Ung thư đại tràng: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị
Ung thư đại tràng: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị
Ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị

Ung thư đại tràng: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Cố vấn y khoa:
Xuất bản: 11/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Trong bài viết này, BookingCare sẽ mang tới những thông tin hữu ích về bệnh ung thư đại tràng, tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu cảnh báo, các phương pháp chẩn đoán và những biện pháp được áp dụng điều trị hiện nay,...

Ung thư đại trực tràng hay còn gọi là ung thư ruột già, là một bệnh ác tính thường gặp, và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư. 

Do quá trình từ đại tràng bình thường diễn tiến thành ung thư kéo dài qua nhiều năm và diễn tiến theo nhiều giai đoạn có thể ngăn chặn được, ung thư đại tràng là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa có tiên lượng tốt trong trường hợp phát hiện khi bệnh còn ở giai đoạn sớm hoặc các tổn thương tiền ung thư.

Tuy vậy, ở Việt Nam có đến 90% bệnh nhân ung thư đại tràng chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn.

Dấu hiệu của ung thư đại tràng

Nhiều người bị ung thư đại tràng ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng cụ thể. Các dấu hiệu ở từng bệnh nhân lại có thể thay đổi phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u.

Các triệu chứng của ung thư đại tràng có thể bao gồm:

  • Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất. Triệu chứng này có thể khác nhau với mỗi cá nhân, không có đặc điểm cụ thể. Trong giai đoạn sớm, cơn đau mơ hồ, âm ỉ, khó xác định vị trí, thường ở vùng hạ vị, quanh rốn, hoặc dọc khung đại tràng.
  • Thay đổi thói quen đại tiện, thay đổi giờ giấc đi ngoài, số lần đi ngoài từ vài lần đến hàng chục lần trong ngày. Bệnh nhân có khi bị táo bón, bị đi ngoài phân lỏng, hoặc xen kẽ cả táo bón và đi ngoài phân lỏng.
  • Thay đổi kích thước, hình dạng và tính chất phân bất thường: tùy thuộc vào vị trí u mà tính chất phân có thể khác nhau. U ở đại tràng phải, phân thường lỏng, triệu chứng xuất hiện muộn; đại tràng trái có lòng ruột hẹp hơn, u thường ở dạng vòng nhẫn nên phân cứng; u ở trực tràng làm cho phân nhỏ dẹt.
  • Cảm giác buốt mót vùng hậu môn, tiêu không hết phân thường xuất hiện với u ở vùng trực tràng, triệu chứng nặng hơn khi u xâm lấn cơ vòng hậu môn như tiêu phân són, tiêu phân không tự chủ. Ngoài ra u ở vị trí này cũng có thể chèn ép hoặc xâm lấn đường tiểu gây tiểu són, tiểu lắt nhắt, tiểu gắt, tiểu gấp.
  • Xuất hiện máu trong phân: triệu chứng biểu hiện ở 25% bệnh nhân ung thư đại tràng. Tiêu phân nhầy lẫn máu đỏ sẫm thường gặp ở vị trí u đại tràng cao, đi tiêu phân máu đỏ tươi gặp ở u nằm ở đoạn cuối khung đại tràng, dễ nhầm lẫn với trĩ xuất huyết.
  • Mệt mỏi, chán ăn và suy nhược: Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân, hoặc do khối u phát triển ngày càng lớn. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, chán ăn, cảm giác ăn không ngon miệng đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.
  • Giảm cân bất thường.
  • Ngoài các triệu chứng nêu trên, khi ung thư muộn thì có người sờ thấy cả khối u có thể thấy hoặc sờ được ở  bụng, bụng to dần, hoặc bí trung đại tiện do khối u chèn ép làm tắc ruột…

Nguyên nhân ung thư đại tràng

  • Yếu tố dinh dưỡng
    • Ung thư đại - trực tràng liên quan chặt chẽ với chế độ ăn nhiều thịt, mỡ động vật, ít chất xơ, thiếu các Vitamin A, B, C, E, thiếu canxi.
    • Tiêu thụ nhiều thực phẩm có chứa benzopyrene, nitrosamine.... (thường tìm thấy trong các đồ chiên, nướng và hun khói và các loại đồ ướp muối) có khả năng gây ung thư.
  • Các tổn thương tiền ung thư: Bệnh nhân mắc các bệnh dưới đây, có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn
    • Viêm đại trực tràng chảy máu
    • Bệnh Crohn
    • Polyp đại trực tràng
  • Yếu tố di truyền: yếu tố di truyền có vai trò quan trọng trong sinh bệnh ung thư đại trực tràng, với gen sinh ung thư và các hội chứng di truyền:
    • Hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không polyp (hội chứng Lynch)
    • Bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP)
    • Hội chứng Peutz-Jeghers
    • Hội chứng Gardner

Xét nghiệm chẩn đoán ung thư đại tràng

Chẩn đoán ung thư đại tràng thường là một quá trình phức tạp, bao gồm nhiều bước và phương pháp khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán chính thường được sử dụng:

  • Kiểm tra lâm sàng và hỏi về bệnh sử của bệnh nhân
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để tìm kiếm các dấu hiệu và chỉ số biểu thị có thể liên quan đến ung thư đại tràng, chẳng hạn như tăng CEA (chỉ số kháng nguyên phôi thai).
  • Xét nghiệm phân: Xét nghiệm phân có thể tiết lộ có hay không sự xuất hiện của máu ẩn hoặc các tác nhân khác liên quan đến ung thư đại tràng.
  • Nội soi đại tràng: Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư đại trực tràng, cho biết vị trí, đặc điểm khối u và bẩm sinh thiết.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp như siêu âm, chụp cắt lớp (CT scan), hình ảnh từ phóng xạ (PET scan) có thể được sử dụng để xem xét mức độ lan tỏa và phạm vi của khối u trong cơ thể.
  • Khảo sát DNA ngoại bào mang đột biến ung thư: hay còn được gọi là sinh thiết lỏng, là phương pháp xác định DNA ngoại bào mang đột biến ung thư (ctDNA), được phóng thích từ tế bào ung thư vào dòng máu. Giai đoạn bệnh càng muộn, khối u càng lớn thì ctDNA được phóng thích trong máu càng tăng. Phương pháp này được ứng dụng trong chẩn đoán sớm, đặc biệt các ung thư có tính gia đình, đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện tái phát sớm. Phương pháp này hiện vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu, hứa hẹn mang lại nhiều ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư đại tràng.
Ung thư đại tràng và polyp đại tràng
Ung thư đại tràng và polyp đại tràng - Ảnh: hunterdonhealth.org

Phương pháp điều trị ung thư đại tràng

Cũng như các loại ung thư khác, ung thư đại tràng hiện nay thường được áp dụng điều trị theo phương pháp đa mô thức. Tùy thuộc vào các yếu tố của bệnh nhân, giai đoạn bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp. Thông thường điều trị chủ yếu là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị đóng vai trò hỗ trợ.

U giai đoạn xâm lấn tại chỗ hoặc xâm lấn đến lớp dưới niêm hoặc tổn thương tiền ung thư, có thể can thiệp loại bỏ u bằng thủ thuật qua nội soi đại trực tràng.

Nếu ung thư đại tràng ở giai đoạn tiến triển, có thể bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Chọn lựa phương pháp phẫu thuật tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, kích thước và vị trí u, bao gồm phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở. Quy trình phẫu thuật cắt đoạn đại tràng và mạc nối ruột tương ứng, kèm nạo hạch bạch huyết, và mạch máu để đảm bảo diện cắt không có tế bào ung thư (R0). Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể sẽ được tiếp tục hóa trị, xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót.

Khi ung thư ở giai đoạn xâm lấn các cơ quan lân cận, hoặc di căn xa, hoặc do bệnh nền nặng không thể chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng các phác đồ hóa chất và xạ trị, cùng với việc nâng đỡ tổng trạng và dinh dưỡng của bệnh nhân.

Một số bệnh nhân ung thư đại tràng đến bệnh viện với các tình huống cấp cứu như tắc ruột, chảy máu, hoặc thủng. Lúc này, ngoài phương pháp phẫu thuật, bác sĩ có thể sẽ đưa ra một số phương pháp nhằm giải quyết tạm thời cho bệnh nhân, như đặt ống thông kim loại (stent) tự giãn để giải quyết u gây tắc nghẽn; nội soi can thiệp xử trí song song với hồi sức trong các trường hợp chảy máu; hoặc kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhiễm trùng ổ bụng với u gây thủng.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định điều trị đích. Đây là biện pháp điều trị sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng, sử dụng phối hợp với các phác đồ hóa chất để nhắm đến và tiêu diệt các tế bào ung thư mang các đặc tính cụ thể, kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Sống chung với ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng thường bắt đầu từ những tổn thương nhỏ, điển hình là polyp đại tràng, và diễn tiến trong thời gian dài. Do đó, người có nguy cơ cao nên đến khám với các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa kiểm tra đại trực tràng để được tầm soát ung thư định kỳ.

Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (ACS) khuyến cáo nên tầm soát ung thư và polyp đại trực tràng với người từ 50 tuổi trở lên không có triệu chứng, các phương pháp bao gồm: tìm máu ẩn trong phân mỗi năm, nội soi đại tràng chậu hông mỗi 3 – 5 năm hoặc nội soi đại trực tràng mỗi 5 – 10 năm.

Tầm soát ung thư qua nội soi đại tràng định kỳ cũng được áp dụng với các trường hợp polyp có nguy cơ ung thư qua mô học. Các đối tượng có tiền sử người thân thế hệ thứ nhất mắc bệnh đa polyp có tính gia đình, hoặc người đang điều trị viêm ruột mạn, cũng có chỉ định tầm soát ung thư định kỳ.

Ngoài ra, trong đời sống hằng ngày, cần hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh:

  • Hạn chế các loại thịt đỏ, thịt rán, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích. Thay vào đó nên ăn tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây). Ăn nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt có vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa, có thể giúp ngăn ngừa ung thư.
  • Hạn chế đồ uống chứa cồn.
  • Bỏ thuốc lá.
  • Tăng cường hoạt động thể lực
    Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nếu bạn đang có cân nặng khỏe mạnh, hãy cố gắng duy trì cân nặng bằng cách kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh với tập thể dục hàng ngày. 
  • Sau điều trị ung thư đại tràng bệnh nhân vẫn có khả năng tái phát. Theo thống kê, thông thường trong 1 đến 3 năm đầu tiên sau điều trị ung thư đại tràng là thời điểm dễ bị tái phát bệnh nhất. Chính vì vậy bệnh nhân cần theo dõi sát, tuân thủ hướng dẫn điều trị, khám định kỳ là yếu tố quan trọng ngăn chặn sự tái phát của bệnh.

Hy vọng những thông tin trên đây về ung thư đại tràng đã giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức cũng như góc nhìn đúng đắn xoay quanh căn bệnh này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết