Dấu hiệu bệnh Tay chân miệng trở nặng ở trẻ em
Dấu hiệu bệnh Tay chân miệng trở nặng ở trẻ em
Dấu hiệu bệnh Tay chân miệng trở nặng ở trẻ em - Ảnh: BookingCare

Dấu hiệu bệnh Tay chân miệng trở nặng ở trẻ em

Tác giả: - Xuất bản: 29/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/12/2023
Bệnh tay chân miệng ít khi trở nặng, nhưng một số dấu hiệu dưới đây cha mẹ cần lưu ý trong quá trình điều trị và chăm sóc tại nhà cho trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Bệnh tay chân miệng thường gặp nhiều ở trẻ dưới 5 -7 tuổi, bệnh dễ lây lan qua dịch tiết của người bệnh. Đặc biệt trong các môi trường đông đúc, nhiều trẻ em có thể phát triển thành dịch như trường học, nhà trẻ.

Bệnh tay chân miệng thường không nghiêm trọng. Đa số trẻ mắc bệnh sẽ khỏe hơn sau 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị y tế hoặc điều trị tối thiểu. Các biến chứng gây ra bởi tay chân miệng ít gặp

Dấu hiệu thường gặp ở trẻ em bị tay chân miệng

Khi trẻ bị tay chân miệng, trẻ thường có một số hoặc tất cả các triệu chứng dưới đây: 

  • Sốt
  • Đau họng
  • Mụn nước trên lưỡi, nướu và bên trong má khiến trẻ cảm thấy đau
  • Phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và đôi khi ở mông. Phát ban không gây ngứa nhưng đôi khi có mụn nước. Quấy khóc ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi
  • Chán ăn, biếng ăn

Ở từng trẻ có thể các triệu chứng sẽ khác nhau, mức độ cũng khác nhau. Đôi khi phụ huynh có thể bị nhầm lẫn với bệnh khác. Vì vậy, nếu không chắc chắn nên đưa trẻ đi khám sớm để được bác sĩ kết luận và đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng trở nặng: Người chăm sóc cần theo dõi những gì? 

diễn tiến lâm sàng bệnh tay chân miệng
Diễn tiến lâm sàng bệnh tay chân miệng ở trẻ - Ảnh: BookingCare

Phụ huynh khi chăm sóc con mắc tay chân miệng tại nhà có thể theo dõi diễn tiến bệnh ở trẻ theo chuyển độ dưới đây để kịp thời đưa con đi khám. Thông thường, trẻ cần được đi khám mỗi 1-2 ngày trong 5-10 ngày đầu của bệnh để được bác sĩ đánh giá tình trạng thực tế và diễn tiến của bệnh ở trẻ.

theo dõi chuyển độ bệnh tay chân miệng
Theo dõi chuyển độ 1, 2a, 2b ở trẻ mắc tay chân miệng - Ảnh: BookingCare
theo dõi chuyển độ bệnh tay chân miệng
Theo dõi chuyển độ 1, 2, 3 ở trẻ tay chân miệng - Ảnh: BookingCare

Thời điểm vàng để đưa trẻ đi khám là ngay khi phát hiện những triệu chứng bệnh đầu tiên.

diễn tiến nhanh bệnh tay chân miệng
Diễn tiến nhanh bệnh tay chân miệng trong vòng 72 giờ đầu - Ảnh: BookingCare

Bên cạnh đó, với trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc trẻ có hệ thống miễn dịch yếu, phụ huynh cũng cần đặc biệt theo dõi và nên đưa con đi thăm khám sớm.

Một số biến chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não.

  • Rung giật cơ (myoclonic jerk): Từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, trong cơn trẻ vẫn còn ý thức.
  • Ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược.
  • Yếu liệt chi (liệt mềm cấp).
  • Liệt dây thần kinh sọ não.
  • Co giật, hôn mê là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn.
  • Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch.
  • Mạch nhanh > 150 lần/phút.
  • Thời gian đổ đầy mao mạch chậm trên 3 giây.
  • Da nổi vân tím, vã mồ hôi, chi lạnh.
  • Giai đoạn đầu có huyết áp tăng (HA tâm thu: trẻ dưới 2 tuổi ≥ 115 mmHg, trẻ trên 2 tuổi ≥ 120 mmHg), giai đoạn sau mạch, huyết áp không đo được.
  • Khó thở: Thở nhanh, rút lõm ngực, thở rít thanh quản, thở không đều.
  • Phù phổi cấp: Sùi bọt hồng, khó thở, tím tái, phổi nhiều ran ẩm.

Phụ huynh cần theo dõi và nhận biết các dấu hiệu trở nặng ở trẻ mắc tay chân miệng để kịp thời đưa trẻ đi khám đúng thời điểm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết