Biểu hiện trẻ tăng động? Tăng động giảm chú ý có chữa được không?

Tác giả: - Xuất bản: 16/03/2021 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Tăng động giảm chú ý thường gặp ở bé trai nhiều hơn so với bé gái
Tăng động giảm chú ý thường gặp ở bé trai nhiều hơn so với bé gái - Ảnh: Yhoccongdong
Trong hành trình giúp trẻ thoát khỏi tình trạng tăng động, vai trò của ba mẹ là vô cùng quan trọng, hãy trau dồi những kiến thức đúng cho mình và cho con ngay từ hôm nay.

Tăng động giảm chú ý (AHAD) là rối loạn thường gặp ở trẻ và đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Đặc điểm nổi bật nhất là trẻ thường gặp phải nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh sự tập trung, khó kiểm soát hành động thái quá, phấn khích...

Trẻ mắc tăng động giảm chú ý cần được quan tâm đúng mức và can thiệp sớm bởinhà trị liệu tâm lý/chuyên gia can thiệp trẻ đặc biệt. Nếu để muộn (đến tuổi vị thành niên), vấn đề trở nên rất khó khăn do trẻ học tập kém, ảnh hưởng các mối quan hệ với xã hội, kém tự tin, nhiễm các thói hư, phát triển các hành vi chống đối xã hội,...

Giai đoạn trưởng thành sớm, ADHD có liên quan đến việc tăng nguy cơ cố gắng tự tử, chủ yếu là do phát triển đồng thời với các rối loạn cảm xúc, hành vi ứng xử hoặc nghiện chất.... Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Tuyết Hồng đã cung cấp và chia sẻ các thông tin hữu ích về rối loạn tăng động giảm chú ý dưới đây để phụ huynh tham khảo.

Biểu hiện trẻ tăng động giảm chú ý

Để đánh giá trẻ có bị tăng động hay không, cần có sự thăm khám của nhà trị liệu tâm lý/ chuyên gia can thiệp trẻ đặc biệt. Nhiều ba mẹ không đưa trẻ đi khám, mà nhầm lẫn giữa trẻ hiếu động và trẻ tăng động

Tỷ lệ bé trai mắc chứng tăng động so với bé gái là 3/1. Những đặc điểm lâm sàng để nhận biết trẻ tăng động giảm chú ý:

Tăng hoạt động

  • Khi bị tăng động trẻ cử động chân tay liên tục hoặc không ngồi yên
  • Rời khỏi chỗ trong lớp hoặc trong các tình huống khác mà cần phải ngồi yên một chỗ
  • Thường chạy quanh hoặc leo trèo quá mức trong các tình huống mà điều đó là không thích hợp (ở thanh thiếu niên, có thể chỉ biểu hiện cảm giác bồn chồn)
  • Thường khó khăn trong khi chơi
  • Khó khăn trong các hoạt động yêu cầu giữ yên lặng
  • Thường rời khỏi chỗ trong các trường hợp cần phải giữ nguyên vị trí
  • Thường không thể chơi hoặc tham gia các hoạt động giải trí một cách trật tự
  • Thường nhanh nhảu trả lời trước khi nghe đủ câu hỏi (không phải vì đã biết trước câu hỏi)
  • Thường ngắt lời hoặc xâm phạm đến vấn đề của người khác (VD: có thể tự ý sử dụng đồ vật của người khác mà không hỏi/nhận được sự cho phép)
  • Thường không thể đợi đến lượt
  • Thường hoạt động liên tục hoặc hoạt động như được “gắn động cơ”

Xung động

  • Thường buột miệng nói câu trả lời trước khi các câu hỏi được đặt ra hoàn chỉnh.
  • Khó khăn chờ đợi theo hàng hoặc chờ đến lượt trong các trò chơi lần lượt hoặc trong các tình huống sinh hoạt nhóm.
  • Thường ngắt lời hoặc xâm phạm vào vấn đề của người khác.

Để đánh giá trẻ tăng động giảm chú ý thì Tăng hoạt động có ít nhất 6 trong các triệu chứng điển hình của tăng hoạt động và xung động phải xuất hiện ít nhất 6 tháng, với mức độ làm trẻ thích ứng kém hoặc không phù hợp với mức độ phát triển tâm thần.

Khi trẻ có một số triệu chứng như trên, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám. Hoặc có thể tư vấn online trước với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn chăm sóc trẻ, sau đó có thể đi khám sau nếu cần thiết. 

Tăng động có chữa được không?

Trẻ tăng động giảm chú ý nếu không được điều trị có thể tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển hành vi, tính cách của trẻ. Đôi khi kết quả học tập sẽ kém dần đi, thường xuyên mắc lỗi. Vì thế, việc thăm khám và chữa trị chứng tăng động ở trẻ nhỏ vẫn luôn cần thiết để giảm thiểu tối đa những hệ quả không tốt về sau. 

Tăng động giảm chú ý có thể chữa được, điều quan trọng là ba mẹ cần kiên trì và hỗ trợ trong suốt thời gian điều trị đó. Đối với từng trẻ có biểu hiệu tăng động giảm chú ý, gia đình cần cần phối hợp chặt chẽ với nhà trị liệu tâm lý/chuyên gia can thiệp cho trẻ đặc biệt và giáo viên ở trường học của con. 

Điều trị tăng động giảm chú ý

Việc điều trị cho trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ nhiều phương pháp như: liệu pháp tâm lý kết hợp với giáo dục phù hợp sẽ giúp trẻ mau hồi phục và có thể hòa nhập lại cuộc sống nhanh hơn. Ngoài ra, có thể điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 

1. Điều trị bằng thuốc 

Các thuốc này có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương dùng cho trẻ trên 3 tuổi hoặc thuốc dùng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên với liều lượng được khuyến cáo cho kết quả tốt và không có nguy cơ gây nghiện.

Việc điều trị bằng thuốc cần có sự theo dõi, chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa Tâm bệnh để phù hợp với tình trạng và độ tuổi của trẻ. 

2. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý có vai trò quan trọng và xuyên suốt trong quá trình điều trị của trẻ. Đầu tiên, các nhà chuyên môn cần đánh giá cẩn trọng và chính xác các biểu hiện quan sát được ở trẻ tránh việc sử dụng các biện pháp can thiệp không đúng vấn đề trẻ gặp phải.

Kết hợp một số cách thức giáo dục để xây dựng kỹ năng làm cha mẹ hiệu quả, sau đây là một số kỹ năng cha mẹ có thể áp dụng với trẻ. Đồng thời, hỗ trợ gia đình hiểu thêm về vấn đề của trẻ trước khi đi đánh giá.

  • Hãy giao việc cho trẻ, điều này giúp trẻ có cảm giác về trách nhiệm và nâng cao lòng tự trọng của trẻ.
  • Tập cho trẻ thói quen làm việc có kế hoạch. Cha mẹ hãy cùng trẻ lập kế hoạch, theo dõi và giúp đỡ trẻ hoàn thành kế hoạch.
  • Tạo cho trẻ chú ý nghe nhìn khi bạn nói.
  • Tạo ra sự quan tâm đúng mực tới trẻ, tìm điểm mạnh để động viên kích lệ và điểm yếu để giúp đỡ trẻ hoàn thiện.
  • Nên cho trẻ chơi trò chơi tĩnh đòi hỏi tư duy, tránh chơi game, trò bạo lực.
  • Cho trẻ tham gia thể dục, thể thao theo sức khỏe và lứa tuổi của trẻ như tập đi bộ, bài tập thư giãn.
  • Luôn nhắc trẻ về luật lệ, nội quy trước khi đến nơi công cộng.
  • Thái độ luôn kiên trì, khi dứt khoát, đôi khi ra lệnh. Giao việc có phần thưởng tích cực mỗi khi trẻ làm một điều đúng đắn.
  • Tránh đánh mắng trẻ.

Trẻ nhỏ vốn đáng yêu nhưng lại có tính tò mò, hiếu động và lại rất dễ tổn thương. Tăng động giảm chú ý sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ. Vì vậy, mỗi ba mẹ hãy dành cho trẻ sự quan tâm đúng mực, đồng hành cùng trẻ cả hiện tại và tương lai.

Nếu trẻ nhà bạn có biểu hiện tăng động giảm chú ý, cách tốt nhất là ba mẹ hãy tư vấn với bác sĩ, chuyên gia để được hướng dẫn, định hướng cách chăm sóc trẻ cho phù hợp.

Trong hành trình giúp trẻ thoát khỏi tình trạng tăng động, vai trò của ba mẹ là vô cùng quan trọng, hãy trau dồi những kiến thức đúng cho mình và cho con bạn ngay từ hôm nay. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết