Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Biểu hiện, cách chữa trị và chăm sóc hiệu quả
Bệnh thủy đậu trẻ em
Bệnh thủy đậu ở trẻ lành tính nếu như biết cách điều trị và chăm sóc - Ảnh: BookingCare

Bệnh thủy đậu ở trẻ em: Biểu hiện, cách chữa trị và chăm sóc hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 28/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/01/2024
Bệnh thủy đậu ở trẻ em rất dễ lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp. Khi trẻ đi học, bệnh rất dễ lây lan giữa các bé cùng lớp do bé chưa ý thức được bệnh. Vì vây, cha mẹ cần hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe cho con trong mùa thủy đậu.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do Varicella Zoster Virus gây ra. Bệnh có thể gây sốt và ngứa phát ban kèm mụn nước khắp cơ thể. Bệnh thủy đậu thường xuất hiện ở những trẻ chưa được tiêm ngừa thủy đậu, trẻ có sức đề kháng yếu hoặc trẻ dưới 10 tuổi.

Biểu hiện bệnh thủy đậu

Sau khi trẻ tiếp xúc với vi rút varicella-zoster 10-21 ngày, sẽ bắt đầu xuất hiện phát ban, thường kéo dài khoảng 5 đến 10 ngày. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện từ 1 đến 2 ngày trước khi phát ban bao gồm:

  • Sốt
  • Chán ăn
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi

Vết phát ban do thuỷ đậu sẽ trải qua 3 giai đoạn:

  • Các vết sưng tấy gọi là mụn sẩn, sẽ bùng phát trong vài ngày.
  • Mụn nước hình thành trong khoảng một ngày rồi vỡ ra.
  • Lớp vỏ và vảy của mụn nước bị vỡ sẽ lành lại sau vài ngày.
  • Các nốt đậu mới có thể xuất hiện trong vài ngày tiếp theo.

Vì vậy, trẻ có thể xuất hiện cả nốt ban, mụn nước phồng rộp và bóng nước nhiều lứa tuổi cùng lúc. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao nhất trong vòng tối đa 48 giờ trước khi phát ban xuất hiện. Sau đó, virus vẫn có khả năng lây lan cho đến khi tất cả các mụn nước vỡ đã đóng mài.

Bệnh thường nhẹ ở trẻ khỏe mạnh. Nhưng đôi khi, mụn nước (nốt đậu) có thể nổi ở toàn bộ cơ thể, bao gồm cả ở mắt, họng, hậu môn và âm đạo. 

Thủy đậu có lây không?

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm và rất dễ lây thông qua:

  • Lây qua đường hô hấp khi nói chuyện với người bệnh, hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc chảy mũi
  • Lây từ mụn nước khi bị vỡ ra, từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét của người mắc bệnh
  • Lây từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai

Tuy nhiên, hiện tại bệnh thuỷ đậu đã được kiểm soát tốt nhờ vắc xin. Với những trẻ đã được tiêm vắc xin đúng và đủ liều thì gần như tỷ lệ mắc thuỷ đậu rất thấp.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu ở trẻ

Bệnh thủy đậu ở trẻ là một bệnh lành tính nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Tuy nhiên, thủy đậu không được điều trị sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là những trường hợp trẻ mắc bệnh thủy đậu nặng do việc chăm sóc chưa phù hợp:

  • Da, mô mềm, xương, khớp hoặc máu bị nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Viêm phổi.
  • Viêm não-màng não.
  • Nhiễm trùng huyết.
  • Hội chứng Reye có thể xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên dùng aspirin khi bị thủy đậu.

Những trẻ có nguy cơ cao gặp phải biến chứng bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi mà mẹ chưa từng mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa từng tiêm vắc xin. 
  • Trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch.
  • Trẻ mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn…

Điều trị thủy đậu hiệu quả cho trẻ

Thuỷ đậu là bệnh do virus nên các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Có thể bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc bôi để giảm ngứa, thường là thuốc kháng histamin. 

Ngoài ra, chủ yếu là chế độ chăm sóc phù hợp tại nhà, sau khoảng thời gian toàn phát của bệnh, trẻ sẽ dần khỏi.

Giai đoạn hồi phục bệnh thủy đậu thường diễn ra từ 3 - 4 ngày. Sau hơn 10 ngày kể từ khi phát bệnh, tất cả các mụn nước sẽ vỡ ra và khô lại, tạo thành vảy sau đó bong tróc.

Đa phần các mụn nước sau khi khô đóng mài sẽ bong ra và không để lại sẹo. Trong trường hợp, các nốt mụn vỡ để lại vết thâm, cần tham vấn bác sĩ thuốc bôi để làm mờ thâm. 

Kể từ khi người bệnh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh cho đến khi bệnh kết thúc giai đoạn có thể mất thời gian tối đa 1 tháng. Bệnh thủy đậu ở trẻ cần tối đa 21 ngày để virus phát triển đến khi gây ra những biểu hiện đầu tiên và mất khoảng 10 ngày để bệnh biểu hiện và phục hồi.

Sau khi người bệnh phục hồi, bệnh thủy đậu sẽ hết lây lan và trẻ có thể quay lại trường lớp cũng như tiếp xúc bình thường với mọi người.

Vì thủy đậu ở trẻ dễ bị nhầm lẫn với bệnh tay chân miệng và viêm da nhiễm trùng nên việc tự điều trị thủy đậu tại nhà cho con có thể dẫn đến những sai lầm đáng tiếc, khiến bệnh thủy đậu ở trẻ trở nặng hơn. Do đó, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám khi phát hiện bất thường, tránh tự điều trị theo kinh nghiệm hoặc theo dân gian.

Tay chân miệng
Thủy đậu ở trẻ dễ nhầm lẫn với tay chân miệng - Ảnh: Bệnh viện 108

Lưu ý về chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà

Khi con bị thủy đậu, cha mẹ cần lưu ý:

  • Cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn (5-10 ngày)
  • Trong thời gian mắc bệnh nên bổ sung vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ.
  • Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
  • Rửa tay cho trẻ thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn, cắt ngắn móng tay để tránh việc trẻ gãi làm nhiễm trùng các nốt thủy đậu.
  • Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi, thoáng mát, không cọ sát vào nốt thủy đậu, chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng nhiễm trùng.
  • Tránh làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.
  • Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.
  • Dùng thuốc bôi, thuốc uống điều trị triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ.

Phòng bệnh thủy đậu ở trẻ

  • Cách phòng ngừa chủ động, hiệu quả và an toàn nhất là đưa trẻ từ 12 tháng tuổi đi tiêm ngừa vắc xin thủy đậu (sau tiêm chủng khả năng phòng ngừa đạt 95 - 97%).
  • Để bảo vệ trẻ tối ưu và phòng tránh tình trạng tái nhiễm thủy đậu sau tiêm chủng phụ huynh nên cho trẻ tiêm đúng và đủ liều vắc xin thủy đậu.
  • Thực hành các thói quen vệ sinh tốt cho trẻ: Đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh.

Bệnh thủy đậu ở trẻ rất dễ để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ về sau, đồng thời có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm nếu trẻ không được điều trị đúng cách. Vì vậy, cha mẹ cần hết sức lưu ý chăm sóc cho con và thăm khám với bác sĩ để bé nhanh chóng phục hồi.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết