Đau khớp gối là một vấn đề rất phổ biến ở nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi và những người thường xuyên hoạt động vận động. Đau khớp gối có thể gây ra sự khó chịu và giảm chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị đau khớp gối hiệu quả mà người bệnh có thể áp dụng để giảm đau và cải thiện tình trạng.
Hãy cùng tìm hiểu những phương pháp này để có thể chăm sóc sức khỏe của mình một cách tốt nhất.
Các phương pháp điều trị đau khớp gối
Các phương pháp điều trị sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân chính xác gây ra đau đầu gối của người bệnh.
1. Sử dụng thuốc
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp giảm đau và điều trị các tình trạng gây đau đầu gối, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gút.
2. Tiêm thuốc
Tiêm thuốc là một phương pháp điều trị đau khớp gối khá phổ biến. Bác sĩ có thể tiêm thuốc trực tiếp vào khớp gối của bệnh nhân với các loại thuốc hoặc các chất khác nhau. Ví dụ:
- Corticosteroid: Tiêm corticosteroid vào gối có thể giúp giảm các triệu chứng viêm khớp và cung cấp giảm đau có thể kéo dài trong vài tháng. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả với tất cả các trường hợp.
- Hyaluronic acid: Chất lỏng đặc có tính chất tương tự như chất lỏng tự nhiên bôi trơn khớp, axit hyaluronic có thể được tiêm vào khớp gối để cải thiện độ linh hoạt và giảm đau. Mặc dù kết quả nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp này đã được đánh giá khác nhau, nhưng việc giảm đau từ một hoặc một đợt tiêm có thể kéo dài đến sáu tháng.
- Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): PRP chứa nhiều yếu tố tăng trưởng khác nhau giúp giảm viêm và thúc đẩy quá trình hồi phục. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng PRP có thể có lợi cho một số người mắc bệnh viêm khớp.
3. Phẫu thuật
Nếu các biện pháp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc viêm khớp gối đe dọa khả năng vận động thì bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật.
- Phẫu thuật nội soi khớp: Nội soi khớp có thể được sử dụng để loại bỏ các vật thể lỏng lẻo khỏi khớp gối, loại bỏ hoặc sửa chữa sụn bị tổn thương và tái tạo lại dây chằng bị rách.
- Phẫu thuật thay thế một phần đầu gối: Bác sĩ phẫu thuật chỉ thay thế phần đầu gối bị tổn thương nhất bằng các bộ phận làm bằng kim loại và nhựa. Phẫu thuật thường có thể được thực hiện thông qua các vết mổ nhỏ. Người bệnh có khả năng lành vết thương nhanh hơn so với phẫu thuật thay thế toàn bộ đầu gối.
- Thay toàn bộ đầu gối: Bác sĩ sẽ cắt bỏ xương và sụn bị tổn thương khỏi xương đùi, xương ống chân và xương bánh chè của người bệnh và thay thế bằng khớp nhân tạo làm bằng hợp kim kim loại, nhựa cao cấp và polyme.
- Phẫu thuật chỉnh hình xương: Thủ tục này bao gồm việc loại bỏ xương khỏi xương đùi hoặc xương ống chân để điều chỉnh đầu gối tốt hơn và giảm đau viêm khớp. Phẫu thuật này có thể giúp trì hoãn hoặc tránh phẫu thuật thay khớp gối toàn phần.
4. Vật lý trị liệu
Để điều trị đau khớp gối, người bệnh có thể sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu, bao gồm sử dụng máy móc như sóng siêu âm và điện xung, cùng với việc thực hiện các bài tập vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên nghiệp, nhằm giảm đau, phục hồi chức năng, ngăn ngừa tình trạng tái phát và tăng cường sức mạnh cơ bắp, độ linh hoạt và dẻo dai của cơ thể.
5. Châm cứu
Châm cứu là một phương pháp điều trị đau khớp gối bằng cách sử dụng các kim mỏng đâm xuyên qua da tại những vị trí cụ thể trên cơ thể, thường là xa vùng đau. Ngoài ra, châm cứu cũng có thể được kết hợp với các phương pháp điều trị khác để kiểm soát đau cấp tính và mạn tính.
6. Các biện pháp tự chăm sóc tại nhà
- Nghỉ ngơi hợp lý.
- Giảm cân ở người thừa cân béo phì.
- Thường xuyên tập thể dục, ví dụ tập thái cực quyền, đi bộ, đạp xe và bơi lội.
- Chườm nóng, xoa bóp, tắm muối khoáng.
Đau khớp gối có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi có bất kì dấu hiệu nào bất thường hãy đến thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.