Bổ sung vitamin B12 như thế nào cho đúng?

Tác giả: - Xuất bản: 03/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/05/2024
Bổ sung khi cơ thể thiếu hụt vitamin B12
Làm thế nào để bổ sung vitamin B12? - Ảnh: BookingCare
Có nhiều cách bổ sung vitamin B12 như bổ sung từ thực phẩm, từ các chế phẩm và thuốc. Đặc biệt, tuỳ theo nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin B12 mà việc bổ sung và điều trị cũng khác nhau.

Vitamin B12 là dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đóng nhiều vai trò quan trọng trong chức năng thần kinh, tổng hợp DNA, sản xuất hồng cầu,… Thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn tới những rối loạn miễn dịch, thần kinh,…

Vậy làm thế nào để bổ sung vitamin B12? Những ai cần bổ sung vitamin B12? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Những ai cần bổ sung vitamin B12? 

Một số đối tượng có nguy cơ cao thiếu vitamin B12 cần bổ sung, bao gồm: 

  • Người ăn chay trường, chế độ ăn uống thiếu hụt các thực phẩm nguồn gốc động vật. 
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú có thể thiếu hụt vitamin B12. 
  • Những người thiếu máu ác tính có thể thiếu vitamin B12. 
  • Những người có vấn đề đường ruột như cắt ngắn ruột non, bệnh Crohn, viêm dạ dày, bệnh Celiac, bệnh viêm ruột,… 
  • Những người nghiện rượu mạn tính có thể thiếu hụt vitamin B12 và các chất dinh dưỡng khác. 
  • Những người bệnh tiểu đường dùng thuốc điều trị metformin cũng được khuyến cáo nên bổ sung vitamin B12 vì thuốc có thể làm giảm hấp thu loại vitamin này. 
  • Hiện nay, một số người làm dụng bóng cười có chứa N2O làm giảm hấp thu vitamin B12 gây tổn thương tủy do thiếu vitamin B12.

Làm thế nào để bổ sung vitamin B12? 

Thực phẩm giàu vitamin B12 

Một trong những cách chính giúp tăng cường hấp thụ vitamin B12 cho cơ thể là đảm bảo lượng vitamin B12 trong chế độ ăn uống. 

Những thực phẩm giàu vitamin B12 trong tự nhiên như: 

  • Nội tạng động vật:
    • các loại gan lợn, cừu, gan bò, gan bê là các loại thực phẩm giúp bổ sung một lượng vitamin B12 đáng kể. Bên cạnh đó, các loại nội tạng động vật cũng có chứa vitamin B1, vitamin A, đồng, selen,…
    • Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là những người thừa cân, béo phì hoặc đang có vấn đề về mỡ máu,… 
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa: sữa chua, phô mai,… có chứa nhiều protein và các loại vitamin, trong đó phải có vitamin B12. Một ly sữa nguyên chất bổ sung khoảng 46% nhu cầu vitamin B12 của cơ thể. 
  • Các loại hạt và ngũ cốc: Một số loại hạt, ngũ cốc cũng chứa hàm lượng vitamin B12 cao, phù hợp với những người ăn chay hoặc không dung nạp sữa cần dùng sữa thay thế như sữa hạnh nhân, đậu nành, yến mạch hoặc sữa hạt điều.
  • Trứng: Lòng đỏ trứng chứa nhiều vitamin B12 hơn lòng trắng trứng. Vì vậy, bạn có thể bổ sung vitamin B12 thông qua các món ăn từ trứng. 
  • Cá béo: Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá mòi giàu axit omega-3 và protein, cũng như các vitamin như vitamin B12. Với một miếng cá cá hồi nấu chín, khoảng 150g chứa hơn 200% giá trị vitamin B12 hàng ngày.  
  • Thịt bò: Thịt bò là thực phẩm chứa hàm lượng lớn vitamin B12, protein, các loại vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe. Các chuyên gia khuyến cáo, nên ăn khoảng 100g thịt đỏ 1-2 lần/tuần. 
Những thực phẩm giàu vitamin B12
Những thực phẩm giàu vitamin B12 trong tự nhiên

Bổ sung vitamin B12 qua men dinh dưỡng 

Một số loại men dinh dưỡng chứa hàm lượng vitamin B12 và các dưỡng chất cao như men tổng hợp từ nấm men. Những người ăn chay nên lựa chọn men dinh dưỡng tăng cường hoặc ngũ cốc tăng cường để đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu Vitamin và khoáng chất. 

Trung bình 15g men dinh dưỡng đáp ứng được 775% nhu cầu Vitamin B12 hàng ngày, phần dư thừa sẽ được cơ thể tích tụ trong gan và sử dụng dần.

Thuốc bổ sung vitamin B12 

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu vitamin B12 thông qua chế độ ăn uống thì thực phẩm bổ sung và thuốc là cách hiệu quả để đảm bảo đủ lượng vitamin B12. 

Thuốc bổ sung vitamin B12 có nhiều dạng khác nhau như: viên uống, viên ngậm dưới lưỡi, thuốc tiêm. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng để được xác định dạng thuốc, liều lượng thuốc phù hợp với nhu cầu cơ thể. 

Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc như: Tiêu chảy nhẹ, ngứa, phát ban da, đau đầu, chóng mặt,buồn nôn hoặc nôn, sưng tấy,… 

Ngoài ra, vitamin B12 có thể gây ra các phản ứng dị ứng rất hiếm gặp nhưng nghiêm trọng (phản ứng phản vệ), bao gồm: sưng mặt, lưỡi và cổ họng, khó nuốt và khó thở,… 

Giải quyết các nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin B12 

Ngoài việc bổ sung vitamin B12, cần giải quyết các bệnh lý gây nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 như: 

  • Điều trị bệnh lý thiếu máu ác tính. 
  • Điều trị các bệnh lý dạ dày và bệnh lý tiêu hoá. 
  • Không uống quá nhiều rượu vì có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ vitamin B12. 
  • Không lạm dụng bóng cười có thể gây thiếu vitamin B12.
  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể giúp xác định sớm những nguy cơ tiềm ẩn và các vấn đề về hấp thụ vitamin B12. 

Có nhiều cách bổ sung vitamin B12, trong đó bổ sung từ thực phẩm là cách an toàn và hiệu quả nhất. Trước khi bổ sung, bạn nên thăm khám và xác định nguyên nhân gây thiếu hụt dinh dưỡng, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bản thân. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích trong việc bổ sung vitamin B12 cho cơ thể.