Viêm loét dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chăm sóc hiệu quả
Viêm loét dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chăm sóc hiệu quả
Viêm loét dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chăm sóc hiệu quả tại nhà
Viêm loét dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chăm sóc hiệu quả tại nhà - Ảnh: BookingCare

Viêm loét dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân và cách chăm sóc hiệu quả

Sản phẩm của: BookingCare
Cố vấn y khoa:
Xuất bản: 28/08/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Viêm loét dạ dày có thể gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu đúng tình trạng của mình cũng như có phương pháp điều trị phù hợp.

Viêm loét dạ dày đang dần trở thành căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại. Bệnh viêm loét dạ dày, còn được gọi là viêm loét dạ dày tá tràng, là một tình trạng sức khỏe liên quan đến việc hình thành các vết thương ở niêm mạc dạ dày.

Viêm loét dạ dày có thể gây ra những cơn đau bất thường và tạo ra sự không thoải mái trong quá trình tiêu hóa. Bất cứ ai cũng có thể bị viêm loét dạ dày.

Triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày

Triệu chứng của viêm loét dạ dày thường bao gồm:

  • Đau là triệu chứng chính có nhiều tính chất.
  • Đau từng đợt mỗi đợt kéo dài 2 – 8 tuần cách nhau vài tháng đến vài năm.
  • Đau có thể gia tăng theo mùa nhất là vào mùa đông.
  • Đau sau ăn 30 phút – 2 giờ; thường đau nhiều sau bữa ăn trưa và tối hơn là bữa ăn sáng.
  • Vị trí đau thường là vùng thượng vị. Nếu ổ loét nằm ở mặt sau thì có thể đau lan ra sau lưng. Ngoài ra có thể đau ở bất kỳ vị trí nào trên bụng.
  • Kèm theo đau là các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, nặng bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nóng rát, chướng bụng, nôn, buồn nôn,...

Nguyên nhân viêm loét dạ dày

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày – tá tràng, 90% các trường hợp loét ghi nhận được do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori và sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), các trường hợp khác chiếm từ 5 – 10%.

Mặc dù sử dụng rượu bia, các yếu tố liên quan đến ăn uống và stress không liên quan đến nguyên nhân gây loét, các yếu tố này có thể yếu tố nguy cơ, góp phần làm dạ dày tăng chế tiết pepsin và axit clohidric, góp phần làm mất cân bằng các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày, trên bệnh nhân có sử dụng thuốc NSAID hoặc nhiễm vi khuẩn Hp.

Nhiễm vi khuẩn HP

Vi khuẩn Hp sống ưu thế ở hang vị gây tăng tiết gastrin, giảm tế bào D có nhiệm vụ chế tiết somatostatin, kích thích tăng tiết axit. Niêm mạc tá tràng chuyển sản dạ dày để đáp ứng với môi trường giàu axit, lôi kéo vi khuẩn H.p cư trú tại tá tràng, gây ra viêm và loét ở vị trí tá tràng.

Còn với các trường hợp viêm teo mạn toàn bộ niêm mạc dạ dày do vi khuẩn H.p thường trú, làm giảm lượng axit bài tiết, các tế bào dạ dày trong môi trường thiếu axit dẫn đến bị chuyển sản niêm mạc ruột, hoặc nghịch sản, có nguy cơ viêm loét hoặc ung thư dạ dày.

Lạm dụng thuốc kháng viêm và giảm đau

Các loại thuốc giảm đau không steroid (aspirin, ibuprofen, meloxicam… ) góp phần là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày tá tràng.Các loại thuốc này hoạt động bằng cách ức chế enzyme cyclooxygenase, từ đó làm giảm sinh tổng hợp prostaglandin nhằm chống viêm, giảm đau. T

uy nhiên enzyme cyclooxygenase bị ức chế khiến hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày suy giảm, tạo điều kiện cho dịch vị xâm lấn và ăn mòn niêm mạc. 

Một số nguyên nhân khác

Hội chứng Zollinger-Ellison (hội chứng này điển hình bởi tình trạng tăng tiết dịch vị quá mức) sử dụng thuốc điều trị loãng xương (alendronate, thuốc viên bổ sung Kali), các bệnh lý mạn tính (xơ gan, suy thận mạn), các bệnh lý tự miễn (Crohn), bệnh lý nhiễm CMV trên bệnh nhân ghép tạng,…

Ngoài ra còn có tình trạng loét dạ dày - tá tràng liên quan đến stress, ở các bệnh nhân đang điều trị ở khoa hồi sức tích cực. Những bệnh nhân này có các tình trạng như suy hô hấp, rối loạn chức năng đông cầm máu, suy đa cơ quan nặng, hoặc tổn thương não, thúc đẩy tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa cấp tính. Giả thuyết có thể được đề ra là do thiếu dòng máu nuôi đến niêm mạc dạ dày, giảm tưới máu đến dạ dày do tình trạng sốc hoặc giảm lượng máu cung cấp từ tim.

Bệnh viêm loét dạ dày có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi
Bệnh viêm loét dạ dày có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi - Ảnh: medindia.net

Xét nghiệm chẩn đoán viêm loét dạ dày

Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác tình trạng bệnh nhân gặp phải:

Nội soi dạ dày, tá tràng

Đây được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm loét dạ dày - tá tràng vì nó là phương pháp trực tiếp và chính xác nhất. Qua nội soi có thể cung cấp cho bác sĩ nhiều thông tin về tình trạng bệnh của dạ dày, tá tràng, thực quản:

  • Mô tả hình ảnh nội soi của ổ loét: vị trí, số lượng ổ loét, kích thước, hình dạng, màu sắc, đáy ổ loét, rìa ổ loét (niêm mạc xung quanh ổ loét).
  • Sinh thiết dạ dày tìm vi khuẩn Helicobacter Pylori (vi khuẩn HP). Sinh thiết ổ loét làm mô bệnh học nếu nghi ngờ ung thư, đặc biệt là các trường hợp loét ở dạ dày.
  • Phát hiện các tổn thương phối hợp: Viêm thực quản trào ngược, thoát vị hoành, u dưới niêm mạc thực quản, polyp dạ dày…
  • Đặc biệt qua nội soi còn giúp điều trị một số bệnh lý dạ dày, thực quản: cắt polyp qua nội soi, tiêm xơ hoặc kẹp dụng cụ cầm máu qua nội soi (trong trường hợp chảy máu ổ loét), bóc u dưới niêm mạc qua nội soi trong trường hợp phát hiện tổn thương nghi ngờ ung thư sớm

Xét nghiệm vi khuẩn H.Pylori

Chẩn đoán có hay không có vi khuẩn HP trong dạ dày giúp bác sĩ chọn lựa phác đồ thuốc điều trị cho người bệnh.

Có nhiều phương pháp xét nghiệm tìm vi khuẩn, việc lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào điều kiện của từng cơ sở y tế, yêu cầu của thầy thuốc cũng như tình trạng của bệnh nhân.

Một số phương pháp xét nghiệm tìm vi khuẩn HP thường được sử dụng là:

  • Nội soi sinh thiết dạ dày tìm vi khuẩn HP (thông qua xét nghiệm Clo Test hoặc thực hiện nuôi cấy vi khuẩn trên mảnh dạ dày sinh thiết)
  • Test vi khuẩn HP bằng hơi thở (Urea Breath Test)
  • Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP
  • Xét nghiệm máu phát hiện vi khuẩn HP

Một điều cần lưu ý là khi xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn H.p, với xét nghiệm CLO Test, xét nghiệm hơi thở và kháng nguyên phân, cần ngưng các loại thuốc kháng sinh và bismuth trong 4 tuần, và các loại thuốc ức chế bơm proton trong 2 tuần.

Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày

Khi được chẩn đoán bị viêm loét dạ dày, bác sĩ sẽ dựa trên những đánh giá về tình trạng bệnh cũng như mức độ nguy hiểm để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường, người bệnh sẽ được điều trị theo 2 hướng như sau:

  • Điều trị bằng thuốc và can thiệp qua nội soi, hoặc chụp mạch máu: các trường hợp nghi ngờ loét dạ dày – tá tràng cần được thực hiện nội soi dạ dày để chẩn đoán và đánh giá ổ loét. Nội soi can thiệp điều trị cầm máu khi tổn thương loét đang chảy máu.
  • Trong trường hợp can thiệp nội soi thất bại, bác sĩ điều trị có thể tiến hành chụp mạch máu và làm thuyên tắc mạch máu gây chảy máu ổ loét. Điều trị bằng thuốc trước, trong và sau quá trình điều trị can thiệp chuyên sâu.
  • Sau khi hoàn tất điều trị, người bệnh ghi nhận có loét dạ dày cần được nội soi kiểm tra lại để loại trừ tổn thương loét do ung thư.
  • Điều trị phẫu thuật khi trường hợp loét có biến chứng, bao gồm xuất huyết ổ loét nặng ồ ạt đã thất bại qua điều trị nội soi hoặc can thiệp mạch máu, thủng ổ loét, loét dạ dày – tá tràng gây hẹp môn vị; phẫu thuật cũng được áp dụng cho các trường hợp loét không đáp ứng với các điều trị nội khoa tối ưu.

Điều trị bằng thuốc

Một số nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày bao gồm:

  • Nhóm thuốc trung hòa  axit: Thường được uống sau khi ăn khoảng 1 giờ, hoặc khi cần để giảm nhanh triệu chứng đau hoặc khó chịu vùng thượng vị.
  • Nhóm chẹn H2: Thuốc ức chế H2 còn được gọi là thuốc chẹn H2. Tác dụng của nó là giảm hoạt động tiết axit của dạ dày và tá tràng. Thuốc chẹn H2 được dùng ở dạng tiêm tĩnh mạch hoặc uống. 
  • Nhóm PPI ( Nhóm ức chế bơm Proton): nhóm thuốc điều trị chính trong điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng do hiệu quả ức chế tiết axit cao hơn nhóm ức chế H2. Thuốc có ở dạng thuốc viên uống và tiêm tĩnh mạch.
  • Nhóm bảo vệ niêm mạc dạ dày: Bao gồm bismuth, rebamipide, sucralfate và misoprostol. Thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc, thúc đẩy dạ dày tăng tiết chất nhầy để làm lành niêm mạc.
  • Kháng sinh diệt HP: Một số nhóm kháng sinh thường được phối hợp cùng với thuốc ức chế bơm proton, hoặc bismuth, sử dụng để diệt vi khuẩn HP

Điều trị bằng phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ngoại khoa cắt đi một phần của dạ dày để loại bỏ tổn thương cũng như loại bỏ vùng dạ dày tiết axit. Thực hiện phẫu thuật có thể áp dụng theo 2 kỹ thuật là mổ mở hoặc mổ nội soi.

Phương pháp này được chỉ định trong các trường hợp cụ thể như sau:

  • Viêm loét dạ dày không có tác dụng với thuốc (thời gian điều trị nội khoa kéo dài đã lâu dài, thường ít nhất 2 năm trở lên).
  • Viêm loét dạ dày nặng kèm biến chứng như thủng, hẹp môn vị, xuất huyết tiêu hóa hoặc xuất huyết tiêu hóa tái phát trở lại, ung thư hóa,...

Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể và vị trí ổ loét mà các phẫu thuật có thể được chỉ định như: cắt dây thần kinh phế vị, cắt nối dạ dày - tá tràng (Billroth I), cắt nối dạ dày - hỗng tràng (Billroth II), hoặc phẫu thuật Roux-en-Y…

Điều trị viêm loét dạ dày hiệu quả tại nhà

Người mắc viêm loét dạ dày nên ăn sữa chua, miso... cung cấp nguồn lợi khuẩn dồi dào giúp tăng cường khả năng miễn dịch của hệ tiêu hóa, hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày. Lợi khuẩn giúp tăng cường khả năng tiệt trừ vi khuẩn Hp và giảm tác dụng phụ do thuốc điều trị tiêu hóa.

Thực phẩm giàu chất xơ làm giảm axit trong dạ dày, giảm đau hoặc đầy hơi. Vitamin A trong khoai lang, cà rốt, dưa lưới... hỗ trợ điều trị bệnh bằng cách làm giảm tình trạng nghiêm trọng của những vết loét, hạn chế tái phát.

Thực phẩm tự nhiên có thể hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày ở mức độ nhẹ, đau ít. Người bệnh có thể dùng phần thịt của nha đam làm thành nước uống để chữa vết viêm, hỗ trợ tiêu hóa và ức chế nồng độ axit trong dịch vị dạ dày.

Sự kết hợp giữa nghệ vàng và mật ong cũng mang lại khả năng kháng viêm, làm lành vết loét dạ dày, giảm đầy hơi và tăng cường lợi khuẩn cho đường ruột.

Uống bột quả sung và nước ấm có thể cải thiện sức khỏe dạ dày và hệ tiêu hóa, giảm loét nhờ vào các thành phần như phospho, kali, glucose, vitamin, malic axit.

Sống chung với viêm loét dạ dày

Để sống chung với viêm loét dạ dày an toàn, bạn đọc lưu ý các nguyên tắc sau. Nhìn chung, các quy tắc không quá phức tạp nhưng để thực hiện được thì cần sự kiên trì, kỷ luật:

  • Ăn thức ăn mềm, chia thành nhiều bữa
  • Ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no, tránh các chất kích thích, gia vị mạnh, đồ ăn nhiều dầu mỡ.
  • Đi ngủ sớm, tập thể dục đều đặn, tránh lo âu, căng thẳng…
  • Kiểm soát tốt căng thẳng, nghỉ ngơi đầy đủ
  • Bỏ hút thuốc lá, vì hút thuốc là nguyên nhân gây tăng tiết axit dạ dày, tăng các chất gây viêm tại chỗ ở dạ dày và làm chậm lành ổ loét. Hạn chế sử dụng rượu bia, dưới 10g cồn/ ngày, tương đương với khoảng 1 lon bia.

Như vậy, trên đây là những thông tin cần biết về bệnh viêm loét dạ dày dành cho những bạn đọc quan tâm. Để tìm hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng,... của viêm loét dạ dày, mời bạn đọc tiếp tục theo dõi những bài viết của BookingCare.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare