Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị
Các thông tin cần biết về bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Các thông tin cần biết về bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ - Ảnh: BookingCare

Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 27/07/2023 - Cập nhật lần cuối: 07/10/2023
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một dạng bệnh thoát vị đĩa đệm xảy ra tại các đốt sống cổ, gây khó khăn trong sinh hoạt, làm việc hàng ngày của người bệnh. Nắm được các thông tin về triệu chứng, nguyên nhân, cách chăm sóc, điều trị tại nhà sẽ hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh khi chữa trị bệnh lý này.

Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một vấn đề phổ biến và gây khó chịu cho nhiều người. Trường hợp nặng khi đĩa đệm chèn ép vào tủy hay ống sống sẽ dẫn đến hẹp ống sống, chèn ép tủy và phải can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên lo lắng bởi 90% người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể phục hồi nhờ các phương pháp điều trị bảo tồn.

Bài viết dưới đây từ BookingCare sẽ cung cấp các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách chăm sóc, cách điều trị tại nhà giúp bạn đọc tìm thấy những biện pháp hữu ích để giảm đau và giữ sức khỏe cho vùng cổ.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một trường hợp của thoát vị đĩa đệm, phần mô xơ xung quanh đĩa đệm tại vùng cột sống cổ bị rách khiến phần nhân nhầy của đĩa đệm tràn ra ngoài, chèn ép vào các rễ thần kinh hoặc tủy sống gây cảm giác đau nhức, khó khăn khi cử động cho người bệnh.

Tình trạng này có thể xảy ra tại bất kỳ vị trí nào từ C1 - C7 tại cột sống cổ, tuy nhiên, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C5 - C6 vẫn là phổ biến nhất. 

Tỷ lệ thoát vị đĩa đệm cổ xảy ra ở người trưởng thành rơi vào từ 0,5%-2%, thường gặp ở độ tuổi 30-50. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy nam giới có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cổ cao hơn, nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy kết quả ngược lại. 

Các đốt sống cổ trên cơ thể con người
Các đốt sống cổ trên cơ thể con người - Ảnh: Neurosurgery

Triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Triệu chứng lâm sàng

Một số triệu chứng lâm sàng phổ biến mà người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hay gặp phải là:

  • Đau nhức vùng cổ vai gáy: Cơn đau không chỉ dừng lại ở vị trí đốt sống cổ bị thoát vị mà còn lan sang vùng bả vai, cánh tay thậm chí lên cả đầu và vùng hốc mắt. Cơn đau thường phát sinh đột ngột, tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi
  • Tê bì tay chân: Do khối thoát vị đĩa đệm cổ chèn ép lên dây thần kinh và tủy sống dẫn đến triệu chứng tê bì tay chân. Nếu dây thần kinh bị chèn ép, cảm giác tê bì, râm ran xuất hiện chủ yếu tại vùng cánh tay, bàn tay và lan sang cả ngón tay. Còn trường hợp tủy sống bị chèn ép, cơn tê bì có thể sẽ xuất hiện ở cả tứ chi 
  • Hạn chế vận động: Những cơn đau, co cứng vùng cổ khiến người bệnh không thể thực hiện các hoạt động cúi, ngửa, xoay cổ một cách linh hoạt như bình thường
  • Yếu cơ: Đĩa đệm chèn ép vào tủy sống khiến các bó cơ ở chân và tay cũng yếu đi, không còn sức mạnh, khả năng vận động như trước 
  • Triệu chứng đi kèm: Một số triệu chứng liên quan đến hệ hô hấp, tiêu hóa, hệ bài tiết như táo bón, khó tiểu, khó thở, đau nhức lồng ngực,.. cũng có thể diễn ra.

Ngoài ra, các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cổ còn được biểu hiện qua ba cấp độ, từ nhẹ đến nặng, cụ thể như sau:

  • Cấp độ 1: Giai đoạn đầu, vùng cổ bị cứng, gây đau nhức, gặp khó khăn trong việc xoay chuyển. Theo thời gian, cơn đau lan xuống gáy và hai bên bả vai và tđau tăng theo từng ngày
  • Cấp độ 2: Cơn đau lan sang sau đầu và tai. Khi vận động, dù chỉ vận động nhẹ cũng cảm thấy cảm giác bị vướng và đau
  • Cấp độ 3:  Xuất hiện cảm giác đau, tê bì ở hai cánh tay, cảm giác yếu, mất sức mạnh ở các chi. Ngoài ra, người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, choáng váng khi thay đổi tư thế.

Triệu chứng biến chứng

Khi triệu chứng đã chuyển sang cấp độ 3, người bệnh sẽ bắt gặp thêm các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Hẹp ống sống cổ: Trường hợp nặng khi đĩa đệm bị thoát vị chèn ép lên ống sống cổ gây hẹp ống sống, dẫn đến các triệu chứng đau nhức dữ dội vai gáy kèm theo tê bì tay chân   
  • Thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não: Do đĩa đệm chèn ép vào hệ thống động mạch mức, gây khó khăn, tắc nghẽn cho hệ thống tuần hoàn máu lưu thông, khiến não dễ bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng thiếu máu não
  • Hội chứng chèn ép tủy: Đĩa đệm chèn ép lên tủy sống gây đau, tê bì lan sang cay hai bên cánh tay, có thể xảy ra teo cơ cánh tay
  • Tàn phế: Biến chứng nghiêm trọng nhất của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ do chèn ép vào tủy sống quá mức và quá lâu dẫn đến chân hoàn toàn mất chức năng hoạt động, gây ra tàn phế

Nguyên nhân gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây ra bởi cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó, phổ biến nhất phải kể đến:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao, độ linh hoạt của đĩa đệm cũng sẽ dần kém đi do xương bị thoái hóa cũng như lượng nước bị giảm dần tại đĩa đệm, tăng nguy cơ đĩa đệm bị tổn thương
  • Bẩm sinh hoặc di truyền: Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cũng có yếu tố di truyền, trong gia đình bạn có người bị bệnh thì bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, người sinh ra bẩm sinh có cấu trúc cột sống và đĩa đệm yếu thì cũng có khả năng mắc thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cao hơn
  • Ảnh hưởng từ công việc: Những công việc yêu cầu vận động với cường độ cao cũng khiến đĩa đệm phải hoạt động quá mức, không giữ được độ linh hoạt, dẻo dai
  • Thói quen sống không tốt: Ngồi làm việc quá lâu, không thường xuyên vận động hoặc ngồi sai tư thế khi làm việc gây nên áp lực lớn cho cột sống cổ
  • Chấn thương: Một ngoại lực lớn tác động vào đĩa đệm cột sống cổ do chấn thương hoặc tai nạn lao động khiến đĩa đệm lệch ra khỏi vị trí đúng ban đầu

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Tương tự với phương pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thông thường, với thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, các bác sĩ cần tiến hành khám lâm sàng trước tiên, bao gồm khám bệnh sử, đánh giá mức độ, tình trạng đau, phản xạ cơ, sức mạnh cơ. Dựa trên kết quả khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đề xuất thêm một hay nhiều những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để đánh giá chính xác tình trạng bệnh hơn:

  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI cho phép quan sát chi tiết hình ảnh đĩa đệm cũng như những tổn thương tại ống tủy, từ đó, xác định được tình trạng, mức độ của bệnh 
  • Chụp X-quang: Với ảnh chụp X-quang, sẽ giúp quan sát tốt hơn tình trạng của các đốt cột sống cổ, giúp xác định xem tình thoát vị có gây nên biến dạng hay hẹp các khoang xương hay không
  • Chụp CT: Chụp cắt lớp vi tính, hay chụp CT cho kết quả nhanh, quan sát được hình ảnh chi tiết cấu trúc xương của đốt sống cũng như một phần mô mềm, tủy sống
  • Myelogram-CT: Kỹ thuật nâng cao hơn so với chụp x-quang thông thường, khi thực hiện người bệnh sẽ cần tiêm thuốc cản quang vào ống sống. Kỹ thuật này có thể chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ lên tới 98%, tuy nhiên, đây là phương pháp chẩn đoán xâm lấn, chỉ có những trường hợp nhất định mới được chỉ định áp dụng
  • Điện cơ đồ EMG: Phương pháp sử dụng điện cực để đo tốc độ dẫn truyền các tín hiệu thần kinh, nhằm xác định dây thần kinh nào bị ảnh hưởng bởi thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Bác sĩ dựa vào hình ảnh chụp MRI để chẩn đoán tình trạng cột sống cổ của người bệnh
Bác sĩ dựa vào hình ảnh chụp MRI để chẩn đoán tình trạng cột sống cổ của người bệnh - Ảnh: Verywell Health

Phương pháp điều trị bệnh

Điều trị bảo tồn

Bởi thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một dạng của bệnh lý thoát vị đĩa đệm, nên nguyên tắc điều trị cũng tương tự, biện pháp hiệu quả nhất đề điều trị bệnh vẫn là điều trị bảo tồn, giảm triệu chứng bằng cách kết hợp sử dụng thuốc và các bài tập vật lý trị liệu.

Đối với thuốc, nhóm thuốc được khuyến cáo sử dụng nhiều nhất vẫn là chống viêm không steroid NSAID (aspirin, Ibuprofen,...) hoặc dòng cao cấp hơn là COX-2 để giúp giảm thiểu các tác dụng phụ. 

Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo các phương pháp vật lý trị liệu để xoa dịu cơn đau tức thời như: mát-xa, chườm nóng-lạnh, kéo giãn cột sống, trị liệu bằng điện,...

Phẫu thuật

Trong một số ít trường hợp, thoát vị đĩa đệm cổ có thể làm tổn thương dây thần kinh đến bàng quang hoặc ruột. Tình trạng này có thể yêu cầu phải phẫu thuật khẩn cấp. Trường hợp điều trị bảo tồn không thành công trong thời gian dài cũng sẽ cần can thiệp phẫu thuật, mục đích là để giảm áp lực lên tủy sống và các dây thần kinh. Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật để giảm áp lực lên tủy sống và dây thần kinh, bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm để loại bỏ phần thoát vị của bạn
  • Phẫu thuật cắt bỏ để loại bỏ một phần xương xung quanh đĩa đệm thoát vị và mở rộng ống sống
  • Phẫu thuật thay thế đĩa đệm thoát vị bị hư hỏng bằng đĩa đệm nhân tạo 

Chăm sóc người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ tại nhà

Khoảng 90% người bệnh sẽ khỏi thoát vị đĩa đệm bằng những biện pháp chăm sóc thông thường, chính vì vậy, người bệnh cũng như người nhà của bệnh nhân hãy lưu ý thực hiện những điều sau đây để chăm sóc, điều trị hiệu quả ngay tại nhà:

  • Đảm bảo thời gian nghỉ ngơi đầy đủ: Để giảm áp lực lên vùng cổ và giúp quá trình phục hồi, người bệnh nên tập trung vào nghỉ ngơi đầy đủ
  • Tránh các hoạt động gây áp lực: Hạn chế các hoạt động có thể tăng cường triệu chứng thoát vị đĩa đệm như cúi xuống hoặc nâng vật nặng
  • Sử dụng gối hỗ trợ: Sử dụng gối chống thoát vị khi ngủ để duy trì vị trí cổ đúng và hỗ trợ cột sống
  • Massage nhẹ nhàng: Massage nhẹ nhàng vùng cổ giúp giảm căng cơ và tăng tuần hoàn máu
  • Tập các bài tập vật lý trị liệu đơn giản tại nhà: Một số bài tập vật lý trị liệu đơn giản mà người bệnh nên áp dụng hàng ngày như:
  • Bài tập 1: Thực hiện với tư thế ngồi quỳ gối lên thảm, 2 đầu gối chạm vào nhau, nâng cao tay sau đó gập người, có vươn hai tay ra xa nhất có thể, thả lỏng đầu, cổ, vai, cánh tay trong khoảng 30 giây. Nâng người lên và lặp lại khoảng 2-3 lần
  • Bài tập 2: Thực hiện với tư thế ngồi thẳng lưng, chân bắt chéo, duỗi thẳng tay phải và đặt tay trái trên đỉnh đầu, kéo đầu nhẹ sang trái, duy trì 15-20 giây và trả đầu về vị trí ban đầu. lặp lại với bên còn lại
Hai bài tập đơn giản giúp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Hai bài tập đơn giản giúp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ - Ảnh: BookingCare

Sống chung hiệu quả cùng bệnh

  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin D, canxi trong rau xanh, các loại cá và trứng sữa. Hạn chế lạm dụng thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng
  • Giảm thiểu các loại đồ uống có cồn và thuốc lá
  • Stress có thể làm gia tăng đau và tình trạng thoát vị đĩa đệm. Tìm hiểu cách quản lý stress và duy trì tâm lý tích cực để hỗ trợ quá trình phục hồi
  • Luôn tuân thủ theo hướng dẫn và quy trình điều trị do bác sĩ chỉ định. Điều này bao gồm sử dụng thuốc, thực hiện các biện pháp tại nhà và thực hiện tập luyện đúng cách.

Thoát vị đĩa đệm cổ không phải căn bệnh quá nguy hiểm và đáng sợ nếu chúng ta biết cách chăm sóc, điều trị và quản lý các triệu chứng bệnh. Nếu bản thân hoặc người nhà bạn đang mắc phải bệnh lý này, hãy cố gắng thực hiện đúng lộ trình điều trị bảo tồn theo hướng dẫn từ các bác sĩ Cơ Xương Khớp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết