Bệnh Parkinson có chữa khỏi được không?
Bệnh Parkinson có chữa khỏi được không?
Bệnh Parkinson có chữa khỏi được không? - Ảnh: BookingCare

Bệnh Parkinson có chữa khỏi được không?

Tác giả: - Xuất bản: 01/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 05/10/2023
Bệnh Parkinson gây ra triệu chứng điển hình là run tay chân mất kiểm soát, gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt hằng ngày. Câu hỏi được quan tâm nhiều nhất là bệnh Parkinson có chữa khỏi được không, điều trị bằng cách nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Bệnh Parkinson là một bệnh do thoái hóa hệ thần kinh gây ra, hay có thể nói là bệnh rối loạn thoái hóa tiến triển, triệu chứng bao gồm rối loạn vận động: chậm chạp, run, cứng đờ, rối loạn thăng bằng.

Đây là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, xu hướng mắc bệnh tăng lên do tuổi thọ trung bình tăng lên. Hiện nay, những nghiên cứu trong điều trị bệnh Parkinson vẫn đang được tiến hành để tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh..

Bệnh Parkinson có chữa khỏi được không?

Hiện nay bệnh Parkinson vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn cũng như chưa có xét nghiệm đặc hiệu cho bệnh Parkinson, nhưng nếu được can thiệp điều trị kịp thời thì bệnh vẫn được kiểm soát tốt. 

Trong điều trị bệnh Parkinson, lựa chọn đầu tiên là điều trị bằng thuốc. Một số loại thuốc được sử dụng chữa trị là:

  • Carbidopa/levodopa (điều trị chính)
  • Amantadine, ức chế MAO loại B (MAO-B), hoặc thuốc ức chế cholinergic ở một vài bệnh nhân
  • Các chất chủ vận dopamin
  • Catechol O-methyltransferase (COMT), luôn được sử dụng với levodopa, đặc biệt khi kém đáp ứng với levodopa
  • Thuốc đồng vận dopamine

Việc điều trị triệu chứng cho bệnh nhân parkinson sẽ căn cứ vào mức độ giảm chức năng. Liều lượng sử dụng thuốc sẽ do bác sĩ quyết định. Bạn tuyệt đối không tự ý sử dụng hay tùy chỉnh liều lượng thuốc khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. 

Ngoài ra, phương pháp khác chỉ sử dụng khi điều trị nội khoa ít kết quả. Gồm có các phương pháp sau: 

  • Phẫu thuật
  • Kích thích não sâu
  • Xạ phẫu
  • Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng

Kỹ thuật kích thích não sâu là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất điều trị bệnh Parkinson và một số các rối loạn vận động khác. Các nước châu Âu và Mỹ khuyến cáo sử dụng kỹ thuật này để điều trị bệnh nhân Parkinson ở giai đoạn đáp ứng kém với thuốc, thường tối thiểu 5 năm kể từ khi được chẩn đoán.

Đây là phương pháp ngoại khoa, ít xâm lấn, giúp giảm rối loạn vận động, cải thiện các triệu chứng đặc trưng nhất parkinson, đồng thời giảm được các tác dụng của thuốc.

Phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu sẽ không giúp khỏi hoàn toàn bệnh nhưng có thể giúp người bệnh cải thiện triệu chứng.

Phương pháp này chỉ được sử dụng khi người bệnh đã được chẩn đoán đúng bệnh parkinson và có hiệu quả với thuốc uống, có các biến chứng hoặc có các tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Hạn chế của phương pháp này là chi phí đắt so với mặt bằng chung của người Việt Nam.

Triệu chứng bệnh Parkinson

Ở giai đoạn sớm các triệu chứng của bệnh Parkinson hay gặp có thể là: mệt mỏi, đau cơ, vụng về khi thực hiện các động tác đơn giản (đi tất, đi giày, mở khóa cửa…), rối loạn chữ viết (chữ viết nhỏ dần), táo bón, trầm cảm, kéo lê một chân hoặc giảm hoạt động một tay khi vận động, bong vảy da ở mặt, đầu gối. 

Bệnh Parkinson biểu hiện bằng ba triệu chứng cơ bản là:

  • Run khi nghỉ: thấy rõ ở ngọn chi, môi, lưỡi, run thường xảy ra ở một bên cơ thể trong nhiều năm đầu, run có thể tạm mất khi vận động, nhưng sau đó lại tái diễn, khi ngủ hết run, xúc động tăng run. Tuy nhiên, có trường hợp hoàn toàn không run.
  • Đơ Cứng: là một trong các triệu chứng quan trọng nhất, chân tay cứng ở tất cả các nhóm cơ, đi lại khó, sờ nắn các cơ thấy chắc, cứng. Dấu bánh xe răng cưa khi cử động các khớp.
  • Giảm vận động: mất các động tác tự nhiên của nét mặt, của chân tay, nhất là khi cử động. Mất vẻ biểu lộ tình cảm, nét mặt như người mang mặt nạ, ít chớp mắt.

Các triệu chứng khác: thường có loạn cảm đau, đứng ngồi không yên, nóng bức, tăng tiết, phù, tím tái ngọn chi, rối loạn cương, hạ huyết áp tư thế, trầm cảm lo âu (khoảng 35 đến 40%), một số ít có thể có ảo thị, hoang tưởng, trí tuệ còn tốt, có thể gặp sa sút trí tuệ ở giai đoạn nặng…

Chăm sóc và điều trị tại nhà cho người bị bệnh Parkinson 

Các phương pháp điều trị như đã trình bày ở trên là rất quan trọng và cần sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra,  chăm sóc và điều trị tại nhà rất quan trọng, có một vài lưu ý như sau:

  • Lưu ý chế độ ăn uống hàng ngày: Người bệnh Parkinson nên được bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả, cá vào thực đơn hàng ngày. Bởi đây là những thực phẩm rất giàu vitamin C, canxi, magie, omega - 3 có lợi cho hoạt động của hệ thần kinh, đồng thời cải thiện tâm trạng và trí nhớ.
  • Lưu ý khi chế biến món ăn: Bạn nên chọn những thức ăn dưới dạng mềm, lỏng như súp, canh hoặc cháo để người bệnh dễ nuốt, dễ tiêu, dễ hấp thu hơn, giảm tình trạng nuốt nghẹn, sặc hoặc táo bón.
  • Lưu ý chế độ tập luyện thể thao: Tập luyện sẽ giúp cơ bắp linh hoạt hơn, làm giảm độ cứng ở cơ khớp, từ đó giúp người bệnh đi lại, cầm nắm đồ vật dễ dàng hơn. Không chỉ vậy, tập thể dục thường xuyên còn giúp cơ thể giải phóng ra nhiều hormon vui vẻ endorphin. Bạn có thể đưa người thân đi dạo, tập luyện dưới ánh nắng sớm để tăng sự tổng hợp vitamin D, giúp xương chắc khỏe hơn.
  • Đảm bảo môi trường sinh hoạt an toàn: Sắp xếp lại các đồ vật trong nhà phù hợp không gây cản trở, trơn trượt phòng nguy cơ té ngã, chấn thương. Các phòng trong nhà như bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, phòng ngủ nên có tay vịn hoặc đồ vật cứng để bám hỗ trợ người bệnh đi lại, di chuyển thuận lợi.

Hiện nay, bệnh Parkinson chưa thể điều trị dứt điểm, vì vậy, việc lên kế hoạch và chăm sóc người bệnh là vô cùng cần thiết. Mặc dù bước đầu có thể gặp khá nhiều khó khăn vậy nên mọi người đều phải giữ tinh thần lạc quan kiên trì và cảm thông với người bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết