Triệu chứng xuất huyết nội nhãn có thể xuất hiện đột ngột hoặc dần biểu hiện theo thời gian ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Vậy các dấu hiệu nhận biết và chẩn đoán nguy cơ xuất huyết nội nhãn như thế nào?
Triệu chứng xuất huyết tiền phòng
- Mờ mắt và khó nhìn rõ sau chấn thương, va chạm, đôi khi chỉ phân biệt được sáng tối
- Đỏ mắt, xuất hiện tia hoặc mảng máu đỏ ở kết mạc
- Có cảm giác đau nhức quanh mắt và đầu
Khi khám mắt thấy có máu trong tiền phòng, có thể chia thành các mức độ qua quan sát trên sinh hiển vi khám bệnh:
- Độ I: Láng máu tiền phòng hoặc ngấn máu dưới 1/3 tiền phòng.
- Độ II: Máu chiếm 1/3 đến ½ tiền phòng.
- Độ III: Máu chiếm trên ½ tiền phòng.
Triệu chứng xuất huyết dịch kính
Xuất huyết dịch kính có các dấu hiệu tương tự như các hình thái xuất huyết nội nhãn khác như:
- Nhìn mờ sau chấn thương, đôi khi chỉ còn phân biệt được sáng tối.
- Mắt đỏ, có máu tụ ở kết mạc.
- Có dấu hiệu đau, nhức quanh mắt và đầu.
- Xuất hiện tình trạng ruồi bay trước mắt.
- Áp lực nội nhãn tăng hơn.
- Có dịch chảy ra từ vết thương nội nhãn nếu từng bị chấn thương.
- Khi khám lâm sàng có thể phát hiện các tổn thương kèm theo trên mắt xuất huyết
- Có máu trong buồng dịch kính quan sát trên sinh hiển vi, chia thành các mức độ:
- Mức độ nhẹ: có hồng cầu trong buồng dịch kính, vẩn đục dịch kính
- Mức độ vừa: Vẩn đục dịch kính nhiều, quan sát được đáy mắt nhưng không rõ chi tiết
- Mức độ nặng: Đục dịch kính toàn bộ không quan sát được đáy mắt.
Các phương pháp chẩn đoán tình trạng xuất huyết nội nhãn
Để chẩn đoán triệu chứng xuất huyết nội nhãn, bác sĩ áp dụng phương pháp như sau:
- Kiểm tra thị lực và áp mắt bằng sinh hiển vi, soi đáy mắt để phát hiện xuất huyết trong nội nhãn và các tổn thương kèm theo ở mi và nhãn cầu.
- Siêu âm mắt để đánh giá tình trạng xuất huyết và các tổn thương nội nhãn khác kèm theo.
- Thực hiện các xét nghiệm máu để kiểm tra các yếu tố nguy cơ khác như rối loạn đông máu hoặc tiểu đường.
Các triệu chứng xuất huyết nội nhãn có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, vì vậy người bệnh cần thăm khám trực tiếp với bác sĩ để được kiểm tra cụ thể và chỉ định các biện pháp điều trị xuất huyết nội nhãn kịp thời, giúp người bệnh bảo vệ và duy trì thị lực khỏe mạnh.