Xuất huyết nội nhãn: triệu chứng, phương pháp điều trị và lưu ý chăm sóc
xuat-huyet-noi-nhan
Xuất huyết nội nhãn là khiến máu chảy ngược vào các bộ phận trong mắt và ảnh hưởng đến thị giác - ảnh: BookingCare

Xuất huyết nội nhãn: triệu chứng, phương pháp điều trị và lưu ý chăm sóc

Tác giả: - Xuất bản: 22/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 02/01/2024
Xuất huyết nội nhãn là bệnh lý nhãn khoa hiếm gặp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm ảnh hưởng đến thị giác. Tìm hiểu thêm về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị để nhận biết và phòng ngừa tốt hơn

Xuất huyết nội nhãn là tình trạng chảy máu vào nội nhãn gây  mất thị lực. Xuất huyết nội nhãn có 2 hình thái gồm xuất huyết tiền phòng (khoang nằm giữa mặt sau giác mạc và mặt trước mống mắt và thể thuỷ tinh), xuất huyết dịch kính (khoang phía sau mống mắt và thể thuỷ tinh và mặt trước củng mạc) và xuất huyết hỗn hợp

Nguyên nhân của xuất huyết nội nhãn

Xuất huyết nội nhãn có thể tới từ nguyên nhân tại mắt hoặc toàn thân. Một trong số những nguyên nhân xuất huyết nội nhãn bao gồm:

  • Xuất huyết do các chấn thương đụng dập, chấn thương xuyên nhãn cầu gây rách hoặc đứt các mạch máu gây xuất huyết tiền phòng và dịch kính. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới xuất huyết nội nhãn.
  • Chảy máu do tân mạch mống mắt, tân mạch võng mạc thường gặp trong bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh
  • Hậu quả của tắc mạch máu võng mạc, thoái hoá và rách võng mạc.
  • Chảy máu từ các khối u như u hắc tố mống mắt, u nguyên bào võng mạc, viêm màng bồ đào...
  • Các bệnh toàn thân như: bệnh bạch cầu, bệnh VWD (bệnh von Willebrand), bệnh máu khó đông, đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh rối loạn đông máu…
  • Dùng thuốc chống đông máu, thuốc tan huyết khối như aspirin, warfarin, v.v.
  • Các biến chứng của phẫu thuật nội nhãn,...

Triệu chứng của xuất huyết nội nhãn

Các triệu chứng cụ thể của xuất huyết nội nhãn có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đột ngột tùy vào nguyên nhân và mức độ bệnh. Nhìn chung khi mắc xuất huyết nội nhãn, người bệnh có thể gặp phải một số tình trạng như: 

  • Cảm giác đau nhức ở mắt.
  • Thấy ruồi bay, mạng nhện bay trước mắt, tầm nhìn bị thu hẹp một vùng (thu hẹp thị trường).
  • Giảm hoặc mất thị lực. 
  • Các triệu chứng của nguyên nhân gây ra xuất huyết nội nhãn như: triệu chứng chấn thương mắt, các bệnh toàn thân (huyết áp cao, đường máu cao,...

Biến chứng của xuất huyết nội nhãn 

Tùy theo mức độ và nguyên nhân, tình trạng xuất huyết có thể xuất hiện những biến chứng kèm theo. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, xuất huyết nội nhãn có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng đến thị giác như:

  • Ngấm máu giác mạc
  • Bong võng mạc
  • Tăng nhãn áp
  • Viêm màng bồ đào
  • Dính mống mắt
  • Teo thị thần kinh
  • Xuất huyết tái phát
  • Suy giảm thị lực vĩnh viễn, thậm chí mù lòa

Các phương pháp chẩn đoán xuất huyết nội nhãn

Để chẩn đoán xuất huyết nội nhãn, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp như:

  • Kiểm tra thị lực: thực hiện kiểm tra triệu chứng, đo nhãn áp và kiểm tra đáy mắt để đánh giá tình trạng lâm sàng.
  • Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm mắt, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI để xác định nguyên nhân và phạm vi xuất huyết chính xác trong mắt.

Điều trị xuất huyết nội nhãn 

Việc điều trị xuất huyết nội nhãn phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ xuất huyết. Dựa vào đó, bác sĩ có thể đưa ra một số biện pháp điều trị như sau:

  • Điều trị nguyên nhân gây ra viêm nội nhãn: huyết áp cao, đái tháo đường, xử lý các tổn thương do chấn thương gây ra.
  • Đeo miếng che mắt: dành cho các trường hợp xuất huyết nội nhãn thể nhẹ để bảo vệ mắt khỏi kích ứng thêm, giúp mắt thư giãn trong thời gian hồi phục tự nhiên.
  • Sử dụng thuốc: người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc như: chống chảy máu (như Transamin, Adrenoxin,...), thuốc chống viêm nhóm Steroid, thuốc tiêu máu... để kiểm soát và giảm thiểu ảnh hưởng của xuất huyết nội nhãn.
  • Nếu tình trạng xuất huyết không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp điều trị khác, người bệnh có thể cần thực hiện phẫu thuật cắt dịch kính, rửa tiền phòng để giảm thiểu tình trạng xuất huyết nội nhãn.

Cần làm gì khi phát hiện xuất huyết nội nhãn?

Nếu phát hiện các dấu hiệu xuất huyết nội nhãn, người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở nhãn khoa để được các bác sỹ khám và cho hướng điều trị hợp lý. Trong thời gian chờ khám bác sỹ chuyên khoa, bệnh nhân cần: 

  • Nằm yên, hạn chế vận động, hạn chế nhắm mắt mạnh có thể làm cho xuất huyết nặng hơn.
  • Không tự ý tra hoặc nhỏ thuốc vào mắt để tránh làm các tổn thương nặng lên
  • Giữ vùng mắt sạch sẽ, tránh nhiễm trùng (trong những trường hợp do chấn thương, đặc biệt là chấn thương xuyên nhãn cầu) 

Chăm sóc người bị xuất huyết nội nhãn 

Sau khi được chẩn đoán và điều trị xuất huyết nội nhãn, người bệnh và người thân có thể lưu ý một số biện pháp chăm sóc để hỗ trợ điều trị như sau:

  • Tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo quá trình hồi phục suôn sẻ.
  • Nghỉ ngơi mắt tối đa, hạn chế sử dụng mắt liên tục như đọc sách, chơi game, xem tivi, làm việc trên máy tính...
  • Tránh nhìn vào ánh sáng mạnh, sử dụng miếng che, kính râm để hạn chế tác động tiêu cực từ môi trường đến mắt
  • Sử dụng gối cao ít nhất 30 độ khi ngủ để máu không tập trung ở phía đầu giúp cải thiện thị lực.
  • Cố gắng duy trì lối sống lành mạnh bằng việc cung cấp dinh dưỡng có lợi cho mắt, bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E, các khoáng chất, chất chống oxy hóa và vận động thích hợp để mắt hồi phục tốt hơn.
  • Theo dõi và tới gặp bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường như sưng, đỏ, đau mắt dữ dội hoặc suy giảm thị lực đột ngột.

Xuất huyết nội nhãn là tình trạng tổn thương thị lực nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng của mắt. Việc nhận biết sớm nguyên nhân, triệu chứng và điều trị xuất huyết nội nhãn là rất quan trọng để ngăn chặn biến chứng và duy trì sức khỏe mắt.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết