Cách điều trị đứt dây chằng: điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị đứt dây chằng
Các phương pháp điều trị đứt dây chằng - Ảnh: BookingCare

Cách điều trị đứt dây chằng: điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật

Tác giả: - Xuất bản: 11/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 11/12/2023
Sau thăm khám, đánh giá mức độ tổn thương, người bệnh có thể được tư vấn điều trị đứt dây chằng bằng điều trị bảo tồn hoặc thực hiện phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng hoặc sửa chữa dây chằng bị đứt.

Các triệu chứng của dây chằng bị rách có thể bao gồm đau và sưng, bầm tím và khó di chuyển khớp bị ảnh hưởng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, có 3 độ: độ 1, 2 là đứt bán phần, độ 3 là đứt toàn phần hay đứt hoàn toàn. Những chấn thương này có thể được điều trị bảo tồn bằng cách nghỉ ngơi, nẹp cố định, vật lý trị liệu, tập phục hồi chức năng hoặc thực hiện phẫu thuật.

Cách điều trị đứt dây chằng

Dây chằng bị rách có thể tự lành chỉ bằng cách điều trị bảo tồn nhưng phải được bác sĩ đánh giá. Người bệnh cũng có thể cần phẫu thuật để tăng tốc độ chữa lành và lấy lại khả năng vận động hoàn toàn. 

Điều trị bảo tồn

Trong một số trường hợp, người bệnh và bác sĩ có thể thống nhất lựa chọn điều trị bảo tồn. Có thể tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, tiêm tế bào gốc vào vị trí dây chằng bị đứt.

Người bệnh hồi phục, thực hiện các hoạt động hàng ngày nhưng có thể sẽ gặp khó khăn khi trở lại hoạt động cường độ cao vì đứt dây chằng sẽ không thể tự lành.

Nếu không lựa chọn phẫu thuật, trong trường hợp đứt dây chằng độ II (đứt dây chằng một phần) nên thăm khám và điều trị với bác sĩ Chấn thương Chỉnh hình, tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. 

Vật lý trị liệu

Khi tình trạng đau và sưng giảm bớt, bác sĩ có thể tư vấn tập vật lý trị liệu hoặc các bài tập tại nhà để phục hồi chức năng của dây chằng và khớp. Thời gian hồi phục có thể kéo dài vài tuần hoặc lên tới một năm, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết rách dây chằng. 

Sử dụng nẹp

Người bệnh đứt dây chằng độ II có thể cần nẹp để hỗ trợ, giữ ổn định khớp. Để giữ vững hơn nữa, không đặt áp lực lên chân bị thương, bệnh nhân có thể cần đến nạng. Khoảng thời gian đeo nẹp sẽ thay đổi tùy theo chấn thương cụ thể.

Phẫu thuật điều trị đứt dây chằng

Với người bệnh đứt dây chằng hoàn toàn, đặc biệt là các vận động viên, người chơi thể thao muốn quay lại tập luyện, thi đấu cũng như tránh các nguy cơ thoái hóa khớp sau có thể cân nhắc việc phẫu thuật.

Theo hướng dẫn của Viện phẫu thuật Chỉnh hình Hòa Kỳ năm 2022 khuyến nghị, phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối nên được thực hiện trong vòng 3 tháng sau chấn thương để ngăn ngừa sự tổn thương sụn hoặc màng nhầy.

Các loại phẫu thuật chính điều trị đứt dây chằng bao gồm:

Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng

Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng bằng gân tự thân là phẫu thuật phổ biến nhất. Phẫu thuật thay thế dây chằng bị rách bằng một dây chằng khác thường được lấy từ gân bánh chè, gân mác dài, gân tứ đầu đùi,... Đây được gọi là gân tự thân.

Phẫu thuật sửa chữa dây chằng

Phẫu thuật này ít phổ biến hơn. Sữa chữa dây chằng liên quan đến việc gắn lại dây chằng hiện có, được thực hiện trong trường hợp bệnh nhân đến sớm, đứt tại điểm bám lồi cầu đùi và chất lượng dây chằng còn tốt. Tuy nhiên, phương pháp này ít phổ biến do nguy cơ tái phát và biến chứng cao hơn.

Cấy ghép dây chằng nhân tạo

Cấy ghép dây chằng nhân tạo giúp cải thiện khả năng phục hồi của dây chằng, rút ngắn thời gian phục hồi. 

Thời gian phục hồi sau phẫu thuật tái tạo dây chằng

Thông thường, phải mất ít nhất 9 tháng để hồi phục sau phẫu thuật tái tạo dây chằng. Dưới đây là một số mốc thời gian trong việc hồi phục sau phẫu thuật tái tạo rách dây chằng chéo trước khớp gối

Thời gian Lưu ý
Tuần 1 - 2
  • Ngay sau khi phẫu thuật có thể gặp phải tình trạng đau nhiều, sưng. Trong thời gian này, phải nghỉ ngơi, chườm lạnh và tránh mọi hoạt động gây đau hoặc khó chịu.
  • Vật lý trị liệu là rất quan trọng - đặc biệt là ở giai đoạn này - để ngăn ngừa hình thành mô sẹo và giảm viêm.
  • Có thể quay lại làm việc trong khoảng 7 - 11 ngày sau phẫu thuật.
Tuần 3 - 6
  • Sau khoảng 6 tuần, hầu hết mọi người có thể di chuyển bình thường nhưng vẫn chưa thể thực hiện các hoạt động phải gập đầu gối sâu.
  • Tập vật lý trị liệu với các bài tập giữ thăng bằng, bài tập rèn luyện sức mạnh cơ bản nhằm tăng cường cơ tứ đầu, gân kheo và các cơ xung quanh.
  • Tránh tham gia lại các môn thể thao hoặc hoạt động quá sớm có thể làm tăng nguy cơ tái chấn thương.
Tháng 2 - 3
  • Có thể dần dần bắt đầu lại một số hoạt động nhất định tuy nhiên cần tư vấn của bác sĩ.
  • Vẫn nên tránh bất kỳ hoạt động nào yêu cầu chuyển động xoay hoặc vặn người nhanh.
Tháng 3 - 9
  • Dần dần thực hiện lại một số chuyển động nhất định như nhảy và chuyển động ngang (ví dụ: chuyển động từ bên này sang bên kia).
  • Kết hợp chặt chẽ với bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp với tình trạng

Trên đây là một số thông tin về cách điều trị đứt dây chằng. Người bệnh nếu gặp các chấn thương, tai nạn,... có các dấu hiệu bất thường nên thăm khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn, điều trị phù hợp, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, vận động sau này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết