Các cách điều trị bệnh viêm mũi tại nhà hiệu quả

Khói thuốc lá một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm mũi
Khói thuốc lá một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm mũi
Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể kết hợp chăm sóc tại nhà. Với các cách điều trị viêm mũi như: rỏ mũi, xịt mũi, rửa mũi, xông hơi hay khí dung người bệnh có thể tự điều trị tại nhà mà không đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu.

Viêm mũi là bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhất là với trẻ nhỏ. Thời tiết thay đổi thất thường, khói bụi, phấn hoa, lông động vật, cơ thể suy yếu... chính là những nguyên nhân gây ra bệnh viêm mũi.

Tuy chỉ là một bệnh về mũi thông thường nhưng nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, công việc. Đối với người lớn sức để kháng tốt bệnh có thể khỏi sau vài ngày, nhưng đối với trẻ nhỏ bệnh có thể kéo dài tới một tuần thậm chí cả vài tuần.

Do vậy, khi có triệu chứng viêm mũi, người bệnh cần đi khám Tai Mũi Họng và điều trị sớm. Bên cạnh đó, kết hợp chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Điều trị viêm mũi bằng thuốc

Hiện nay, bệnh viêm mũi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà việc điều trị bệnh chỉ dựa vào nguyên nhân gây bệnh.

Chẳng hạn, sổ mũi, chảy mũi dùng thuốc ngăn chảy mũi; sốt dùng thuốc trị sốt hay sử dụng thuốc kháng dị ứng phòng chống viêm mũi xuất hiện.

Cách điều trị viêm mũi tại nhà

Dưới đây là những cách điều trị viêm mũi người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà mà không đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu hay những dụng cụ quá phức tạp.

Nếu chưa rõ về cách áp dụng, có thể đăng ký tư vấn từ xa qua Video với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể hơn. 

1. Nhỏ thuốc vào mũi

  • Khi bị tắc ngạt tắc, nhỏ thuốc co mạch làm cho mũi thông thoáng.
  • Khi mũi bị nhiễm khuẩn, tăng tiết cần rỏ các loại dung dịch có kháng sinh, sát khuẩn và giảm xuất tiết.
  • Khi nhỏ thuốc, cần nằm ngửa, đầu thấp, mặt hơi ngả về bên được tra thuốc. Không nên tra thuốc ở tư thế đứng thẳng vì thuốc không tới đước các cuốn mũi, như vậy sẽ không có hiệu quả gì.
  • Cần nhớ trước khi nhỏ mũi phải xì hay hút sạch các chất ứ đọng trong mũi mới có tác dụng. Không nên lạm dụng dùng nhiều lần liên tục vì các thuốc đều có thể gây quen và ảnh hưởng đến niêm mạc thở.

2. Xì mũi

  • Là tự dùng hơi đẩy các dịch, mủ, chất bẩn trong hốc mũi ra ngoài. Tuy ai cũng đã làm, nhưng thật ra nhiều người nhất là trẻ em không biết cách xì mũi cho đúng để làm cho mũi sạch mà không gây tác hại gì cho bộ phận lân cận như tai, xoang.
  • Cần hướng dẫn trẻ bịt 1 bên mũi, ngậm hơi rồi thở mạnh ra qua mũi bên kia. Sau đó làm nốt mũi bên còn lại cũng như vậy. Nếu mũi bị ngạt, tắc phải nhỏ vài giọt thuốc gây co cho thông rồi hãy xì.
  • Đối với trẻ quá nhỏ chưa xì được mũi, cần hút mũi bằng cách dùng ống cao su nhỏ đường kính độ 3 – 4mm lắp vào một quả bóng cao su hay bơm tiêm để hút dịch trong hốc mũi. Không nên áp miệng vào mũi em bé để hút vì như vậy có thể sẽ truyền bệnh thêm cho bé.

3. Rửa mũi

  • Trong trường hợp mũi bị viêm có nhiều mủ hoặc mủ đóng thành vẩy, nên tiến hành rửa mũi. Thường dùng nước muối đẳng trương trong đó có pha thêm natriborat hoặc natrisulfat, ở nhiệt độ 30 độ C, tránh dùng nước lạnh hay nóng quá.
  • Sau khi rửa xong 2 bên, phải xì mũi để tống chất bẩn và nước đọng ra ngoài.
  • Chú ý khi rửa mũi nếu thấy đau tai phải ngừng ngay lại và làm thủ thuật Toynbee tức là bịt mũi, ngậm mồm và nuốt nước bọt nhiều lần.

4. Xịt rửa mũi - xoang

  • Trong các trường hợp ở xa, cần rửa mũi xoang nhiều lần, có thể hướng dẫn để tự rửa mũi xoang dễ dàng.
  • Pha 1 cốc nước muối loáng hoặc dung dịch muối đẳng trương.
  • Dùng 1 bơm tiêm nhựa 10ml, không lắp kim, 1 chậu để hứng nước rửa. Mỗi lần hút đầy bơm tiêm nước muối pha loãng, lấy 1 ngón tay bịt lỗ mũi bên kia, đứng ngửa đầu tối đa, để đầu bơm tiêm vào hốc mũi, bơm nhẹ nước vào từ từ, trong khi bơm kêu kê, kê, kê… liên tục để nước không chảy xuống họng.
  • Khi bơm hết nước, bỏ bơm tiêm ra, cúi nhanh xuống và xì mạnh để nước và các chất trong mũi ra ngoài hết. Làm như vậy với hốc mũi vài lượt. Ngày có thể rửa mũi – xoang vài lần.

5. Xông hơi

  • Dùng nước nóng (50 – 60 độ C) làm bốc hơi các tinh dầu thơm kháng khuẩn như bạc hà, khuynh diệp, húng chanh, sả… Hơi nước nóng và tinh dầu được hít thở tác động tốt trên niêm mạc mũi – xoang.
  • Dùng bát hay cốc đựng nước nóng 50 - 60 độ C, rỏ 5 - 10 giọt tinh dầu vào rồi dùng phễu đạy kín miệng bát, để mũi trước vào đầu trên của phễu hít để lấy hơi thuốc. Sau vài phút thuốc hết giảm đi lại rỏ tiếp vài giọt vào.
  • Mỗi lần xông 10 đến 15 phút, ngày có thể xông 2 – 3 lần. Để thuận lợi hơn, dùng sức nóng của ngọn đèn cồn hay bếp điện nhỏ duy trì nhiệt độ nước luôn ở 50 đến 60 độ C để xông liên tục.
  • Cần nhờ: trước khi xông phải xì mũi hoặc nhỏ thuốc gây co để mũi thật thông thoáng, hơi thuốc mới vào được khắp mũi và xoang. Sau khi xông hơi không nên ra nơi có gió lạnh, gió mạnh ngay.

6. Khí dung (aerosol)

  • Khí dung được thực hiện bằng một máy bơm đầy với áp lực khoảng 1kg/cm2. Thuốc đựng trong một bầu thủy tinh, thành bầu có nhiều gờ khí thuốc phun lên đập vào sẽ vỡ thành các hạt khí. Những hạt khí có kích thước nhỏ 5 - 10mm đó sẽ đọng lại ở mũi xoang, hạt có đường kính nhỏ khoảng 1mm sẽ đi xuống phổi.
  • Thời gian xông từ 10 – 20 phút. Thực hiện ngày 1 – 2 lần. Trước khi làm khí dung phải hút sạch mũi, dịch ứ đọng ở mũi xoang.

Khi có các dấu hiệu như: sổ mũi, chảy mũi, đau đầu, sốt… người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng các cách trên, nhưng nếu áp dụng trong thời gian dài mà không thấy có hiệu quả thì lúc này cần đến bệnh viện để khám và điều trị nhằm tránh để lại những ảnh hưởng xấu tới công việc, học tập.