Đau thần kinh tọa là gì, cách chẩn đoán và chữa trị hiệu quả
Đau thần kinh tọa là gì, cách chẩn đoán và chữa trị hiệu quả
Đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa: chẩn đoán và diều trị hiệu quả - Ảnh: BookingCare

Đau thần kinh tọa là gì, cách chẩn đoán và chữa trị hiệu quả

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 20/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 07/10/2023
Đau thần kinh tọa gây ra đau thắt lưng, lan dọc xuống mông, chân và bàn chân theo đường đi của dây thần kinh tọa. Bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn, đau đớn khi vận động.

Đau thần kinh tọa xảy ra khi có sự kích thích, chèn ép đến một hoặc nhiều dây thần kinh chạy từ lưng xuống bàn chân. Đây thường không phải một bệnh lý nguy hiểm, hầu hết những người bị đau thần kinh tọa đều sẽ được điều trị khỏi bằng phương pháp điều trị bảo tồn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp xảy ra biến chứng nghiêm trọng, cần phải được phẫu thuật.

Đau thần kinh tọa là gì?

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể. Dây thần kinh tọa xuất phát từ đốt cột sống thắt lưng, chạy dài từ trên lưng xuống mặt sau bắp chân, cẳng chân, bàn chân. Một kích thích làm dây thần kinh tọa bị tổn thương hoặc bị chèn ép thì sẽ gây ra hiện tượng đau thần kinh tọa.

Đau thần kinh tọa là bệnh lý khá phổ biến, theo nghiên cứu từ Đại học Harvard, có tới 40% người bị đau dây thần kinh tọa ít nhất một lần trong đời. Độ tuổi cơ tỉ lệ mắc bệnh đau thần kinh tọa cao nhất là từ 30-60 tuổi và thường xảy ra ở nam giới hơn là ở nữ giới.

Đau thần kinh tọa do bị chèn ép bởi thoát vị đĩa đệm - Ảnh: Dr. Naveen Bhadauria
Đau thần kinh tọa do bị chèn ép bởi thoát vị đĩa đệm - Ảnh: Dr. Naveen Bhadauria

Triệu chứng biểu hiện bệnh đau thần kinh tọa

Các triệu chứng phổ biến của đau thần kinh tọa bao gồm:

  • Đau lưng, đặc biệt ở thắt lưng và hông, 
  • Cơn đau lan xuống chân, xuất hiện cảm giác tê, nóng rát, ngứa râm ran ở bàn chân và ngón chân, xảy ra ở một hoặc cả hai chân
  • Cơn đau có thể đau âm ỉ hoặc dữ dội, đặc biệt cảm giác đau tăng lên khi thực hiện các hoạt động bất ngờ như khi ho, hắt hơi, có thể đau tăng khi về đêm
  • Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị rối loạn tiêu hóa hoặc bài tiết dẫn đến đi tiểu tiện hoặc đại tiện mất kiểm soát

Trường hợp phát hiện đau đau dữ dội kéo dài đến vài giờ hoặc các triệu chứng nặng liên quan đến hệ bài tiết và tiêu hóa, người bệnh cần phải được thăm khám và hướng dẫn điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp.

Nguyên nhân dẫn đến đau thần kinh tọa

Phần lớn nguyên nhân dẫn đến dây thần kinh tọa bị chèn ép đều là hệ quả của một số bệnh cơ xương khớp khác, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm. Tình trạng đĩa đệm bị rách, khiến phần nhân nhầy bị tràn ra ngoài, chèn ép vào dây thần kinh tọa. Ngoài ra, các bệnh lý khác như thoái hóa cột sống thắt lưng, trượt đốt sống cũng gây ra biến dạng xương, hình thành các gai xương có khả năng tác động vào dây thần kinh tọa gây đau.

Ngoài những nguyên nhân liên quan đến bệnh lý, còn một số yếu tố nguy cơ gây đau thần kinh tọa có thể kể đến như:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao, nguy cơ gặp các vấn đề viêm và thoái hóa cơ xương khớp ngày càng tăng, điều đó cũng đồng nghĩa với tỉ lệ mắc đau dây thần kinh tọa cũng sẽ tăng theo
  • Béo phì: Cân nặng lớn gây áp lực lớn lên cột sống, dễ xảy ra tổn thương và ảnh hưởng đến dây thần kinh
  • Tiểu đường: Tiểu đường tuýp 2 làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại vi, làm tổn thương bất kỳ dây thần kinh nào và góp phần gây ra đau thần kinh tọa
  • Công việc: Công việc đòi hỏi phải vặn lưng, mang vác nặng hoặc lái xe cơ giới phải ngồi nhiều trong thời gian dài có thể gây đau thần kinh tọa.
  • Thói quen xấu: Thói quen xấu như ngồi làm việc không đúng tư thế, ngồi nhiều, ít vận động cũng làm tăng khả năng mắc bệnh đau thần kinh tọa. Ở nam giới, thói quen hút thuốc nhiều làm giảm oxy nuôi dưỡng đến các tế bào cơ xương khớp. Còn ở nữ giới, thói quen dùng giày cao gót cũng làm thay đổi tư thế sinh lý bình thường của cột sống. Những thói quen lâu ngày sẽ gây ra những biến đổi tiêu cực cho cột sống, gây ảnh hưởng đến dây thần kinh.

Phương pháp chẩn đoán đau thần kinh tọa

Khám lâm sàng

Bước đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi các câu hỏi liên quan đến triệu chứng mà người bệnh đang mắc phải, bao gồm: Tình trạng đau lưng của bạn diễn biến như thế nào? Có gặp tình trạng tê yếu ở tay và chân? Những triệu chứng này ảnh hưởng đến hoạt động sống thường ngày của bạn như thế nào? Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ cần thêm các thông tin liên quan đến gia đình, nghề nghiệp của người bệnh để nắm được toàn bộ tiền sử bệnh.

Một số bài test chức năng cũng được áp dụng để chẩn đoán đau thần kinh tọa, cụ thể là nghiệm pháp test Lasegue. Để thực hiện test này, người bệnh sẽ thực hiện ở tư thế nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng. Tiếp đó, một tay bác sĩ sẽ nắm cổ chân bệnh nhân, tay còn lại bác sĩ đỡ ở đầu gối để giữ chân thẳng. Bác sĩ nâng chân bệnh nhân hướng tới góc 90 độ đến khi nào bệnh nhân kêu đau và dừng lại. Từ vị trí bệnh nhân kêu đau hợp với góc của giường là bao nhiêu độ thì được gọi là góc Lasegue. Với người bình thường, không mắc các bệnh cơ xương khớp thì góc Lasegue là 90 độ.

Bác sĩ đang thực hiện bài test Lasegue cho bệnh nhân - Ảnh: Istock

Bác sĩ đang thực hiện bài test Lasegue cho bệnh nhân - Ảnh: Istock

Chẩn đoán hình ảnh

Trong trường hợp triệu chứng đau nghiêm trọng hoặc đã qua một đợt điều trị mà các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, các bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các biện pháp chẩn đoán hình ảnh, bao gồm:

  • Chụp X-quang: Hình ảnh chụp X-quang giúp bác sĩ kiểm tra xem có sự biến dạng xương, hình thành các gai xương hay không
  • Chụp CT: Chụp CT giúp nhìn rõ tình trạng của tủy sống và dây thần kinh vùng tủy sống xem có thương tổn hay bị chèn ép hay không
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Công nghệ sử dụng sóng vô tuyến và nam châm để tthu nhận hình ảnh chi tiết về tổn thương lưng và cột sống của người bệnh
  • Đo điện cơ (EMG): Đo tốc độ truyền các tín hiệu thần kinh qua các cơ, nhằm xác định các dây thần kinh kiểm soát cơ bắp có đang bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm gây ra không

Xét nghiệm chẩn đoán

Một số xét nghiệm cũng sẽ được tiến hành nhằm loại trừ các nguyên nhân khác, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Gồm xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, tốc độ lắng máu, xét nghiệm CRP
  • Xét nghiệm sinh hóa: Gồm các xét nghiệm Canxi, Phospho, phosphatase kiềm,.. 

Điều trị đau thần kinh tọa

Điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong điều trị bệnh đau thần kinh tọa bao gồm:

  • Thuốc giảm đau, chống viêm: Các loại thuốc được khuyến cáo như Paracetamol, Efferalgan, morphin. Trường hợp người bệnh đau nhiều sẽ cần thêm các loại thuốc chống viêm không steroid (Voltaren, Mobic, Felden, Celebrex,...)
  • Thuốc giãn cơ: Một số loại thuốc giãn cơ như Mydocalm hay Myonal giúp điều trị trường hợp co cứng, co thắt cơ do đau thần kinh tọa 
  • Thuốc chống co giật: Các loại thuốc Neurotin, Lyrica, Trileptal,... có tác dịnh giảm đau do nguyên nhân thần kinh 
  • Thuốc an thần, chống trầm cảm: Trường hợp đau thần kinh tọa kéo dài gây lo âu, căng thẳng cho người bệnh sẽ cần sử dụng thêm loại thuốc chống trầm cảm Amitriptylin

Vật lý trị liệu

Khi áp dụng phương pháp vật lý trị liệu, các tác nhân vật lý (tác động cơ học, nhiệt, sóng, siêu âm,...) vào bộ phận bị tổn thương. Nhờ đó, những phương pháp này giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm đau, phục hồi và cải thiện chức năng vận động. Người bệnh có thể áp dụng  một hoặc nhiều phương pháp vật lý trị liệu sau đây để hỗ trợ điều trị đau dây thần kinh tọa:

  • Massage, xoa bóp: Hình thức giúp naỳ giúp mềm cơ ở vùng cơ bị căng cứng, còn có khả năng giảm đau tức thời cho người bệnh
  • Châm cứu: Theo y học cổ truyền, châm cứu tác động vào các huyệt trên cơ thể, tại vị trí đau hoặc các vị trí lân cận nhằm giảm bớt triệu chứng, tạo ra cảm giác dễ chịu. 
  • Điện xung: Phương pháp sử dụng dòng điện thấp và trung bình để kích thích thần kinh, không chỉ có tác dụng giảm đau mà còn có tác dụng kích thích cơ tránh teo cơ, yếu cơ
  • Bài tập vật lý trị liệu: Một số bài tập vật lý trị liệu đơn giản có thể thực hiện ngay tại nhà để rèn luyện thể trạng, phục hồi chức năng cơ xương khớp. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn lựa chọn những bài tập phù hợp với thể trạng sức khỏe hiện tại
Tập vật lý trị liệu hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa - Ảnh: Pinterest
Tập vật lý trị liệu hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa - Ảnh: Pinterest

Tiêm steroid

Để tăng tính chính xác và hiệu quả điều trị, thay vì thuốc uống, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thuốc tiêm steroid mà điển hình nhất là Cortisone. Loại thuốc này có có tác dụng chống viêm xung quanh dây thần kinh, làm giảm triệu chứng đau.

Phẫu thuật

Trong trường hợp điều trị các phương pháp trên trong thời gian từ 3-6 tháng mà các triệu chứng vẫn không thuyên giảm sẽ cần phải nhờ đến can thiệp của phẫu thuật ngoại khoa để loại bỏ các yếu tố làm tổn thương tới dây thần kinh tọa.

Chăm sóc người bệnh đau thần kinh tọa hiệu quả tại nhà

Trường hợp bệnh có triệu chứng nhẹ, chưa có biến chứng nghiêm trọng, người bệnh hoàn toàn có thể tự điều trị, chăm sóc hiệu quả tại nhà bằng cách thực hiện các biện pháp:

  • Bổ sung các loại thực phẩm có khả năng hỗ trợ điều trị và giảm thiểu triệu chứng: Cần bổ sung đầy đủ vitamin, chất xơ và khoáng chất trong chế độ ăn hằng ngày. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các hoạt chất chống viêm từ một số loại thực phẩm như: enzyme bromelain từ dứa; apigenin từ cần tây, anthocyanins từ nho, genistein từ đậu nành,... 
  • Tập luyện thường xuyên: Mặc dù khi dây thần kinh tọa bị tổn thương sẽ rất đau nhức khi vận động, nhưng người bệnh vãn nên chịu khó vận động thường xuyên bằng các bài tập vật lý trị liệu đơn giản hay những bộ môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội để cơ xương khớp luôn được vận động đúng vai trò, tránh khỏi tình trạng teo cơ, cơ mất chức năng
  • Thực hiện các phương pháp giảm đau tạm thời: Chườm nhiệt lên vùng đau hoặc thực hiện xoa bóp với dầu nóng tại vị trí bị đau nhằm làm giảm tình trạng co cơ, tạo cảm giác dễ chịu
  • Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ: Các loại thuốc điều trị được sử dụng điều trị đều phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp phát hiện các biến chứng nghiêm trọng của bệnh, cần phải đến thăm khám và điều trị tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa Cơ Xương Khớp kịp thời.

Sống chung hiệu quả

  • Chủ động kiểm soát cân nặng ở mức cho phép để không gây ảnh hưởng quá lớn đến cơ xương khớp cũng như các dây thần kinh  
  • Kiểm soát đường huyết, tránh nạp các thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều tinh bột, không chỉ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 mà còn làm tăng các phản ứng viêm trong cơ thể
  • Điều chỉnh tư thế khi nằm, khi ngồi làm việc, tránh nằm võng, nên kê một chiếc đệm giữa hai đầu gối khi nằm nghiêng hoặc dưới đầu gối khi nằm ngửa
  • Hạn chế sử dụng các loại giày cao gót
  • Chia sẻ tình trạng bệnh của mình với người thân trong gia đình, tham gia yoga hay thiền định để tránh gặp tình trạng stress, căng thẳng

Đau thần kinh tọa là bệnh lý khá phổ biến và gây khó khăn cho nhiều người khi mắc phải. Với bệnh lý này, cần chủ động theo dõi, điều trị bảo tồn theo hướng dẫn của các bác sĩ Cơ xương khớp để đạt được hiệu quả điều trị nhanh chóng nhất có thể. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết