Tổng quan về viêm màng bồ đào: nguyên nhân và biến chứng thường gặp
viem-mang-bo-dao
Viêm màng bồ đào là bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến thị lực có thể dẫn tới mù lòa - ảnh: BookingCare

Tổng quan về viêm màng bồ đào: nguyên nhân và biến chứng thường gặp

Tác giả: - Xuất bản: 11/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 25/12/2023
Viêm màng bồ đào là một dạng viêm nhiễm ảnh hưởng đến lớp giữa của vỏ bọc nhãn cầu (màng bồ đào), gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến chức năng quan sát và cuộc sống của người bệnh.

Viêm màng bồ đào tác động lên màng bồ đào - một trong những bộ phận quan trọng nhất của mắt. Việc trang bị kiến thức và những thông tin liên quan đến bệnh này giúp bạn đọc nâng cao khả năng phòng ngừa, theo dõi và xử lý kịp thời các triệu chứng nguy hiểm.

Phân loại và triệu chứng của viêm màng bồ đào

Viêm màng bồ đào là tình trạng lớp giữa của nhãn cầu bị viêm, gây ra hiện tượng sưng đỏ. Lớp giữa nhãn cầu thường chứa nhiều mạch máu cung cấp dinh dưỡng cho mắt, vì vậy viêm màng bồ đào có thể gây tổn thương cho các mô mắt quan trọng dẫn đến nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn.

Viêm màng bồ đào được phân thành 3 trường hợp:

  • Viêm màng bồ đào trước gây viêm ở mống mắt. Đây là loại viêm phổ biến nhất với các triệu chứng cấp tính, mức độ nhẹ so với hai loại còn lại.
  • Viêm màng bồ đào trung gian (được gọi là viêm thể mi hoặc viêm dịch kính) gây viêm ở phần giữa của màng bồ đào. 
  • Viêm màng bồ đào sau là loại nghiêm trọng nhất, viêm của phần hắc mạc và có thể ảnh hưởng đến võng mạc.

Người bệnh có thể gặp vấn đề ở một trong ba phần của màng bồ đào (mống mắt - thể mi - hắc mạc). Tuy nhiên, một số trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị ảnh hưởng cả ba lớp.

Các triệu chứng viêm màng bồ đào thường gặp bao gồm: 

  • Đau, khô mắt hoặc cảm thấy khó chịu trong mắt
  • Đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng, cảm thấy khó chịu khi nhìn vào nguồn sáng (bóng đèn, bảng điện tử,...).
  • Sung huyết mắt, mí mắt sưng.
  • Nhìn mờ, giảm thị lực. 
  • Thay đổi màu, kích thước đồng tử; đồng tử hai bên mắt không đồng đều.

Nguyên nhân dẫn đến viêm màng bồ đào

Nguyên nhân chính dẫn đến viêm màng bồ đào chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Một số bệnh nhiễm trùng, bệnh virus như: bệnh Toxoplasmosis, Lupus, Sarcoid, bệnh giang mai, bệnh lao (TB)...
  • Các bệnh lý miễn dịch như: sarcoidosis, viêm khớp, viêm xoang, viêm gan, viêm ruột... có thể lan truyền đến màng bồ đào và gây viêm.
  • Dị ứng chất nhân protein của thuỷ tinh thể.
  • Nhiễm độc hoá chất, độc tố tác nhân nhiễm khuẩn, u ác trong nhãn cầu...
  • Tác động từ chấn thương hoặc các ca phẫu thuật mắt có thể dẫn tới nguy cơ gây viêm màng bồ đào.

Đối tượng nào dễ bị mắc viêm màng bồ đào

Viêm màng bồ đào có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng, tuổi tác hoặc giới tính. Tuy nhiên, có một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này bao gồm:

  • Những người mắc các bệnh miễn dịch như viêm khớp.
  • Nhóm độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi, đặc biệt là nữ giới.
  • Người thường xuyên hút thuốc lá.

Chẩn đoán viêm màng bồ đào

Viêm màng bồ đào được chẩn đoán dựa trên triệu chứng và các phương pháp chẩn đoán như sau:

  • Kiểm tra mắt: bao gồm kiểm tra thị lực, hỏi bệnh sử và khám các dấu hiệu bất thường trong màng bồ đào.
  • Kiểm tra nhãn áp mắt.
  • Soi đáy mắt: sử dụng sinh hiển vi và kính soi đáy mắt để kiểm tra bất thường hắc mạc, võng mạc.
  • Chụp cắt lớp OCT, OCTA để có được hình ảnh chi tiết phía sau mắt, lưu lượng máu trong mắt.
  • Chụp mạch huỳnh quang (FA), ICG kiểm tra sự viêm nhiễm trong mạch máu của mắt.
  • Xét nghiệm máu: nhằm phát hiện sự hiện diện của các bệnh lý viêm nhiễm, bệnh lý miễn dịch.

Sơ cứu bước đầu cho người bị mắc viêm màng bồ đào

Trong trường hợp nghi ngờ mắc viêm màng bồ đào, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám kịp thời. Trong thời gian chờ đợi, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sơ cứu ban đầu như:

  • Đặt băng lạnh lên mắt để giảm đau và sưng mắt.
  • Tránh tiếp xúc với ánh sáng mạnh làm kích thích mắt, sử dụng kính râm khi đi ngoài trời hoặc tiếp xúc với nguồn sáng mạnh.
  • Tránh tự ý sử dụng thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ, hạn chế dụi mắt bằng tay.

Các phương pháp điều trị viêm màng bồ đào

Phương pháp điều trị viêm màng bồ đào sẽ phụ thuộc vào mức độ triệu chứng và nguyên nhân gây viêm màng bồ đào. Một số phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc nhỏ mắt: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt chứa corticosteroid để giảm viêm và giảm triệu chứng.
  • Thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus: dùng cho các trường hợp viêm màng bồ đào do nhiễm trùng hoặc do virus.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Đối với các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ức chế miễn dịch để kiểm soát viêm.
dieu-tri-viem-mang-bo-dao-1
Điều trị bằng thuốc là phương pháp điều trị viêm màng bồ đào phổ biến nhất - ảnh: canva.com

Một số biến chứng điều trị viêm màng bồ đào

Với các trường hợp điều trị viêm màng bồ đào bằng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc ức chế hệ miễn dịch có khả năng gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Sử dụng thuốc chứa steroid trong thời gian dài có thể gây ra những tác động như:

  • Đục thủy tinh thể.
  • Tăng nhãn áp
  • Hội chứng Cushing (thừa cortisol).
  • Tiểu đường, bệnh tim, loãng xương, loét dạ dày.
  • Tăng cân, giữ nước, phù nề.

Vì vậy, trong quá trình điều trị bằng thuốc, người bệnh cần chú ý theo dõi các biến chứng chặt chẽ, tuân thủ theo phác đồ điều trị và thông báo cho bác sĩ về bất kỳ triệu chứng bất thường xuất hiện khi điều trị để được can thiệp kịp thời.

Phòng ngừa viêm màng bồ đào

Để phòng ngừa các triệu chứng của viêm màng bồ đào, thực hiện các biện pháp sau:

  • Hạn chế tiếp xúc với chất gây kích thích như hóa chất, thuốc lá, khói bụi...
  • Đeo kính mắt bảo hộ khi làm việc trong môi trường có nguy cơ chấn thương hoặc ô nhiễm cao.
  • Trong trường hợp mắc các bệnh lý miễn dịch, người bệnh cần tuân thủ điều trị nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc viêm màng bồ đào.

Viêm màng bồ đào là một bệnh lý nghiêm trọng, do đó người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và chăm sóc kịp thời. Việc theo dõi, phát hiện và can thiệp điều trị sớm các triệu chứng giúp người bệnh nâng cao khả năng hồi phục thị lực và ngăn ngừa tổn thương mô dẫn tới mù lòa. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết