Bệnh lý dị ứng và các xét nghiệm dị ứng cần thực hiện

Tác giả: - Xuất bản: 13/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Bệnh lý dị ứng và các xét nghiệm dị ứng cần thực hiện - Ảnh: BookingCare
Bệnh lý dị ứng và các xét nghiệm dị ứng cần thực hiện - Ảnh: BookingCare
Bệnh lý dị ứng là một vấn đề sức khỏe phổ biến mà ngày càng nhiều người phải đối mặt. Dị ứng có thể gây ra các triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh lý dị ứng, cần thực hiện các xét nghiệm dị ứng.

Các xét nghiệm dị ứng giúp xác định chính xác chất gây dị ứng và mức độ phản ứng của cơ thể với chất này. Từ đó, giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhằm giảm triệu chứng và nguy cơ tái phát. Có nhiều loại xét nghiệm dị ứng bao gồm xét nghiệm trên da hoặc xét nghiệm máu. Tùy từng thể trạng và triệu chứng của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện hình thức xét nghiệm phù hợp. 

Tổng quan về bệnh lý dị ứng

Bệnh lý dị ứng, theo  Tổ chức Y Tế Thế Giới, là một loại bệnh mãn tính, hay là một rối loạn quá mẫn của hệ miễn dịch, trong đó phản ứng dị ứng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng trong môi trường (còn được gọi là dị nguyên).

Bệnh lý dị ứng có xu hướng gia tăng đáng kể, với tốc độ lưu hành tăng gấp đôi mỗi 15 năm. Đặc biệt, tình trạng này đang gia tăng mạnh trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang trên đường hội nhập như Việt Nam.

Dị ứng có thể gây ra các triệu chứng nhẹ như viêm kết mạc dị ứng, ngứa và chảy nước mũi. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, dị ứng có thể trở nên nặng nề và gây ra phản ứng phản vệ (sốc phản vệ), có thể đe dọa tính mạng.

Các nguyên nhân gây ra dị ứng có thể là phấn hoa, bụi mịn, bụi than, bụi từ các phương tiện giao thông,,... xâm nhập vào cơ thể người bệnh qua đường hô hấp; hoặc là các hoạt chất lạ có trong thực phẩm qua đường tiêu hóa . Từ đó, cũng có các bệnh lý dị ứng khác nhau với triệu chứng tương ứng khác nhau. 

Các bệnh lý dị ứng phổ biến có thể kể đến như:

  • Dị ứng thuốc
  • Hen phế quản cấp
  • Mày đay – phù Quincke
  • Dị ứng thức ăn
  • Viêm mũi dị ứng
  • Viêm kết mạc dị ứng
  • Viêm da cơ địa (viêm da atopy)
  • Các phản ứng quá mẫn với vắc xin
  • Dị ứng do côn trùng đốt

Tại sao cần xét nghiệm dị ứng

Bệnh dị ứng là một căn bệnh phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh dị ứng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, trong đó, có bệnh hen suyễn -  là nguyên nhân gây ra 250.000 ca tử vong hàng năm, theo thống kê từ Tổ chức Dị ứng Thế giới.

Xét nghiệm dị ứng là một công cụ quan trọng giúp xác định và quản lý các vấn đề liên quan đến dị ứng. Bằng cách xác định chính xác chất gây dị ứng, bạn và bác sĩ có thể hợp tác để tìm ra các biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả nhằm giảm triệu chứng và nguy cơ phản ứng dị ứng nặng.

Các phương pháp xét nghiệm dị ứng

Để xác định chất gây dị ứng và nguyên nhân gây ra các triệu chứng, có một số phương pháp xét nghiệm dị ứng được sử dụng. Các phương pháp này bao gồm:

  • Xét nghiệm dị nguyên gây dị ứng (Test panel dị ứng): Phương pháp này sử dụng mẫu huyết thanh để xác định có tồn tại kháng thể IgE đặc hiệu với dị nguyên hay không. Test panel 60 dị nguyên gây dị ứng là một loại xét nghiệm trong đó kiểm tra kháng thể IgE với 60 mẫu dị nguyên khác nhau. Kết quả âm tính cho thấy không có dị ứng với các mẫu dị nguyên này.
  • Test lẩy da (Prick test): Đây là phương pháp xét nghiệm lẩy da để phát hiện dị nguyên gây dị ứng thuốc. Kỹ thuật này đưa một lượng thuốc đã được pha loãng vào lớp thượng bì của da để kiểm tra phản ứng của cơ thể với thuốc đó. Phản ứng này được quan sát để xác định có dị ứng với thuốc hay không.
  • Test áp bì (Patch test): Đây là một phương pháp thử nghiệm được sử dụng để xác định chất gây viêm dị ứng trên da của bệnh nhân. Test áp bì là việc đặt một tấm dán chứa chất gây dị ứng lên da và quan sát phản ứng của cơ thể với chất đó. Phương pháp này giúp xác định những chất có thể gây ra phản ứng dị ứng trên da.
  • Test trong da hay test nội bì (Intradermal skin test): Phương pháp này thực hiện bằng cách tiêm thuốc hoặc dị nguyên đã được pha loãng vào da mặt trước cẳng tay của người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này có nguy cơ sốc phản vệ cao, do đó cần thực hiện cẩn thận và tại các cơ sở y tế uy tín
  • Test khẳng định (Confirm test): Phương pháp này đưa tác nhân gây dị ứng trực tiếp vào cơ thể để kiểm tra phản ứng của cơ thể với tác nhân đó. Ví dụ, trong trường hợp dị ứng hô hấp, tác nhân gây dị ứng như phấn hoa hoặc bụi nhà được đưa vào mũi hoặc phổi để gây ra phản ứng và xem xét các triệu chứng và biểu hiện của dị ứng.
  • Ngoài ra còn có xét nghiệm máu định lượng IgE đặc hiệu với từng loại dị nguyên hoặc xét nghiệm dị ứng cấp độ phân tử.

Tùy thuộc vào tình trạng và triệu chứng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp xét nghiệm dị ứng phù hợp để đưa ra chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Cần làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm dị ứng

Sau khi đã có kết quả xét nghiệm và xác định được cụ thể chất gây dị ứng đang gây ra các triệu chứng của bạn, bác sĩ sẽ cùng bạn đưa ra một phương pháp điều trị hoặc phòng tránh nguyên nhân cụ thể như:

  • Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chất gây dị ứng
  • Sử dụng thuốc chống dị ứng như thuốc kháng histamin có thể ngăn ngừa hoặc giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng và các triệu chứng liên quan. Lưu ý, liều lượng và thời gian sử dụng thuốc cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ
  • Tiêm phòng dị ứng nhằm làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch với các chất gây dị ứng
  • Nếu bạn có nguy cơ phản ứng nghiêm trọng với các chất gây dị ứng bác sĩ có thể khuyên bạn mang theo một loại thuốc tiêm epinephrine (EpiPen) để điều trị các triệu chứng nghiêm trọng. Bạn cần mang theo thuốc này bất cứ khi nào bạn đi ra ngoài hoặc đi du lịch.

Các xét nghiệm dị ứng là một công cụ quan trọng giúp chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan đến dị ứng. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến dị ứng, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.