Có hai dạng chính của bệnh động mạch vành là bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định và hội chứng mạch vành cấp . Nội dung bài viết dưới đây sẽ thông tin thêm về bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì và tìm hiểu nguyên nhân của bệnh.
Bệnh động mạch vành là sự thu hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch vành thường là do tích tụ mảng xơ vữa. Các động mạch vành cung cấp máu giàu oxy cho tim. Sự tích tụ mảng bám trong các động mạch làm hạn chế lượng máu có thể đến tim.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định là gì?
Bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định (thiếu máu cục bộ cơ tim) là dạng mãn tính. Đây là tình trạng một vùng cơ tim bị giảm lưu lượng máu tới nuôi dưỡng, nên không nhận đủ máu và oxy.
Nguyên nhân gây nên bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ thường gặp nhất là do xơ vữa hệ động mạch vành. Các mảng xơ vữa xuất hiện làm hẹp lòng động mạch vành (mạch máu nuôi tim) và hạn chế dòng máu tới tim.
Như đã chia sẻ trong phần đầu bài viết, bên cạnh bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định, còn 1 dạng khác của bệnh động mạch vành là hội chứng mạch vành cấp. Đây là tình trạng đột ngột, các mảng bám trong động mạch vành đột nhiên vỡ ra và tạo thành cục máu đông ngăn chặn dòng máu chảy đến tim. Sự tắc nghẽn đột ngột này gây ra cơn đau tim.
Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ chỉ là một dạng bệnh thuộc bệnh động mạch vành. Trong đó, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là bệnh chiếm lớn nhất trong các bệnh động mạch vành nên nhiều người hay hiểu bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là tên gọi khác của bệnh động mạch vành.
Nguyên nhân gây bệnh tim thiếu máu cục bộ
Xơ vữa động mạch gây bệnh mạch vành, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Xơ vữa động mạch là sự tích tụ dần dần các mảng bám trong các động mạch khắp cơ thể.
Mảng bám bao gồm cholesterol, chất thải tế bào, canxi và fibrin (một chất giúp đông máu). Khi mảng bám tiếp tục tích tụ dọc theo thành động mạch, động mạch sẽ trở nên hẹp và cứng lại.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ có nhiều khả năng xảy ra hơn khi bạn già đi hoặc bệnh này di truyền trong gia đình. Ngoài ra có các yếu tố nguy cơ khác như:
- Mỡ máu cao
- Huyết áp cao
- Hút thuốc
- Hội chứng chuyển hóa
- Bệnh tiểu đường
- Béo phì và thừa cân
- Căng thẳng, trầm cảm và tức giận
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
- Uống nhiều rượu, bia
- Chứng ngưng thở lúc ngủ
Thăm khám, chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ
Để chẩn đoán bệnh này, bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám lâm sàng, hỏi về các triệu chứng, các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình có ai mắc mắc bệnh tim mạch hay không,...
Tiếp nữa, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và kỹ thuật chuẩn đoán như:
- Đo điện tâm đồ
- X-quang ngực
- Siêu âm tim
- Chụp động mạch vành
- Chụp CT tim
- Test gắng sức
- ...
Điều quan trọng nhất để ngăn ngừa và điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ chính là kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Do vậy, người bệnh cần chú trọng việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm.