Xét nghiệm máu là gì? Để làm gì? Ý nghĩa các chỉ số
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu là gì? Để làm gì? Ý nghĩa các chỉ số - Ảnh: BookingCare

Xét nghiệm máu là gì? Để làm gì? Ý nghĩa các chỉ số

Tác giả: - Xuất bản: 30/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/10/2023
Xét nghiệm máu tổng quát có thể giúp theo dõi, phát hiện nhiều bệnh phổ biến như: tiểu đường, mỡ máu, gout, đánh giá chức năng gan, thận, tình trạng thừa hoặc thiếu vi chất (như sắt, can-xi…), thiếu máu…

Các chuyên gia y tế khuyến khích tất cả mọi người đều nên xét nghiệm máu định kỳ. Xét nghiệm máu định kỳ có thể giúp phát hiện sớm một số bệnh hoặc đưa ra những lời cảnh báo về bệnh tật trong tương lai để bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống.

Xét nghiệm máu có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp người bệnh xác định được tình trạng thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng trong cơ thể để điều chỉnh chế độ ăn uống cân bằng.

Xét nghiệm máu là gì? Khi nào cần xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu dùng để chỉ chung cho các loại xét nghiệm phân tích trên mẫu bệnh phẩm là máu (máu tĩnh mạch, máu động mạch, máu mao mạch, máu gót chân ở trẻ sơ sinh).

Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm phổ biến nhất được sử dụng để theo dõi sức khỏe tổng thể hoặc giúp chẩn đoán các tình trạng bệnh lý. Thực hiện xét nghiệm máu là một phần của khám sức khỏe định kỳ hoặc được chỉ định làm khi có một số dấu hiệu bệnh lý nhất định.

Ngày nay, xét nghiệm máu còn giúp chẩn đoán sớm bệnh ung thư ở một số bệnh và giúp sàng lọc bệnh cho thai nhi, trẻ sơ sinh để chẩn đoán và điều trị sớm.

Theo nghĩa rộng, xét nghiệm máu cho thấy những thay đổi trong cơ thể bạn. Kết quả xét nghiệm máu không mang tính chất chẩn đoán. Sau khi xét nghiệm nếu phát hiện các kết quả bất thường, bạn có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác như các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh hoặc thăm dò chức năng khác để có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề đang gặp phải.

Phụ thuộc vào mục đích của xét nghiệm có thể phân loại thành: Tổng phân tích tế bào máu (xét nghiệm công thức máu toàn phần) và xét nghiệm sinh hóa.

Xét nghiệm máu để làm gì?

Xét nghiệm máu tổng quát có thể giúp phát hiện nhiều loại bệnh khác nhau. 

  • Bệnh về máu: Xét nghiệm máu tổng quát có tác dụng phát hiện ra các bệnh liên quan đến bất thường về các tế bào máu như: Bạch cầu tăng hoặc giảm về số lượng. Tế bào hồng cầu, tiểu cầu bất thường. Phát hiện hội chứng Thalassemia (tan máu bẩm sinh) hoặc thiếu máu hồng cầu hình liềm.
  • Bệnh về gan thận: Xét nghiệm máu giúp kiểm tra, đánh giá chức năng gan hay các bệnh lý về thận như hội chứng thận hư, suy thận,...
  • Các bệnh về rối loạn chuyển hóa: Bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, rối loạn nội tiết, hormone,...
  • Các bệnh liên quan đến canxi máu: Lượng canxi trong máu quá cao hay quá thấp có khả năng là dấu hiệu của các bệnh lý thận, vấn đề về xương, bệnh tuyến giáp, ung thư, suy dinh dưỡng,...
  • Nguy cơ bệnh tim và rối loạn mỡ máu: Nồng độ cholesterol và triglyceride bất thường cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành.
  • Bệnh lý khác: Dựa trên kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể chẩn đoán các bệnh xã hội như sùi mào gà, lậu, giang mai, HIV/AIDS, một số bệnh về não như nhiễm trùng não hay thiếu máu não, nhiễm ký sinh trùng…

Các chỉ số xét nghiệm máu và ý nghĩa

Dưới đây là một số chỉ số xét nghiệm máu thường thực hiện và ý nghĩa của chúng:

Tên xét nghiệm Ý nghĩa xét nghiệm
Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi Đánh giá các chỉ số tế bào máu ngoại vi: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu
Định lượng Ure Đánh giá chức năng thận
Định lượng Creatinin
Định lượng GOT Đánh giá tổn thương gan
Định lượng GPT
Định lượng Bilirubin toàn phần Đánh giá bệnh lý gan mật, tan máu
Định lượng Bilirubin trực tiếp
Định lượng Cholesterol toàn phần Đánh giá rối loạn chuyển hóa mỡ và nguy cơ xơ vữa động mạch
Định lượng Tryglyceride
HDL-Cholesterol
LDL-Cholesterol

Định lượng Axit Uric

Xét ngiệm chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh Gout
Định lượng Glucose Xét nghiệm tiểu đường
LDH Tăng trong các bệnh lý ác tính, viêm nhiễm …
Điện giải đồ Đánh giá tình trạng các chất điện giải trong máu
Định lượng sắt huyết thanh Đánh giá chung tình trạng sắt
Ferritin Đánh giá dự trữ sắt
Ca++ máu Đánh giá chuyển hóa canxi
Ca ion
HBsAg miễn dịch bán tự động/tự động Xét nghiệm virus viêm gan B
Anti-HCV miễn dịch bán tự động/tự động Xét nghiệm virus viêm gan C
Các chỉ số xét nghiệm máu
Các chỉ số xét nghiệm máu - Ảnh: Canva

Thời gian nhận kết quả xét nghiệm máu

Thời gian nhận kết quả xét nghiệm máu có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại xét nghiệm, phương pháp xét nghiệm, máy móc, cơ sở thực hiện xét nghiệm.

Nhìn chung, các xét nghiệm thường quy thường có kết quả sau 2-3h còn các xét nghiệm chuyên sâu hơn thì kỹ thuật cũng phức tạp hơn nên thời gian trả kết quả sẽ kéo dài hơn.

Cách đọc kết quả xét nghiệm máu

Để hiểu rõ kết quả xét nghiệm máu, bạn cần so sánh các chỉ số với khoảng tham chiếu bình thường. Nếu các chỉ số nằm ngoài khoảng tham chiếu, có thể bạn đang gặp một vấn đề sức khỏe nào đó.

Tuy nhiên, chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm máu là chưa đủ để chẩn đoán bệnh. Bạn cần kết hợp với các thông tin khác như triệu chứng, tiền sử bệnh, kết quả khám lâm sàng,... để bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác.

Nếu bạn thấy kết quả xét nghiệm máu của mình bất thường, hãy bình tĩnh và liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.

Lưu ý trước khi xét nghiệm máu

  • Không nên uống thuốc trước khi đi làm xét nghiệm máu: Việc uống thuốc trước khi xét nghiệm máu có thể làm cho nồng độ các hợp chất hoặc chất điều chỉnh trong máu thay đổi gây ra sai lệch trong kết quả xét nghiệm. Bạn đọc nên trao đổi với bác sĩ hoặc người có chuyên môn để được tư vấn chi tiết.
  • Một số xét nghiệm chỉ cho kết quả chính xác khi bệnh nhân không ăn uống gì trước khi làm xét nghiệm ít nhất 8 tiếng hoặc không ăn sáng sau khi thức dậy (như xét nghiệm kiểm tra bệnh liên quan đường máu và mỡ máu, bệnh về tim mạch (cholesterol, triglycerid, HDL, LDL…), bệnh về gan mật. Vì sau khi ăn, chất dinh dưỡng sẽ chuyển hóa thành đường glucose khiến lượng đường trong máu tăng. Nếu làm xét nghiệm, kết quả sẽ không chính xác.
  • Người bệnh cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê… vài tiếng đồng hồ trước khi lấy máu xét nghiệm.
  • Một số loại xét nghiệm khác, người bệnh không cần nhịn đói trước khi lấy máu như HIV, suy thận, cường giáp,…
  • Không nên vận động quá mạnh trước khi đi xét nghiệm máu
  • Thời điểm tốt nhất để lấy mẫu máu xét nghiệm là buổi sáng. 

Như vậy, xét nghiệm máu là một công cụ quan trọng để chẩn đoán và theo dõi tình trạng sức khỏe. Hy vọng những thông tin về xét nghiệm máu qua bài viết trên đây đã giúp bạn giải thích các thắc mắc.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết