Các bệnh dạ dày thường gặp và dấu hiệu nhận biết
Các bệnh dạ dày thường gặp và dấu hiệu nhận biết
các bệnh dạ dày thường gặp
Các bệnh dạ dày thường gặp và dấu hiệu nhận biết - Ảnh: BookingCare

Các bệnh dạ dày thường gặp và dấu hiệu nhận biết

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 07/08/2023 | Cập nhật lần cuối: 25/03/2024
Dạ dày là một phần quan trọng trong hệ tiêu hóa của con người, đồng thời cũng là nơi thường là nơi xảy ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Các bệnh dạ dày thường gặp ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể của mỗi người.

Trong bài viết dưới đây, BookingCare sẽ cùng bạn khám phá những bệnh lý thường gặp liên quan đến dạ dày và các dấu hiệu nhận biết. Từ viêm loét dạ dày, cho đến trào ngược dạ dày, xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày,... đều là những căn bệnh đáng sợ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. 

Nguyên nhân dẫn đến các bệnh dạ dày

Nhiễm khuẩn HP gây bệnh dạ dày: Vi khuẩn HP sống trong dạ dày, dưới lớp niêm mạc gần lớp tế bào biểu mô và sản xuất ra catalase, protease, ngoại độc tố. Các chất này làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây viêm loét dạ dày hoặc loét dạ dày – tá tràng. HP tồn tại lâu dài trong dạ dày có thể gây ung thư dạ dày

Thói quen ăn uống không phù hợp:

  • Ăn quá nhanh: Khi ăn nhanh, thức ăn chưa kịp nghiền nát, nước bọt trong miệng chưa thể thể trung hòa với thức ăn đã khiến cho dạ dày khó co bóp, nghiền nát thức ăn, dẫn tới nguy cơ đau dạ dày.
  • Ăn trước khi ngủ: Đi ngủ trong lúc thức ăn chưa tiêu hóa hết sẽ dẫn tới đầy bụng và đau dạ dày vì lượng thức ăn đọng lại sẽ phân hủy và lên men trong dạ dày.
  • Ăn không đúng bữa: Nếu ăn vào một thời gian nhất định trong ngày, dạ dày sẽ tiết ra dịch vị giúp thức ăn tiêu hóa tốt hơn. Ngược lại, khi ăn không đúng thời điểm, lượng axit tiết ra trong dạ dày sẽ gây hại cho bản thân cơ thể.
  • Hoạt động mạnh ngay sau khi ăn: Thói quen này hoàn toàn không tốt cho dạ dày, là nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày.

Bia rượu: Uống quá nhiều rượu gây kích thích và ăn mòn lớp nhầy lót dạ dày, là nguyên nhân gây đau dạ dày. Kéo theo đó là gan bị tổn thương, tiêu hóa kém.

Căng thẳng, mệt mỏi kéo dài dẫn tới chức năng tiết dịch của dạ dày bị ảnh hưởng. 

Lối sống không khoa học: Thường xuyên thức khuya, làm việc quá sức sẽ kéo theo tình trạng sức khỏe suy yếu, sức đề kháng giảm sút. Điều này dẫn tới chức năng tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày bị suy yếu

Lạm dụng thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau có thể kìm hãm quá trình sản xuất niêm mạc bảo vệ thành dạ dày, gây ra hiện tượng co bóp thất thường, gây đau. Việc sử dụng thường xuyên thuốc giảm đau sẽ gây tổn thương niêm mạc dạ dày, làm gia tăng nguy cơ bị đau dạ dày.

Các bệnh dạ dày thường gặp

Dưới đây là một số bệnh dạ dày thường gặp mà mọi người dễ mắc phải.

1. Viêm loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng là một tình trạng khi thành niêm mạc dạ dày và tá tràng xảy ra các tổn thương dạng viêm loét. Đây là một trong các bệnh lý dạ dày phổ biến nhất, bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của viêm dạ dày. Theo thống kê thì tỷ lệ người cao tuổi bị viêm dạ dày chiếm đa số. 

Bệnh được chia làm hai loại là viêm loét dạ dày tá tràng cấp tính và viêm loét dạ dày tá tràng mạn tính.

  • Viêm dạ dày tá tràng cấp có tính chất khởi phát và diễn tiến nhanh chóng, ít để lại di chứng.
  • Viêm dạ dày tá tràng mạn tính là tổn thương kéo dài, tiến triển âm thầm, biểu hiện âm ỉ nhưng gây ra biến chứng nguy hiểm như teo niêm mạc dạ dày tá tràng, thậm chí là ung thư.

Dấu hiệu viêm loét dạ dày tá tràng:

  • Đau bụng âm ỉ
  • Cảm thấy đầy hơi, ăn không tiêu và buồn nôn
  • Đau vùng trên rốn (thượng vị). Cơn đau diễn ra âm ỉ, kéo dài, đau nặng hơn khi đói, khi ngồi gập bụng…
  • Thường xuyên bị ợ hơi, nóng rát.
  • Gặp các rối loạn về tiêu hóa như tiêu chảy và táo bón.

2. Trào ngược dạ dày

Trong trạng thái bình thường, khi chúng ta ăn uống, thức ăn được đưa vào miệng xuống thực quản, tại đây các cơ thắt thực quản giãn ra để thức ăn và chất lỏng xuống dạ dày rồi đóng lại. Tuy nhiên, ở người bị trào ngược dạ dày sẽ gặp tình trạng dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản, khiến cho lớp niêm mạc ở đây bị kích thích, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu.

Dấu hiệu trào ngược dạ dày:

  • Khó nuốt
  • Đau và ợ nóng sau khi ăn, thường xảy ra sau khi ăn quá no hoặc ăn nhiều chất béo
  • Ợ nóng nhiều khi nằm nghỉ
  • Khàn giọng, đau họng, ho, hen
  • Đắng miệng do axit trào ngược lên tới cuống họng
  • Tiết nhiều nước bọt, buồn nôn
  • Tức ngực

3. Viêm hang vị dạ dày

Hang vị là bộ phận quan trọng của dạ dày và rất dễ bị tổn thương. Các sang thương vùng hang vị dạ dày thường gặp là viêm nhiều dạng như viêm trợt nổi, viêm sung huyết, viêm trợt phẳng hoặc các ổ loét. Viêm hang vị dạ dày thường xuất hiện ở những người có độ tuổi trung niên, cao tuổi. Tuy nhiên tỷ lệ người trẻ mắc bệnh hiện nay cũng khá cao.

Bệnh dạ dày nói chung và viêm hang vị dạ dày nói riêng thường có các triệu chứng giống nhau. Điều này khiến người bệnh dễ hiểu lầm và chủ quan.

Dấu hiệu của viêm hang vị dạ dày:

  • Thường xuyên xuất hiện cơn đau ở thượng vị, cơn đau tăng lên khi ăn đồ cay nóng
  • Sau khi ăn uống thường bị ợ chua, ợ hơi.
  • Với các trường hợp nặng, có thể cảm thấy đau bụng âm ỉ cả ngày không dứt, cơ thể cảm thấy khó chịu, buồn nôn, thậm chí nôn ra dịch nhầy có mùi khó chịu.
  • Bệnh kéo dài dẫn tới sụt cân, sắc mặt xanh xao.

4. Nhiễm khuẩn HP dạ dày

Vi khuẩn HP theo khoa học có tên đầy đủ là Helicobacter Pylori. Vi khuẩn Hp là một trong các nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày như phần nội dung bên trên có đề cập. Nếu để bệnh kéo dài mà không có biện pháp can thiệp và điều trị thì sẽ gây ra các biến chứng như viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày,...

Khi bị nhiễm HP dạ dày, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt mọi hoạt động hàng ngày như bình thường. Đặc biệt là không có triệu chứng khác thường nào xuất hiện. Tuy nhiên có một số bệnh nhân sẽ có thể gặp phải các dấu hiệu đặc trưng của loét dạ dày như:

  • Xuất hiện đau bụng, buồn nôn
  • Chán ăn, ăn không ngon miệng, dẫn đến sụt cân
  • Đầy hơi, ợ nóng, hôi miệng

Nếu bị nhiễm HP kéo dài lâu ngày thì các dấu hiệu của bệnh nhân sẽ biểu hiện rõ rệt hơn. Điển hình như:

  • Các cơn đau bụng dữ dội
  • Khi ăn bị khó nuốt
  • Đi ngoài có lẫn máu trong phân
  • Phân màu đen

5. Xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày là bệnh lý cấp tính thường gặp do tổn thương viêm đau dạ dày cấp hoặc mạn tính mà không được điều trị kịp thời. Đây là hiện tượng chảy máu phía trong của dạ dày do một nguyên nhân nào đó khiến chúng bị tổn thương.

Xuất huyết dạ dày là bệnh nguy hiểm và có thể gây biến chứng nghiêm trọng, mất máu nhiều dẫn tới suy kiệt sức khỏe và tử vong. Chính vì thế khi thấy các dấu hiệu cảnh báo bệnh xuất huyết dạ dày, người bệnh cần đi khám ngay lập tức.

Dấu hiệu xuất huyết dạ dày:

  • Nôn ra máu: Đây là biểu hiện dễ nhận biết nhất của xuất huyết dạ dày. Tình trạng mất máu nhẹ sẽ khiến người bệnh bị suy nhược cơ thể, xanh xao, tụt huyết áp, mệt mỏi… 
  • Đau vùng thượng vị: Các cơn đau thường dữ dội, lan rộng xuống vùng bụng, hai bên cạnh sườn. Bên cạnh đó người bệnh còn xuất hiện hiện tượng buồn nôn khó chịu.
  • Đại tiện ra phân đen: Một số trường hợp bệnh nhân không nôn mà đại tiện ra phân có màu đen như bã cà phê. Người bệnh xuất huyết dạ dày không bị nôn sẽ đi ngoài phân loãng, nước màu đỏ xen lẫn với phân màu đen.

6. Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một loại ung thư xuất phát từ niêm mạc của dạ dày, một phần của hệ tiêu hóa. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng và có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe của người bệnh.

Ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa thông thường khác. Khi khối u phát triển to dần lên, người bệnh sẽ thấy các biểu hiện cụ thể như dưới đây.

Dấu hiệu ung thư dạ dày:

  • Đau dạ dày: đau dai dẳng, đau ở vùng giữa bụng.
  • Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh bị ung thư dạ dày sẽ bị táo bón hoặc tiêu chảy bởi các khối ung thư phát triển trong dạ dày có thể gây xáo trộn nhu động ruột.
  • Ợ nóng, ợ chua
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Máu trong phân hoặc nôn ra máu

Các bệnh dạ dày đều yêu cầu sự chẩn đoán và điều trị kịp thời để ngăn ngừa hoặc kiểm soát tình trạng. Việc duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân đối, và thực hiện các xét nghiệm theo hướng dẫn của bác sĩ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe dạ dày và tổng thể.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare