Châm cứu là gì? Có tốt không và Châm cứu ở đâu tốt

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 30/08/2018 - Cập nhật lần cuối: 14/07/2022

Châm cứu là phương pháp điều trị không dùng thuốc giúp cải thiện hiệu quả nhiều bệnh lý. Để biết chấm cứu có tốt không, những bệnh nào nên châm cứu, bệnh nhân có thể tham khảo bài viết sau đây.

Châm cứu là gì
Châm cứu là một phương pháp giảm đau hiệu quả (Ảnh: pixabay)

Châm cứu là một phương pháp điều trị Y học cổ truyền không dùng thuốc, được coi là một trong những thành công của nền y học cổ truyền phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc từ hàng nghìn năm qua.

Châm cứu là gì?

Châm có nghĩa là dùng vật nhọn (như kim, que nhọn…) đâm vào hoặc kích thích vào huyệt. Còn cứu có nghĩa là dùng nhiệt (hơi nóng) tác động lên huyệt.

Châm và cứu là hai phương pháp chữa bệnh có rất sớm ở phương Đông.

Người ta dùng kim thuộc chế thành các loại kim khác nhau, châm ở những bộ phận đặc biệt trên cơ thể con người (huyệt vị). Sau khi châm vào da thịt, căn cứ vào bệnh tình và thể chất người bệnh khác nhau mà dùng thủ pháp phù hợp nhằm đạt đến mục đích khử bệnh tật, nâng cao sức đề kháng của cơ thể mà chữa bệnh, phương pháp này gọi chung là châm.

Còn cứu dùng lá ngải khô để chế thành ngải nhung, rồi lại dùng ngải nhung chế thành viên to nhỏ như mồi ngải, hoặc cuốn thành điếu ngải, đốt lửa xong trực tiếp hoặc gián tiếp hơ hoặc đặt lên huyệt vị nhất định của cơ thể người bệnh, thông qua sự kích thích ấm nóng này làm cho thông kinh lạc đạt mục đích chữa bệnh và phòng trừ bệnh tật.

Hai phương pháp trên tuy khác nhau nhưng sử dụng huyệt vị giống nhau, có khi cùng châm và cứu, thông thường gọi là phép châm cứu.

Châm cứu có nhiều công hiệu: giảm đau lưng, đau cổ, đau sau phẫu thuật. Nó cũng giúp cải thiện trục trặc về tiêu hóa, kinh nguyệt bất thường, dị ứng, mất ngủ...

Châm cứu là gì
Cách hiểu đúng và cụ thể về châm và cứu - Ảnh: BookingCare 

Châm cứu có tốt không?

Hiện nay, châm cứu được sử dụng phối hợp với các phương pháp điều trị và thuốc Tây y, chế độ ăn và luyện tập để mang lại hiệu quả toàn diện cho người bệnh.

Dưới đây là một số tình trạng phổ biến có thể được điều trị bằng châm cứu.

Giảm đau

Đa số các bệnh nhân đến gặp các chuyên gia châm cứu vì tình trạng đau, thường là đau lưng, đau đầu gối, đau cổ, đau vai gáy. Châm cứu có tác dụng giảm đau và ít gây tác dụng phụ.

Châm cứu có tác dụng tốt hơn giả dược trong việc giảm đau của 4 tình trạng đau phổ biến, bao gồm: đau lưng, đau cổ, viêm xương khớp, đau đầu mãn tĩnh và đau vai. Với những tình trạng đau dữ dội, bạn có thể được sử dụng phương pháp điện châm để tác động nhiều hơn đến các huyệt đạo do vậy sẽ giảm đau tốt hơn.

Vô sinh

Châm cứu đã được chứng minh là có thể cải thiện khả năng thụ thai ở cả nữ giới sử dụng phương pháp thụ tinh trong trong ống nghiệm và cả những nữ giới thụ thai theo cách tự nhiên. 

Tác dụng của châm cứu trong khả năng sinh sản vẫn dựa vào cơ chế tác dụng cơ bản của thuật châm cứu: khi cơ thể một người đạt được sự cân bằng tốt hơn, thì rất nhiều vấn đề về sức khỏe cũng sẽ được giải quyết, bao gồm cả các vấn đề về vô sinh.

Tiêu hóa

Châm cứu có thể hỗ trợ trong việc giảm các triệu chứng ợ nóng, táo bón và kể cả các triệu của bệnh viêm loét đại tràng. Đáp ứng tốt với điều trị bằng châm cứu thường là những người mắc chứng trào ngược. 

Hồi phục chức năng sau đột quỵ 

Châm cứu nhằm phục hồi chức năng có thể cải thiện lưu lương máu chảy và tuần hoàn, do vậy, đây là phương pháp điều trị lý tưởng cho các vùng của cơ thể thường không được nhận đủ máu, ví dụ như ở những người bệnh chịu ảnh hưởng của cơn đột quỵ. Các vùng bị ảnh hưởng sau cơn đột quỵ bao gồm một phần của não bộ hoặc một bên chi.

Rối loạn cảm xúc

Châm cứu có thể giúp kiểm soát lo âu và trầm cảm. Những người cần được châm cứu thường là những người có mức độ lo âu và trầm cảm cao, nhưng lại mặc kệ không điều trị với hi vọng những triệu chứng này sẽ tự cải thiện.

Với những người bị trầm cảm, châm cứu có thể khiến họ có một khoảng thời gian cảm thấy rằng, họ khỏe mạnh về mặt thể chất, từ đó, giúp họ có cái nhìn tích cực hơn về thế giới bên ngoài, và có thể tạo ra một bước đột phá lớn về nhận thức ở người bệnh trầm cảm.

Giảm phản ứng phụ do xạ trị và hóa trị

Châm cứu có thể giúp điều trị buồn nôn – một phản ứng phụ của điều trị hóa trị. Châm cứu cũng có thể giúp ích với tình trạng mẩn đỏ xảy ra khi xạ trị, tình trạng mệt mỏi do hóa trị và xạ trị.

Cả hóa trị và xạ trị, đều rất có ích trong việc điều trị bệnh ung thư nhưng có thể gây ra tình trạng nóng quá mức trong cơ thể. Người bệnh được điều trị hóa trị và xạ trị có thể sẽ cảm thấy khô, sốt, buồn nôn và thậm chí là bị đau cục bộ ở một vùng.

Châm cứu có thể giúp những bệnh nhân gặp phải những dấu hiệu trên cảm thấy dễ chịu hơn và có thể giúp làm giảm lượng nhiệt thừa và giảm tình trạng viêm do xạ trị, hóa trị.

Rối loạn giấc ngủ

Một số người có thói quen khó chìm vào giấc ngủ, thường xuyên thức dậy vào giữa đêm hoặc thức dậy vào buổi sáng quá sớm. Châm cứu có thể cải thiện được cả 3 thói quen trên.

Lợi ích của thuật châm cứu bao gồm cả việc giúp thư giãn, do vậy, châm cứu có thể sẽ giúp ích trong việc điều trị các rối loạn về giấc ngủ. Một trong số những cách mà thuật châm cứu có ích đối với những người bị mất ngủ là do châm cứu có khả năng làm giảm lo âu.

Châm cứu ở đâu tốt tại Hà Nội

Để người bệnh có thể lựa chọn một địa chỉ khám chữa bệnh uy tín, đúng thầy đúng bệnh, thuận tiện trong quá trình điều trị lâu dài, dưới đây là danh sách một số cơ sở y tế chuyên sâu về Y học cổ truyền, đặc biệt là châm cứu tại Hà Nội.

Hy vọng có thể phần nào hỗ trợ quá trình khám chữa bệnh của bệnh nhân và người nhà được hiệu quả hơn. 

1. Bệnh viện Châm cứu Trung ương

  • Địa chỉ: Số 49 Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội
Bệnh viện châm cứu trung ương
Khu khám bệnh - Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Ảnh: BookingCare)

Bệnh viện Châm cứu Trung ương là đơn vị đầu ngành về châm cứu của cả nước. Bệnh viện nhận khám, cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng cho người bệnh ở tuyến cao nhất bằng phương pháp không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, dưỡng sinh...).

Các máy móc trang thiết bị của bệnh viện phục vụ cho khám chữa bệnh ngoại khoa, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm đều là máy thế hệ mới được sản xuất ở các nước có trình độ công nghệ cao như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italia cho kết quả chính xác cao.

Tiếp nhận các bệnh nhân điều trị các thể bệnh khó chữa như liệt nửa người do tai biến mạch máu não ở người lớn, liệt do di chứng viêm não ở trẻ em, liệt mặt, giảm hoặc mất thị lực, câm điếc thứ phát, các loại liệt thần kinh, các chứng đau như đau đầu, mất ngủ, đau lưng, đau thần kinh tọa, đau do ung thư, hỗ trợ cai nghiện ma túy… và nhiều chứng bệnh khác.

Bệnh viện có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về châm cứu như:

Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Gia Quý

  • Phó khoa Khám bệnh - Bệnh viện Châm cứu Trung ương
  • Học bác sĩ đa khoa, Cao học châm cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
  • Nguyên bác sĩ điều trị tại Khoa Quốc tế - Bệnh viện Châm cứu Trung ương
  • Chuyên gia tại Mexico
  • Chuyên gia châm cứu tại Nga
  • Nguyên Phó khoa Dưỡng sinh - Xoa bóp bấm huyệt - Bệnh viện Châm cứu Trung ương
  • Hội viên Hội Châm cứu Việt Nam

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Thái

  • Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương
  • Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa - Bệnh viện Châm cứu Trung ương
  • Thành viên Hội châm cứu thế giới và Việt Nam
  • Chuyên gia đầu ngành hiện nay về Châm cứu
  • Chứng chỉ về Châm cứu tại Trung Quốc (1996)
  • Chứng chỉ về Châm cứu tại Hàn Quốc (2000)
  • Chứng chỉ về Châm cứu tại Úc (2005)
  • Chứng chỉ về Châm cứu tại Bồ Đào Nha (2006)
  • Chứng chỉ về Châm cứu tại Indonesia (2007)

2. Khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Bạch Mai

  • Địa chỉ: Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội

Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị chuyên môn kỹ thuật về Y học cổ truyền hoạt động trong bệnh viện đa khoa đặc biệt tuyến trung ương, là cầu nối giữa Y học hiện đại với Y học cổ truyền. Khoa Y học cổ truyền đã và đang nghiên cứu, kế thừa, phát triển nhiều bài thuốc và một số phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc mang lại hiệu quả cao.

Khoa Y học cổ truyền có mối liên kết kết chặt chẽ với các khoa lâm sàng khác trong bệnh viện nên được hỗ trợ tối ưu về chuyên môn kỹ thuật, giúp cho công tác khám chữa bệnh luôn đạt hiệu quả cao nhất.

Khoa còn có khu sơ chế, bào chế và sản xuất dược liệu, thuốc thành phẩm đáp ứng đầy đủ và đa dạng các loại thuốc Đông dược để phục vụ cho bệnh nhân. Các kĩ thuật điều trị cơ bản và trang thiết bị tại Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Bạch Mai:

  • Cấy chỉ catgut trên huyệt
  • Điện châm điều trị
  • Thủy châm
  • Laser châm điều trị
  • Siêu âm điều trị
  • Sóng xung kích điều trị
  • Sóng tần phổ, hồng ngoại
  • Kéo giãn cột sống cổ và cột sống thắt lưng bằng máy
  • Giác hơi
  • Xoa bóp – bấm huyệt điều trị

3. Khoa Khám chữa bệnh Tự nguyện chất lượng cao - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương

  • Địa chỉ: Số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương
Khoa khám chữa bệnh tự nguyện chất lượng cao - Ảnh: Người dùng chia sẻ 

Khoa Khám chữa bệnh Tự nguyện chất lượng cao tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương có đội ngũ bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh là các Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, BSCKI, BSCKII có chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm, là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Y học cổ truyền.

Khoa Khám tự nguyện chất lượng cao thực hiện các xét nghiệm máu và nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ tầm soát ung thư và thủ thuật nội soi. Công tác chẩn đoán và khám bệnh được sự hỗ trợ của nhiều trang thiết bị y khoa hiện đại như MRI, CT scanner, X quang kỹ thuật số, Siêu âm Doppler…

Về Y học cổ truyền, châm cứu, hiện tại Khoa có các phòng thủ thuật Châm cứu, Xoa bóp bấm huyệt, Xông thuốc, Kéo giãn cột sống thắt lưng, cột sống cổ, Tập vật lý trị liệu.

Hiện nay, Khoa Khám chữa bệnh tự nguyện chất lượng cao – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương được phân chia thành 2 khoa chuyên môn chính là Nội khoa và Ngoại khoa với thế mạnh khám và điều trị:

Nội khoa

Cơ xương khớp: Viêm khớp dạng thấp, Bệnh Gút, Viêm khớp nhiễm khuẩn, Thoái hóa khớp, Đau thần kinh tọa, Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ - cột sống thắt lưng, Bệnh lý phần mềm quanh khớp, Thấp khớp, Viêm quanh khớp vai, Hội chứng vai gáy, Loãng xương…

Tim mạch: Tăng huyết áp, Thiếu máu cơ tim, Rối loạn thần kinh tim, Huyết áp thấp, Thiểu năng tuần hoàn não mạn tính, Suy giãn tĩnh mạch chi…

Thần kinh: Di chứng tai biến mạch máu não, Liệt dây thần kinh VII ngoại biên, Đau thần kinh liên sườn, Bệnh tăng tiết mồ hôi, Rối loạn tiền đình, Mất ngủ, Tâm căn suy nhược...

Tiêu hóa - gan mật: Viêm gan, Xơ gan, Viêm loét dạ dày tá tràng, Táo bón mạn tính, Hội chứng ruột kích thích, bệnh trĩ

Tiết niệu- sinh dục: Sỏi tiết niệu, Di tinh, Viêm bang quang cấp và mạn tính, Rối loạn kinh nguyệt, Rối loạn tiền mãn kinh…

Hô hấp: Viêm xoang, Viêm họng, Viêm mũi dị ứng, Hen phế quản, COPD…

Nội tiết – Dinh dưỡng – Chuyển hóa: điều trị hỗ trợ các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như Đái tháo đường, Rối loạn lipid máu, Tăng acid uric…

Điều trị hỗ trợ các bệnh lý như: Ung thư, Suy nhược cơ thể (bệnh người già, kém ăn, mất ngủ, hay quên...). 

Ngoại khoa

Kết hợp thành tựu mới của y học hiện đại và y học cổ truyền trong khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh:

  • Bệnh lý hậu môn trực tràng
  • Bệnh lý tiết niệu: Sàng lọc tầm soát ung thư sớm, Sỏi tiết niệu, U phì đại lành tính tiền liệt tuyến…
  • Bệnh lý nam học
  • Bệnh lý gan mật
  • Bệnh lý tiêu hóa
  • Bệnh lý khớp gối

Trên đây là những chia sẻ của BookingCare về Châm cứu. Ngoài ra, bạn đọc có thể tham khảo thêm nhiều bài viết hữu ích khác tại chuyên mục Cẩm nang của BookingCare.

Xem thêm bài viết:

 
 
Tài liệu tham khảo
1. http://suckhoedoisong.vn/hieu-dung-ve-cham-cuu-ky-i-n142219.html
2. https://www.chamcuuvietnam.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=213%3Aphuong-phap-cham-cuu-viet&catid=1%3Ahospital-news&Itemid=127&lang=vi
3. http://suckhoedoisong.vn/7-tinh-trang-co-the-duoc-dieu-tri-bang-cham-cuu-n126559.html
4. http://nhtm.gov.vn/news/khoa-kham-chua-benh-tu-nguyen-chat-luong-cao-96/gioi-thieu-khoa-kham-chua-benh-tu-nguyen-chat-luong-cao.html
5. https://www.chamcuuvietnam.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=111&Itemid=126&lang=vi
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/