Triệu chứng bệnh Tay chân miệng ở trẻ em như thế nào?
Triệu chứng bệnh Tay chân miệng ở trẻ em như thế nào?
Triệu chứng bệnh Tay chân miệng ở trẻ em - Ảnh: BookingCare

Triệu chứng bệnh Tay chân miệng ở trẻ em như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 29/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/12/2023
Dưới đây là các triệu chứng điển hình và giai đoạn bệnh tay chân miệng ở trẻ. Phụ huynh có thể tham khảo để theo dõi và nhận biết bệnh cho con và thăm khám với bác sĩ kịp thời.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus, dễ lây lan, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Các triệu chứng bao gồm lở loét ở miệng và phát ban ở tay và chân.

Triệu chứng điển hình bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em do virus và thường diễn tiến theo các giai đoạn dưới đây: 

  1. Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày.
  2. Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
  3. Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:
    • Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi.
    • Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm.
    • Sốt nhẹ.
    • Nôn.
    • Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng: Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.4
  4. Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Với trẻ sơ sinh và nhũ nhi, các triệu chứng ban đầu có thể khó nhận biết, trẻ có biểu hiện quấy khóc nhiều.

triệu chứng bệnh tay chân miệng
Triệu chứng loét miệng và phát ban ở lòng bàn tay ở trẻ mắc bệnh Tay chân miệng - Ảnh: BV Nhi đồng 1

Mặc dù các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ thường dễ nhận biết, nhưng có những bệnh nhiễm trùng cũng có thể có biểu hiện tương tự, hơn nữa không phải tất cả các trường hợp bệnh tay chân miệng đều có triệu chứng điển hình như trên.

Ví dụ, một số trẻ mắc bệnh tay chân miệng:

  • Có thể không sốt
  • Có thể chỉ loét miệng và không có mụn nước ở tay, chân
  • Có thể chỉ có một vài vết loét miệng
  • Có thể bị bong tróc ở ngón tay, ngón chân và thậm chí có thể mất móng tay, móng chân vài tuần sau khi các triệu chứng khác biến mất
  • Một số trẻ không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng vẫn có thể lây nhiễm.
  • Thể tối cấp: Bệnh diễn tiến rất nhanh có các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê co giật dẫn đến tử vong trong vòng 48 giờ.
  • Thể cấp tính với bốn giai đoạn điển hình như trên.
  • Thể không điển hình: Dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban và loét miệng

Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng

diễn tiến bệnh tay chân miệng
Diễn tiến lâm sàng bệnh tay chân miệng - Ảnh: BV Nhi đồng 1

Độ 1: Chỉ loét miệng và/hoặc tổn thương da. 

Độ 2a:

  • Bệnh sử có giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám
  • Sốt trên 2 ngày, hay sốt trên 39oC, nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ

Độ 2b:

  • Nhóm 1: Có một trong các biểu hiện sau
    • Giật mình ghi nhận lúc khám.
    • Bệnh sử có giật mình ≥ 2 lần / 30 phút.
    • Bệnh sử có giật mình kèm theo một dấu hiệu sau: Ngủ gà; Mạch nhanh > 150 lần /phút (khi trẻ nằm yên, không sốt); Sốt cao ≥ 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
  • Nhóm 2: Có một trong các biểu hiện sau:
    • Thất điều: run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
    • Rung giật nhãn cầu, lác mắt.
    • Yếu chi hoặc liệt chi.
    • Liệt thần kinh sọ: nuốt sặc, thay đổi giọng nói…

Độ 3:

  • Mạch nhanh > 170 lần/phút (khi trẻ nằm yên, không sốt).
  • Một số trường hợp có thể mạch chậm (dấu hiệu rất nặng).
  • Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú.
  • Huyết áp tăng.
  • Thở nhanh, thở bất thường: Cơn ngưng thở, thở bụng, thở nông, rút lõm ngực, khò khè, thở rít thanh quản.
  • Rối loạn tri giác (Glasgow < 10 điểm).
  • Tăng trương lực cơ.

Độ 4:

  • Sốc.
  • Phù phổi cấp.
  • Tím tái, SpO2 < 92%.
  • Ngưng thở, thở nấc.

Biến chứng bệnh Tay chân miệng ở trẻ em

Dưới đây là một số biến chứng bệnh tay chân miệng nếu không được điều trị kịp thời:

  • Biến chứng thần kinh: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não.
  • Rung giật cơ (myoclonic jerk): Từng cơn ngắn 1-2 giây, chủ yếu ở tay và chân, trong cơn trẻ vẫn còn ý thức.
  • Ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược.
  • Yếu liệt chi (liệt mềm cấp).
  • Liệt dây thần kinh sọ não.
  • Co giật, hôn mê là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn.
  • Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch.
  • Mạch nhanh > 150 lần/phút.
  • Thời gian đổ đầy mao mạch chậm trên 3 giây.
  • Da nổi vân tím, vã mồ hôi, chi lạnh.
  • Giai đoạn đầu có huyết áp tăng (HA tâm thu: trẻ dưới 2 tuổi ≥ 115 mmHg, trẻ trên 2 tuổi ≥ 120 mmHg), giai đoạn sau mạch, huyết áp không đo được.
  • Khó thở: Thở nhanh, rút lõm ngực, thở rít thanh quản, thở không đều.
  • Phù phổi cấp: Sùi bọt hồng, khó thở, tím tái, phổi nhiều ran ẩm.

Không phải trẻ nào mắc tay chân miệng cũng có tất cả các triệu chứng của bệnh được liệt kê trên đây và rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Vì vậy, khi nghi ngờ, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị, tránh gặp phải biến chứng nghiêm trọng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết