Viêm dạ dày: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm dạ dày: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm dạ dày
Viêm dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Viêm dạ dày: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Cố vấn y khoa:
Xuất bản: 09/08/2023 | Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Viêm dạ dày là định nghĩa bệnh lý được chẩn đoán từ tập hợp nhiều triệu chứng tiêu hóa, qua hình ảnh nội soi dạ dày, hoặc mẫu sinh thiết dạ dày có tình trạng viêm được chẩn đoán thông qua một bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh học. Tùy vào tình trạng khác nhau cấp hay mạn tính bệnh mà sẽ ghi nhận được những triệu chứng và biến chứng khác nhau.

Các bệnh lý về dạ dày ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng. Theo thống kê, hơn 10% người Việt Nam gặp các vấn đề về tiêu hóa - dạ dày.

Viêm dạ dày thường được định nghĩa một cách khác nhau qua góc nhìn của bệnh nhân, bác sĩ thăm khám, bác sĩ chuyên ngành nội soi tiêu hóa và chuyên ngành giải phẫu bệnh học.

Cùng BookingCare tìm hiểu chi tiết hơn về triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và chung sống với viêm dạ dày thông qua bài viết dưới đây.

Bài viết được kiểm duyệt và cố vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Tiêu hóa Hồ Lê Bá Đạt.

Các triệu chứng viêm dạ dày

Người bệnh có thể nhận biết viêm dạ dày qua những dấu hiệu dưới đây:

  • Xuất hiện triệu chứng đau bụng đặc biệt vào ban đêm, hoặc khi bệnh nhân đói. Đau bụng xuất hiện ở vùng quanh rốn hoặc nửa trên vùng bụng, này có thể kéo dài âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn, đau có thể tăng lên sau khi ăn no, và giảm khi bệnh nhân sử dụng các loại thuốc trung hòa axit.
  • Triệu chứng buồn nôn, nôn ói ra thức ăn,...
  • Cảm giác đầy bụng, chướng bụng, ăn uống không ngon miệng và chán ăn,...
  • Cơ thể mệt mỏi, sụt cân, triệu chứng của bệnh lý thiếu máu mạn (da niêm nhạt, chóng mặt khi đi lại và làm việc nặng,..)
  • Có thể xuất hiện các triệu chứng của các bệnh lý thực quản (nuốt nghẹn, nuốt đau, ợ nóng, ợ chua), hoặc triệu chứng của bệnh lý đường tiêu hóa dưới (tiêu lỏng, tiêu phân đàm máu)…

Phân loại viêm dạ dày

Dựa theo tình trạng nội soi và mẫu sinh thiết mô bệnh học có thể có thể phân loại:

  • Viêm dạ dày trợt và chảy máu (Bệnh dạ dày phản ứng): Trên mẫu sinh thiết dạ dày có thể không ghi nhận có tế bào viêm, có hình ảnh bất thường qua nội soi dạ dày (các vết trợt và xuất huyết biểu mô).
  • Viêm dạ dày không chuyên biệt, không trợt: trên mẫu sinh thiết dạ dày ghi nhận có tế bào viêm, trên nội soi hình ảnh có thể bình thường.
  • Viêm dạ dày chuyên biệt: có thể xác định được rõ qua nội soi và chẩn đoán mô bệnh học thông qua sinh thiết mẫu dạ dày.

Dựa theo thời gian có thể phân loại:

  • Viêm dạ dày cấp
  • Viêm dạ dày mạn

Nguyên nhân viêm dạ dày

Với bệnh lý dạ dày phản ứng có thể do các nguyên nhân:

  • Thuốc (thuốc kháng viêm không steroid điều trị các bệnh lý viêm khớp như aspirin, ibuprofen, meloxicam…; thuốc chống loãng xương như alendronate; các loại thuốc điều trị trong ung thư hóa xạ trị: sử dụng lâu dài các loại thuốc trên làm niêm mạc dạ dày xuất hiện các vết trợt, có thể dẫn đến loét dạ dày – tá tràng, nếu không được can thiệp điều trị
  • Độc chất (rượu, kim loại nặng như thủy ngân, ketamine): sử dụng rượu bia và các chất gây nghiện gây hại đến dạ dày, niêm mạc dạ dày xuất hiện nhiều vết trợt hoặc xuất huyết.
  • Trào ngược dịch mật: dịch mật trào ngược từ ruột non vào dạ dày, gây nên triệu chứng viêm đỏ niêm mạc, lâu ngày có thể gây viêm teo niêm mạc dạ dày, chuyển sản niêm mạc ruột.
  • Stress: tình trạng stress do các bệnh nặng như nhiễm trùng huyết, bỏng nặng, chấn thương nặng hoặc thực hiện các phẫu thuật lớn đều dẫn đến ảnh hưởng không tốt đến dạ dày. Bên cạnh đó stress do áp lực từ công việc, cuộc sống và thói quen ăn uống không thích hợp dẫn đến tình trạng khó tiêu từ đó dẫn đến viêm dạ dày.
  • Các trường hợp khác (bệnh lý mảnh ghép chống lại ký chủ, thiếu máu nuôi, bệnh lý dạ dày tăng áp tĩnh mạch cửa trên bệnh nhân xơ gan…)

Với viêm dạ dày do tác nhân không chuyên biệt có thể do:

  • Viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (H.p): thường gặp nhất, do sự dễ lây nhiễm của loại vi khuẩn này. Viêm dạ dày do vi khuẩn H.p có thể diễn tiến từ cấp tính, sang mạn tính với nhiều mảng niêm mạc teo mỏng, chuyển sản niêm mạc ruột, từ đó dẫn đến nguy cơ ung thư dạ dày
  • Viêm dạ dày do bệnh lý tự miễn thiếu máu ác tính: Bệnh lý tự miễn tác động đến các tế bào tuyến đáy vị của dạ dày gây giảm tiết axit, giảm tiết yếu tố nội tại có vai trò trong hấp thu vitamin B12 dẫn đến thiếu máu nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng (thiếu máu ác tính)

Với viêm dạ dày do tác nhân đặc hiệu:

  • Viêm dạ dày cấp tính do vi khuẩn hoặc virus như CMV: gặp ở bệnh nhân có tình trạng miễn dịch suy yếu trầm trọng (HIV-AIDS, bệnh nhân ghép tủy hoặc ghép tạng… )
  • Viêm dạ dày dạng u hạt
  • Viêm dạ dày lympho bào
  • Viêm dạ dày bạch cầu ái toan
  • Viêm dạ dày gặp trong các bệnh lý viêm ruột mạn tính như viêm loét đại tràng xuất huyết, bệnh Crohn

Xét nghiệm chẩn đoán viêm dạ dày

Khi nhận biết những dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán điều trị bệnh sớm. Để xác định được mức độ nghiêm trọng của bệnh, người bệnh được thực hiện những xét nghiệm chẩn đoán:

  • Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ tiến hành hỏi ý kiến những triệu chứng, để có thể xác định cơ bản nguyên nhân gây bệnh và tiến hành những xét nghiệm
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này có thể kiểm tra có sự xuất hiện vi khuẩn HP hay không.
  • Test hơi thở: Phương pháp người bệnh tìm nguyên nhân gây bệnh có phải do vi khuẩn HP hay không
  • Nội soi dạ dày: Nội soi giúp xác định vị trí bị viêm và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh, ngoài ra nội soi còn giúp chẩn đoán vi khuẩn Helicobacter pylori qua việc lấy mẫu thử từ dạ dày (CLO test) hoặc sinh thiết tổn thương nếu ghi nhận bất thường.
  • Chụp X-quang: Giúp quan sát mức độ biến dạng của đường tiêu hóa trên nếu có.
viêm dạ dày
Có nhiều phương pháp xét nghiệm chẩn đoán viêm dạ dày - Ảnh: Canva

Phương pháp điều trị viêm dạ dày

Các bệnh lý tiêu hóa nói chung và viêm dạ dày nói riêng nếu không được điều trị đều làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Trong giai đoạn cấp tính của bệnh, các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn ói, ăn uống khó tiêu xuất hiện thường xuyên, gây ảnh hưởng đến việc ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt.

Trong giai đoạn mạn tính của bệnh, triệu chứng có thể mất đi, bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy cảm giác đầy bụng, sụt cân hoăc ăn uống chậm tiêu, bệnh vẫn âm thầm tiến triển dẫn đến nguy cơ ung thư dạ dày tiến triển hoặc các bệnh liên quan đến thiếu máu.

Viêm dạ dày cũng có thể âm thầm tiến triển các biến chứng khác như loét dạ dày – tá tràng gây xuất huyết ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng.

Điều cần thiết khi phát hiện khả năng bị Viêm dạ dày là phải tránh tự ý sử dụng các loại thuốc gây hại đến dạ dày mà không có sự kê đơn theo dõi sát của bác sĩ (như đã liệt kê ở trên); đồng thời bệnh nhân tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích, đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xử trí kịp thời

Bên cạnh việc thay đổi lối sống là một phần tiên quyết để điều trị tình trạng viêm dạ dày, thì điều trị nội khoa bằng thuốc là cách được sử dụng phổ biến hiện nay. Ưu điểm của phương pháp này là dễ thực hiện và mang lại hiệu quả nhanh chóng, cải thiện triệu chứng bệnh:

  • Thuốc trung hòa acid dạ dày
  • Thuốc ức chế histamin H2
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI) giúp giảm acid tiết ra trong dạ dày.
  • Các phác đồ điều trị tiệt trừ vi khuẩn H.p: bao gồm PPI, 2 loại kháng sinh kèm hoặc không kèm thuốc bismuth.
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: sucrafate, misoprostol, bismuth, rebamipide…

Chăm sóc viêm dạ dày hiệu quả tại nhà

Bên cạnh việc sử dụng thuốc để điều trị thì người bệnh hoặc đang có vấn đề về dạ dày nên kết hợp thay đổi một số thói quen để chăm sóc viêm dạ dày hiệu quả tại nhà.

  • Chia nhỏ bữa ăn. Ăn nhiều bữa trong ngày để giúp dạ dày không bị hoạt động quá sức. Uống đủ nước trong ngày
  • Ăn uống đúng giờ, tuyệt đối không bỏ bữa, ăn quá no hoặc để quá đói. Tránh ăn tối quá muộn ngay trước khi ngủ, thông thường bữa ăn cuối cùng trong ngày nên cách giờ ngủ khoảng 3 tiếng
  • Ngủ đủ giấc trung bình khoảng 6-8 tiếng 1 đêm, có thể thực hành thiền chánh niệm, hoặc tập các bài thể dục nhẹ nhàng như yoga hoặc bơi lội nhằm tránh các cảm xúc tiêu cực như stress, căng thẳng, giận dữ, lo lắng, buồn phiền,…
  • Hạn chế ăn các thực phẩm gây kích ứng dạ dày như: thức ăn quá nhiều gia vị chua cay, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ
  • Tránh xa các loại đồ uống có cồn, trà, cafe và đặc biệt là thuốc lá vì chúng chứa nhiều chất độc gây kích ứng và tổn thương niêm mạc dạ dày

Cân nhắc khi sử dụng các loại thuốc giảm đau vì chúng làm tăng nguy cơ viêm dạ dày. Nếu bắt buộc phải sử dụng thuốc bạn nên trao đổi với bác sĩ để lựa chọn loại thuốc an toàn, phù hợp.

Sống chung với bệnh viêm dạ dày

Để sống chung và đẩy lùi bệnh viêm dạ dày, người bệnh đòi hỏi cần có những sự thay đổi tích cực trong thói quen về lối sống và chế độ ăn uống. Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể sống chung với bệnh viêm dạ dày:

  • Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh: Hãy tập trung vào việc ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, giàu chất xơ như rau cải, ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả tươi, thịt gà, cá, và các nguồn protein tốt khác như trứng sữa. Tránh thực phẩm gây kích thích dạ dày như thực phẩm cay nóng, thức ăn nhanh, thực phẩm giàu chất béo.
  • Tập thể dục đều đặn có thể giúp cải thiện tiêu hóa và giảm căng thẳng. Tuy nhiên, hãy tránh các bài tập mạnh hoặc tập thể dục ngay sau khi ăn.
  • Căng thẳng có thể làm tăng triệu chứng viêm dạ dày. Thực hiện các phương pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga, tập yoga, tập thể dục nhẹ nhàng để giúp thư giãn tâm trí và cơ thể. Trị liệu tâm lý nhận thức – hành vi cũng có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng.
  • Theo dõi cách cơ thể của bạn phản ứng với các thay đổi về chế độ ăn uống, lối sống và thuốc để điều chỉnh cho phù hợp với thời gian biểu của mỗi người
  • Khi được bác sĩ kê đơn thuốc, hãy tuân thủ liều lượng và thời gian uống thuốc đúng cách. Không tự ý thêm bớt thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
  • Tuân thủ lịch tái khám bác sĩ để theo dõi tình trạng bệnh.

Như vậy, trên đây là những thông tin xoay quanh bệnh viêm dạ dày mà có thể bạn chưa biết. Viêm dạ dày hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được điều trị đúng cách thế nên bạn đọc hãy chủ động thăm khám để giữ gìn sức khỏe ổn định.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết