Các phương pháp chữa cảm cúm bằng đông y hiệu quả mà bạn nên biết
Các phương pháp chữa cảm cúm bằng đông y hiệu quả bạn nên biết
Các phương pháp chữa cảm cúm bằng đông y hiệu quả bạn nên biết - Ảnh: BookingCare

Các phương pháp chữa cảm cúm bằng đông y hiệu quả mà bạn nên biết

Tác giả: - Xuất bản: 19/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/01/2024
Chữa cảm cúm bằng đông y với nhiều phương pháp như thuốc, châm cứu, xông hơi, ăn uống… Cùng BookingCare tìm hiểu kỹ hơn về các phương pháp này qua bài viết dưới đây. 

Cảm cúm là tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp trên do virus gây ra. Bệnh thường dễ lây, xảy ra ở cả 4 mùa nhưng hay gặp nhất vào mùa đông và mùa xuân. Chữa cảm cúm bằng đông y có nhiều phương pháp như thuốc, châm cứu đạt hiệu quả cao, cải thiện triệu chứng bệnh, nâng cao đề kháng và an toàn cho nhiều đối tượng. Hãy cùng tìm hiểu phương pháp điều trị cảm cúm theo y học cổ truyền qua bài viết dưới đây. 

Bài thuốc điều trị cảm cúm 

Y học cổ truyền gọi cảm cúm là chứng Cảm mạo, Thương phong. Nguyên nhân của cảm cúm do sức đề kháng yếu (chính khí suy giảm) nên vi khuẩn, virus (tà khí bên ngoài) dễ dàng xâm nhập và gây bệnh. Cảm cúm chia thành cảm mạo do phong hàn (cảm lạnh) và cảm mạo do phong nhiệt (cúm). 

Cảm phong hàn

Biểu hiện: người bệnh có thể có biểu hiện sợ gió, sợ lạnh, sốt nhẹ, không ra mồ hôi, gai rét, đau đầu, đau nhức cơ khớp toàn thân,  ngạt mũi, chảy nước mũi trong và loãng, hắt hơi, ho, khò khè đờm dãi, đờm trong trắng loãng, đau rát họng. Rêu lưỡi trắng, mỏng, mạch phù.

Pháp điều trị: tán phong hàn, phát hãn giải biểu (tức làm ra mồ hôi để hạ sốt). 

Dùng các bài thuốc tân ôn giải biểu để phát tán phong hàn như: Hương tô tán, Ma hoàng thang, Quế chi thang…

Bài thuốc: tía tô (cả lá và cành) 12g, trần bì (vỏ quýt) 6g, hương phụ 12g, gừng 6g, cam thảo nam 6g. Đổ 400ml nước, sắc còn 200ml, lưu ý trong quá trình sắc để lửa nhỏ, không mở nắp để tránh tinh dầu trong thuốc bay hơi hết, uống lúc nóng cho ra mồ hôi. Uống từ 1 đến 3 thang. 

Nếu có đầy bụng, buồn nôn cho thêm hoắc hương 12g, hậu phác 12g. Trẻ em uống 1/3 - 2/3 liều người lớn, tùy theo cân nặng và tuổi.

Bài thuốc điều trị cảm cúm theo thể bệnh - Ảnh: Freepik
Bài thuốc điều trị cảm cúm theo thể bệnh - Ảnh: Freepik

Cảm phong nhiệt

Biểu hiện: người bệnh sốt cao, người nóng, đau nặng đầu, đau mỏi toàn thân, sợ lạnh ít, ít mồ hôi, hắt hơi sổ mũi, dịch mũi đặc vàng đục, miệng khô, có thể có ho, đờm vàng đặc, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác. 

Pháp điều trị: sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế giải biểu (tức làm thông khí, hạ sốt). 

Dùng các bài thuốc tân lương giải biểu để phát tán phong nhiệt như bài Tang cúc ẩm, Ngân kiều tán...

Bài thuốc: bạc hà 8g, kim ngân hoa 12g, lá tre 20g, cam thảo nam 12g, kinh giới 12g. Đổ 400ml nước sắc còn 200ml, cách sắc tương tự như ở trên,để nguội rồi uống. Uống 1 - 3 thang. Lưu ý không dùng bạc hà cho trẻ dưới 1 tuổi.

Xông hơi trị cảm cúm 

Xông hơi giải cảm dùng cho thể cảm hàn. Nguyên liệu nồi xông bao gồm: 

  • Lá có tác dụng hạ sốt, thanh nhiệt: lá tre, lá duối, lá tràm trà…
  • Nguyên liệu có tác dụng kháng khuẩn: ngải cứu, hương nhu…
  • Lá chứa tinh dầu: vỏ bưởi, lá bưởi, bạc hà, tía tô, sả… 

Mỗi thứ một nắm bằng nhau cho vào nồi đổ ngập nước, đậy vung kín và đun sôi vài phút rồi xông. Riêng các loại lá chứa tinh dầu thì cho vào sau khi nước đã sôi để tránh tinh dầu bay hết. 

Cách xông: 

  • Chuẩn bị sẵn chăn, khăn lau và quần áo để thay. 
  • Người bệnh mặc quần áo mỏng ngồi trên ghế hoặc giường. 
  • Đặt nồi nước xông trước mặt, trùm chăn kín người, mở vung để hơi nóng bay ra. Thỉnh thoảng lấy đũa khuấy cho hơi nóng tiếp tục bay lên. 
  • Thời gian xông kéo dài từ 15 – 20 phút tuỳ sức chịu đựng mỗi người, không nên xông quá lâu. 
  • Sau khi xông cần lau khô người, thay quần áo, uống một ly nước ấm bù nước rồi đắp chăn nằm nơi kín gió. 
Xông hơi chữa cảm cúm cho người bệnh - Ảnh: Freepik
Xông hơi chữa cảm cúm cho người bệnh - Ảnh: Freepik

Một số lưu ý khi xông hơi

  • Những người già, trẻ nhỏ không nên xông lâu. 
  • Người thể trạng suy nhược, thiếu máu, người cảm phong nhiệt không nên áp dụng phương pháp xông này.
  • Không nên làm ra quá nhiều mồ hôi 
  • Sau khi xông nên ăn một bát cháo hành tía tô thịt bằm. 
  • Đối với những người già yếu, người có bệnh mãn tính hay suy nhược cơ thể cần có người phục vụ ngồi phía sau giữ vai để tránh ngã. 
  • Nếu không có các loại lá để nấu nước xông, có thể sử dụng tinh dầu tràm, khuynh diệp, quế, long não… để thay thế. 

Châm cứu điều trị cảm cúm 

Phác đồ huyệt: Đại chùy, Phong trì, Ế phong, Liệt khuyết, Ngoại quan, Khúc trì, Hợp cốc.

  • Nếu có ho, đờm nhiều, thêm huyệt: Phế du, Định suyễn
  • Nếu có chảy nước mũi, thêm huyệt: Nghinh hương, Tỵ thông.

Dùng phương pháp châm cứu: châm tả hoặc châm bình bổ bình tả kết hợp điện châm, ngày châm 1 lần. 

Châm cứu điều trị cảm cúm - Ảnh: Freepik
Châm cứu điều trị cảm cúm - Ảnh: Freepik

Chế độ chăm sóc, ăn uống khi cảm cúm 

Trong điều trị cảm cúm, đông y ngoài sử dụng các bài thuốc, xông hơi hay châm cứu thì còn cần phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho người bệnh.

  • Khi cảm lạnh, tốt nhất không nên ăn những thực phẩm lạnh, bao gồm đồ ăn và thức uống lạnh. 
  • Người cảm thể phong hàn không ăn những thực phẩm có tính hàn như động vật dưới nước (ốc, lương, trạch, hải sản, vịt…), thực phẩm đông lạnh…
  • Nên ăn những món ăn dễ tiêu như cháo, súp, hạn chế ăn thức ăn dầu mỡ, chiên xào nhiều.
  • Bổ sung thêm nước và bù điện giải cho người cảm cúm để tránh mất nước. 
  • Ăn uống đủ chất, bổ sung hoa quả và rau xanh vào thực đơn. 
  • Một số món ăn bài thuốc tốt cho người cảm mạo phong hàn như: cháo hành tía tô, cháo gừng, trà gừng mật ong, cháo kinh giới… có tác dụng ôn ấm, giải cảm. 
  • Một số món ăn bài thuốc tốt cho người cảm mạo phong nhiệt như: cháo bạc hà, canh cải cúc nấu cá rô, bối mẫu – sa sâm hấp lê,… có tác dụng thanh nhiệt, giải cảm. 
  • Người bệnh nên nghỉ ngơi đầy đủ, thư giãn tinh thần và nghỉ ngơi ở nhà 1 – 2 ngày để tránh lây bệnh cho người khác. 
  • Theo dõi triệu chứng của bệnh, nếu bệnh chuyển nặng, xuất hiện khó thở, đau ngực, ho nhiều… cần đi khám tại các cơ sở y tế. 

Phòng bệnh cảm cúm 

Để phòng bệnh cảm cúm trong thời tiết giao mùa hoặc chuyển lạnh, bạn nên: 

  • Tránh tắm đêm, tắm nước lạnh. Mặc áo ấm, giữ ấm người nhất là vùng cổ khi đi ra đường. 
  • Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ ăn uống đảm bảo, cân bằng các nhóm chất, bổ sung thêm các loại trái cây rau củ giàu vitamin C,, ngủ đủ giấc, làm việc kết hợp nghỉ ngơi thư giãn, tránh căng thẳng, stress.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, dưỡng sinh nâng cao sức khoẻ. 
  • Cách ly người bệnh, tiệt trùng các vật dụng cá nhân, nên đeo khẩu trang khi giao tiếp với người xung quanh. 

Trên đây là những thông tin về đông y chữa cảm cúm. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về các phương pháp phòng và điều trị bệnh cảm cúm bằng y học cổ truyền.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết