Phương pháp điều trị bệnh Parkinson
Phương pháp điều trị bệnh Parkinson
Phương pháp điều trị bệnh Parkinson
Phương pháp điều trị bệnh Parkinson - Ảnh: BookingCare

Phương pháp điều trị bệnh Parkinson

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 01/10/2023 | Cập nhật lần cuối: 05/10/2023
Ở giai đoạn sớm, bệnh Parkinson thường không ảnh hưởng đến cuộc sống, nhưng khi bệnh nặng dần theo thời gian, cuộc sống của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng. Việc điều trị là rất hữu ích để giúp duy trì cuộc sống độc lập của người bệnh.

Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa tiến triển của hệ thần kinh trung ương, thường thấy ở người cao tuổi (tuổi khởi bệnh trung bình từ 58 đến 60), xu hướng mắc bệnh tăng lên do tuổi thọ trung bình tăng. Cần phát hiện bệnh sớm để có thể lựa chọn phương pháp điều trị bệnh Parkinson hiệu quả, tránh để tình trạng bệnh diễn biến nặng.

Điều trị bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson có biểu hiện lâm sàng là triệu chứng vận động và triệu chứng ngoài vận động. Triệu chứng vận động gồm run và đơ cứng, chậm chạp, mất ổn định về tư thế, bệnh nhân đi lại dễ bị ngã. Triệu chứng ngoài vận động liên quan đến trầm cảm, tiêu hóa, rối loạn thần kinh thực vật… 

Điều trị cho bệnh nhân Parkinson chủ yếu là dùng thuốc. Giai đoạn đầu, thường 4-5 năm từ khi khởi phát bệnh, việc dùng thuốc khá hiệu quả. 

Những giai đoạn sau, đáp ứng với thuốc ngày càng kém dần, bệnh nhân phải tăng liều điều trị và xuất hiện nhiều biến chứng. Lúc này các phương pháp khác được sử dụng khi điều trị nội khoa ít kết quả.

Một phương pháp khác có thể điều trị hỗ trợ bệnh Parkinson vô căn trong giai đoạn tiến triển, đó là phương pháp kích thích não sâu (deep brain stimulation - DBS), tuy nhiên đây là phương pháp rất đắt tiền và chỉ định cũng hạn chế (chỉ áp dụng đối với bệnh Parkinson vô căn)

1. Các nhóm thuốc điều trị bệnh Parkinson

Các thuốc thay thế Dopamine (Levodopa) là thuốc bổ sung dopamin kịp thời và đúng cơ chế bệnh sinh (thuốc thường dùng là Madopar, Syndopar, Sinemet..) và các thuốc ức chế hủy Dopamin (nhóm này hiện nay ít có trên thị trường Việt nam). Nếu dùng nhóm Levodopa thì không nên kết hợp với vitamin B6.

Một số nhóm thuốc khác điều trị Parkinson là nhóm ức chế Choline (ví dụ: Artan, Trihex...) giúp giảm run , nhóm các thuốc kích thích trực tiếp thụ thể Dopamin (thuốc đồng vận Dopamine) (Sifrol, Trivastal). 

Cách sử dụng: khởi đầu bằng liều thấp, tăng dần tới liều tác dụng và duy trì liều, nếu muốn thay thế thuốc khác phải thay thế dần dần, không dừng đột ngột.

Tác dụng không mong muốn: tùy nhóm thuốc mà có các tác dụng không mong muốn, tuy nhiên các biểu hiện hay gặp là: khô mắt, khô miệng, buồn ngủ, nhịp tim nhanh, dị ứng, hạ huyết áp tư thế, loạn nhịp tim, đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, táo bón… liều cao có thể gây lú lẫn, ảo giác, kích động.

Ngoài các nhóm trên, có thể dùng thêm nhóm thuốc bảo vệ và dinh dưỡng thần kinh, nhóm này không đặc trưng cho bệnh Parkinson nhưng cũng có tác dụng theo cơ chế chống gốc tự do và dinh dưỡng thần kinh.

2. Các phương pháp điều trị khác

Trong điều trị bệnh Parkinson, lựa chọn đầu tiên là điều trị bằng thuốc, các phương pháp khác chỉ sử dụng khi điều trị nội khoa ít kết quả. Gồm có các phương pháp sau: 

  • Phẫu thuật (làm tổn thương, phá huỷ cấu trúc vùng đích dẫn đến thay đổi chức năng)
  • Kích thích não sâu
  • Xạ phẫu 
  • Điều trị bằng phục hồi chức năng, y học cổ truyền (tác dụng hạn chế, chưa có công bố các nghiên cứu)

Kỹ thuật kích thích não sâu là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất điều trị bệnh Parkinson và một số các rối loạn vận động khác. Đây là một phẫu thuật cấy 1 điện cực vào não và 1 máy gắn ở ngoài để kích thích điện cực. 

Người bệnh sử dụng bộ điều khiển cầm tay để bật và tắt hệ thống DBS. Bác sĩ lập trình cài đặt máy kích thích bằng thiết bị không dây. Các thông số cài đặt kích thích có thể được điều chỉnh khi tình trạng của bệnh nhân thay đổi theo thời gian

Các nước châu Âu và Mỹ khuyến cáo sử dụng kỹ thuật này để điều trị bệnh nhân Parkinson ở giai đoạn đáp ứng kém với thuốc, thường tối thiểu 5 năm kể từ khi được chẩn đoán.

Bí quyết sống chung với bệnh Parkinson

Dinh dưỡng được đưa ra như là phương pháp giúp cải thiện tình trạng bệnh Parkinson. Điều quan trọng là giúp người bệnh Parkinson có một chế độ ăn hợp lý để giữ sức khỏe tốt. 

Dinh dưỡng cho bệnh nhân Parkinson

Một chế độ ăn đủ dinh dưỡng, khoáng chất là hợp lý cho tất cả mọi người chứ không riêng gì bệnh nhân Parkinson. Chế độ ăn cân bằng bao gồm: 

  • Ngũ cốc, đậu, cá, gia cầm, thịt nạc và các thức ăn hàng ngày ít mỡ.
  • Đạm trong thức ăn có thể ngăn cản sự hấp thu levodopa, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị Parkinson. Do đó, nên chia bữa ăn đạm thành nhiều lần, hoặc ăn vào ban đêm để cơ thể không bị thiếu đạm.
  • Uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có chất xơ như rau, quả, củ. Vì bệnh Parkinson cũng như thuốc điều trị thường dễ gây bón, các loại thực phẩm này sẽ giúp hệ tiêu hóa  và chuyển hóa chất hoạt động tốt.
  • Trà, cafe và coca có thể làm run thêm, do đó bệnh nhân Parkinson thể run không nên uống những thứ này.

Giai đoạn sớm của bệnh, bệnh nhân nên uống thuốc lúc no để giảm tác dụng phụ như buồn nôn, nôn. Khi bệnh tiến triển, uống thuốc ít nhất 1 giờ trước ăn hoặc 2 giờ sau ăn có thể giúp thuốc tác dụng tốt hơn.

Chế độ tập luyện cho bệnh nhân Parkinson

Tập thể dục và vật lý trị liệu trong bệnh Parkinson rất quan trọng, người bệnh cần tập luyện tối thiểu mỗi ngày 30 phút với các hoạt động như đi bộ, bơi lội…

Tập thể dục giúp cải thiện sức cơ, phối hợp động tác, cải thiện tư thế, dáng đi, duy trì và tăng tính dẻo dai, tốt cho tim mạch, giảm táo bón.

Tóm lại, bệnh Parkinson gây ra nhiều khó khăn trong vận động của người bệnh, vì vậy cần phát hiện và điều trị sớm không để bệnh chuyển biến nặng

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare