Xét nghiệm dị nguyên là một quy trình y tế quan trọng để xác định sự hiện diện của các loại dị nguyên trong cơ thể. Dị nguyên là các tác nhân gây kích thích phản ứng dị ứng của cơ thể, có thể là các nấm mốc, vi khuẩn, trong đồ ăn hoặc hóa chất, thuốc hay lông vũ, bụi phấn,...Phản ứng này có thể bao gồm các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình như cảm giác khó chịu, ngứa, ho, khó thở, phù, ngứa,... nhưng cũng có thể dẫn đến sốc phản vệ, rất nguy hiểm đến tính mạng. Xét nghiệm này giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và lựa chọn phương pháp điều trị và dự phòng phù hợp.
Xét nghiệm dị nguyên là gì?
Xét nghiệm dị nguyên là một phương pháp xét nghiệm được sử dụng để xác định chất gây ra phản ứng dị ứng trong cơ thể (hay còn được gọi là dị nguyên).
Dị nguyên là thuật ngữ trong lĩnh vực y học để chỉ những chất gây ra phản ứng dị ứng trong cơ thể. Khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng và sẽ sản sinh các kháng thể IgE đặc biệt để chống lại dị nguyên đó. Tuy nhiên, ở những người mắc phải dị ứng, cơ thể có thể phản ứng quá mức và gây ra các triệu chứng như ngứa, sưng, ho, khó thở, và trong trường hợp nghiêm trọng còn gây sốc phản vệ.
Dị nguyên có thể bao gồm hóa chất, thuốc, lông vũ, thực phẩm, hải sản, protein trong động vật, nấm, vi khuẩn và ký sinh trùng,...
Xét nghiệm mẫu máu của người bệnh có tồn tại kháng thể IgE đặc hiệu với các dị nguyên hay không. Qua đó, bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân, mức độ gây ra phản ứng dị ứng và có phương pháp điều trị phù hợp
Xét nghiệm dị nguyên bao gồm những xét nghiệm gì?
Có nhiều xét nghiệm dị nguyên để xác định được tác nhân gây ra phản ứng dị ứng của cơ thể, cụ thể, bao gồm:
- Test lẩy da (Skin prick test): Phương pháp xét nghiệm được tiến hành bằng cách đưa trực tiếp các chất gây dị ứng (thường ở dạng giọt nhỏ) vào lớp thượng bì của da để đánh giá phản ứng của cơ thể. Phương pháp này khá đơn giản và chỉ mất khoảng 15 phút để thực hiện.
- Test áp bì (Patch test): Thường được chỉ định để xác định nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc. Bác sĩ sẽ dán các miếng dán có chứa dị nguyên lên trên da vè theo dõi phản ứng của da người bệnh sau 48 giờ và sau 96 giờ.
- Test nội bì (Intradermal skin test): Khác với hai xét nghiệm không xâm lấn ở trên thì khi xét nghiệm nội bì, bác sĩ sẽ tiêm chất gây dị ứng vào lớp thượng bì của da để kiểm tra phản ứng của cơ thể đối với chất gây dị ứng. Sau khoảng 15-20 phút, bác sĩ sẽ kiểm tra da để xem có phản ứng dị ứng hay không. Phương pháp này cho kết quả chính xác hơn, tuy nhiên, Có thể xảy ra phản ứng dị ứng mạnh sau xét nghiệm, do đó, cần có sự chuẩn bị và giám sát cẩn thận của các bác sĩ
- Xét nghiệm máu (IgE): Phương pháp xét nghiệm giúp định lượng toàn phần kháng thể IgE. Thông qua xét nghiệm này, các chuyên gia y tế có thể đánh giá mức độ phản ứng quá mẫn của cơ thể đối với các chất gây dị ứng.
- Test khẳng định: Test này được thực hiện bằng cách tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng để kiểm tra phản ứng của cơ thể. Cụ thể, người bệnh sẽ được tiếp xúc với chất gây dị ứng thông qua đường miệng, đường tiêm hoặc hô hấp. Thời gian tiếp xúc và liều lượng chất gây dị ứng sẽ được điều chỉnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
Những ai cần thực hiện xét nghiệm dị nguyên
Một số trường hợp người bệnh được khuyến cáo nên thực hiện các xét nghiệm dị nguyên bao gồm:
- Những người có triệu chứng viêm mũi dị ứng (allergic rhinitis) do dị ứng với các chất gây dị ứng trong không khí như bụi, phấn hoa hoặc lông từ động vật nuôi. Các triệu chứng thường gặp như: nhức đầu; nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi; chảy nước mắt; khó thở, thở khò khè, đau họng,..
- Những người có triệu chứng dị ứng thực phẩm (food allergy) sau khi ăn uống, bao gồm các triệu chứng da (mề đay, sưng mặt, môi hoặc lưỡi, ngứa toàn thân), hô hấp (ho, thở khò khè, khó thở, cảm giác nghẹt ngực hoặc họng) , tiêu hóa (buồn nôn và nôn mửa, đau và co bụng, tiêu chảy) và tim mạch (nhịp tim yếu, cảm giác chóng mặt hoặc choáng váng)
- Những người có dị ứng với cao su, hương liệu hoặc kim loại như nickel, có thể phát triển viêm da tiếp xúc gồm các triệu chứng như: nổi ban, ngứa trên da, mề đay và sưng,...
Người bệnh cần thực hiện xét nghiệm dị nguyên ngay khi có các triệu chứng dị ứng xuất hiện. Đặc biệt, người mắc hen suyễn cũng cần xét nghiệm để tìm ra các tác nhân gây dị ứng làm bệnh nặng thêm hoặc xác định nguồn gốc của cơn hen suyễn.
Ngoài ra, nếu gặp phải tình trạng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, người bệnh cũng cần thực hiện xét nghiệm để đánh giá tình trạng sức khỏe và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Xét nghiệm dị nguyên có an toàn không?
Thông thường các xét nghiệm dị nguyên là an toàn.
Các phản ứng phổ biến của người bệnh khi thực hiện xét nghiệm dị nguyên tương đối nhẹ và chỉ biểu hiện ở ngoài da như: ngứa nhẹ, đỏ và sưng trên da. Những triệu chứng này thường tự khỏi trong vài giờ nhưng có thể kéo dài trong vài ngày.
Tuy nhiên, trong trường hợp hy hữu, xét nghiệm dị nguyên có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng ngay lập tức đòi hỏi cấp cứu y tế. Đó là lý do tại sao xét nghiệm dị nguyên nên được tiến hành tại phòng khám của bác sĩ có đầy đủ thuốc và trang thiết bị, bao gồm cả epinephrine để điều trị phản ứng dị ứng cấp tính nguy hiểm đến tính mạng.
Đặc biệt, nếu bạn nhận thấy các triệu chứng của phản ứng dị ứng cấp tính như sưng họng, khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp, hãy gọi ngay số cấp cứu để có phương án xử lý kịp thời từ các chuyên gia y tế.
Bác sĩ không khuyến khích thực hiện xét nghiệm dị nguyên đối với những trường hợp sau:
- Từng trải qua phản ứng dị ứng nặng: Những người bệnh có khả năng nhạy cảm đến mức ngay cả một lượng nhỏ chất dị nguyên có thể gây ra phản ứng sốc phản vệ đe dọa tính mạng. Do đó, xét nghiệm dị nguyên không được khuyến khích trong trường hợp này.
- Sử dụng các loại thuốc có thể ảnh hưởng kết quả xét nghiệm: Một số loại thuốc như kháng histamin, thuốc chống trầm cảm và thuốc điều trị ợ nóng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm dị nguyên. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tiếp tục sử dụng hoặc tạm ngừng sử dụng thuốc trước khi thực hiện xét nghiệm.
- Có bệnh nền về da: Trong trường hợp người bệnh mắc chàm hoặc vảy nến nặng, khi ảnh hưởng một vùng rộng trên cơ thể như cánh tay và lưng, không đủ vùng da đạt chuẩn để thực hiện xét nghiệm dị nguyên. Các bệnh da liễu khác cũng có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm.
Một số lưu ý khi thực hiện xét nghiệm dị nguyên
Bạn cần lưu ý một số điều sau trước và trong khi thực hiện các xét nghiệm dị nguyên để đảm bảo quá trình xét nghiệm diễn ra an toàn và có kết quả chính xác nhất:
- Trước khi thực hiện xét nghiệm, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng sử dụng các loại thuốc dị ứng như thuốc kháng histamin trong khoảng ba đến bảy ngày trước xét nghiệm. Những loại thuốc này có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm bằng cách làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch với các chất gây dị ứng. Tuy nhiên, bạn nên tiếp tục sử dụng thuốc điều trị hen suyễn nếu có
- Đảm bảo thông báo cho bác sĩ về bất kỳ dị ứng hoặc phản ứng nào bạn đã từng gặp phải để đảm bảo an toàn trong quá trình xét nghiệm
- Nếu bạn có phản ứng dị ứng, triệu chứng chỉ phát triển một phản ứng tại vị trí xét nghiệm. Hiếm khi, bệnh nhân có thể có những triệu chứng dị ứng nhẹ như ngứa da, mắt nước và tắc nghẽn mũi. Nếu nhận thấy các biểu hiện khác thường ngoài vị trí thực hiện, cần thông báo cho các bác sĩ ngay lập tức
Tóm lại, xét nghiệm dị nguyên là một công cụ quan trọng trong lĩnh vực y tế để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý dị ứng của cơ thể với các tác nhân bên ngoài. Việc thực hiện xét nghiệm này được khuyến nghị cho những người có các triệu chứng dị ứng hoặc mắc bệnh hen suyễn và cần được thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế.