Các phương pháp điều trị bệnh về viêm đường hô hấp dưới hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 25/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 25/03/2024
Các phương pháp điều trị bệnh về viêm đường hô hấp dưới hiệu quả
Điều trị viêm đường hô hấp dưới chủ yếu là nội khoa - Ảnh: BookingCare
Cơ chế gây các bệnh viêm đường hô hấp dưới là do nhiễm khuẩn, vì vậy điều trị các bệnh viêm đường hô hấp dưới chủ yếu là dùng thuốc.

Viêm đường hô hấp dưới là nhiễm trùng hô hấp thường gặp, xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, bệnh lây lan chủ yếu qua đường giọt bắn và tiếp xúc bề mặt. Nhận biết sớm được các dấu hiệu của bệnh và lựa chọn điều trị phù hợp, kịp thời giúp hạn chế bệnh trở nặng và các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Viêm đường hô hấp dưới là gì?

Viêm đường hô hấp dưới là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở đường hô hấp dưới bao gồm như: khí quản, phế quản, phổi và các phế nang. Trong đó, viêm phổi và viêm phế quản là hai bệnh lý hay gặp nhất của viêm đường hô hấp dưới. 

Bệnh thường do các loại vi khuẩn hoặc virus gây ra. Ngoài ra, một số tác nhân gây kích thích đường hô hấp dưới như: khói thuốc lá, khói bụi công nghiệp, chất hóa học,... cũng gây ra viêm đường hô hấp dưới.

Phương pháp điều trị viêm đường hô hấp dưới

Các phương pháp điều trị bệnh phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng, nguyên nhân và vị trí xảy ra viêm nhiễm, được bác sĩ đưa ra khi đã chẩn đoán chính xác được bệnh. Cơ chế bệnh chủ yếu là do nhiễm trùng tại các cơ quan đường hô hấp dưới nên phương pháp điều trị chủ yếu là nội khoa. 

Một số phương pháp chung điều trị các bệnh về viêm đường hô hấp dưới như sau:

  • Hầu hết bệnh về viêm đường hô hấp dưới đều phải sử dụng thuốc kháng sinh. 
    • Kháng sinh được chỉ định tùy thuộc chủng vi khuẩn gây bệnh và mức độ nhiễm khuẩn. Sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý điều trị. Thông thường thời gian sử dụng kháng sinh kéo dài từ 5 - 10 ngày. 
    • Với các trường hợp nhẹ, có thể điều trị tại nhà theo đơn thuốc của bác sĩ và tái khám sau khi hết thuốc. 
    • Trường hợp nặng, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế.
  • Sử dụng thuốc hạ sốt phù hợp, chỉ ưu tiên khi sốt cao > 38,5 độ C, trường hợp sốt nhẹ nên lau mát. Không lạm dụng thuốc để tránh ảnh hưởng đến các cơ quan như gan, thận,...
  • Có thể sử dụng các thuốc giảm triệu chứng khác như: thuốc ho, thuốc long đờm,...
  • Khi bệnh nhân có các dấu hiệu của suy hô hấp như: khó thở, tím tái,... cần chỉ định thở oxy cho bệnh nhân.
  • Đối với các trường hợp có tắc nghẽn đường thở kèm theo như trong hen phế quản bội nhiễm, viêm phế quản bội nhiễm,... có thể cần sử dụng thêm các thuốc giãn phế quản đường hô hấp như Salbutamol,... ở dạng khí dung giúp bệnh nhân thông thoáng đường thở.
  • Ngoài ra, bệnh nhân cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước, có thể sát khuẩn mũi miệng bằng nước muối pha loãng, bỏ hoàn toàn thuốc lá,...

Thông thường các bệnh về viêm đường hô hấp dưới sẽ cải thiện trong vòng từ 7-14 ngày, tuy nhiên nhiều trường hợp bệnh đột ngột chuyển nặng và gặp các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả giúp người bệnh cải thiện được tình trạng bệnh và tránh được các biến chứng đe dọa đến tính mạng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết