Triệu chứng viêm dạ dày theo phân loại bệnh
Triệu chứng viêm dạ dày theo phân loại bệnh
triệu chứng viêm dạ dày
Triệu chứng viêm dạ dày - Ảnh: BookingCare

Triệu chứng viêm dạ dày theo phân loại bệnh

Sản phẩm của: BookingCare
Cố vấn y khoa:
Xuất bản: 09/08/2023 | Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Một trong những triệu chứng đáng chú ý của viêm dạ dày nhất là cảm giác đau hoặc khó chịu ở vùng trên bụng. Những cơn đau này thường tập trung ở phần trên bên trái hoặc bên phải của bụng.

Bệnh viêm dạ dày, một tình trạng phổ biến của hệ tiêu hóa, mang lại sự bất tiện và khó chịu cho bệnh nhân. Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày thường đa dạng và khó phân biệt với các bệnh dạ dày khác. Do vậy, nếu nhận thấy một vài triệu chứng hoặc nghi ngờ dạ dày có vấn đề thì nên chủ động thăm khám để được điều trị kịp thời.

Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt chuyên môn bởi Bác sĩ Tiêu hóa Hồ Lê Bá Đạt.

Triệu chứng viêm dạ dày

Triệu chứng chung của viêm dạ dày

Viêm dạ dày đa phần không có triệu chứng. Bệnh nhân thậm chí tìm đến bác sĩ vì những triệu chứng của bệnh lý tiêu hóa khác như ợ nóng, ợ chua trong trào ngược dạ dày thực quản; đầy bụng, chậm tiêu hóa thức ăn trong chứng khó tiêu, sau đó mới phát hiện ra có viêm dạ dày.

Chính vì vậy, khi phát hiện ra có các triệu chứng dưới dây, người bệnh nên chú ý tới sự thay đổi và khó chịu trong cơ thể để phát hiện và điều trị viêm dạ dày kịp thời.

  • Đau bụng vùng thượng vị: Xuất hiện các cơn đau ở phần bụng trên rốn, ngay dưới xương sườn. Đây chính là dấu hiệu chính của bệnh với những cơn đau đột ngột hoặc kéo dài âm ỉ. Bệnh nhân thường thấy đau vào lúc đói hoặc ban đêm trong khoảng vài phút đến cả tiếng đồng hồ.
  • Cảm giác buồn nôn và nôn ói nước hoặc thức ăn
  • Cảm thấy đầy bụng, chướng bụng dẫn tới chán ăn.
  • Triệu chứng nặng khiến bệnh nhân phải đi đến phòng cấp cứu như ói ra máu hoặc tiêu phân đen như bã cà phê, hoặc tiêu máu đỏ
  • Triệu chứng của bệnh lý thực quản như nuốt đau, nuốt nghẹn, ợ nóng, ợ trớ, tăng nước bọt đột ngột; hoặc triệu chứng của các bệnh lý tiêu hóa khác như tiêu lỏng, sụt cân...

Vì triệu chứng của viêm dạ dày không nhiều, không rầm rộ nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, nên khi phát hiện các triệu chứng trên bạn nên sớm đến gặp bác sĩ. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng như nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen, hoặc tiêu phân máu đỏ thì bạn cần gặp bác sĩ ngay lập tức.

Các triệu chứng chung của viêm dạ dày là như vậy còn triệu chứng đặc trưng cho từng loại viêm dạ dày thì sao. Dưới đây là triệu chứng của viêm dạ dày cấp tính, viêm dạ dày mãn tính cùng nhiều loại viêm dạ dày khác.

Triệu chứng viêm dạ dày cấp tính

Triệu chứng của viêm dạ dày cấp xảy ra trong một thời gian ngắn khoảng 5 đến 7 ngày bao gồm các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn ói, chán ăn. Triệu chứng đau bụng có các tính chất như đau vùng giữa bụng, đau âm ỉ hoặc đau từng cơn, mỗi cơn kéo dài khoảng 30 – 60 phút, khởi phát khi đói hoặc sau ăn quá no, hoặc đau về đêm khiến bệnh nhân mất ngủ, giảm nhanh khi uống các loại thuốc trung hòa axit dạ dày.

Triệu chứng viêm dạ dày mạn tính

Trái ngược với viêm dạ dày cấp, viêm dạ dày mạn thông thường ghi nhận rất ít triệu chứng hoặc không ghi nhận triệu chứng. Bệnh nhân thường có các triệu chứng đầy bụng, chướng bụng, ăn uống khó tiêu, hoặc triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, xanh xao do thiếu máu lâu ngày…

Triệu chứng các loại bệnh dạ dày khác

Ngoài những triệu chứng của viêm dạ dày cấp hoặc mạn tính nêu trên, có một số bệnh lý dạ dày cũng gây ra nhiều vấn đề cho bệnh nhân:

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản:
    • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng tăng trào dịch từ dạ dày lên thực quản.
    • Các triệu chứng điển hình đó chính là ợ nóng, trớ và tăng nước bọt đột ngột, ngoài ra còn có các triệu chứng không điển hình như nuốt nghẹn, đau ngực không do bệnh lý tim mạch, ợ hơi, buồn nôn, ăn uống không tiêu. GERD gây ra hậu quả khó chịu, ảnh hướng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, hoặc viêm loét gây hẹp thực quản hoặc Barrett thực quản.
    • Triệu chứng của GERD có nhiều điểm tương đồng với Viêm dạ dày do đó cũng cần có sự theo dõi và thăm khám của bác sĩ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và kiểm soát để tránh các biến chứng của bệnh.
  • Bệnh dạ dày phản ứng do chất ăn mòn:
    • Thường do các chất ăn mòn như xà phòng, axit, các chất tẩy rửa… kích ứng tác động trực tiếp lên bề mặt niêm mạc không chỉ dạ dày mà còn là của niêm mạc miệng họng, thực quản và niêm mạc ruột.
    • Mức độ tổn thương phụ thuộc bản chất và nồng độ chất gây tổn thương. Ngoài ra còn phụ thuộc sự hoà loãng các chất ăn mòn do các chất bên trong dạ dày và sự trung hoà chất kiềm do acid dạ dày.
    • Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là chảy nước bọt, tăng tiết nước bọt và khó nuốt, niêm mạc đường tiêu hóa sưng nề, tấy đỏ, có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn là thủng thực quản dẫn đến viêm trung thất, đau ngực dữ dội, nhịp tim nhanh, sốt, thờ nhanh và sốc.
    • Thủng dạ dày có thể dẫn đến viêm phúc mạc. Thủng thực quản hoặc dạ dày có thể xảy ra trong vòng vài giờ hoặc vài tuần sau khi nuốt phải chất tẩy rửa. Sau giai đoạn này, bệnh nhân có thể bị chít hẹp thực quản dẫn đến khó nuốt và rối loạn nhu động, và nguy cơ diễn tiến thành ung thư thực quản hoặc ung thư dạ dày.
  • Loét dạ dày – tá tràng:
    • Là tổn thương mất chất vượt qua lớp cơ niêm đến các lớp sâu hơn của thành dạ dày, tá tràng (viêm dạ dày có tổn thương trợt cũng là tổn thương mất chất nhưng nông hơn).
    • Đây là hậu quả của tình trạng mất cân bằng do giảm các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày – tá tràng (chất nhầy, bicarbonate, prostaglandins… ) và tăng các yếu tố phá hủy (thông thường là vi khuẩn Helicobacter pylori và thuốc kháng viêm không steroid).
    • Triệu chứng tương tự như triệu chứng của viêm dạ dày, có một số triệu chứng nặng do biến chứng của bệnh như tiêu phân đen sệt, ói ra máu trong xuất huyết tiêu hóa; nôn ói liên tục kèm chướng bụng, chán ăn và sụt cân trong hẹp môn vị; hoặc đau bụng dữ dội, đột ngột, lan tỏa trong thủng ổ loét dạ dày tá tràng.
  • Chứng khó tiêu:
    • Là tập hợp của nhiều triệu chứng như đau bụng hoặc khó chịu vùng thượng vị, nóng vùng thượng vị, nhanh no hoặc đầy bụng sau ăn.
    • Các triệu chứng kèm theo có thể là buồn nôn, đầy hơi, ợ hơi. Khó tiêu có thể do một bệnh lý cụ thể bao gồm viêm loét thực quản, loét dạ dày tá tràng, ung thư đường tiêu hóa, thiếu máu ruột mạn tính, các bệnh lý từ đường mật – tụy và do thuốc (thông thường do thuốc kháng viêm không steroid).
    • Khi chứng khó tiêu tiến triển mạn tính trên 3 tháng nhưng không tìm được bệnh lý cụ thể nêu trên, dù bệnh nhân đã được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh học (siêu âm, nội soi tiêu hóa, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ khảo sát kỹ lưỡng đường tiêu hóa), thì được gọi là khó tiêu chức năng.
    • Khó tiêu chức năng được phân thành hai hội chứng chính đó là hội chứng khó chịu sau ăn (post prandial syndrome) với triệu chứng chính là ăn nhanh no và chậm tiêu, và hội chứng đau thượng vị (epigastric pain syndrome) với triệu chứng chính là đau thượng vị và nóng rát vùng thượng vị.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn đọc rõ hơn về triệu chứng viêm dạ dày để kịp thời thăm khám và nhận được điều trị cần thiết, tránh biến chứng kéo dài.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết