Trào ngược dạ dày: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
Trào ngược dạ dày: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Trào ngược dạ dày: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 07/08/2023 | Cập nhật lần cuối: 31/12/2023
Trào ngược dạ dày - thực quản là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, tìm hiểu. Bài tổng hợp sau đây hy vọng giải đáp được phần nào sự băn khoăn của bạn đọc, những người quan tâm thực sự đến chủ đề này.

Các bệnh lý liên quan đến đường Tiêu hóa nói chung và bệnh dạ dày nói riêng có xu hướng ngày càng tăng. Trong đó, trào ngược dạ dày - thực quản là hội chứng nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của nhiều người bệnh.

Vậy trào ngược dạ dày thực quản là gì mà quan trọng như vậy? Bệnh có chữa được không và cách phòng tránh thế nào... Bài tổng hợp sau đây hy vọng giải đáp được phần nào sự băn khoăn của bạn đọc, những người quan tâm thực sự đến chủ đề này.

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là tình trạng các chất từ dạ dày trào lên thực quản, bệnh không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà còn có nguy cơ gây ra những biến chứng nặng nề như loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí dẫn tới ung thư.

Việc chẩn đoán sớm, điều trị hợp lý và kịp thời sẽ làm cải thiện cuộc sống cho người bệnh cũng như giảm thiểu được các biến chứng nguy hiểm.

Các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản là hiện tượng sinh lý. Chỉ khi hiện tượng trào ngược gây ra triệu chứng hoặc gây tổn thương thực thể được gọi là bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.

Triệu chứng trào ngược dạ dày

Sau đây là 4 triệu chứng (biểu hiện) chính thường gặp ở người bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.

1. Ợ nóng

  • Là triệu chứng thường gặp nhất. Đó là cảm giác gây ra do các thành phần của dịch dạ dày trào ngược lên thực quản.
  • Bệnh nhân thấy nóng rát từ vùng thượng vị, lan ngược lên phía sau xương ức có khi lên tận cổ họng.
  • Ợ nóng thường tăng lên sau khi ăn, khi nằm xuống hoặc ưỡn người về phía trước.

2. Ợ chua

Là hiện tượng do các thành phần acid của dịch dày hoặc thực quản trào ngược lại ra vùng hầu họng.

3. Nuốt khó

  • Xuất hiện ở 1/3 số bệnh nhân trào ngược, đó là cảm giác thức ăn hay nước uống dừng lại phía sau xương ức ngay sau khi nuốt.
  • Nuốt khó, hay nghẹn là triệu chứng cần cảnh giác với ung thư thực quản.

4. Ho khan, khàn giọng

  • Dịch axit trào lên lâu ngày sẽ gây viêm, tổn thương niêm mạc hầu họng, gây ho, khàn giọng.
  • Nhiều trường hợp do không biết mình bị trào ngược dạ dày gây ho, người bệnh không đi khám và tự đi mua thuốc uống (thuốc ho, đau họng…).
  • Hệ quả là uống cả tháng trời tình trạng ho vẫn không giảm, thậm chí còn gây bệnh dạ dạ vì sử dụng quá nhiều thuốc.

Ngoài ra còn có các triệu chứng không điển hình khác, gồm: nôn, ợ hơi, tăng tiết nước bọt, khò khè, hen phế quản, mòn răng do axit, có những người còn bị viêm xoang, viêm tai giữa do hệ quả của trào ngược dạ dày thực quản lâu ngày

Nóng rát vùng ngực trước là triệu chứng của trào ngược dạ dày
Nóng rát vùng ngực trước là triệu chứng của trào ngược dạ dày

Nguyên nhân trào ngược dạ dày

Nguyên nhân của bệnh trào ngược dạ dày là do van ở chỗ nối thực quản và dạ dày hoạt động không bình thường. Áp lực đóng yếu hơn bình thường, van mở vào những thời điểm không phù hợp làm cho các chất chứa trong dạ dày dễ dàng đi ngược vào thực quản.

Sự gia tăng của acid dạ dày gây ra bệnh trào ngược dạ dày. Sự gia tăng của acid dạ dày chủ yếu do các bệnh lý như viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày hay hẹp môn vị dạ dày…

Ngoài hai nguyên nhân chính nêu trên, người bệnh bị trào ngược dạ dày còn bởi các yếu tố sau:

  • Do tác dụng phụ của một số loại thuốc tây: thuốc huyết áp, thuốc trị bệnh tiểu đường, thuốc giảm đau, aspirin…
  • Do thói quen dùng các loại đồ uống không tốt như bia rượu, cafe, nước ngọt hay thuốc lá…
  • Do thói quen ăn uống không tốt như ăn quá no, ăn quá nhiều thực phẩm khó tiêu cũng gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày.
  • Các bệnh lý như tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản và nhiễm trùng thực quản, người bị béo phì…
Cơ vòng thực quản không đóng kín gây trào ngược dạ dày
Cơ vòng thực quản không đóng kín gây trào ngược dạ dày

Chẩn đoán trào ngược dạ dày

Trong quá trình đi khám, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:

1. Nội soi thực quản - dạ dày

Nội soi là cách hiệu quả nhất trong chẩn đoán và điều trị viêm thực quản trào ngược. Không chỉ giúp chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản, mà nội soi còn có thể chỉ ra các tổn thương niêm mạc khác như: viêm thực quản nhiễm trùng, loét dạ dày tá tràng, các bệnh lý khác về đường tiêu hóa.

Nội soi dạ dày - thực quản là cách hiệu quả nhất chẩn đoán trào ngược dạ dày
Nội soi dạ dày - thực quản là cách hiệu quả nhất chẩn đoán trào ngược dạ dày - Ảnh: PK Hoàng Long

2. Chụp X quang

Thường được sử dụng cho bệnh nhân bị khó nuốt nặng do chít hẹp thực quản, nhằm xác định vị trí bị chít khẹp.

Tuy nhiên, chụp thực quản không hiệu quả trong việc đánh giá trào ngược dạ dày cũng như phát hiện các tổn thương niêm mạc, bệnh nhân vẫn cần nội soi. Có thể xem đây là biện pháp hỗ trợ để nội soi được hiệu quả hơn. Các trường hợp không bị khó nuốt không cần chụp thực quản dạ dày.

3. Theo dõi pH thực quản trong 24h

Để khảo sát các triệu chứng có liên quan đến việc xảy ra hiện tượng trào ngược hay không, rất hữu ích cho các trường hợp chẩn đoán không rõ sau khi điều trị thử và nội soi. Đối với trường hợp đã chẩn đoán ra kết quả thì không cần thiết thực hiện theo dõi pH.

Sau khi thăm khám lâm sàng, đánh giá sơ bộ, bác sĩ chuyên khoa mới có thể đưa ra chỉ định cận lâm sàng. 

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Tùy theo tình trạng của từng người mà bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị riêng. Nhưng thông thường sẽ gồm các phương pháp: thay đổi cách sinh hoạt, ăn uống; sử dụng thuốc; phương pháp phẫu thuật.

Sử dụng thuốc đối với trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày không phải có thể điều trị khỏi hẳn trong một sớm, một chiều, mà đòi hỏi người bệnh kiên trì dùng thuốc và tuân theo chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học trong thời gian dài. Người bệnh nên thăm khám để bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Phẫu thuật đối với trào ngược dạ dày thực quản

Nhiều trường hợp sử dụng thuốc không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh, nên các triệu chứng có thể xuất hiện trở lại sau một thời gian ngưng thuốc. Ngoài ra, tuy dùng thuốc có thể điều trị những triệu chứng do tác động của axit gây ra nhưng những tổn thương ở niêm mạc thực quản có thể vẫn tiếp tục tiến triển. Do vậy, một số bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật.

Phẫu thuật củng cố cơ vòng thực quản (Nissen fundoplication) là phương pháp phẫu thuật có thể áp dụng đối với bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản. Nhằm tăng áp suất cơ thắt thắt thực quản dưới, do đó có thể ngăn axit trào ngược lên thực quản. Kỹ thuật Nissen fundoplication có thể được mổ mở hoặc mổ nội soi.

Về chế độ ăn uống, sinh hoạt, BookingCare sẽ đề cập cụ thể trong phần tiếp theo.

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày tại nhà hiệu quả

Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt

Loại bỏ các loại thực phẩm kích thích dạ dày làm tăng tiết axit quá mức. Hãy thử cắt giảm các loại thực phẩm sau đây:

  • Cà phê, rượu bia, đồ uống có gas
  • Hạt tiêu, ớt cay, các loại gia vị giấm, nước sốt
  • Tỏi và hành tây
  • Các loại thực phẩm chiên hoặc dầu mỡ
  • Các loại thực phẩm có tính axit như cà chua, ngô và quả vải

Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày

Việc chia nhỏ khẩu phần ra làm nhiều bữa ăn trong ngày sẽ giúp hệ thống tiêu hóa của bạn hoạt động hiệu quả hơn, tránh được áp lực cho dạ dày và việc điều tiết axit cũng được ổn định hơn.

Lưu ý, ăn xong ít nhất 1h sau mới nằm.

Giảm cân dư thừa

  • Ở người béo phì, lượng mỡ tập trung nhiều tại vùng bụng làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của cơ thắt thực quản, đồng thời tạo áp lực lên dạ dày thực quản và gây trào ngược axit.

Tránh uống rượu và thức uống chứa caffeine: Rượu và caffeine làm nới lỏng cơ vòng kiểm soát việc lưu thông qua thực quản vào dạ dày, cho phép axit chảy ngược lại thực quản.

Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá gây trở ngại cho hệ tiêu hóa và có thể gây hại niêm mạc của thực quản.

Nâng cao đầu giường (khoảng 15 – 20 cm)

  • Nếu phần thân phía trên thực quản của bạn cao hơn so với dạ dày sẽ hạn chế axit trào ngược lên trên.
  • Nhưng cũng nên lưu ý là không nằm gối cao vì gập người sẽ làm tăng sức ép vào dạ dày và gây hại cho cột sống của bạn.
Nên nằm nghiêng và kê cao gối giảm tình trạng trào ngược
Nên nằm nghiêng và kê cao gối giảm tình trạng trào ngược

Chung sống với bệnh trào ngược dạ dày

  • Tinh thần: Tinh thần thư thái, thanh thản.
  • Thức ăn: Biết lựa chọn ăn uống tốt cho dạ dày
  • Thể dục: Biết thể dục đúng cách và thường xuyên để duy trì trạng thái "nhân cường bệnh nhược"
  • Thuốc: Lựa chọn biện pháp thực phẩm chức năng hỗ trợ chức năng tiêu hóa, giúp khỏe dạ dày, từ đó tránh xa được bệnh trào ngược
  • Ngoài ra cần thay đổi chế độ ăn, kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá, thức ăn có nhiều dầu mỡ, thức ăn chua, cay, nước uống có ga, trái cây chua, chất cay nóng...
  • Ngủ nằm đầu cao 15cm so với chân. Giảm cân nếu thừa cân, béo phì, ngưng các thuốc kích thích dạ dày.
  • Không ăn bữa ăn quá no, nên chia làm nhiều bữa, ăn ít hơn, không ăn muộn vào buổi tối, không nằm trong 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn. Tránh bữa ăn trễ và ăn nhiều. Tránh nằm ngửa ngay sau bữa ăn và mặc đồ quá chật ngay sau bữa ăn.

Như vậy, trên đây là những triệu chứng, nguyên nhân, cách chung sống với bệnh trào ngược dạ dày. Hy vọng bài viết đã mang lại những thông tin hữu ích và thiết thực với bạn đọc.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết