Bệnh Tay chân miệng ở trẻ: Dấu hiệu, điều trị, theo dõi và chăm sóc tại nhà
Bệnh Tay chân miệng ở trẻ: Dấu hiệu, điều trị và cách chăm sóc tại nhà
Bệnh Tay chân miệng ở trẻ: Dấu hiệu, điều trị và cách chăm sóc tại nhà - Ảnh: BookingCare

Bệnh Tay chân miệng ở trẻ: Dấu hiệu, điều trị, theo dõi và chăm sóc tại nhà

Tác giả: - Xuất bản: 29/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/12/2023
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy hiểm không, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị như thế nào, phụ huynh cần nắm thông tin gì để kịp thời phát hiện nếu không may con mắc phải.

Tay chân miệng ở trẻ có những biểu hiện tổn thương ngoài da và khiến trẻ cảm thấy khó chịu, phiền toái. Bệnh tay chân miệng dễ gây ra biến chứng nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện và điều trị cho con.

Để biết khi nào con có biểu hiện tay chân miệng và cần đi khám với bác sĩ, cha mẹ nên tham khảo thêm bài viết dưới đây.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng (HFMD) là một bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em từ 5 tuổi trở xuống nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn. Bệnh này do Coxsackievirus A (thường gặp A16), Coxsackievirus B, Echovirus, Enterovirus (thường gặp E71, E68) đặc biệt, các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV71. 

Virus EV71 có khả năng tồn tại từ nhiệt độ lạnh đến rất cao: Trong 30 phút virus mới bị bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C; Ở nhiệt độ lạnh - 40 độ C, virus có thể tồn tại tối đa 3 tuần ngoài môi trường.

Nhiễm trùng da, miệng xảy ra khi bội nhiễm các bọng nước ở tay chân và niêm mạc miệng.

Căn bệnh này rất dễ lây lan từ người này sang người khác trong vòng 1 tuần đầu nhiễm bệnh do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh.

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng

Khi trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng sau đây, cha mẹ cần hết sức chú ý theo dõi, chăm sóc và đưa con đi khám khi cần thiết.

  • Bé có biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5 độ C), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày
  • Trẻ có triệu chứng đau rát ở răng và miệng, chảy nhiều nước bọt, chán ăn
  • Sang thương da: Hồng ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông
  • Sang thương ở niêm mạc: vết loét đỏ hay bóng nước đường kính 2-3mm ở vòm miệng, niêm mạc má, nướu, lưỡi 
  • Mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống
  • Mụn nước, bọng nước ở lòng bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông
  • Mụn nước, bọng nước thường không gây đau rát. Mụn nước tồn tại trong vòng 7 đến 10 ngày rồi xẹp xuống và tự mất đi kể cả khi không được điều trị
  • Dấu hiệu gợi ý biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp 
  • Sốt cao khó hạ • Sốt >39 độ C 
  • Sốt > 2 ngày
  • Ói nhiều: nhợn ói, ói không kèm tiêu chảy, ói không sau ho
  • Hoảng hốt, quấy khóc

Do bệnh cảnh của biến chứng đa dạng nên có thể nhầm với: 

  • Viêm phổi, suyễn, viêm thanh quản cấp: do thở nhanh, thở co kéo hay thở rít thanh quản 
  • Nhiễm trùng huyết sốc nhiễm trùng: do bệnh cảnh nhập viện sốt cao kèm sốc. 
  • Viêm màng não do vi trùng - viêm não 
  • Dại: do tri giác hoảng hốt la hét

Tay chân miệng có thời gian ủ bệnh khoảng từ 3-6 ngày. Bệnh nhân có khả năng đào thải virus qua phân trong vòng vài tuần sau.

Sau khi bị bệnh chân tay miệng, bệnh nhân có miễn dịch với chủng virus gây bệnh. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể tái phát nếu nhiễm các chủng virus khác với những lần trước. Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan dù con đã từng mắc bệnh chân tay miệng hay chưa.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng dễ nhầm lẫn với các bệnh ngoài da khác ở trẻ - Ảnh: careplus.vn

Bệnh Tay chân miệng lây qua những đường nào?

Bệnh tay chân miệng ở trẻ có tốc độ lan truyền rất nhanh, trực tiếp từ người sang người thông qua thông qua đường miệng, nước bọt, qua các chất tiết từ mũi, phân của người bệnh.

Trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao nếu như:

  • Chơi chung, tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh
  • Trẻ vô tình  nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện
  • Tiếp xúc với dịch tiết từ mụn nước của bệnh nhân hoặc phân trẻ bị bệnh
  • Dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi với trẻ bị bệnh

Bệnh tay chân miệng cần nhanh chóng được can thiệp và xử lý, nếu không rất dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt với trẻ nhỏ trong độ tuổi đi học, tiếp xúc với nhiều bạn cùng lớp.

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Tay chân miệng nếu không được sớm phát hiện và điều trị kịp thời thì rất dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm

giai đoạn đầu, bệnh tay chân miệng trẻ em  thể nhẹ chỉ gây loét miệng và/hoặc tổn thương da. Khi đó, bé cần điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế. 

Tuy nhiên, đến giai đoạn 2, bệnh đã có thể gây ra biến chứng trên thần kinh và biến chứng tim mạch nhẹ. Trẻ có thể có những biểu hiện giật mình chới với, sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C kèm theo nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.

Ngoài ra, cha mẹ cần để ý nếu trẻ có biểu hiện run chi, ngồi không vững, đi loạng choạng, yếu liệt chân tay, rung giật nhãn cầu, lác mắt, nuốt sặc, thay đổi giọng nói,...

Đến giai đoạn 3, bệnh chân tay miệng ở trẻ gây ra biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng. Trẻ có các triệu chứng tim đập nhanh, vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú, tăng huyết áp, thở bất thường, rối loạn tri giác,...

Giai đoạn 4, trẻ có thể gặp nguy hiểm khi bị sốc, phù phổi cấp, tím tái, ngưng thở, thở nấc.

Tay chân miệng là bệnh lý nguy hiểm nếu không được khám chữa và điều trị kịp thời, vì vậy, ngay khi thấy trẻ có những dấu hiệu bệnh ở tay, chân, miệng giai đoạn 1, cha mẹ nên cho trẻ thăm khám với bác sĩ và điều trị, tránh gặp phải các biến chứng.

Điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Hiện tại, chưa có thuốc đặc hiệu diệt virus gây bệnh tay chân miệng. Các biện pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc bệnh nhân. Một số biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà:

  • Dùng thuốc hạ sốt Paracetamol nếu sốt cao trên 38.5 độ C
  • Thuốc bôi da hoặc thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ đường uống để giảm ngứa
  • Thoa miệng với nước muối sinh lý hoặc thuốc rơ miệng theo chỉ định của bác sĩ
  • Thuốc giảm đau như Paracetamol nếu cần
  • Thuốc bôi da dùng xanh methylene hoặc theo chỉ định của bác sĩ
  • Vệ sinh răng miệng bằng bàn chải mềm
  • Ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, ăn uống đủ chất để tăng đề kháng, uống đủ nước.
  • Tránh thức ăn chua, cay,  mặn
  • Rửa tay thường xuyên. Không chơi chung, chia sẻ thức ăn đồ uống với người khác.
  • Tái khám mỗi 1- 2 ngày trong 5 - 10 ngày đầu của bệnh

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lau, rửa các bề mặt, đồ chơi trong gia đình để tránh lây lan virus. Trẻ cần được cách ly hoặc nghỉ học (đối với trẻ đã đi học) trong vòng 7-10 ngày để đảm bảo không lây nhiễm cho trẻ khác.

Tuỳ theo diễn tiến, trẻ có thể cần nhập viện điều trị như thở oxy, chống co giật, chống phù não, truyền thuốc, lọc máu… Phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Nhi khoa để được tư vấn hướng dẫn cụ thể tuỳ tình huống.

Phòng ngừa bệnh chân tay miệng ở trẻ em

Virus tay chân miệng có thể bị đào thải ra ngoại cảnh từ phân, dịch hắt hơi, sổ mũi. Vi rút bị bất hoạt bởi nhiệt 56 độ C trong vòng 30 phút, tia cực tím, tia gamma hoặc bởi các dung dịch 2% Sodium hyproclorite (nước Javel), Chlorine tự do.

Virus chịu được pH với phổ rộng từ 3-9. Không hoặc ít bị bất hoạt bởi các chất hòa tan lipid như: Cồn, Chloroform, Phenol, Ether. Ở nhiệt độ lạnh âm 40 độ C, vi rút sống được vài ba tuần.

Hiện tại, vẫn chưa có vaccin phòng bệnh chân tay miệng, dựa vào những thông tin trên đây, để đề phòng bệnh, cần tránh lây lan giữa người này sang người khác bằng cách thực hiện các biện pháp:

  • Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết
  • Rửa tay kỹ với xà phòng sau khi chăm sóc bệnh nhân
  • Tuyệt đối không được làm vỡ các mụn nước trên da bệnh nhân
  • Vệ sinh sạch sẽ đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn
  • Cần theo dõi chặt chẽ và điều trị cho những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch
  • Cho trẻ nghỉ học, tránh tiếp xúc với các bạn khác cho đến khi khỏi bệnh.
  • Cha mẹ không được ôm hôn trẻ. Nếu trong nhà có hai bé, cần nhắc nhớ các bé tránh tiếp xúc gần nhau, không dùng chung quần áo, đồ dùng cá nhân với trẻ nhiễm bệnh.
  • Hướng dẫn, tạo thói quen cho trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho

Tóm lại, bệnh tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, dễ phát triển thành dịch bởi bệnh dễ lây lan qua tiếp xúc dịch tiết. Bệnh gây ra do virus nên chủ yếu điều trị là điều trị triệu chứng và theo dõi. Bất kỳ dấu hiệu bất thường nào phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết