Thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 06/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 06/12/2023
Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh mạn tính tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống thắt lưng mà không có biểu hiện viêm. Bệnh nhân thường phát hiện khi bệnh đã nặng, khiến điều trị khó khăn hơn.

Thoái hóa cột sống là bệnh phổ biến ở người trưởng thành, đặc biệt là người ở độ tuổi trên 45. Thoái hóa cột sống thắt lưng là vị trí thường gặp, cần được điều trị sớm để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân vì bệnh gây ra đau đớn, bất tiện khi vận động.

Thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?

Thoái hóa cột sống là tình trạng biến đổi hình thái của các thành phần liên quan đến cột sống gồm dây chằng, đĩa đệm, gai xương,... Vị trí thoái hóa cột sống thường gặp là thắt lưng và cổ.

Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh mạn tính tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống thắt lưng mà không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch.

Cột sống lưng bị thoái hóa là do chịu quá nhiều áp lực khiến sụn khớp, đĩa đệm, dây chằng, thần kinh…bị tổn thương, mất đi độ đàn hồi và suy giảm chất lượng. Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể gây ảnh hưởng đến nhiều vị trí khác trên cơ thể.

  • Phần giữa cột sống bị ảnh hưởng do gai cột sống ngực
  • Đau nhức lưng dưới
  • Các khớp nhọn ở xương sống nhô ra gây đau nhức, ảnh hưởng tới các vị trí khác trên cột sống

Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng xảy ra do nhiều hệ quả và nguyên nhân khác nhau. Nhìn chung, thoái hóa cột sống thắt lưng bắt nguồn từ đĩa đệm và cột sống phải chịu nhiều áp lực. Nâng đỡ phần lớn cơ thể trong nhiều năm khiến phần xương dưới sụn và sụn khớp bị tổn thương, dây chằng bao xung quanh khớp trở nên xơ cứng và đĩa đệm mất tính đàn hồi.

  • Tuổi tác lớn: Cột sống bị lão hóa theo thời gian do ảnh hưởng từ môi trường, chế độ ăn uống, tư thế vận động, sinh hoạt, luyện tập và chịu sức nặng cơ thể mà bị yếu đi.
  • Chấn thương: Những chấn thương ở vùng cột sống có thể khiến sụn khớp, đĩa đệm bị tổn thương. Lâu ngày, cột sống bị giảm khả năng chịu lực, trở nên suy yếu và dần bị thoái hóa.
  • Ảnh hưởng của các bệnh cơ xương khớp khác: Bệnh viêm khớp dạng thấp, lao cột sống, viêm cột sống dính khớp, loãng lương,... khiến cột sống mất cân bằng, tăng áp lực làm đẩy nhanh quá trình thoái hóa cột sống thắt lưng.
  • Do điều kiện sống khó khăn, chế độ ăn uống không hợp lý, không đầy đủ, thiếu chất.
  • Do chế độ làm việc quá sức, lao động nặng quá sớm.
  • Phương pháp tập luyện thể dục, thể thao không hợp lý.
  • Thường xuyên mang, vác, đẩy, kéo các vật nặng không đúng tư thế.
  • Béo phì cũng là một nguyên nhân dẫn đến bệnh thoái cột sống

Thoái hóa cột sống do nguyên nhân tuổi tác thường xuất hiện muộn và có tiến triển tương đối chậm so với nguyên nhân khác. Với những tác nhân, yếu tố gây tổn thương đến cột sống, bệnh thường tiến triển nhanh hơn với triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Ngoài những nguyên nhân thoái hóa cột sống thắt lưng nêu trên, bệnh nhân cũng có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống thắt lưng cao nếu như:

  • Gia đình có người mắc bệnh Cột sống (các bệnh có tính chất di truyền như viêm cột sống dính khớp, viêm xương tủy di truyền,...)
  • Cấu trúc cột sống bất thường do bẩm sinh hoặc chấn thương (cong vẹo cột sống)
  • Nữ giới đang trong giai đoạn mãn kinh
  • Mắc các bệnh lý về nội tiết và chuyển hóa như cường giáp, suy giáp, tiểu đường,...
  • Sử dụng thuốc có tác dụng giảm khả năng hấp thu và tăng đào thải canxi qua thận

Dấu hiệu thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi cá nhân, nhiều người không có biểu hiện gì rõ rệt ở giai đoạn đầu, có người có triệu chứng vài ngày nhưng sau đó biến mất, đôi khi lại xuất hiện đột ngột.

Khi bệnh bắt đầu trở nặng, biểu hiện thoái hóa cột sống thắt lưng sẽ trở nên rõ rệt, điển hình là những cơn đau gây hạn chế khả năng vận động. Các triệu chứng thoái hóa cột sống thắt lưng không điển hình như các căn bệnh cơ xương khớp khác nên bệnh nhân dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

  • Đau nhẹ, âm ỉ ở vùng thắt lưng, đau tăng khi vận động, ho, hắt hơi. giảm bớt khi nghỉ ngơi
  • Đau liên tục, dữ dội
  • Đau theo đường đi của dây thần kinh trong trường hợp bị hẹp lỗ liên hợp
  • Cứng khớp sau khi ngủ dậy
  • Cột sống thắt lưng phát ra tiếng "lục cục" khi vận động, cúi người, xoay người

Thoái hóa cột sống thắt lưng có nguy hiểm không?

Thoái hóa cột sống thắt lưng tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng dễ để lại di chứng nặng nề.

  • Dây thần kinh bị chèn ép gây đau đớn, lan xuống vùng mông, tứ chi
  • Biến dạng, cong vẹo cột sống: Cơn đau dữ dội khiến bệnh nhân đau đớn, vận động khó khăn, phải nghiêng người, cong người để làm giảm cơn đau. Lâu dần khiến cột sống thắt lưng bị cong, vẹo
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể dẫn đến các bệnh lý khác như tổn thương đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống
  • Đau thần kinh tọa: Gai cột sống phát triển chèn ép dây thần kinh tọa gây đau nhức, tê bì
  • Ảnh hưởng tới thị lực, đau mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, đồng tử to nhỏ không đồng đều, tầm nhìn thu hẹp, có trường hợp bị mù
  • Đau ngực dai dẳng, đặc biệt là khi ấn xuống do gai xương ảnh hưởng gốc thần kinh cột sống
  • Bại liệt: Biến chứng xuất hiện khi bệnh tình tiến triển quá nặng và không được khám chữa, điều trị kịp thời, bệnh nhân chủ quan, có nhiều thói quen ảnh hưởng xấu đến cột sống.

 Thoát vị đĩa đệm chèn ép dây thần kinh là biến chứng nguy hiểm của thoái hóa cột sống thắt lưng

Chẩn đoán Thoái hóa cột sống thắt lưng

Sau khi khám ban đầu với bác sĩ, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu để chẩn đoán thoái hóa cột sống giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng, mức độ và phát hiện biến chứng thoái hóa cột sống thắt lưng để đưa ra phương pháp điều trị.

Các kỹ thuật thường dùng để chẩn đoán thoái hóa cột sống thắt lưng: 

  • Xquang thường quy cột sống thẳng, nghiêng
  • Chụp cắt lớp vi tính
  • Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi và sinh hóa
  • Chụp cộng hưởng từ cột sống: chỉ định trong trường hợp có thoát vị đĩa đệm.
  • Chẩn đoán phân biệt: Áp dụng trong trường hợp thoái hóa cột sống có hiện tượng viêm, bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như viêm cột sống dính khớp, viêm đốt sống đĩa đệm, ung thư di căn xương,... 

Điều trị dứt điểm thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng là căn bệnh chưa có phương pháp điều trị dứt điểm mà chỉ có thể điều trị triệu chứng, giảm đau nhức và hạn chế thoái hóa bằng cách sử dụng các phương pháp phù hợp.

Việc điều trị bằng phương pháp gì cần có sự chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc và các biện pháp điều trị thoái hóa cột sống tại nhà để tránh tình trạng gặp tác dụng phụ hoặc bệnh tình nặng hơn.

1. Dùng thuốc điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng

Điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng bằng thuốc là ưu tiên hàng đầu. Bệnh nhân sẽ được kê thuốc giảm triệu chứng đau nhức, thuốc làm chậm quá trình thoái hóa. Một số loại thuốc thường được dùng để điều trị trong thoái hóa cột sống thắt lưng:

  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc chống viêm
  • Tiêm corticoid tại chỗ
  • Thuốc chống thoái hoá như Glucosamin

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu có tác dụng chậm hơn so với thuốc nhưng có tác dụng chậm hơn so với dùng thuốc nhưng đây là phương pháp an toàn, hiệu quả cao và lâu dài, giúp kiểm soát triệu chứng, hỗ trợ phục hồi chức năng vận động, giảm chèn ép lên rễ thần kinh.

Các phương pháp vật lý trị liệu bệnh nhân có thể áp dụng điều trị thoái hóa đốt sống thắt lưng: Tia hồng ngoại; Siêu âm; Kích thích điện; Liệu pháp suối khoáng, bùn nóng; Châm cứu; Xoa bóp bấm huyệt; Kéo giãn cột sống; Các bài tập thoái hóa cột sống thắt lưng,...

Bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp vật lý trị liệu kết hợp dùng thuốc để tăng hiệu quả điều trị.

3. Phẫu thuật điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng:

Phẫu thuật thoái hóa cột sống là phương pháp điều trị cuối cùng khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả, triệu chứng nặng, kéo dài và một số trường hợp như:

  • Dây thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng gây ra tê liệt
  • Thoái hóa đi kèm thoát vị đĩa đệm
  • Trượt đốt sống gây ra đau thần kinh tọa lâu ngày
  • Đĩa đệm thoái hóa nghiêm trọng, cần phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo
  • Khó hoặc mất kiểm soát ruột và bàng quang

Thoái hóa cột sống thắt lưng không chỉ khiến người bệnh đau nhức, khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những hoạt động trong đời sống thường ngày. Ngay khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện đau mỏi khác thường, người bệnh cần thăm khám sớm để được hỗ trợ kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết