Cách điều trị Viêm tai giữa ở trẻ em và lưu ý quan trọng
Cách điều trị Viêm tai giữa ở trẻ em và lưu ý quan trọng
Phương pháp điều trị Viêm tai giữa ở trẻ em và những sai lầm thường gặp
Hình ảnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ - Ảnh: tinmoi.biz

Cách điều trị Viêm tai giữa ở trẻ em và lưu ý quan trọng

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 05/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 05/11/2023
Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa rất cao. Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được điều trị sớm để tránh những biến chứng khó lường.

Viêm tai giữa là một trong những bệnh lý ở tai phổ biến nhất. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.. Chính vì vậy, phương pháp chữa trị Viêm tai giữa ở trẻ luôn là mối quan tâm của nhiều bậc phụ huynh.

Phương pháp điều trị Viêm tai giữa ở trẻ em

Viêm tai giữa ở trẻ có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện và xử lý sớm. Bệnh để càng lâu sẽ càng nguy hiểm, gây khó khăn trong việc điều trị và dễ để lại biến chứng.

Điều trị bằng thuốc

Đối với những trường hợp viêm tai giữa do virus, trẻ có thể khỏi bệnh mà không cần dùng kháng sinh. Tuy nhiên, để điều trị dứt điểm viêm tai giữa do vi khuẩn, kháng sinh là liệu pháp thiết yếu bắt buộc.

Đôi khi chất lỏng ở tai giữa không chảy ra, làm tắc màng nhĩ và gây mất thính lực tạm thời. Nhiều trường hợp cần điều trị kháng sinh kéo dài và/hoặc cần phải phối hợp thêm thuốc kháng viêm để đạt được kết quả như mong muốn.

Ngoài điều trị bằng thuốc, một số biện pháp khắc phục tại nhà hữu ích cho viêm tai giữa ở trẻ như:

  • Chườm lạnh: Chườm sau tai trong 15 phút để giảm sưng và đau.
  • Chườm ấm: Chườm sau tai để thúc đẩy quá trình thoát dịch tai.
  • Súc miệng bằng nước muối: Có thể giúp giảm viêm khi mở ống eustachian.

Đặt ống thông khí màng nhĩ

Trong những trường hợp viêm tai giữa điều trị bằng thuốc kháng sinh không có hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định chích rạch màng nhĩ để đặt ống thông. Thủ thuật này được chỉ định đối với viêm tai giữa thanh dịch kéo dài hoặc tắc vòi nhĩ.

Ống thông màng nhĩ có tác dụng giúp dịch từ tai giữa thoát ra ngoài, ngăn ngừa dịch tích tụ thêm. Sau khi tháo ống thông, màng nhĩ có thể tự lành lại. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nghiên cứu cho thấy việc đặt ống thông không phải lúc nào cũng cần thiết nên nhiều bác sĩ lựa chọn bỏ qua phẫu thuật này. Cha mẹ nên thảo luận kỹ với bác sĩ chuyên khoa trước khi lựa chọn đặt ống thông.

Đặt ống thông nhĩ chữa viêm tai giữa
Đặt ống thông nhĩ là phương pháp điều trị viêm tai giữa thường dùng - Ảnh: vezo.vn 

Lưu ý quan trọng khi điều trị Viêm tai giữa cho trẻ

Một số sai lầm thường gặp khi điều trị viêm tai giữa cho trẻ dưới đây, cha mẹ có thể lưu ý thêm:

  • Việc sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm tai giữa cho trẻ cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Thuốc kháng sinh sử dụng không đúng không chỉ không có hiệu quả, mà còn có thể dẫn đến tăng nguy cơ kháng thuốc, cũng như các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Khi dùng thuốc kháng sinh cần dùng đúng liều và đủ thời gian, không tự ý bỏ thuốc giữa chừng mà không có chỉ định của bác sĩ.
  • Không tự ý mua oxy già nhỏ tai cho trẻ vì có thể làm tăng lớp biểu bì trên ống tai, chậm quá trình làm lành vết thương, gây chít hẹp ống tai làm ảnh hưởng sức nghe của trẻ.
  • Không cạo viên thuốc kháng sinh và đổ vào tai trẻ dễ gây nên tình trạng viêm do không dẫn lưu được ra ngoài, gây phá hủy phần xương chũm và biến chứng nội sọ,...

Việc điều trị viêm tai giữa cho trẻ cần được cha mẹ theo dõi chặt chẽ và thăm khám với bác sĩ chuyên khoa sớm. Cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare