Các vấn đề về da thường gặp khi mang thai? Cách chăm sóc da an toàn khi mang thai

Sản phẩm của BookingCare
Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
Xuất bản: 15/10/2020, Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Các vấn đề về da như nám, mụn luôn được chị em phụ nữ quan tâm. Tuy nhiên, trong thời kì mang thai, việc chăm sóc da cần hết sức chú ý vì có những sản phẩm có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi.

BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.
Chăm sóc da khi mang thai
Chăm sóc da khi mang thai cần phải lưu ý nhiều điều - Ảnh: Pixabay

Làn da trong và sau quá trình mang thai có thể sẽ thay đổi nhiều khiến chị em phụ nữ lo lắng. Tuy nhiên, việc chăm sóc da, sử dụng mỹ phẩm và thuốc khi mang thai nên có sự tư vấn của bác sĩ Da liễu vì có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi.

Vấn đề về da thường gặp khi mang thai

Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi về nội tiết tố, ảnh hưởng và dẫn đến sự thay đổi của da.

Ngoài ra, phụ nữ có thể gặp một số bệnh về da thường gặp khi mang thai. Một số bệnh không gây nguy hiểm xong cũng có những bệnh về da có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Nám da, sạm da

Nám, sạm da khi mang thai là tình trạng bình thường và phổ biến ở phụ nữ mang thai doestrogen, progesterone tác động gây sản sinh nhiều melanin. Mẹ bầu có thể thấy được một số biểu hiện rõ rệt của tăng sắc tố da:

  • Thâm đường giữa bụng, quầng vú, núm vú, bộ phận sinh duc, đùi trong,...
  • Nám ở các vị trí như mũi, má, trán giống hình dạng của mặt nạ

Nám, sạm da có thể tự mờ đi, biến mất sau khi sinh hoặc tồn tại vĩnh viễn. Phụ nữ có làn da càng tối màu thì càng dễ bị nám khi mang thai.

Để ngăn ngừa nám, sạm da khi mang thai, chị em nên áp dụng một số phương pháp như:

  • Sử dụng kem chống nắng thường xuyên, trước khi ra đường khoảng 15-30 phút. Nên sử dụng kem chống nắng có các thành phần lành tính, chỉ số SPF từ 30 trở lên mỗi ngày, kể cả những ngày không nắng. Tẩy trang và thoa lại kem chống nắng sau 2-4 giờ khi hoạt động nhiều ngoài trời.
  • Đội mũ, mặc áo khoác chống nắng khi hoạt động ngoài trời để tránh thay đổi sắc tố trên cánh tay.
  • Hạn chế ra ngoài đường vào lúc 10h - 14h
  • Không nên tẩy lông, cạo lông vì dễ dẫn đến viêm da khiến cho tình trạng nám da nặng hơn
  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da lành tính, k gây kích ứng
  • Không sử dụng các loại mỹ phẩm tẩy trắng khi đang mang thai

Sau khi sinh, nếu như những vết nám không tự biến mất sau một vài tháng, bạn nên đi khám với các bác sĩ Da liễu chuyên điều trị nám da để được tư vấn.

Nám da
Nám da khi mang thai khiến nhiều chị em lo ngại - Ảnh: Pixabay 

Rạn da khi mang thai

Rạn da chân, rạn đùi, rạn bụng sau khi sinh là hiện tượng thường gặp, đồng thời cũng là nỗi lo của rất nhiều chị em phụ nữ. Rạn da xuất hiện khi trọng lượng cơ thể người mẹ tăng nhanh hơn so với mức độ co giãn của da.

Theo sự phát triển của thai nhi, các vết rạn có thể sẽ lớn dần lên khi cân nặng của mẹ bầu tăng nhanh. Màu sắc của vết rạn phụ thuộc vào sắc tố da của người mẹ. Các vết rạn không đau nhưng giác ngứa và châm chích do sự căng giãn da.

Không phải tất cả phụ nữ mang thai đều bị rạn da. Một vài yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng rạn da khi mang thai và sau sinh:

  • Tuổi tác: Người mẹ mang thai khi tuổi càng lớn thì nguy cơ và mức độ rạn da sau sinh càng cao
  • Sự thay đổi hormone rõ rệt khi thai kì bước sang tháng thứ 3 khiến các vết rạn da hình thành và sẫm màu lại, một số người xuất hiện nám, sạm da
  • Tăng cân quá nhanh khiến cho da bị kéo giãn trong thời gian dài và mất đi sự đàn hồi
  • Cơ địa của từng người khác nhau nên tình trạng rạn da cũng khác nhau giữa các mẹ bầu. Người có cấu trúc da bền vững  hơn thì sẽ ít bị rạn hơn và ngược lại.

Nhìn chung, các loại kem chống rạn da chị em "truyền tai" nhau sử dụng chưa có nhiều hiệu quả trong dự phòng cũng như điều trị.

Để hạn chế tình trạng rạn da khi mang thai cũng như làm mờ các vết rạn sau sinh, chị em phụ nữ nên lưu ý:

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung các chất cần thiết cho da để nâng cao tính chắc khỏe, đàn hồi như vitamin E, vitamin A, omega-3, omega-6,...
  • Uống nhiều nước để bổ sung độ ẩm, mềm cho da, giúp da khỏe đẹp và đàn hồi tốt hơn
  • Luyện tập các bài tập phù hợp với phụ nữ mang thai, nhẹ nhàng, không tốn quá nhiều sức giúp cải thiện tuần hoàn máu
  • Kiểm soát cân nặng, không để tăng cân quá nhanh
  • Lưu ý khi lựa chọn và sử dụng sản phẩm chăm sóc da trong suốt thai kỳ
  • Sử dụng kem chống nắng cho body vào các vùng bụng, ngực và các vị trí dễ bị rạn da

Mụn trứng cá

Mụn trứng cá khi mang thai rất khó điều trị do mẹ bầu phải hạn chế việc dùng thuốc. Mụn trứng cá tuy không ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể nhưng lại khiến chị em phụ nữ mất tự tin do ảnh hưởng nhiều tới thẩm mĩ.

Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể ở phụ nữ mang thai có thể khiến tình trạng mụn trứng cá bùng phát, đặc biệt là trong ba tháng cuối của thai kỳ khiến nhiều mẹ bầu căng thẳng, stress.

Ngoài nguyên nhân thay đổi nội tiết tố, các yếu tố miễn dịch liên quan đến thai kỳ cũng ảnh hưởng tới mụn trứng cá ở chị em phụ nữ.

Với những trường hợp mụn trứng cá nhẹ, mẹ bầu có thể học cách chăm sóc da an toàn tại nhà để giảm thiểu tình trạng bít tắc lỗ chân lông - nguyên nhân chính gây ra tình trạng mụn trứng cá.

Tuy nhiên, với những trường hợp nặng, chị em nên sớm đi khám với các bác sĩ Da liễu để có phương pháp điều trị phù hợp, tránh để tình trạng viêm lan rộng, hình thành mụn bọc khó điều trị hơn và dễ để lại biến chứng.

Chị em tuyệt đối không nên tự ý nặn mụn hoặc sử dụng thuốc điều trị vì nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi, gây dị dạng, quái thai.

Mụn trứng cá
Mụn trứng cá trong giai đoạn mang thai rất khó điều trị - Ảnh: Pixabay

Mày đay và sẩn ngứa khi mang thai

Nổi mề đay (mày đay) và sẩn ngứa thường xuất hiện trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé.

Nguyên nhân nổi mề đay khi mang thai có thể là do thay đổi nội tiết tố, tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng (phấn hoa, côn trùng, lông động vật, hóa chất...),thay đổi thời tiết, cơ địa, sức đề kháng kém,...

Nổi mề đay có thể xác định qua một số dấu hiệu điển hình như các nốt mẩn đỏ tập trung ở một vị trí hoặc rải rác nhiều nơi trên cơ thể. Người bệnh có thói quen gãi sẽ khiến sẩn đỏ lan rộng, trầy xước, nhiễm trùng da. 

Bệnh mề đay có thể xuất hiện và tự biến mất sau khi sinh. Nhưng trong quá trình mang thai, nếu không điều trị, bệnh sẽ tái phát nhiều lần, chuyển sang giai đoạn mạn tính kèm các biểu hiện đau đầu, sốt, mệt mỏi, đau họng, khó thở, ra nhiều khí hư.

Mề đay trong một vài trường hợp không gây nguy hiểm, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như ứ mật trong gan, khiến thai phụ có nguy cơ sinh non và thiếu máu sau sinh.

Để điều trị mề đay khi mang thai, các mẹ bầu nên lưu ý:

  • Thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống
  • Chườm lạnh lên các khu vực nổi mày đay
  • Mặc quần áo cotton mềm để tránh cọ sát vào vết sẩn ngứa
  • Tắm rửa sạch sẽ, không nên sử dụng chất tẩy rửa, khử mùi
  • Uống nước lọc, nước trà xanh, nước chanh để thải độc và thanh lọc cơ thể, giảm mẩn ngứa
  • Nên hạn chế việc dùng thuốc. Nếu cần sử dụng, mẹ bầu nên đi khám và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ

Suy tĩnh mạch khi mang thai

Ở phụ nữ mang thai, tiết tố nữ estrogen và máu sản sinh nhiều hơn mức bình thường khiến cho tĩnh mạch bị ảnh hưởng. Suy tĩnh mạch khi mang thai khiến mạch máu sưng, nổi gồ, dễ dàng nhìn thấy trên da.

Bên cạnh biểu hiện trên da, suy tĩnh mạch còn gây ra các triệu chứng đau nhức gây hạn chế vận động, khó khăn khi đi lại, mất ngủ, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của bà bầu. Tình trạng này sẽ biến mất sau khi sinh nở nên mẹ bầu không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, mẹ bầu nên đi khám suy giãn tĩnh mạch trong các trường hợp sau:

  • Sưng nóng, đỏ vùng da xung quanh, đau nhức ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày

  • Sưng, phù chân mức độ nặng
  • Sốt, ớn lạnh
  • Bị loét hoặc thay đổi màu sắc da

Khi có những dấu hiệu nêu trên, có thể suy giãn tĩnh mạch đã tiến triển thành huyết khối tĩnh mạch bề mặt. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể gây nhiễm trùng vùng xung quanh.

Ngoài ra, suy giãn tĩnh mạch có thể dễ nhầm lẫn với huyết khối tĩnh mạch sâu. Chị em phụ nữ cần lưu ý để kịp thời đi khám và điều trị.

Lưu ý chăm sóc da an toàn khi mang thai

Chăm sóc da tại nhà khi mang thai

Mẹ bầu không nhất thiết phải ngừng sử dụng tất cả mỹ phẩm khi mang thai. Tuy nhiên, chị em nên hết sức lưu ý lựa chọn các sản phẩm có chất lượng tốt, có chứa các thành phần tự nhiên, có nguồn gốc hữu cơ, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.

Những sản phẩm mẹ bầu có thể sử dụng khi chăm sóc da tại nhà gồm:

  • Kem chống nắng cho bà bầu
  • Kem trị rạn da cho bà bầu
  • Kem dưỡng da, dưỡng ẩm
  • Sữa rửa mặt
  • Dầu gội và sữa tắm
  • Sản phẩm điều trị mụn dành cho phụ nữ có thai

Phụ nữ có thai nên lưu ý KHÔNG sử dụng các sản phẩm có chứa các thành phần ảnh hưởng đến sức phát triển của thai nhi như:

  • Retinoids có trong các sản phẩm trị mụn, chống lão hóa. Nên tránh sử dụng Retinoids trong suốt quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kì vì dễ khiến thai nhi bị dị tật.
  • BHA (phổ biến nhất là Salicylic Acid) được khuyến cáo cân nhắc khi sử dụng bởi có nguy cơ gây dị tật cho thai nhi.
  • Tetracycline là một dạng kháng sinh có thể gây tổn thương gan cho phụ nữ mang thai nếu dùng quá liều và không đúng hướng dẫn. Loại thuốc này có thể truyền qua nhau thai làm biến đổi màu răng của bé.
  • Formaldehyde có trong mascara, sơn móng tay, thuốc làm tóc,... khi dùng quá nhiều có thể làm giảm khả năng sinh sản và gây ra tình trạng sảy thai, sinh non.
  • Parabens là chất bảo quản có trong các sản phẩm chăm sóc da gây mất cân bằng nội tiết tố khi mang thai và ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ.
  • Oxybenzone thường thấy trong các sản phẩm kem chống nắng hóa học không an toàn cho mẹ bầu và thai nhi.
  • Talc thường thấy trong các sản phẩm trang điểm có nguy cơ gây ung thư.
Trang điểm khi mang thai
Mẹ bầu nên chú ý đến thành phần của mỹ phẩm - Ảnh: Pixabay 

Tư vấn với bác sĩ Da liễu tại nhà

Để biết sản phẩm chăm sóc da có phù hợp với phụ nữ mang thai hay không, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ Da liễu.

Hiện tại, mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ Da liễu qua Video ngay tại nhà để tiết kiệm thời gian và công sức đi lại cũng như chờ đợi tại các bệnh viện, phòng khám.

Thông qua phần mềm BookingCare, chị em có thể kết nối với các bác sĩ Da liễu giỏi, trong đó có nhiều bác sĩ đã và đang công tác tại các bệnh viện uy tín như Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện E,...

Ngoài thăm khám Da liễu với bác sĩ từ xa qua Video, BookingCare hỗ trợ bệnh nhân đặt lịch khám tại các bệnh viện, phòng khám Da liễu uy tín giúp bệnh nhân thuận tiện hơn trong quá trình đi khám.

Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các sản phụ trong quá trình mang thai để cả mẹ và bé đều khỏe mạnh.

 
 

Đặt khám dễ dàng cùng BookingCare

Sau đây là một số bác sĩ giỏi (hoặc đơn vị uy tín) chuyên Khám chữa bệnh da liễu . Bệnh nhân có thể đặt lịch trước tại đây để đi khám và điều trị hiệu quả.

Đặt khám tư vấn với bác sĩ từ xa qua Video

Bác sĩ DA LIỄU khám từ xa thông qua cuộc gọi Video có hình, kết nối bác sĩ trực tiếp với bệnh nhân mà không cần đến bệnh viện.

Tài liệu tham khảo
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/san-phu-khoa-va-ho-tro-sinh-san/ran-da-khi-mang-thai-tai-sao-nguoi-bi-nguoi-khong/#:~:text=C%C3%A1c%20v%E1%BA%BFt%20r%E1%BA%A1n%20da%20khi,tay%2C%20m%C3%B4ng%20ho%E1%BA%B7c%20b%E1%BA%AFp%20%C4%91%C3%B9i.
https://dalieu.vn/mot-so-bien-doi-ngoai-da-o-phu-nu-co-thai/
https://baosonhospital.com/nguyen-nhan-va-dieu-tri-hien-tuong-noi-me-day-khi-mang-thai
https://drthaiha.vn/tu-van-thuoc-dieu-tri-mun-trung-ca-thai-ky/
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/