Chữa viêm loét dạ dày như thế nào? Có khó không?
chữa viêm loét dạ dày như thế nào
Chữa viêm loét dạ dày như thế nào? - Ảnh: BookingCare

Chữa viêm loét dạ dày như thế nào? Có khó không?

Cố vấn y khoa: - Xuất bản: 28/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Bệnh viêm loét dạ dày cần được thăm khám, chẩn đoán với bác sĩ tiêu hóa để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý, hiệu quả, sớm dứt bệnh.

Bạn hoặc người thân đang gặp vấn đề với tình trạng viêm loét dạ dày và không biết chữa viêm loét dạ dày có khó không? Sử dụng phương pháp nào? Hãy cùng BookingCare tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Chữa viêm loét dạ dày bằng thuốc

Đa phần các trường hợp viêm loét dạ dày đều được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc để khắc phục tình trạng bệnh. Dưới đây là các nhóm thuốc mà bác sĩ Tiêu hóa thường áp dụng cho bệnh nhân viêm loét dạ dày.

Nhóm thuốc kháng axit

Ưu điểm: Thuốc có tác dụng cân bằng pH trong dịch vị, nhờ đó giúp giảm cơn đau dạ dày hiệu quả. 

Nhược điểm: Thuốc mặc dù có tác dụng nhanh nhưng lại chỉ duy trì hiệu quả trong thời gian ngắn. Trong một số trường hợp thuốc còn có thể đem lại những tác dụng phụ không mong muốn như táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài;

Hướng dẫn sử dụng: Người bệnh dùng thuốc trước bữa ăn 15 - 30 phút hoặc sau ăn 2 giờ, trung bình 3-4 lần/ ngày vào các bữa ăn chính, hoặc lúc xuất hiện cơn đau dạ dày.

Nhóm thuốc ức chế bơm proton

So với thuốc kháng axit, thuốc ức chế bơm proton có tác dụng chậm hơn nhưng khả năng ức chế axit là mạnh nhất. Và trong số các loại thuốc dùng trong phác đồ điều trị viêm loét dạ dày thì đây là thuốc ít gây tác dụng phụ (thường người bệnh chỉ gặp phải tiêu chảy nhẹ hoặc hơi đau đầu).

Tuy nhiên, khi sử dụng nhóm thuốc này trong thời gian dài cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như loạn khuẩn đường ruột, tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn Clostridium difficile, loãng xương…

Hướng dẫn sử dụng: Dùng thuốc trước khi ăn 15 – 30 phút bữa đầu tiên trong ngày có hiệu quả cao nhất, và uống 1-2 lần/ngày hoặc nhiều hơn tùy vào mục đích điều trị cụ thể của bác sĩ.

Nhóm kháng thụ thể H2

Ưu điểm: Thuốc cho tác dụng nhanh ở ngay trong ngày đầu sử dụng, giá thành hợp lý. Đặc biệt, nhóm thuốc kháng thụ thể H2 giúp kiểm soát tốt lượng dịch vị tiết ra ngay cả vào ban đêm. Nhờ đó, giảm hẳn những cơn đau dạ dày về đêm, hạn chế việc ảnh hưởng tới giấc ngủ của người bệnh;

Nhược điểm: Thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như suy thận, viêm gan, vú to ở nam giới;

Hướng dẫn sử dụng: Dùng thuốc trước ăn 30 phút hoặc buổi tối trước ngủ và khoảng 2 lần/ngày. Trong trường hợp người bệnh có dùng kèm thuốc kháng axit thì cần uống 2 loại này cách nhau 2 giờ đồng hồ.

Thuốc giúp bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày

Những loại thuốc có tác dụng bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày thường được sử dụng như:

  • Bismuth: Tác dụng chính của thuốc là tiêu diệt vi khuẩn HP và bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày, do các muối Bismuth tạo thành phức hợp kích thích tiết chất nhầy, và có chất kháng khuẩn hoạt động chống lại vi khuẩn H.p. Nhược điểm của thuốc là táo bón, tiêu phân đen. Sử dụng thuốc này cần cẩn trọng trên bệnh nhân suy thận.
  • Rebamipide: Tác dụng kháng viêm và kích thích tiết ra Prostaglandin. 
  • Sucralfate: Thuốc giúp nhanh chóng tạo thêm một lớp đệm giúp che đậy và bảo vệ ổ loét. Bên cạnh đó, thuốc còn hấp thu pepsin và muối mật, làm bất hoạt chúng, làm tăng tiết prostaglandin, giải phóng nhầy và tăng sinh tế bào. Tuy nhiên thuốc nên tránh sử dụng ở bệnh nhân suy thận nặng, và có tác dụng phụ táo bón. Sucralfate cần môi trường axit để tác dụng, do đó sử dụng thuốc khi bụng đói. 
  • Misoprostol: Tương tự như Sucralfate, Misoprostol giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày nhờ cơ chế tăng tiết chất nhầy bao phủ. Ngoài ra thuốc còn giúp gia tăng lưu lượng máu đi tới niêm mạc. Tuy nhiên thuốc gây co bóp tử cung làm sảy thai, sinh non, quái thai trong 3 tháng đầu, gây tiêu chảy, đầy bụng, chướng bụng.

Hỗ trợ chữa bệnh viêm dạ dày bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt

Xây dựng chế độ ăn lành mạnh để chữa viêm loét dạ dày là một trong những cách đơn giản và cần thiết. Dù tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, việc ăn uống khoa học cùng đơn thuốc hợp lý sẽ hỗ trợ rất tốt quá trình chữa bệnh viêm loét dạ dày.

  • Ăn thức ăn mềm, ít có tác dụng cơ giới, ưu tiên các thức ăn tinh bột có tác dụng bọc, hút, thấm để bảo vệ niêm mạc dạ dày
  • Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn và mỡ động vật. Nên ăn chất béo từ cá hoặc từ thực vật như đậu nành, dầu ô liu… giúp giảm kích thích tiết dịch vị và trung hòa axit như sữa, gạo nếp, bánh nếp, bánh mì, cơm, bánh quy…
  • Hạn chế dùng các loại thực phẩm kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị như ớt, tiêu, giấm, cà ri, mù tạc, trái cây chua, dưa cà muối chua, thức ăn lên men như mắm, tương, chao; thịt nguội chế biến sẵn…
  • Tích cực bổ sung thức ăn giàu kẽm (hàu, sò, thịt, cá…) để giúp vết loét mau lành, bổ sung vitamin A giúp sinh trưởng lớp tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày.
  • Chia các bữa ăn thành số lượng nhỏ hơn, nhưng không bỏ bữa sáng, và ăn tối hơn ba giờ trước khi đi ngủ.
  • Hạn chế dùng các thực phẩm gây kích ứng: rượu bia, cafein, trà, cà chua và một số loại trái cây họ cam, bạc hà, sữa và tiêu đen, đỏ…
  • Kết hợp ăn uống với chế độ làm việc, nghỉ ngơi điều độ, tránh làm việc quá sức và căng thẳng kéo dài.

Nhìn chung, bệnh viêm loét dạ dày hoàn toàn có thể chữa khỏi và không quá khó chữa nếu được tích cực điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đầy đủ và đúng giờ. Tùy theo tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp nhất cho người bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết