Các chỉ số công thức máu và công thức máu bình thường

Tác giả: - Xuất bản: 30/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/10/2023
chi-so-cong-thuc-mau-va-cong-thuc-mau-binh-thuong
Các chỉ số công thức máu và công thức máu bình thường trong xét nghiệm là gì? - ảnh: BookingCare
Các chỉ số công thức máu cơ bản khi thực hiện xét nghiệm máu là gì? Công thức máu bình thường được thể hiện như thế nào? Tìm hiểu thêm các thông tin về chỉ số công thức máu trong bài viết sau đây!

Công thức máu (hay tổng phân tích tế bào máu) là xét nghiệm đánh giá số lượng và chất lượng các tế bào của máu. Thông qua các chỉ số công thức máu, các bác sĩ sẽ đánh giá sơ bộ về sức khỏe, chẩn đoán một số bệnh lý huyết học và các bệnh lý liên quan gây ảnh hưởng đến các tế bào trong máu.

Các chỉ số công thức máu

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) là xét nghiệm đánh giá số lượng và chất lượng các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Xét nghiệm CBC thường được bác sĩ yêu cầu người bệnh thực hiện trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc chẩn đoán và theo dõi các vấn đề sức khỏe bệnh lý liên quan như tim mạch, huyết áp hoặc mỡ máu.

Trong xét nghiệm công thức máu toàn bộ bao gồm các chỉ số sau:

Các chỉ số liền quan đến dòng hồng cầu

Các chỉ số này được sử dụng trong đánh giá tình trạng thiếu máu, cô đặc máu hay một số tình trạng bất thường về chất lượng máu.

  • Số lượng hồng cầu (RBC): thể hiện số lượng tế bào hồng cầu trong 1 lít máu toàn phần, đơn vị đo T/L.
  • Thể tích khối hồng cầu (HCT hay Hematocrit): là thể tích khối hồng cầu chiếm chỗ trong một lít máu toàn phần, đơn vị l/L.
  • Lượng huyết sắc tố (Hb hay Hemoglobin): lượng huyết sắc tố có trong một lít máu toàn phần và là tiêu chuẩn được sử dụng để xác định tình trạng có thiếu máu hay không, đơn vị đo là g/l.

Ngoài ra còn một số chỉ số kháng đánh giá chất lượng hồng cầu như MCV, MCH, MCHC, RDW... Các chỉ số này giúp định hướng nguyên nhân thiếu máu hay các bệnh lý có thể kèm theo.

Các chỉ số liên quan đến bạch cầu

Các chỉ số này được sử dụng để đánh giá các trường hợp viêm nhiễm, suy giảm chức năng tạo máu cũng như một số bệnh lý ác tính khác.

  • Số lượng bạch cầu (WBC): thể hiện số lượng tế bào bạch cầu có trong 1 lít máu toàn phần đo bằng đơn vị G/L.
  • Số lượng các loài bạch cầu: bao gồm số lượng bạch cầu trung tính (NEU), bạch cầu Lympho (LY), bạch cầu mono (MO), bạch cầu ưa Acid (EO), bạch cầu ưa bazơ (BA).
  • Tỷ lệ giữa các loại bạch cầu.

Các chỉ số liên quan đến tiểu cầu

Các nhóm chỉ số này dùng để đánh giá một số tình trạng như: rối loạn đông máu, chảy máu, đánh giá trước các phẫu thuật, bệnh lý huyết học và một số bệnh lý khác như bệnh lý gan, mật, sử dụng thuốc...

  • Số lượng tiểu cầu (PRC): thể hiện số lượng tế bào tiểu cầu có trong 1 lít máu toàn phần, đơn vị: G/L.
  • Thể tích trung bình tiểu cầu (MPV): đo thể tích trung bình của một tiểu cầu, đơn vị fl.

Thế nào là công thức máu bình thường?

Công thức máu bình thường của người trưởng thành (trên 20 tuổi) sẽ có kết quả các chỉ số dao động ở mức tiêu chuẩn như sau:

Chỉ số hồng cầu

  • Số lượng hồng cầu:
    • Nam: 4.2-5.4 T/l.
    • Nữ: 4.0-4.9 T/l.
  • Lượng huyết sắc tố:
    • Nam: 130-160 g/l.
    • Nữ: 120-142 g/l.
  • Thể tích khối hồng cầu:
    • Nam: 0.40-0.47 l/l.
    • Nữ: 0.37-0.42 l/l.
  • MCV, MCH, MCHC, RDW: theo khoảng tham chiếu của máy xét nghiệm:
    • Chỉ số MCV: 85-95 fl.
    • MCH 28-32 pg.
    • MCHC: 320-360 g/l.
    • RDW: 11-14%.

Chỉ số bạch cầu

  • Số lượng bạch cầu: 4.0-10.0 G/l.
  • Số lượng và tỷ lệ bạch cầu trung tính: 2.8-6.5 G/l, khoảng 55-70%.
  • Số lượng và tỷ lệ bạch cầu lympho: 1.2-4.0 G/l, khoảng 25-40%.
  • Số lượng và tỷ lệ bạch cầu mono: 0.05 - 0.4 G/l, khoảng 1-4%.
  • Số lượng và tỷ lệ bạch cầu acid: 0.16 - 0.8 G/l, Khoảng 4-8%.
  • Số lượng và tỷ lệ bạch cầu base: 0.01 - 0.12 G/l, khoảng 0.1 - 1.2 %.

Chỉ số tiểu cầu

  • Số lượng tiểu cầu: 150-450 G/l.
  • Thể tích trung bình tiểu cầu: 5-8 fl.

Các chỉ số công thức máu trong báo cáo xét nghiệm mang ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tổng quan tình trạng sức khỏe của người làm xét nghiệm. Dựa trên những tiêu chí của công thức máu bình thường, người làm xét nghiệm có thể tham khảo và liên hệ bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường trong kết quả xét nghiệm để được tư vấn kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết