Xét nghiệm công thức máu để làm gì? Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm?
Xét nghiệm công thức máu để làm gì? Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm?
Xét nghiệm công thức máu
Xét nghiệm công thức máu để làm gì? Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm? - Ảnh: BookingCare

Xét nghiệm công thức máu để làm gì? Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 30/10/2023 | Cập nhật lần cuối: 30/10/2023
Xét nghiệm công thức máu thường là một phần của khám sức khỏe định kỳ. Nó cũng thường được chỉ định khi nghi ngờ thiếu máu, dị ứng, nhiễm trùng hoặc rối loạn chảy máu,...

Công thức máu là một trong những xét nghiệm thường quy được sử dụng nhiều nhất trong các xét nghiệm huyết học cũng như xét nghiệm y khoa.

Công thức máu là xét nghiệm quan trọng cung cấp những thông tin hữu ích về tình trạng của người xét nghiệm. Tuy nhiên, chỉ riêng kết quả xét nghiệm công thức máu không thể cho ra một chẩn đoán xác định về nguyên nhân gây bệnh, mà chỉ mang tính chất định hướng, gợi ý.

Xét nghiệm công thức máu là gì?

Công thức máu toàn bộ (Complete blood count) hay còn gọi là huyết đồ, là xét nghiệm máu thường quy được sử dụng để đánh giá sức khỏe tổng thể và phát hiện các rối loạn, bao gồm nhiễm trùng, thiếu máu và bệnh bạch cầu.

Công thức máu là xét nghiệm quan trọng cung cấp những thông tin hữu ích về:

  • Hồng cầu, mang ô-xy .
  • Bạch cầu, chống nhiễm trùng.
  • Hemoglobin,  protein vận chuyển oxy trong các tế bào hồng câu.
  • Hematocrit, tỷ lệ của các tế bào hồng cầu  với thành phần huyết tương trong máu.
  • Tiểu cầu, giúp đông máu.

Tăng hoặc giảm bất thường số lượng các thành phần tế bào trong xét nghiệm công thức máu toàn bộ cho thấy bạn đang trong một tình trạng bệnh lý nào đó cần được chú ý và phân tích sâu hơn.

Xét nghiệm công thức máu để làm gì?

Công thức máu toàn bộ là xét nghiệm thông thường được thực hiện trong nhiều trường hợp:

  • Để đánh giá sức khỏe tổng thể
  • Để chẩn đoán bệnh: Bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm công thức máu nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, sốt, viêm, bầm tím hoặc chảy máu,... để chẩn đoán nguyên nhân gây ra các dấu hiệu và triệu chứng. Nếu bác sĩ nghi ngờ bị nhiễm trùng, kiểm tra công thức máu toàn bộ cũng có thể giúp khẳng định chẩn đoán.
  • Để theo dõi một tình trạng bệnh lý: Nếu đã được chẩn đoán một số tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến số lượng tế bào máu, xét nghiệm công thức máu có thể giúp theo dõi tình trạng và tiến triển của bệnh.
  • Để theo dõi quá trình điều trị: Xét nghiệm công thức máu được sử dụng để theo dõi sức khỏe nếu đang dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào máu.
Xét nghiệm công thức máu
Kỹ thuật viên thực hiện phân tích xét nghiệm công thức máu - Ảnh: Canva

Các chỉ số trong xét nghiệm công thức máu

Tên xét nghiệm Ý nghĩa
1. RBC - số lượng hồng cầu

Giá trị bình thường đối với Nam: 4,5 - 5,8 T/L; Nữ: 3,9 - 5,2 T/L.

Tăng trong các trường hợp: Cô đặc máu, bệnh đa hồng cầu nguyên phát, thiếu oxy kéo dài (bệnh tim, bệnh phổi…).

Giảm trong các trường hợp: Thiếu máu, mất máu, suy tủy…

2. HGB - Lượng huyết sắc tố (HST)

Giá trị bình thường đối với Nam: 130 - 180 g/L; Nữ: 120 - 165 g/L.

Tăng trong các trường hợp: Cô đặc máu, thiếu oxy mạn tính…

Giảm trong các trường hợp: Thiếu máu, mất máu, máu bị hòa loãng, suy tủy…

3. HCT - Thể tích khối hồng cầu

Là tỉ lệ thể tích khối hồng cầu trên tổng thể tích máu toàn phần.

Giá trị bình thường đối với Nam: 0,39 - 0,49 L/L; Nữ: 0,33 - 0,43 L/L.

Tăng trong các trường hợp: cô đặc máu, thiếu oxy mạn tính, rối loạn dị ứng, giảm lưu lượng máu, bệnh đa hồng cầu.

Giảm trong các trường hợp: Thiếu máu, mất máu, máu bị hòa loãng, suy tủy, thai nghén…

4. MCV - Thể tích trung bình hồng cầu

Giá trị bình thường: 85 - 95 fL.

Tăng trong các trường hợp: Thiếu vitamin B12, thiếu acid folic, bệnh gan, nghiện rượu, tăng sản hồng cầu, suy tuyến giáp, bất sản tủy, tan máu cấp…

Giảm trong các trường hợp: Thiếu sắt, thalassemia, thiếu máu trong các bệnh mạn tính, suy thận mạn, nhiễm độc chì…

5. MCH - Lượng HST trung bình hồng cầu 

Giá trị bình thường: 28 - 32 pg.

Tăng trong các trường hợp: thiếu máu ưu sắc hồng cầu bình thường, bệnh hồng cầu hình cầu di truyền…

Giảm trong các trường hợp: thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu đang tái tạo.

6. MCHC - Nồng độ HST trung bình hồng cầu 

Giá trị bình thường: 320 - 360 g/L.

Tăng trong các trường hợp: Mất nước ưu trương, thiếu máu ưu sắc hồng cầu bình thường…

Giảm trong các trường hợp: Thiếu máu đang hồi phục, thiếu máu do Folate hoặc vitamin B12, xơ gan, nghiện rượu…

7. RDW - Dải/độ rộng phân bố kích thước hồng cầu  Đánh giá mức độ đồng đều về kích thước giữa các hồng cầu.

Giá trị bình thường: 11 - 15%

8. WBC - Số lượng bạch cầu

Giá trị bình thường: 4 - 10 G/L.

Tăng trong các trường hợp: Viêm, nhiễm khuẩn, bệnh máu ác tính, các bệnh bạch cầu, sử dụng một số thuốc như corticosteroid…

Giảm trong các trường hợp: Suy tủy, nhiễm virus, dị ứng, nhiễm khuẩn gram âm nặng…

9. NEU - Bạch cầu hạt trung tính

Giá trị bình thường: 43 - 76 % hoặc 2 - 8 G/L.

Tăng trong các trường hợp: Nhiễm trùng cấp tính (viêm phổi, viêm ruột thừa, áp xe…), nhồi máu cơ tim, sau phẫu thuật lớn mất nhiều máu, stress, một số ung thư, bệnh bạch cầu dòng tủy…

Giảm trong các trường hợp: nhiễm độc nặng, sốt rét, nhiễm virus, suy tủy, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, sau xạ trị…

10. EO - Bạch cầu hạt ưa Acid 

Giá trị bình thường: 2 - 4% hoặc 0,1 - 0,7 G/L.

Tăng trong các trường hợp: nhiễm ký sinh trùng, dị ứng, một số bệnh máu…

Giảm trong các trường hợp: Nhiễm khuẩn cấp, các phản ứng miễn dịch, sử dụng các thuốc corticoid…

11. BASO - Bạch cầu hạt ưa Base 

Giá trị bình thường: 0 - 1% hoặc 0.01 - 0,25 G/L.

Tăng trong các trường hợp: nhiễm độc, tăng sinh tủy, các rối loạn dị ứng…

Giảm trong các trường hợp: nhiễm khuẩn cấp, các phản ứng miễn dịch, sử dụng các thuốc corticoid…

12. LYM - Bạch cầu Lympho

Giá trị bình thường: 17 - 48% hoặc 1 - 5 G/L.

Tăng trong các trường hợp: nhiễm khuẩn mạn, chứng tăng bạch cầu đơn nhân do nhiễm khuẩn và virus, bệnh bạch cầu dòng lymphoma, viêm loét đại tràng, suy thượng thận…

Giảm trong các trường hợp: nhiễm khuẩn cấp, sử dụng thuốc corticoid…

13. MONO - Bạch cầu Mono 

Giá trị bình thường: 4 - 8% hoặc 0,2 - 1,5 G/L.

Tăng trong các trường hợp: nhiễm virus, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm khuẩn, các ung thư, viêm ruột, bệnh bạch cầu dòng mono, u lympho, u tủy…

Giảm trong các trường hợp: nhiễm máu bất sản, bệnh bạch cầu dòng lympho, sử dụng thuốc corticoid…

14. PLT - Số lượng tiểu cầu 

Giá trị bình thường: 150 - 400 G/L.

Tăng trong các trường hợp: hội chứng rối loạn sinh tủy, dị ứng, ung thư, sau cắt lách…

Giảm trong sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu tự miễn

15. MPV - Thể tích trung bình tiểu cầu 

Giá trị bình thường: 5 - 8 fL.

Tăng trong các trường hợp: bệnh tim mạch sau nhồi máu cơ tim, tiền sản giật, hút thuốc lá, cắt lách, stress, nhiễm độc do tuyến giáp…

Giảm trong các trường hợp: thiếu máu do bất sản, hóa trị, bạch cầu cấp, lupus ban đỏ, giảm sản tủy xương…

16. PCT - Thể tích khối tiểu cầu

Giá trị bình thường: 0,016 - 0,036 L/L.

Tăng trong các trường hợp: ung thư đại trực tràng

Giảm trong các trường hợp: nhiễm nội độc tố, nghiện rượu…

17. PDW - Dải/ độ rộng phân bố kích thước tiểu cầu

Giá trị bình thường: 11 - 15%.

Tăng trong các trường hợp: ung thư phổi, bệnh hồng cầu hình liềm, nhiễm khuẩn huyết…

Giảm trong các trường hợp: nghiện rượu...

18. P-LCR - Tỉ lệ tiểu cầu có kích thước lớn

Giá trị bình thường: 0,13 - 0,43% hoặc 150 đến 500 Giga/L

P-LCR tăng (thường kết hợp MPV tăng) được coi là một chỉ số về yếu tố nguy cơ liên quan đến các biến cố thiếu máu cục bộ/ huyết khối và nhồi máu cơ tim.

Các kết quả bất thường trong xét nghiệm công thức máu toàn bộ phản ánh rất nhiều tình trạng bệnh lý của cơ thể, vì vậy cần tư vấn với bác sỹ nếu có kết quả bất thường.

Trong nhiều trường hợp người xét nghiệm có thể giới thiệu đến gặp bác sỹ chuyên khoa huyết học, những người có nhiều kinh nghiệm về các bệnh lý liên quan đến máu để có thể đưa ra và thực hiện những xét nghiệm sâu hơn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết