Những điều cần biết về viêm đường hô hấp dưới

Tác giả: - Xuất bản: 25/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 25/03/2024
Những điều cần biết về viêm đường hô hấp dưới
Viêm đường hô hấp dưới là bệnh lý hay gặp của hệ hô hấp - Ảnh: BookingCare
Viêm đường hô hấp dưới là nhiễm trùng hô hấp thường gặp, bao gồm các cơ quan từ thanh quản trở xuống. Bệnh chủ yếu do vi khuẩn và virus gây ra, lây lan qua giọt bắn và tiếp xúc bề mặt

Viêm đường hô hấp dưới là viêm nhiễm khá phổ biến của hệ hô hấp, chiếm khoảng 40-50% bệnh lý hô hấp. Vì vậy, người bệnh cần nắm bắt được các thông tin hữu ích về bệnh lý này để có phương án phòng bệnh và điều trị hiệu quả.

Các bệnh về viêm đường hô hấp dưới là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh phải nhập viện cấp cứu nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nhận biết được sớm các dấu hiệu viêm đường hô hấp dưới giúp giảm tình trạng trở nặng và những biến chứng nguy hiểm của bệnh lý này.

Tổng quan về viêm đường hô hấp dưới

Đường hô hấp là hệ thống dẫn khí của hệ hô hấp, bao gồm: 

  • Đường hô hấp trên gồm các bộ phận: mũi, miệng, hầu và thanh quản
  • Đường hô hấp dưới gồm khí quản, cây phế quản, nhu mô phổi và các phế nang.

Viêm đường hô hấp dưới hay nhiễm trùng đường hô hấp dưới là các bệnh lý nhiễm khuẩn liên quan đến đường hô hấp dưới, bắt đầu từ khí quản trở xuống, thường gặp như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản,... trong đó viêm phổi và viêm phế quản là hai bệnh lý hay gặp nhất của nhiễm trùng đường hô hấp dưới. 

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu do nhiễm khuẩn từ cộng đồng và lây lan qua đường giọt bắn hoặc tiếp xúc bề mặt

Nguyên nhân viêm đường hô hấp dưới

Nguyên nhân hàng đầu của viêm đường hô hấp dưới là do nhiễm trùng, thường xuất hiện vào thời điểm chuyển giao các mùa khi cơ thể đang thích nghi với sự thay đổi của môi trường, hai tác nhân hay gặp nhất là vi khuẩn và virus.

Viêm đường hô hấp dưới do vi khuẩn

Vi khuẩn là tác nhân chủ yếu gây nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, thường gặp hai nhóm:

  • Vi khuẩn điển hình gồm: 
    • Phế cầu (Streptococcus pneumoniae)
    • Haemophilus influenzae.
    • Klebsiella pneumoniae.
  • Vi khuẩn không điển hình gồm:
    • Mycoplasma pneumoniae
    • Legionella pneumophila
    • Chlamydia pneumoniae

Viêm đường hô hấp dưới do virus

Thường gặp các loại virus như: 

  • Virus cúm A, cúm B
  • Virus á cúm
  • Virus hợp bào hô hấp (RSV)
  • Adenovirus
  • Rhinovirus
  • Coronavirus

Nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh viêm đường hô hấp dưới còn do cơ thể bị kích ứng với một số chất kích thích trong môi trường như: không khí lạnh, khói bụi công nghiệp, khói thuốc lá hay tiếp xúc với các loại hóa chất có nguy cơ gây dị ứng.

Triệu chứng thường gặp của viêm đường hô hấp dưới

Triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tác nhân gây nhiễm trùng, mức độ nhiễm trùng cũng như vị trí bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới biểu hiện như sau:

  • Trường hợp nhiễm trùng nhẹ, triệu chứng bệnh có thể như cảm lạnh thông thường bao gồm:
    • Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
    • Sốt nhẹ 37,5 - 38 độ C 
    • Ho khan hoặc ít đờm
    • Đau họng
    • Đau đầu, chóng mặt
    • Chán ăn, mệt mỏi, đau nhức xương khớp
  • Trường hợp nhiễm trùng nặng, các triệu chứng của bệnh biểu hiện như sau:
    • Ho dữ dội, có khi xuất hiện đờm xanh, đục hoặc lẫn máu
    • Sốt cao, rét run liên tục 39-40 độ C
    • Khó thở 
    • Da xanh tái, nhợt nhạt, vã mồ hôi
    • Thở nhanh
    • Đau tức ngực
    • Thở khò khè thường gặp trong viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ.

Chẩn đoán viêm đường hô hấp dưới

Để chẩn đoán xác định tình trạng và mức độ của độ của bệnh viêm đường hô hấp dưới, các bác sĩ sẽ hỏi thăm các thông tin như triệu chứng, tiền sử mắc bệnh và thói quen sinh hoạt của người bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng các thủ thuật để thăm khám cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, cần phải kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • Xét nghiệm các chỉ số máu như: công thức máu, chỉ số CRP đánh giá  tình trạng viêm
  • Xét nghiệm dịch đờm để tìm nguyên nhân gây bệnh
  • X - quang ngực thẳng: giúp đánh giá xem có tổn thương ở phổi hay không cũng như nơi tổn thương
  • Cần thiết có thể sử dụng chụp cắt lớp vi tính để đánh giá chính xác vị trí tổn thương và các thành phần xung quanh,...

Các phương pháp điều trị viêm đường hô hấp dưới

Điều trị các bệnh về viêm đường hô hấp dưới phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và vị trí tổn thương. Cơ chế bệnh chủ yếu do khởi phát nhiễm trùng tại đường hô hấp dưới cho nên phương pháp điều trị chủ yếu là nội khoa.

Các phương pháp chung điều trị bệnh bao gồm:

  • Điều trị thuốc kháng sinh sớm và phù hợp, thường trong vòng từ 5 - 10 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà. Đối với trường hợp nặng, cần điều trị tại cơ sở y tế và theo dõi chặt chẽ
  • Sử dụng thuốc hạ sốt khi sốt cao từ 38,5 độ C trở lên, trường hợp sốt nhẹ ưu tiên lau mát.
  • Dùng các thuốc điều trị các triệu chứng khác như: thuốc giảm ho, long đờm,...
  • Trường hợp có biểu hiện suy hô hấp như khó thở, tím tái, cần cho bệnh nhân thở oxy. 
  •  Một số trường hợp nặng có thể cần phải thở máy xâm lấn và nhập khoa hồi sức tích cực.

Biến chứng nguy hiểm của viêm đường hô hấp dưới

Hầu hết các bệnh về viêm đường hô hấp dưới không gây biến chứng nguy hiểm nếu chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, các biến chứng vẫn có thể xảy ra nếu phát hiện bệnh muộn.

Một số biến chứng nguy hiểm cần lưu ý:

  • Áp xe phổi
  • Suy tim cấp
  • Suy hô hấp cấp
  • Ngừng hô hấp
  • Nhiễm trùng lan vào máu dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ đe dọa tính mạng.

Phòng bệnh viêm đường hô hấp dưới

Bệnh viêm đường hô hấp là bệnh lây lan qua đường giọt bắn hoặc tiếp xúc bề mặt, vì vậy cần có phương pháp phòng bệnh để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan.

Một số phương pháp phòng bệnh như sau:

  • Đeo khẩu trang, che miệng khi ho hoặc hắt hơi để tránh mầm bệnh lây lan sang người khác.
  • Rửa tay thường xuyên, tránh để vi khuẩn tấn công cơ thể.
  • Khử trùng, làm sạch các bề mặt thường xuyên tiếp xúc.
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá, tránh những nơi khói thuốc, khói bụi công nghiệp, hóa chất độc hại,...
  • Tránh xa người bệnh khi phát hiện các triệu chứng của bệnh đường hô hấp dưới.
  • Tiêm ngừa vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế như vắc xin phòng cúm, vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella, vắc xin covid -19, phế cầu khuẩn,…

Viêm đường hô hấp dưới là bệnh lý hay gặp hơn so với viêm đường hô hấp trên và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của con người nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cần nhận biết chính xác các dấu hiệu của viêm đường hô hấp dưới để có phương án điều trị và phòng bệnh hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết