Các phương pháp điều trị bệnh glôcôm
Các phương pháp điều trị bệnh glôcôm
Điều trị tăng nhãn áp
Các phương pháp điều trị glôcôm chủ yếu bao gồm sử dụng thuốc nhỏ mắt, thuốc uống, laser hoặc phẫu thuật - Ảnh: BookingCare

Các phương pháp điều trị bệnh glôcôm

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 25/12/2023
Mục đích điều trị glôcôm là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác.

Glôcôm là bệnh lý về mắt nguy hiểm, do áp lực nội nhãn tăng cao hơn mức bình thường và/ hoặc gây tổn thương thị thần kinh làm giảm thị lực, thu hẹp dần trường nhìn của người bệnh và hậu quả cuối cùng sẽ dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị. 

Khi thị thần kinh bị tổn hại sẽ không hồi phục được vì vậy mục đích của điều trị là hạ nhãn áp về mức bình thường càng sớm càng tốt.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bệnh glôcôm bằng thuốc, laser hoặc phẫu thuật tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhãn áp vẫn không điều chỉnh được và bệnh nhân có thể mù loà mặc dù đã được điều trị tích cực.

Các phương pháp điều trị glôcôm 

Điều trị glôcôm rất phức tạp do bệnh có rất nhiều hình thái với những cơ chế bệnh sinh, biểu hiện lâm sàng khác nhau, do đó đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau. 

  • Glôcôm góc mở:
    • Nhãn áp tăng cao từ từ nên bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng, đôi khi thấy mắt hơi tức nhẹ, thị lực giảm dần đi nên khi phát hiện ra thì bệnh thường ở giai đoạn nặng.
    • Hầu hết sẽ được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt hạ nhãn áp, nếu như sử dụng thuốc không hiệu quả, bác sĩ sẽ điều trị bằng tia laser hoặc phẫu thuật để làm giảm áp lực ở bên trong mắt
  • Glôcôm góc đóng:
    • Bệnh xuất hiện đột ngột, cấp tính do nhãn áp tăng cao đột ngột, bệnh nhân sẽ thấy mắt đau nhức dữ dội, lan lên đầu và xung quanh mắt, mắt nhìn mờ nhiều như qua một lớp sương, nhìn ánh đèn có quầng xanh đỏ.
    • Điều trị bằng cách dùng thuốc nhỏ mắt, thuốc uống để hạ nhãn áp khẩn cấp. Khi nhãn áp về mức bình thường thì bác sĩ sẽ phẫu thuật để giảm nhãn áp cho bệnh nhân. Đồng thời mắt bên kia sẽ được khám nếu phát hiện có nguy cơ tăng nhãn áp sẽ phải làm laser dự phòng.
  • Glôcôm bẩm sinh: do cấu trúc bất thường ở mắt trong lúc phôi thai mà khi trẻ đẻ ra nhãn áp đã tăng cao. Trường hợp này cần phải phẫu thuật để hạ nhãn áp
  • Glôcôm thứ phát:
    • Là tình trạng tăng nhãn áp do các bệnh khác của mắt gây ra (như: viêm màng bồ đào, đục thể thuỷ tinh quá chín, viêm giác mạc, biến chứng võng mạc của các bệnh tiểu đường, cao huyết áp,...).
    • Trường hợp này cần phải điều trị bệnh nguyên gây ra tăng nhãn áp, phối hợp với điều trị hạ nhãn áp bằng thuốc, laser hoặc phẫu thuật tùy từng trường hợp cụ thể glôcôm nhãn áp không cao.
    • Trong một số trường hợp nhãn áp không cao nhưng thị thần kinh vẫn bị tổn hại như những trường hợp nhãn áp cao gây mù lòa, bệnh lý này gọi là glôcôm nhãn áp không cao, điều trị khá khó khăn, dùng thuốc hạ nhãn áp và thuốc uống tăng cường tuần hoàn đến thị thần kinh và một số loại vitamin giúp hạn chế tổn thương thị thần kinh.

Điều trị tăng nhãn áp bằng thuốc nhỏ mắt

Thuốc nhỏ mắt thường được lựa chọn để điều trị tăng nhãn áp trong giai đoạn đầu, giúp giảm tiết thuỷ dịch và cải thiện quá trình thoát thủy dịch ra khỏi nhãn cầu giúp làm giảm nhãn áp.

Sau đây là một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị  bệnh, bao gồm thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chủ vận alpha-adrenergic, thuốc ức chế carbonic anhydrase (CAI), hợp chất epinephrine, prostaglandin analog, thuốc điều trị kết hợp… Đây đều là các thuốc kê đơn, nên người bệnh chỉ sử dụng khi có hướng dẫn của bác sĩ.

Những loại thuốc nhỏ mắt này có tác dụng làm giảm nhãn áp, ngăn cản dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Tuy nhiên, các thuốc hạ nhãn áp ít nhiều đều có tác dụng phụ tại chỗ và toàn thân. Nguy cơ càng tăng khi dùng thuốc kéo dài.

Vì vậy, bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn và liều lượng quy định, không tự ý dùng thuốc, đổi thuốc. Đến khám đúng hẹn của bác sĩ để điều chỉnh thuốc và liều thuốc theo đáp ứng bệnh.

Uống thuốc điều trị

Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc uống để giảm áp lực trong mắt và cải thiện tình trạng tăng nhãn áp như thuốc ức chế anhydrase carbonic,...

Các loại thuốc này thường được sử dụng như một phương pháp điều trị bổ sung hoặc kết hợp với các phương pháp khác

Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý một số tác dụng phụ của các loại thuốc này như đi tiểu thường xuyên, ngứa ran ở ngón tay và ngón chân, trầm cảm,...

Điều trị tăng nhãn áp bằng laser

Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt không có hiệu quả, hoặc một số thể glôcôm các bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng laser để điều trị. Tùy thuộc vào tình trạng cũng như thể bệnh mà sẽ có những phương pháp laser khác nhau bao gồm:

  • Laser cắt mống mắt chu biên
  • Laser tạo hình vùng bè
  • Laser quang đông thể mi

Khi điều trị laser, bệnh nhân sẽ được nhỏ thuốc tê vào mắt , sau đó bác sĩ sẽ tiến hành laser, sau laser bệnh nhân vẫn cần sử dụng một số thuốc nhỏ mắt để tiếp tục điều trị.

Điều trị tăng nhãn áp bằng phẫu thuật

Trong trường hợp bệnh diễn biến nặng, khi các phương pháp trên không hiệu quả, phẫu thuật mắt có thể được thực hiện để điều trị tăng nhãn áp. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Cắt bè củng giác mạc: Các bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ một phần bè củng giác mạc và mống mắt nhằm tạo đường thoát cho thủy dịch. Thủy dịch thừa sẽ theo đường này thoát ra ngoài, ổn định được áp suất trong mắt.
  • Cấy ghép ống thoát thủy dịch: Một chiếc ống dài khoảng 1,3cm làm bằng silicon sẽ được  vào tiền phòng mắt bệnh nhân, tạo thành ống thoát thủy dịch ra ngoài.

Bệnh glôcôm vẫn có thể tiến triển ngay cả khi bệnh nhân được điều trị đúng cách. Do vậy, bệnh nhân glôcôm cần phải theo dõi suốt đời, khám định kì 3 - 6 tháng một lần. Ngoài ra, việc duy trì một lối sống lành mạnh, kiểm soát huyết máu và duy trì cân nặng là những yếu tố quan trọng để hạn chế nguy cơ glôcôm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết