hệ động mạch vành, và giúp lựa chọn phương án điều trị thích hợp nhất: điều trị nội khoa, can thiệp động mạch vành qua da hay mổ bắc cầu nối chủ - vành.

Các phương pháp điều trị bệnh động mạch vành

Có 3 phương pháp điều trị chính là:

Điều trị nội khoa: điều trị bằng thuốc, có thể dùng một hoặc nhiều loại thuốc kết hợp với nhau. Phương pháp này làm giảm được triệu chứng, nhưng không giải quyết được nguyên nhân là hẹp lòng động mạch vành.

Điều trị ngoại khoa: mổ làm cầu nối chủ - vành. Vùng cơ tim bị thiếu máu sẽ được cung cấp máu bởi một mạch máu khác vòng qua chỗ động mạch vành bị hẹp hoặc tắc.

Tim mạch can thiệp: can thiệp động mạch vành qua da là phương pháp không phải mổ nhưng vừa làm giảm triệu chứng, vừa giải quyết được nguyên nhân là hẹp lòng động mạch vành.

Cho dù bạn đã được điều trị bằng phương pháp ngoại khoa hay tim mạch can thiệp, thì việc sử dụng tiếp các thuốc là hết sức cần thiết để duy trì kết quả của các thủ thuật này.

A (aspirin and anti-anginals): dùng thuốc aspirin và các thuốc chống đau thắt ngực

B (beta blocker and blood pressure): dùng thuốc chẹn beta giao cảm và điều trị bệnh tăng huyết áp.

C (cholesterol and cigarettes): điều trị rối loạn cholesterol máu và cai thuốc lá.

D (diet and diabetes): ăn kiêng và điều trị bệnh đái tháo đường

E (education and exercise): giáo dục về sức khỏe và tập luyện thể dục đều đặn.

Phương pháp chụp và can thiệp động mạch vành

Các bước chuẩn bị:

Trước hết bạn được nhập viện, làm các xét nghiệm cần thiết: điện tâm đồ, chụp X-quang tim phổi, các xét nghiệm máu thông thường.

Bác sĩ sẽ gặp bạn để giải thích về mục đích, các kết quả có thể đạt được, cũng như các biến có thể gặp và các bước tiến hành chụp động mạch vành. Bác sĩ sẽ trả lời các thắc mắc của bạn và gia đình bạn. 

Bạn cần nói cho bác sĩ về các thuốc mà bạn đang dùng, những thuốc mà bạn bị dị ứng hay có chống chỉ định vì tác dụng phụ.

Bạn thường được yêu cầu nhịn ăn 6 giờ trước khi làm thủ thuật.

Chụp động mạch vành chẩn đoán

Bạn được các y tá hướng dẫn trước và ngay khi đến phòng chụp mạch. Bạn được nằm trên bàn có các hệ thống chụp và màn hình được điều khiển tự động.

Một số thiết bị gắn trên người bạn như: điện tâm đồ, đo huyết áp. Các y tá sẽ lập một đường truyền phía bên tay trái của bạn để tiêm thuốc khi cần.

Bạn có thể được dùng thuốc để giảm bớt sự lo lắng, căng thẳng nếu cần. Bạn cũng sẽ được yêu cầu bỏ kính và răng giả trong khi làn thủ thuật.

Bạn sẽ hoàn toàn tỉnh táo trong khi làm thủ thuật. Bác sĩ cần sự phối hợp của bạn.

Bạn sẽ hoàn toàn không mặc quần áo khi nằm trên bàn. Vùng da chỗ làm đường vào của ống thông được sát khuẩn bằng cồn, và một mảnh vải lớn vô trùng sẽ được phủ lên người bạn.

Tùy vị trí mà bác sĩ lựa chọn, đường vào chỗ cho ống thông được mở ở vùng bẹn hoặc ở vùng cổ tay. Trước hết, vùng da đặt đường vào được gây tê, và bạn chỉ thấy đau tức nhẹ trong lúc này. Khi thuốc tê có tác dụng, bạn sẽ không thấy một cảm giác khó chịu nào. Lần lượt các dụng cụ được đưa vào cơ thể bạn qua đường này.

Các ống thông được đưa vào đúng vị trí của động mạch vành. Dung dịch chất cản quang được bơm vào động mạch vành qua ống thông, trong khi đó hệ thống máy sẽ chụp tự động theo theo quy trình mà bác sĩ đã đặt ra.

Hệ thống đèn chụp quay xung quanh vùng ngực của bạn để ghi lại hình ảnh động vành của bạn ở mọi góc độ. Hình ảnh này được đưa ra màn hình để đánh giá và cũng được ghi lại trên đĩa CD.

Một số động tác bác sĩ yêu cầu bạn phối hợp là: trong lúc chụp bạn hít sâu và nín thở trong vài giây. Sau khi chụp, bạn có thể được yêu cầu ho mạnh để thuốc cản quang sớm ra khỏi động mạch vành.

Nếu động mạch vành bình thường, thì thủ thuật sẽ dừng tại đây, và bác sĩ sẽ rút hết các dụng cụ ra khỏi người bạn. 

Nong rộng tổn thương bằng bóng

Một ống thông can thiệp có độ vững chắc cao được đưa vào nhánh động mạch vành cần can thiệp.

Một dây dẫn mềm, rất nhỏ được luồn qua ống thông can thiệp, tới nhánh động mạch vành, lách qua chỗ hẹp hoặc tắc. Dây dẫn này có vai trò như là đường ray cho các dụng cụ khác trượt lên. 

Bóng nong sau đó được luồn qua ống thông can thiệp, trượt trên dây dẫn, đi tới vị trí chỗ hẹp, tắc.

Bóng được bơm căng lên. Sự căng tròn của bóng sẽ ép mảng xơ vữa sát vào thành mạch và mở rộng lòng mạch. Các tổn thương có độ rắn chắc khác nhau, đòi hỏi bóng phải bơm lên một hoặc nhiều lần với áp lực tăng dần. Có những tổn thương cần phải dùng nhiều loại bóng để nong mới thu được kết quả. Sauk hi lòng mạch được mở rộng, bác sĩ sẽ làm xẹp và rút bóng ra ngoài. 

Trong lúc bơm bóng bạn có thể thấy đau ngực, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị đau nhiều.

Đặt khung giá đỡ stent để duy trì khẩu kính lòng mạch

Khung giá đỡ stent là một dụng cụ rất nhỏ được làm bằng thép không gỉ hoặc bằng một loại hợp kim đặc biệt chịu được sức ép của thành mạch. Stent được đặt để duy trì lực ép lên mảng xơ vữa. Khi chưa bung ra, stent được gắn chặt lên một quả bóng và có đường kính rất nhỏ.

Cũng như kỹ thuật nong bóng, bóng gắn stent được luồn vào trong ống thông can thiệp, đẩy trượt trên dây dẫn. Sau khi được đưa vào vị trí lòng mạch bị hẹp, bóng được bơm căng lên để làm stent nở ra. Với tính chất nhớ hình của mình, stent sẽ áp sát và đẩy mảng xơ vữa ra sát thành mạch, làm lòng mạch mở rộng ra. 

Bóng sau đó được làm xẹp, tách khỏi stent và rút ra khỏi lòng mạch. Stent được cấy tại vị trí. Nếu bước này vẫn chưa làm stent nở hết do mảng xơ vữa chắc, bác sĩ phải dùng thêm một quả bóng khác để nong rộng stent. 

Có nhiều loại stent khác nhau:

Stent thường: được làm bằng thép không gỉ hoặc hợp kim

Stent phủ thuốc: được thiết kế đặc biệt có chứa một lượng thuốc nhỏ có tác dụng chống lại sự tăng sinh quá mức của tế bào cơ trơn thành mạch máu. Thuốc sẽ được giải phóng từ từ vào thành mạch sau khi stent được cấy. Nhờ đó làm giảm tỷ lệ tái hẹp sau khi đặt stent. 

Chăm sóc sau thủ thuật

Sau thủ thuật bạn sẽ được đưa về khu điều trị và được theo dõi nhịp tim và huyết áp liên tục.

Vị trí đường vào của ống thông được chăm sóc đặc biệt. Dụng cụ làm đường vào được rút ra ngay sau thủ thuật, y tá sẽ ép chặt vào vị trí này trong 15-20 phút để cầm máu. Sau đó, vị trí làm đường vào được bang ép chặt lại. 

Nếu vị trí đường vào ở vùng bẹn, bạn phải nằm bất động và duỗi chân thẳng trong 6 giờ. Khi ho, phải dùng ngón tay ấn chặt vào vị trí bang ép. Nếu vị trí đường vào ở vùng cổ tay thì các cử động của bạn không phải gò bó gì cả. Bất cứ biểu hiện gì ở vùng bang ép như: chảy máu, đau, tụ máu, …hãy nói ngay với y tá, họ sẽ giúp bạn.

Bạn cần uống nhiều nước sau thủ thuật để thải nhanh thuốc cản quang.

Bạn sẽ được đi lại sau thời gian nằm bất động. Bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ ăn uống và hoạt động thể lực phù hợp với tình hình của bạn. 

Bệnh nhân được ra viện sau 1 hoặc 2 ngày. Trước khi ra viện, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để bạn dùng trong một thời gian dài.

Bác sĩ sẽ nói về các dấu hiệu mà bệnh nhân phải quay lại khám ngay, cũng như hẹn ngày khám lại.

Có 2 thuốc quan trọng là:

Aspirin dùng kéo dài

Clopidogrel dùng ít nhất 4 tuần với stent thường và 12 tháng với stent phủ thuốc.

Việc tuân thủ chế độ sinh hoạt và thuốc men là yếu tố quan trọng cho sự thành công của can thiệp.

Việc tái khám và chụp kiểm tra sự mở rộng của lòng mạch là rất quan trọng, giúp các bác sĩ có một phác đồ phù hợp hơn với bạn, và phát hiện sớm biến chứng tái hẹp muộn.

Trở lại cuộc sống

Bạn nên trở lại với các hoạt động hàng hàng ngày một cách từ từ. Các thói quen xấu trước kia nên dừng lại. Bạn nên duy trì những thói quen tốt như tập luyện thể lực, ăn uống đúng cách, tránh các căng thẳng, theo dõi sức khỏe thường xuyên, dùng thuốc đều theo đơn và tái khám theo đúng lời dặn của bác sĩ.

Bạn không nên bi quan về bệnh tật của mình. Hãy đến gặp bác sĩ để có thêm thông tin cần thiết. Bạn có thể liên lạc với những người có cùng phương pháp điều trị để trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống và phòng bệnh. 

Một số câu hỏi thường gặp

  1. Sau khi đặt vào trong lòng mạch vành, stent có bị gỉ không?

Không, vì stent được làm bằng thép không gỉ, chịu được sự mài mòn và oxy hóa cao. 

  1. Stent có bị dịch chuyển sau khi đặt vào lòng động mạch vành không?

Không, vì stent được cấy vào thành mạch vành với một áp lực rất cao. (từ 10 đến 20 át –mốt-phe). Do vậy, Stent sẽ cố định tại vị trí đặt vĩnh viễn. 

  1. Stent có bị gỉ không?

Không, stent sẽ không bị hỏng về cấu trúc sau khi đặt. Tuy nhiên, có một tỷ lệ 10-15% bệnh nhân sau đặt stent thường và 1-2% bệnh nhân sau đặt stent phủ thuốc có thể bị tái hẹp trong lòng stent. 

  1. Sau khi đặt stent, tôi có thể chụp cộng hưởng từ được không?

Có, sau khi đặt stent vẫn có thể chụp cộng hưởng từ một cách bình thường mà không sợ ảnh hưởng đến stent hay kết quả chụp.

  1. Nếu mạch vành của tôi bị tái hẹp trong stent thì sao?

Nếu bạn bị tái hẹp trong stent thì có thể phải nong và đặt stent lại tại vị trí tái hẹp. Điều này không ảnh hưởng gì đến kết quả của thủ thuật. Tuy nhiên, nếu tổn thương quá nặng, không thể nong và/hoặc đặt stent được, thì có thể bạn cần phải được phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành. 

Phải làm gì để phòng ngừa bệnh động mạch vành

Thay đổi lối sống

  • Không hút thuốc
  • Luyện tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là đi bộ
  • Tránh căng thẳng quá mức
  • Ăn nhạt, không ăn mỡ và các phủ tạng động vật, hạn chế ăn trứng, sữa, đồ ngọt
  • Không uống quá nhiều rượu bia

Điều trị một số bệnh liên quan đến bệnh động mạch vành

  • Điều trị bệnh đái tháo đường
  • Ăn chế độ giảm cân chữa lipid béo
  • Điều trị rối loạn lipid máu
  • Điều trị bệnh tăng huyết áp

Phải làm gì nếu bị đau ngực

Vùng cơ tim được cung cấp máu bởi nhánh động mạch vành bị tắc, sẽ nhanh chóng bị phá hủy. Nếu động mạch vành có thể được mở thông vài giờ sau khi bị tắc, độ rộng của vùng nhồi máu sẽ được hạn chế. Nhồi máu cơ tim có thể gây chết người trong những giờ đầu tiên. Tốt nhất, bạn nên gọi cấp cứu 115 để được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị phù hợp với bạn nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
ĐẶT KHÁM
KHÁM TỪ XA